Thiết kế tiến trình dạy học tích hợp liên môn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dạy học theo các chủ đề, dù đơn môn hay liên môn, đều phải chú trọng việc ứng dụng kiến thức của chủ đề ấy, bao gồm ứng dụng vào thực tiễn cũng như ứng dụng trong các môn học khác. Do vậy, về mặt phương pháp dạy học thì không có phân biệt giữa dạy học một chủ đề đơn môn hay dạy học một chủ đề liên môn, tích hợp. Điều quan trọng là dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh đòi hỏi phải tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, việc thiết kế tiến trình dạy học các chủ đề tích hợp liên môn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Về phương pháp dạy học[sửa]

Tiến trình dạy học phải thể hiện chuỗi hoạt động học của học sinh phù hợp với phương pháp dạy học tích cực được vận dụng. Tùy theo đặc thù bộ môn và nội dung dạy học của chủ đề, giáo viên có thể lựa chọn các phương pháp dạy học khác nhau. Tuy nhiên, các phương pháp dạy học tích cực nói chung đều dựa trên quan điểm dạy học giải quyết vấn đề có tiến trình sư phạm tương tự nhau: xuất phát từ một sự kiện/hiện tượng/tình huống/nhiệm vụ làm xuất hiện vấn đề cần giải quyết - lựa chọn giải pháp/xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề - thực hiện giải pháp/kế hoạch để giải quyết vấn đề - đánh giá kết quả giải quyết vấn đề. Vì vậy, nhìn chung tiến trình dạy học một chủ đề tích hợp liên môn như sau:

a) Đề xuất vấn đề[sửa]

Để đề xuất vấn đề, giáo viên giao cho học sinh một nhiệm vụ có tiềm ẩn vấn đề. Nhiệm vụ giao cho học sinh có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: giải thích một sự kiện/hiện tượng trong tự nhiên hay xã hội; giải quyết một tình huống trong học tập hay trong thực tiễn; tiến hành một thí nghiệm mở đầu... Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh quan tâm đến nhiệm vụ đặt ra, sẵn sàng nhận và tự nguyện thực hiện nhiệm vụ. Từ nhiệm vụ cần giải quyết, học sinh huy động kiến thức, kĩ năng đã biết và nảy sinh nhu cầu về kiến thức, kĩ năng còn chưa biết, nhưng hi vọng có thể tìm tòi, xây dựng được; diễn đạt nhu cầu đó thành câu hỏi. Lúc này vấn đề đối với học sinh xuất hiện, dưới sự hướng dẫn của giáo viên vấn đề đó được chính thức diễn đạt.

Nhiệm vụ giao cho học sinh cần đảm bảo rằng học sinh không thể giải quyết trọn vẹn với kiến thức, kĩ năng đã có mà cần phải học thêm kiến thức mới để vận dụng vào quá trình giải quyết vấn đề.

b) Giải pháp và kế hoạch giải quyết vấn đề[sửa]

Sau khi đã phát biểu vấn đề, học sinh độc lập hoạt động, xoay trở để vượt qua khó khăn, tìm các giải pháp để giải quyết vấn đề. Trong quá trình đó, khi cần phải có sự định hướng của giáo viên để học sinh có thể đưa ra các giải pháp theo suy nghĩ của học sinh. Thông qua trao đổi, thảo luận dưới sự định hướng của giáo viên, học sinh xác định được các giải pháp khả thi, bao gồm cả việc học kiến thức mới phục vụ cho việc giải quyết vấn đề đặt ra, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề đó.

c) Thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề[sửa]

Trong quá trình thực hiện giải pháp và kế hoạch giải quyết vấn đề, học sinh diễn đạt, trao đổi với người khác trong nhóm về kết quả thu được, qua đó có thể chỉnh lý, hoàn thiện tiếp. Trường hợp học sinh cần phải hình thành kiến thức mới nhằm giải quyết vấn đề, giáo viên sẽ giúp học sinh xây dựng kiến thức mới của bản thân trên cơ sở đối chiếu kiến thức, kinh nghiệm sẵn có với những hiểu biết mới; kết nối/sắp xếp kiến thức cũ và kiến thức mới dựa trên việc phát biểu, viết ra các kết luận/ khái niệm/ công thức mới… Trong quá trình đó, học sinh cần phải học lí thuyết hoặc/và thiết kế phương án thực nghiệm, tiến hành thực nghiệm, thu lượm các dữ liệu cần thiết và xem xét, rút ra kết luận. Kiến thức, kĩ năng mới được hình thành giúp cho việc giải quyết được câu hỏi/vấn đề đặt ra.

Trong quá trình hoạt động giải quyết vấn đề, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, hành động của học sinh được định hướng phù hợp với tiến trình nhận thức khoa học. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức, kĩ năng mới học để giải quyết các tình huống có liên quan trong học tập và cuộc sống hàng ngày; tiếp tục tìm tòi và mở rộng kiến thức thông qua các nguồn tư liệu, học liệu, khác nhau; tự đặt ra các tình huống có vấn đề nảy sinh từ nội dung bài học, từ thực tiễn cuộc sống, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết bằng những cách khác nhau. Qua quá trình dạy học, cùng với sự phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, sự định hướng của giáo viên tiệm cận dần đến định hướng tìm tòi sáng tạo, nghĩa là giáo viên chỉ đưa ra cho học sinh những gợi ý sao cho học sinh có thể tự tìm tòi, huy động hoặc xây dựng những kiến thức và cách thức hoạt động thích hợp để giải quyết nhiệm vụ mà họ đảm nhận. Nghĩa là dần dần bồi dưỡng cho học sinh khả năng tự xác định hành động thích hợp trong những tình huống không phải là quen thuộc đối với học sinh.

d) Trình bày, đánh giá kết quả[sửa]

Sau khi đã hoàn thành hoạt động giải quyết vấn đề, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh trình bày, tranh luận, bảo vệ kết quả thu được. Giáo viên chính xác hoá, bổ sung, xác nhận, phê duyệt kết quả, bao gồm những kiến thức mới mà học sinh đã học được thông qua hoạt động giải quyết vấn đề. Học sinh ghi nhận kiến thức mới và vận dụng trong thực tiễn cũng như trong các bài học tiếp theo.

Về kĩ thuật dạy học[sửa]

Tiến trình dạy học nói trên được thể hiện cụ thể thành chuỗi hoạt động học của học sinh. Mỗi hoạt động học của học sinh phải thể hiện rõ mục đích, nội dung, phương thức và sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành. Phương thức hoạt động của học sinh thể hiện thông qua kĩ thuật học tích cực được sử dụng. Có nhiều kĩ thuật học tích cực khác nhau, mỗi kĩ thuật có mục tiêu rèn luyện các kĩ năng khác nhau cho học sinh. Tuy nhiên, dù sử dụng kĩ thuật học tích cực nào thì việc tổ chức mỗi hoạt động học của học sinh đều phải thực hiện theo các bước sau:

- Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập được giao cho học sinh phải rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện nhiệm vụ học tập: học sinh được khuyến khích hợp tác với nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; giáo viên cần phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; không để xảy ra tình trạng học sinh bị "bỏ quên" trong quá trình dạy học.

- Báo cáo kết quả và thảo luận: yêu cầu về hình thức báo cáo phải phù hợp với nội dung học tập và kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng; giáo viên cần khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lí những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lí.

- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: giáo viên tổ chức cho học sinh trình bày, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ; nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến thảo luận của học sinh; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.

Mỗi chủ đề được thực hiện ở nhiều tiết học nên một nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong và ngoài lớp học. Vì thế, trong một tiết học có thể chỉ thực hiện một số bước trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng. Khi dự một giờ dạy, giáo viên cần phải đặt nó trong toàn bộ tiến trình dạy học của chủ đề đã thiết kế. Cần tổ chức ghi hình các giờ dạy để sử dụng khi phân tích bài học.

Về thiết bị dạy học và học liệu[sửa]

Thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong dạy học mỗi chủ đề phải đảm bảo sự phù hợp với từng hoạt động học đã thiết kế. Việc sử dụng các thiết bị dạy học và học liệu đó được thể hiện rõ trong phương thức hoạt động học và sản phẩm học tập tương ứng mà học sinh phải hoàn thành trong mỗi hoạt động học.

Về kiểm tra, đánh giá[sửa]

Phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học phải đảm bảo sự đồng bộ với phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng. Cần tăng cường đánh giá về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thông qua quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập, thông qua các sản phẩm học tập mà học sinh đã hoàn thành; tăng cường hoạt động tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh. Để thực hiện được điều đó, đối với mỗi hoạt động học trong cả tiến trình dạy học, cần mô tả cụ thể các sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành cùng với các tiêu chí đánh giá cụ thể.

Tham khảo, nguồn[sửa]

  • Trường học kết nối

Liên kết đến đây