Dạy học định hướng giải quyết vấn đề
Phương pháp dạy học định hướng giải quyết vấn đề là cách thức, con đường mà giáo viên áp dụng trong việc dạy học để làm phát triển khả năng tìm tòi khám phá độc lập của học sinh bằng cách đưa ra các tình huống có vấn đề và điều khiển hoạt động của học sinh nhằm giải quyết các vấn đề.
Đặc trưng của dạy học giải quyết vấn đề:
Gồm có bốn đặc trưng sau:
Mục lục
- 1 (a) Đặc trưng cơ bản của dạy học giải quyết vấn đề là xuất từ tình huống có vấn đề
- 2 (b) Quá trình dạy học theo phương pháp GQVĐ được chia thành những giai đoạn có mục đích chuyên biệt
- 3 (c) Quá trình dạy học theo phương pháp GQVĐ bao gồm nhiều hình thức tổ chức đa dạng
- 4 (d) Có nhiều mức độ tích cực tham gia của học sinh khác nhau
- 5 Nguồn
- 6 Xem thêm
(a) Đặc trưng cơ bản của dạy học giải quyết vấn đề là xuất từ tình huống có vấn đề[sửa]
- Tình huống có vấn đề (THCVĐ) luôn luôn chứa đựng nội dung cần xác định, một nhiệm vụ cần giải quyết, một vướng mắc cần tháo gỡ... và do vậy, kết quả của việc nghiên cứu và giải quyết THCVĐ sẽ là tri thức mới, nhận thức mới hoặc phương thức hành động mới đối với chủ thể.
- Tình huống có vấn đề được đặc trưng bởi một trạng thái tâm lý xuất hiện ở chủ thể trong khi giải quyết một bài toán, mà việc giải quyết vấn đề đó lại cần đến tri thức mới, cách thức hành động mới chưa hề biết trước đó. Có 3 yếu tố cấu thành THCVĐ: Nhu cầu nhận thức hoặc hành động của người học; Sự tìm kiếm những tri thức và phương thức hành động chưa biết; Khả năng trí tuệ của chủ thể, thể hiện ở kinh nghiệm và năng lực.
Tóm lại: Đặc điểm nổi bật của tình huống có vấn đề là: tạo được nhu cầu, hứng thú, chứa đựng cái đã biết và chưa biết, có khả năng giải quyết được.
(b) Quá trình dạy học theo phương pháp GQVĐ được chia thành những giai đoạn có mục đích chuyên biệt[sửa]
Có nhiều cách chia bước, chia giai đoạn để giải quyết vấn đề. Ví dụ:
- John Dewey đề nghị 5 bước để giải quyết vấn đề: Tìm hiểu vấn đề; Xác định vấn đề; Đưa ra những giả thuyết khác nhau để giải quyết vấn đề; Xem xét hệ quả của từng giả thuyết dưới ánh sáng của những kinh nghiệm trước đây; Thử nghiệm giải pháp thích hợp nhất.
- Kudriasev chia 4 giai đoạn: Sự xuất hiện của chính vấn đề và những kích thích đầu tiên thúc đẩy chủ thể GQVĐ; Chủ thể nhận thức sâu sắc và chấp nhận vấn đề cần giải quyết; Quá trình tìm kiếm lời giải cho vấn đề đã được “chấp nhận“ giải quyết, lý giải, chứng minh, kiểm tra; Tìm được kết quả cuối cùng và đánh giá toàn diện các kết quả tìm được
Sau đây là một số ví dụ về các bước thực hiện dạy học giải quyết vấn đề:
Có nhiều tác giả đề cập đến vấn đề này, có tác giả trình bày tiến trình theo 3, 4 hoặc 5 bước và có tác giả chia dạy học giải quyết vấn đề thành 4 giai đoạn.
Thực hiện dạy học giải quyết vấn đề theo 3 bước[sửa]
Bước 1: Tri giác vấn đề
- Tạo tình huống gợi vấn đề
- Giải thích và chính xác hóa để hiểu đúng tình huống
- Phát biểu vấn đề và đặt mục đích giải quyết vấn đề đó
Bước 2: Giải quyết vấn đề
- Phân tích vấn đề, làm rõ những mối liên hệ giữa cái đã biết và cái phải tìm
- Đề xuất và thực hiện hướng giải quyết, có thể điều chỉnh, thậm chí bác bỏ và chuyển hướng khi cần thiết. Trong khâu này thường hay sử dụng những qui tắc tìm đoán và chiến lược nhận thức như sau: Qui lạ về quen; Đặc biệt hóa và chuyển qua những trường hợp giới hạn; Xem tương tự; Khái quát hóa; Xét những mối liên hệ và phụ thuộc; Suy ngược (tiến ngược, lùi ngược) và suy xuôi (khâu này có thể được làm nhiều lần cho đến khi tìm ra hướng đi đúng)
- Trình bày cách giải quyết vấn đề
Bước 3: Kiểm tra và nghiên cứu lời giải
- Kiểm tra sự đúng đắn và phù hợp thực tế của lời giải
- Kiểm tra tính hợp lý hoặc tối ưu của lời giải
- Tìm hiểu những khả năng ứng dụng kết quả
- Đề xuất những vấn đề mới có liên quan nhờ xét tương tự, khái quát hóa, lật ngược vấn đề và giải quyết nếu có thể.
Thực hiện dạy học giải quyết vấn đề theo 4 bước[sửa]
Bước 1: Đưa ra vấn đề
- Đưa ra các nhiệm vụ và tình huống; Đưa ra mục đích của hoạt động
Bước 2: Nghiên cứu vấn đề
- Thu thập hiểu biết của học sinh; Nghiên cứu tài liệu
Bước 3: Giải quyết vấn đề
- Đưa ra lời giải; Đánh giá chọn phương án tối ưu
Bước 4: Vận dụng:
- Vận dụng kết quả để giải quyết bài tình huống, vấn đề tương tự. (xem hình dưới)
(c) Quá trình dạy học theo phương pháp GQVĐ bao gồm nhiều hình thức tổ chức đa dạng[sửa]
Quá trình học tập có thể diễn ra với những cách tổ chức đa dạng lôi cuốn người học tham gia cùng tập thể, động não, tranh luận dưới sự dẫn dắt, gợi mở, cố vấn của thầy; ví dụ:
- Làm việc theo nhóm nhỏ (trao đổi ý kiến, khuyết khích tìm tòi...);
- Thực hiện những kỹ thuật hỗ trợ tranh luận (ngồi vòng tròn, chia nhóm nhỏ theo những ý kiến cùng loại...);
- Tấn công não (brain storming), đây thường là bước thứ nhất trong sự tìm tòi giải quyết vấn đề (người học thường được yêu cầu suy nghĩ, đề ra những ý hoặc giải pháp ở mức độ tối đa có thể có của mình);
- Báo cáo và trình bày (thực hiện nhiều cách làm, từ cá nhân viết, trình bày ở nhóm nhỏ, báo cáo của nhóm trước cả lớp)...
(d) Có nhiều mức độ tích cực tham gia của học sinh khác nhau[sửa]
Tùy theo mức độ độc lập của học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề, người ta đề cập đến các cấp độ khác nhau, cũng đồng thời là những hình thức khác nhau của dạy học giải quyết vấn đề:
- Tự nghiên cứu giải quyết vấn đề
- Tìm tòi từng phần
- Trình bày giải quyết vấn đề của giáo viên
Nguồn[sửa]
- Tài liệu học tập về phương pháp dạy học theo hướng tích hợp (Chuyên đề bồi dưỡng sư phạm), TS. Nguyễn Văn Tuấn - Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, 2010