Tia laze ngăn ngừa bệnh do suy thoái võng mạc
Các chuyên gia tin rằng, phương pháp điều trị bằng tia laze mang tính đột phá có thể ngăn hàng triệu người già khỏi bị mù loà.
Kỹ thuật này giúp đảo ngược những ảnh hưởng của bệnh suy thoái võng mạc (AMD) do tuổi tác - nguyên nhân chính gây mù loà cho người già ở độ tuổi trên 60 ở phương Tây.
Được phát triển bởi chuyên gia tiên phong trong các bệnh về mắt – GS. John Marshall của ĐH Hoàng gia Luân Đôn, phương pháp điều trị bằng tia laze có thể đưa mắt của người già trở về tình trạng trẻ trung hơn.
Những cải tiến cho thị lực của phương pháp trên đã được đưa ra trong những báo cáo về kết quả của những thử nghiệm mới nhất. AMD đã ảnh hưởng đến hơn 200.000 người dân ở Vương quốc Anh. Nó tấn công vào thị giác trung tâm của người bệnh và có thể dẫn đến mù loà.
AMD phát triển khi một màng ở mặt sau của mắt bị bịt kín bởi những chất bẩn tự nhiên sản xuất bởi các tế bào nhạy ánh sáng, làm che khuất tầm nhìn.
Trong những đôi mắt trẻ, có một hệ thống enzim có hoạt tính làm sạch những vẩn bụi nhưng cùng với quá trình lão hoá hoạt động của hệ thống này cũng kém hiệu quả dần.
Với phương pháp điều trị bằng tia laze, những xung laze ngắn không gây đau hoạt động bằng cách thúc đẩy việc giải phóng các enzim sẽ làm sạch những chất thải mà không gây tổn hại các tế bào.
Những thử nghiệm đầu tiên đã chứng tỏ khả năng đầy hứa hẹn khi khoảng 50 người bị bệnh mắt do tiểu đường được lựa chọn để thử nghiệm bằng laze (do những trường hợp bệnh này có diễn tiến bệnh AMD nhanh hơn).
Hiện GS. Marshall dự định tiến hành nghiên cứu nhiều hơn ở những bệnh nhân bị AMD ở một mắt với mục đích duy trì thị lực của con mắt còn lại càng lâu càng tốt.
Ông cho biết, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người một khi mắc AMD ở mức độ cao tại một trong 2 mắt thì thông thường trong 18 tháng đến 3 năm mắt thứ 2 cũng sẽ bị mắc AMD.
Marshall nói rằng: “Những gì mà chúng tôi đang làm là cố gắng dùng laze để tác động đến các quá trình lão hoá, thiết lập lại đồng hồ sinh học để người già không có biểu hiện bị mất thị giác".
Mục đích của việc nghiên cứu tia laze trong điều trị AMD là nhằm ngăn chặn các tác hại của nó và duy trì thị lực của người già.
Giáo sư Marshall cũng hy vọng phương pháp điều trị này sẽ được áp dụng trong vòng 2 đến 5 năm nữa và những người ở độ tuổi ngoài 40 có người thân trong gia đình mắc AMD có thể chọn phương pháp này như là một cách để ngăn cản sự tấn công của bệnh này.
Tom Pey, Giám đốc đối ngoại của Hiệp hội chó hướng dẫn cho người mù, tài trợ cho các nghiên cứu, nói: "Đây là một khả năng đột phá lớn cho hàng triệu người trên toàn thế giới".
Người phát ngôn cho Macular Disease Society cho biết: "Nếu nó được đưa vào thực tế thì sẽ là một sự phát triển cực kỳ thú vị và là một bước đột phá đầy tiềm năng”.
"Đáng tiếc là nó sẽ không có ích với những người đã bị mất thị giác do AMD, nhưng bù lại nó mang lại nhiều hy vọng cho tương lai của những người có nguy cơ bị AMD".
Những người mắc AMD loại ướt, mạch máu có thể bị bể làm máu và chất lỏng rỉ ra, tạo thành sẹo sau võng mạc khiến võng mạc bị hư chức năng. AMD loại này có thể dùng thuốc để điều trị.Tuy nhiên, hiện nay chưa có phương pháp điều trị cho hình thức phổ biến nhất của bệnh AMD - AMD loại khô. Nhưng với kĩ thuật laze mới này, người ta có thể ngăn ngừa được AMD.
(theo BBC)