Thanh lọc đại tràng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Thanh lọc Đại tràng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thông qua phương pháp tự nhiên cho rằng thanh lọc đại tràng định kỳ có thể giúp loại bỏ độc tố ra khỏi hệ tiêu hóa.

Các bước[sửa]

Thông qua Chế độ ăn[sửa]

  1. Tránh tiêu thụ một số thực phẩm. Cách tốt nhất để bắt đầu thanh lọc đại tràng đó là loại bỏ những thực phẩm gây hại. Đầu tiên, bạn nên loại bỏ tất cả thực phẩm gây áp lực cho gan và đại tràng, bao gồm cà phê, đường trắng, bột mì trắng, chế phẩm từ sữa và thức uống chứa cồn.
    • Ngừng ăn thức ăn ngọt chế biến sẵn vì chúng chứa nhiều đường cùng bột mì trắng. Ngoài ra, nên tránh tiêu thụ quá nhiều phô mai hoặc kem.[1][2]
  2. Ăn những thực phẩm giúp thanh lọc cơ thể. Có một số loại thực phẩm sẽ giúp bạn giải độc cơ thể. Ví dụ như các loại rau họ Cải (họ Brassica) như bông cải xanh, bông cải trắng, mầm cải Brussel và cải bắp. Những loại rau này giàu chất dinh dưỡng và nhóm hợp chất sulforaphane rất quan trọng trong việc giúp cơ thể giải độc.[1][2]
    • Ngoài ra, nên bổ sung thêm chất xơ vì thực phẩm giàu chất xơ giúp làm sạch thành đại tràng và đẩy thức ăn qua ruột nhanh chóng. Thực phẩm giàu chất xơ gồm có rau xanh, táo, quả mọng và gạo lứt.[3][4][2]
    • Tiêu thụ nhiều chất xơ có thể cải thiện sức khỏe đại tràng bằng cách giúp đẩy các chất cặn bã bên trong đại tràng ra ngoài.
  3. Loại bỏ thực phẩm gây dị ứng và thực phẩm mà cơ thể không dung nạp. Bạn nên đi khám bác sĩ để được xét nghiệm xem liệu cơ thể có mắc chứng không dung nạp hay không. Ăn những thực phẩm mà cơ thể không thể dung nạp sẽ làm chậm chức năng đại tràng và tăng nguy cơ nhiễm độc đường ruột.
  4. Nên ăn thực phẩm giàu chlorophyll để giảm độc tố. Có một số thực phẩm sẽ giúp giảm độc tố trong máu. Nghiên cứu cho thấy chlorophyll giúp giảm hấp thụ độc tố và hỗ trợ thanh lọc độc tố. Rau lá xanh đậm rất giàu chlorophyll. Vì vậy, bạn nên tăng cường ăn rau bina (rau chân vịt), cải xoăn, cải cầu vồng, mùi tây, cỏ mạch và rong biển.[3][4][2]
    • Thử kết hợp những thực phẩm này vào bữa ăn. Cho trứng vào bát rau cải xoăn hấp hoặc dùng rau bina cùng cỏ mạch làm sinh tố. Ngoài ra, bạn có thể ăn rong biển sấy khô như một món nhẹ.
  5. Bổ sung probiotic. Probiotic rất tốt cho sức khỏe đại tràng và đặc biệt giúp giải độc cơ thể. Probiotic giúp giảm lượng enzym trong cơ thể khiến đại tràng giữ độc tố thay vì đào thải ra ngoài. Uống viên nang probiotic mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nếu muốn thanh lọc đại tràng, bạn nên tăng thêm 1-2 viên nang probiotic mỗi ngày.[5][6]
    • Có thể bổ sung probiotic bằng cách ăn sữa chua và một số thực phẩm khác.
  6. Uống nhiều nước. Cơ thể cần nhiều nước để đẩy độc tố ra ngoài. Hầu hết chúng ta nên uống lượng nước bằng khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể mỗi ngày để giúp sức khỏe đường ruột đạt mức tối ưu. Như vậy, nếu nặng 64 kg, bạn cần uống 2100 ml nước mỗi ngày, đặc biệt là nếu muốn cải thiện sức khỏe đại tràng.[7]
    • Mặc dù nghe có vẻ nhiều nhưng bạn sẽ thấy như vậy là hợp lý nếu tập uống 1-2 cốc nước mỗi vài tiếng. Không nên uống tất cả một lúc để tránh khiến bản thân mệt mỏi.
    • Việc tăng cường uống nước cũng rất quan trọng khi bạn tăng cường tiêu thụ chất xơ hay uống thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Bạn cần uống thêm nước để cơ thể có thể tiêu hóa lượng chất xơ tăng lên trong chế độ ăn được tốt hơn.

Sử dụng Thực phẩm chức năng Thanh lọc Đại tràng[sửa]

  1. Hỏi ý kiến bác sĩ. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm chức năng thanh lọc đại tràng. Một số sản phẩm được cấu tạo để giúp đẩy tạp chất ra khỏi đại tràng, trong khi một số khác lại hỗ trợ chức năng giải độc của đại tràng. Trước khi muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết liệu chúng có an toàn không.
  2. Sử dụng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng là thuốc kích thích đại tràng hoạt động nhanh hơn và thanh lọc đại tràng. Bạn nên cẩn trọng khi dùng thuốc nhuận tràng vì chúng có thể gây co thắt khó chịu và tiêu chảy nếu dùng với liều cao. Ngoài ra, thuốc nhuận tràng có thể có những tác dụng phụ khác như gây đầy hơi, đầy bụng, ợ hơi hoặc đau bụng. Bạn có thể thử dùng các thương hiệu như Milk of Magnesia, Miralax hoặc Dulcolax.
    • Dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài có thể khiến đại tràng phụ thuộc vào thuốc nên bạn chỉ nên dùng trong vài ngày.[8]
    • Nếu muốn dùng chất nhuận tràng tự nhiên, bạn có thể dùng trà nhuận tràng nhẹ để thanh lọc đại tràng. Có thể ủ trà nhuận tràng trong nước nóng 5-10 phút. Uống trà vào buổi tối. 6-8 tiếng sau, bạn sẽ đi tiêu bình thường. [9]
  3. Uống thực phẩm bổ sung chất xơ. Ngoài thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm chức năng chứa chất xơ cũng có thể kết dính với độc tố và giúp giải độc đại tràng. Uống 2 thìa cám gạo, vỏ hạt mã đề hoặc chất xơ cám yến mạch mỗi ngày. Cách đơn giản nhất để tăng cường chất xơ đó là cho chất xơ trực tiếp vào sinh tố hoặc bột yến mạch.
    • Uống thật nhiều nước khi uống thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Nếu không, chất xơ sẽ gây táo bón hoặc tắc ruột.
    • Có thể uống thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ dạng hòa tan như Benefiber và Metamucil.[10]
  4. Cân nhắc việc bổ sung magie. Maige sẽ nhẹ nhàng hút nước vào đại tràng và có đặc tính nhuận tràng tự nhiên. Khác với các chất nhuận tràng từ thảo dược hay thuốc không kê đơn, magie không gây nghiện và không gây phụ thuộc khi dùng trong thời gian dài.
    • Bổ sung 300-600 mg magie citrate mỗi ngày. Không bổ sung quá 900 mg mỗi ngày để tránh gây các vấn đề về sức khỏe.
    • Có thể mua và uống magie citrate dạng chất lỏng thay vì dạng thực phẩm chức năng. Nhớ rằng lượng bổ sung không được quá 900 mg magie mỗi ngày.[11]
  5. Hỏi bác sĩ về thuốc N-acetyl cysteine (NAC). N-acetyl cysteine (NAC) là tiền chất của glutathion - một trong những chất giải độc quan trọng trong cơ thể. Chất này có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như sữa chua và thịt gia cầm giàu protein nhưng cũng có thể bổ sung bằng thực phẩm chức năng để thanh lọc đại tràng. Khi bạn bổ sung NAC, cơ thể sẽ chuyển hóa NAC thành glutathione dùng để giải độc cơ thể nhanh chóng và hiệu quả hơn.
    • Bổ sung 500-1500 NAC ở dạng viên nang mỗi ngày trong quá trình thanh lọc đại tràng. Bạn có thể mua thực phẩm chức năng bổ sung NAC ở các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc hiệu thuốc. [12]

Áp dụng Phép điều trị Tự nhiên và tại Nhà[sửa]

  1. Chườm dầu thầu dầu. Chườm dầu thầu dầu giúp hỗ trợ quá trình loại bỏ và giải độc đại tràng. Bạn cần chuẩn bị một miếng vải flanen (có thể là cotton hoặc len), một miếng màng bọc nhựa, một khăn tắm, một chai nước nóng hoặc một tấm đai quấn nóng và dầu thầu dầu. Đổ dầu lên miếng vải flanen cho đến khi thấm đều. Sau đó, nằm xuống và đặt miếng vải trực tiếp lên bụng. Tiếp theo, đặt màng bọc nhựa lên hai bên miếng vải flanen để tránh làm dây ra quần áo hoặc ga giường. Quấn khăn tắm quanh phần thân và đè lên cả màng bọc nhựa. Sau đó, đặt chai nước nóng hoặc tấm đai quấn nóng (đặt chế độ Medium (vừa)) lên khăn tắm. Nằm khoảng 10-30 phút. Lấy miếng vải flanen ra và lau sạch vùng bụng. Có thể dùng vải flanen trong khoảng 3 tuần mà không cần giặt lại.[13]
  2. Thử dùng dung dịch thụt đại tràng. Có thể áp dụng phương pháp thụt đại tràng để giúp làm sạch ruột trong quá trình thanh lọc. Thụt đại tràng nghĩa là bạn sẽ tiêm dung dịch vào đại tràng để kích thích nhu động ruột, đồng thời đẩy chất thải ra khỏi đại tràng.
    • Dung dịch thụt đại tràng cũng giống như thuốc nhuận tràng, có thể khiến đại tràng phụ thuộc vào dung dịch nếu dùng quá thường xuyên. Mặc dù vậy, thụt đại tràng lại an toàn và hiệu quả khi áp dụng đúng cách khi thanh lọc đại tràng trong thời gian ngắn.[14][15]
  3. Đi khám bác sĩ chuyên về liệu pháp thiên nhiên. Bác sĩ hay chuyên gia về liệu pháp thiên nhiên là người được đào tạo cách giải độc an toàn và đúng cách cho bệnh nhân. Chuyên gia liệu pháp thiên nhiên có thể theo dõi tiền sử bệnh cũng như tiền sử dùng thuốc của bạn và quyết định xem phương pháp giải độc nào là tốt nhất. Chuyên gia có thể cho bạn biết nên tiến hành tưới rửa đại tràng bao lâu một lần và có thể kê đơn dùng thảo dược, thực phẩm chức năng, liệu pháp tại nhà để giúp bạn thanh lọc đại tràng một cách an toàn, tự nhiên.

Tiếp nhận Tưới rửa Đại tràng[sửa]

  1. Cân nhắc phương pháp tưới rửa đại tràng. Phương pháp tưới rửa đại tràng được chuyên gia trị liệu đại tràng tiến hành mỗi ngày. Phương pháp này có thể gây khó chịu nhưng lại rất hiệu quả trong việc thanh lọc đại tràng. Lưu ý nên tiếp nhận tưới rửa đại tràng từ chuyên gia được đào tạo bài bản về quy trình tưới rửa đại tràng an toàn và vệ sinh.
  2. Hỏi bác sĩ về quy trình tưới rửa đại tràng. Nếu có vấn đề về đại tràng, bạn nên hỏi bác sĩ về phương pháp tưới rửa đại tràng cũng như những gì bạn nên trông đợi. Trong quy trình này, chuyên gia đại tràng sẽ nhẹ nhàng đưa ống vào trực tràng. Ống được gắn vào máy bơm đẩy nước hoặc các chất lỏng khác vào ruột già. Sau khi đại tràng được bão hòa, chuyên gia sẽ lấy ống cũ ra và cẩn thận đưa ống mới vào. Tiếp đó, chuyên gia sẽ mát-xa vùng bụng cho bạn để đẩy nước cùng chất thải ra khỏi đại tràng.
    • Chuyên gia trị liệu có thể lặp lại quy trình để thanh lọc ruột hoàn toàn. Chuyên gia có thể bơm và đẩy lên đến 22 lít nước trong quá trình tưới rửa đại tràng.
    • Sau khi tưới rửa đại tràng, bạn có thể được điều trị tiếp bằng nước cùng probiotic, thảo dược hoặc cà phê để đẩy chất thải ra khỏi đại tràng.[16]
  3. Bạn nên đi đại tiện ít nhất 1 lần mỗi ngày. Phân càng ở lâu trong đại tràng thì cơ thể càng tái hấp thụ nhiều độc tốt. Nếu hiện tại bạn chưa thể tập được thói quen này, hướng dẫn ở trên có thể giúp bạn đi đại tiện hàng ngày.
    • Nếu đã thay đổi chế độ ăn và thử các phương pháp khác nhưng không hiệu quả, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và đánh giá thêm.
    • Nếu đại tiện hơn 2 lần mỗi ngày hoặc đi ra phẩn lỏng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn áp dụng hướng dẫn ở trên.

Lời khuyên[sửa]

  • Nên nhớ luôn phải trao đổi với bác sĩ về mọi loại thực phẩm chức năng cũng như các phương pháp thanh lọc đại tràng.
  • Tránh thanh lọc đại tràng nếu gần đây bạn mới phẫu thuật bụng hoặc bị khối u ở hệ tiêu hóa, mắc bệnh tim, bệnh thận, bệnh Crohn, bệnh trĩ nội và trĩ nghiêm trọng, viêm túi thừa, viêm loét đại tràng và sa trực tràng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây