Thực chất của sao Bắc đẩu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bắc đẩu trong thiên văn học Phương Đông là tên gọi của 7 sao hình xoong của chòm Đại Hùng Tinh ngày nay (Bắc Đẩu thất tinh). Ở Việt Nam do nhầm lẫn một số người gọi sao bắc cực (Polaris) là sao bắc đẩu. Sao Bắc Cực là ngôi sao sáng nhất trong chòm Tiểu hùng tinh. Với người quan sát ở Bắc bán cầu, nó chiếm một vị trí đặc biệt. Chỉ lệch nửa độ so với trục Trái đất, nên khi Trái đất quay theo chu kỳ ngày đêm, Sao Bắc Cực hầu như đứng yên ngay trên cực Bắc.

Vì Trái đất hình cầu nên vị trí của Sao Bắc Cực đối với đường chân trời phụ thuộc vị trí người quan sát. Cụ thể, góc giữa chân trời phía bắc và Sao Bắc Cực chính bằng vĩ độ của người quan sát. Chẳng hạn, nhìn từ xích đạo (vĩ độ 0), Sao Bắc Cực nằm ở chân trời bắc. Khi di chuyển tới Houston, bang Texas (vĩ độ 30), Sao Bắc Cực nằm cao 30 độ so với chân trời. Còn khi di chuyển tới đúng cực Bắc, Sao Bắc Cực nằm cao 90 độ so với chân trời, tức nằm ngay trên đầu người quan sát.

Trong quá khứ, giới thủy thủ phương bắc đo góc giữa chân trời và Sao Bắc Cực để xác định vĩ độ của mình. Tuy nhiên, chỉ riêng vĩ độ là không đủ để xác định một vị trí trên bề mặt Trái đất. Vì thế tuy nhiều nền văn hóa thực hiện thành công các chuyến thám hiểm trên biển chỉ nhờ quan sát sao, thời tiết và các dòng hải lưu, “bài toán kinh độ” từng là nỗi kinh hoàng của các thủy thủ trong nhiều thiên niên kỷ.

Hiện ở Nam bán cầu không có ngôi sao tương ứng với Sao Bắc Cực. Hơn nữa, Sao Bắc Cực không phải là chỉ dẫn thật chính xác của cực Bắc, vì ngoài chu trình quay 24 giờ, trục Trái đất cũng chuyển động theo hình nón. Do đó hình chiếu trục trái đất trên bầu trời sẽ là một vòng tròn chu kỳ 26.000 năm. Vì thế Sao Bắc Cực cũng thay đổi theo thời gian. 5.000 năm trước, trục Trái đất hướng tới chòm Draco và Bắc đẩu là sao Thuban. Tương tự, 12.000 năm sau, sao Vega trong chòm Lyra sẽ là sao Sao Bắc Cực.

Nguồn[sửa]

  • Thứ Thái theo Scientific American từ vatlyvietnam.org