Thay đổi chế độ ăn khi bị hạ đường huyết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hạ đường huyết là bệnh được xác định bởi nồng độ glucose trong đường máu thấp hơn bình thường và do nhiều yếu tố gây ra. Hạ đường huyết phản ứng được định nghĩa là tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi không có bệnh lý tiềm ẩn để giải thích sự sản sinh và điều tiết insulin (hormone hạ đường trong máu) bất thường.[1] Cơ thể có xu hướng cố gắng quá mức và làm giảm nồng độ glucose trong máu quá nhiều sau khi ăn (sau bữa ăn). Bạn có thể khắc phục xu hướng này bằng cách thay đổi thói quen ăn uống để glucose đi vào đường máu với tốc độ chậm và ổn định.[2]

Các bước[sửa]

Đặt an toàn là ưu tiên hàng đầu[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết. Hạ đường huyết liên quan đến nội tạng là do bệnh lý như bệnh gan, thận, một số khối u hoặc thiếu hụt hormone. Điều trị bệnh lý tiềm ẩn là cách để điều trị hạ đường huyết. Hạ đường huyết cũng có thể là do dùng thuốc, đặc biệt là thuốc trị tiểu đường. Lưu ý không thay đổi chế độ ăn trước khi bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác và chẩn đoán bạn bị hạ đường huyết phản ứng.[3][2]
  2. Tiếp nhận lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng. Chế độ ăn mới phải đáp ứng bảng khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng (Dietary Reference Intakes - DRI) đối với lượng calo, protein, khoáng chất và vitamin cần thiết cho người trưởng thành khỏe mạnh. [4] Chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn thêm hoặc bớt thực phẩm ra khỏi chế độ ăn. Chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ bạn lên kế hoạch về thực đơn cho bữa chính và bữa phụ.
  3. Theo dõi triệu chứng hạ đường huyết. Cho mọi người biết nếu bạn cho rằng bản thân bị hạ đường huyết. Bạn có thể quan sát và theo dõi triệu chứng hạ đường huyết như lo lắng, bực bội, đói, toát mồ hôi, run rẩy, nhịp tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, ngứa ran quanh miệng và bốc hỏa. [2][3] Ăn đồ ngọt. Mục tiêu là để đưa nồng độ glucose trong máu về mức bình thường càng sớm càng tốt. [3]
    • Hãy để bạn bè, người thân và đồng nghiệp giúp đỡ và hỗ trợ chăm sóc y tế nếu bạn có dấu hiệu hạ đường huyết trở nặng như lú lẫn, hành vi bất thường, mờ mắt, co giật và mất ý thức. Cho mọi người biết rằng bạn có thể rơi vào tình trạng rối loạn ngôn ngữ và có những hành vi tương tự người say rượu. [3]
    • Triệu chứng có thể xuất hiện vì hai lý do. Cơ thể bắt đầu quá trình giảm đường trong máu đến mức thấp bất thường sau khi tiêu hóa thức ăn. Để phản ứng lại tình trạng này, cơ thể tiết ra adrenaline, gây phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”.[2] Lý do thứ hai là cơ thể bị thiếu đi nguồn năng lượng chính - glucose, và não rất nhạy cảm với sự thiếu hụt này. Tình trạng này có thể khiến bạn mất khả năng thực hiện những công việc bình thường, thay đổi trạng thái tinh thần (cách suy nghĩ) hoặc thay đổi mức độ tỉnh táo. [3]

Thay đổi chế độ ăn[sửa]

  1. Không ăn đồ quá ngọt hoặc bữa ăn chứa nhiều cacbon-hydrat đơn. Cacbon-hydrat đơn được tiêu hóa nhanh, gây tăng đường huyết đột ngột và kích thích hạ đường huyết phản ứng. Thực phẩm quá ngọt thường chứa nhiều cacbon-hydrat đơn, hay đường đơn. Tốt nhất nên ăn thực phẩm có chỉ số glycemic thấp. [2]
    • Chỉ số glycemic cho bạn biết thực phẩm ảnh hưởng đến glucose trong máu và insulin như thế nào. Chỉ số glycemic thấp cho thấy ảnh hưởng nhỏ hơn. [5]
    • Đọc thông tin nhãn thực phẩm để biết thông tin về lượng đường, mật ong, mật mía, fructose, sirô ngô, chất tạo ngọt từ ngô và sirô ngô hàm lượng fructose cao. Thực phẩm như kẹo, bánh quy, bánh ngọt, nước hoa quả, nước ngọt và kem chứa nhiều đường và có chỉ số glycemic cao. [2]
    • Bạn có thể sử dụng chất thay thế đường như sucralose (Splenda), saccharin (Sweet’N Low), và aspartame (Equal) để thay thế đường ăn. Đọc kỹ thông tin trên nhãn các sản phẩm có ghi “không đường” vì chúng có thể chứa các thành phần khác làm tăng đường huyết quá nhanh. Chất thay thế đường có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác.[2]
  2. Bổ sung cacbon-hydrat phức hợp và protein vào chế độ ăn. Cacbon-hydrat phức hợp và protein giúp glucose vào đường máu chậm hơn trong thời gian dài hơn. Vì vậy, bạn nên kết hợp thực phẩm chứa tinh bột như bánh mì nguyên hạt, mì ống nguyên hạt, khoai tây, ngô và đậu vào chế độ ăn. Protein và chất béo tốt cho sức khỏe giúp điều hòa đường huyết và ngăn ngừa tình trạng biến động đường huyết. Chất xơ cũng có tác dụng tương tự. Protein có trong nguồn thực phẩm từ động vật cũng như các loại đậu và hạt.[2][6]
    • Sử dụng cacbon-hydrat phức hợp và protein làm nguồn năng lượng chính. Cacbon-hydrat phức hợp được hình thành từ đường đơn kết hợp với nhau như một chuỗi hạt. Đường phức hợp khó tiêu hóa hơn. Sẽ mất một thời gian để protein chuyển hóa thành glucose trong cơ thể. Quá trình tiêu hóa chậm hơn sẽ giúp nồng độ đường huyết tăng đều hơn.[2] Bên cạnh đó, nên cung cấp năng lượng từ chất béo tốt cho sức khỏe. Chúng giúp duy trì nồng độ đường huyết ổn định và giúp no lâu.
  3. Bổ sung chất xơ hòa tan vào chế độ ăn. Chất xơ là cacbon-hydrat phức hợp không tiêu hóa được có trong thực vật. Chất xơ hòa tan có trong các loại đậu, yến mạch và hoa quả ở dạng pectin. Khi chất xơ hòa tan tan trong nước, chúng sẽ hình thành một loại gel dính giúp làm chậm tốc độ tiêu hóa và hấp thụ glucose. [2]
    • Hoa quả đóng hộp chứa đường phụ gia có thể gây hạ đường huyết phản ứng. Do đó, bạn nên ăn hoa quả tươi hoặc hoa quả đóng hộp không chứa đường phụ gia.[2]
    • Chất xơ không hòa tan như cám lúa mì không tan trong nước. Chất xơ không hòa tan giúp chắc phân và cải thiện nhu động ruột. [2] Chế độ ăn tốt cho sức khỏe có thể bao gồm chất xơ không hòa tan nhưng chúng không giúp ích cho tình trạng hạ đường huyết phản ứng.
  4. Cụ thể hóa khẩu phần và tần suất bữa ăn. Mục tiêu là giúp duy trì nồng độ đường huyết ổn định. Bạn nên thử nghiệm để biết khẩu phần và tần suất bữa ăn thế nào là tốt chất. Bữa ăn phải cân bằng, chứa cả cacbon-hydrat phức hợp, protein và thực phẩm giàu chất xơ. Bữa nhẹ không nhất thiết phải chứa cả 3 chất này. [2]
    • Bạn có thể ăn 3 bữa lớn cùng 3 bữa nhỏ hoặc ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày, các bữa ăn cách đều nhau, và một bữa ăn nhẹ buổi chiều. [2][7]
  5. Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cồn và caffeine. Hai nhóm thực phẩm này khiến triệu chứng hạ đường huyết phản ứng trầm trọng hơn. Đồ uống chứa cồn làm hạ nồng độ glucose trong máu. Caffeine kích thích sản sinh adrenaline.[8][2]
    • Đừng cản trở nỗ lực ngăn ngừa hạ đường huyết do tiêu thụ đồ uống chứa cồn. Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đồ uống chứa cồn quá nhiều làm tăng tiết insulin, từ đó làm giảm nồng độ đường huyết.[8]
    • Đừng khiến phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (đói, lo lắng, toát mồ hôi, nhịp tim tăng nhanh, ngất xỉu) trở nặng do tiêu thụ caffeine. [2]
  6. Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân được chứng minh là ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát nồng độ đường huyết của cơ thể. [2] Vì vậy, bạn nên giảm cân nếu thừa cân bằng cách áp dụng chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục.
    • Bạn có thể biết bản thân đã đạt cân nặng lý tưởng chưa dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) - công cụ sàng lọc được sử dụng để theo dõi sức khỏe. Nếu bạn trên 20 tuổi, chỉ số BMI khỏe mạnh là 18,5-24,9. Công thức tính BMI: cân nặng (kg)/[chiều cao (m)]2.[9] Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn giảm cân.

Lời khuyên[sửa]

  • Hỏi ý kiến bác sĩ cách tăng cường hiệu quả của chế độ ăn bằng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế alpha-glucosidase (Acarbose và Miglitol). Các thuốc này giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose và giảm tình trạng tăng đường huyết sau bữa ăn. Thuốc cũng có thể ngăn ngừa hạ đường huyết phản ứng. [7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]