Để trẻ ăn nhiều hơn

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trẻ ăn nhiều hơn)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một trong những lo lắng phổ biến của các bà mẹ chính là trẻ không ăn đủ, đặc biệt là khi chúng bắt đầu chuyển sang sử dụng thức ăn thô (từ 6 tháng trở lên). Trẻ sẽ cho bạn biết mỗi khi chúng đói, vì vậy, hãy lắng nghe những dấu hiệu đó để cho trẻ ăn. Bởi cơn đói có thể được điều chỉnh theo các bước phát triển quan trọng, thay đổi trong giờ ngủ và loại hình cũng như lượng thức ăn được dùng trước đó, thói quen ăn uống của trẻ cũng sẽ thay đổi. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng ở khả năng nhận biết lúc đói của con trẻ. Nếu trẻ không tăng cân hoặc cảm thấy lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ.

Các bước[sửa]

Xác định Tại sao Có thể Trẻ Ăn Không đủ[sửa]

  1. Hãy vững tin rằng con bạn sẽ ăn khi đói. Nếu cho rằng trẻ ăn không đủ hoặc dường như thời gian ăn của chúng rất ngắn, đó không nhất thiết là nguyên nhân để lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ có thể từ chối thức ăn, từ đơn giản như đã no cho đến bị mệt, sao nhãng hoặc hơi ốm. Hãy cố tin tưởng ở con bạn và tránh biến thời gian cho ăn thành một trận chiến. Nếu cảm thấy lo lắng và nếu trẻ dường như thiếu cân hoặc có sự thay đổi nhanh hay đột ngột trong cân nặng, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ của bạn.[1]
  2. Đừng lo lắng khi trẻ kén ăn. Việc trẻ từ chối thức ăn mới và lạ lẫm là hoàn toàn bình thường. Trong hầu hết trường hợp, dù có thể cần một ít thời gian, trẻ sẽ trở nên quen dần. Hãy kiên nhẫn, và nếu trẻ từ chối món gì đó, hãy cho chúng dùng những món yêu thích. Quay trở lại với đồ ăn mới sau.[1]
    • Cũng có thể trẻ không chịu ăn vì những lí do khác, chẳng hạn như mọc răng, mệt hoặc đơn giản là đã no.
    • Đừng trở nên sốt ruột và khó chịu với trẻ. Hãy để thức ăn mới sang một bên và trở lại với chúng sau.
  3. Hạn chế tình trạng nôn trớ và ọc sữa. Nôn trớ thường xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn làm quen với việc tiêu hóa thức ăn và sẽ giảm dần khi trẻ được một năm tuổi. Thường xuyên nôn trớ có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của trẻ. Do đó, từng bước giảm dần tình trạng này sẽ giúp trẻ phát triển thói quen ăn uống tốt. Hãy thường xuyên vỗ nhẹ lưng giúp trẻ ợ hơi và đừng cho trẻ ăn quá no, giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng khi cho ăn. Bạn cũng nên tránh chơi đùa với trẻ ngay khi vừa cho ăn xong để chúng có thời gian tiêu hóa thức ăn.
    • Để kiểm soát ọc sữa, cho trẻ bú chậm và ít hơn trong mỗi bữa. Giữ trẻ thẳng đứng trong vòng nửa giờ sau khi ăn bằng cách cho trẻ ngồi ghế hoặc xe đẩy.
    • Nếu nôn trớ thường xuyên, nôn dữ dội hoặc vô cùng khó chịu, bạn nên liên hệ bác sĩ.[2]
  4. Lưu ý tình trạng không dung nạp thức ăn. Không dung nạp thức ăn hoặc dị ứng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Dị ứng có thể xuất hiện đột ngột và thường có những triệu chứng rất dễ nhận biết như ói mửa, nổi mẫn đỏ, tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Tình trạng không dung nạp thức ăn có thể có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn nhưng có thể dẫn đến cảm giác bụng căng phồng, đầy hơi và không thoải mái.[3]
    • Khi bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn, gần như chắc chắn trẻ sẽ không muốn ăn. Vì vậy, hãy để tâm bất kỳ triệu chứng nào và liên hệ với bác sĩ.
    • Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xem xét khả năng dị ứng ở trẻ.[2]
    • Đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc phòng cấp cứu ngay khi có dấu hiệu thở khò khè, sưng phồng, phát ban hoặc khó thở.

Tìm Cách Giúp Trẻ Ăn Nhiều hơn[sửa]

  1. Khiến thức ăn mới trông giống món yêu thích của trẻ. Nếu thấy rằng trẻ thường từ chối thức ăn lạ và mới ngay cả khi chưa hề thử chúng, bạn có thể thử làm dịu trẻ bằng cách khiến đồ ăn mới trông giống với món ăn yêu thích của chúng. Chẳng hạn như, nếu trẻ vô cùng thích khoai tây nghiền nhưng lại không thích vẻ ngoài của khoai tây ngọt, hãy thử nghiền để chúng có được sự tương đồng.
    • Giúp trẻ dễ ăn hơn với những phần ăn nhỏ trước và tăng dần theo thời gian.[1]
    • Cho trẻ dùng thức ăn mới một cách từ từ và tránh ép buộc để giúp trẻ quen dần.
    • Một thức ăn hoàn toàn mới có thể đem lại cảm giác rất lạ ở trẻ.
  2. Cho trẻ dùng thức ăn cầm tay (finger food - những thức ăn nhỏ gọn, có thể dùng tay để ăn). Bạn có thể tăng lượng thức ăn trong ngày của trẻ bằng cách cho trẻ dùng lượng nhỏ thức ăn cầm tay giữa các bữa ăn. Rau được nấu mềm, trái cây bóc vỏ và rửa sạch là những lựa chọn tốt trong trường hợp này. Nếu con bạn lớn hơn sáu tháng tuổi, bạn cũng có thể dùng thức ăn khô như bánh quy giòn graham và bánh mỳ nướng melba. Mỳ dẹt cũng là một thức ăn cầm tay tốt cho trẻ.
    • Đừng cho trẻ dùng thức ăn có khả năng gây nghẹn như táo cắt khúc, nho, bắp rang bơ, bánh mỳ kẹp xúc xích và những miếng rau củ cứng do còn sống.
    • Tránh đồ ăn có đường hoặc muối.
    • Nếu trẻ ở khoảng từ 6-8 tháng tuổi và đang mọc răng, bánh mỳ que nướng và bánh quy giòn không muối có thể là lựa chọn tốt.[4]
  3. Tận dụng tối đa giờ ăn. Trẻ bắt chước rất nhiều từ hành động của bạn, vì vậy, cùng ăn có thể khuyến khích chúng dùng nhiều hơn. Trẻ sẽ quan sát bạn một cách cẩn thận và học từ những gì bạn làm. Nếu trẻ ngoảnh mặt trước muỗng đồ ăn, hãy tự mình ăn trước để cho trẻ thấy nó ngon lành đến thế nào. Nói chuyện với trẻ khi cho ăn và để trẻ tham gia trong bữa ăn của gia đình. Có thời gian ăn cố định sẽ giúp trẻ nhận biết thời điểm nào là thời gian cho ăn uống.
    • Bạn nên lường trước một số hỗn loạn và đảm bảo duy trì không khí vui vẻ trong giờ ăn.
    • Chấp nhận dành nhiều thời gian cho việc ăn và luôn kiên nhẫn. Ăn với tốc độ của trẻ và đừng cố thúc giục hay ép buộc chúng phải ăn gì đó.[5]
    • Đừng rời bàn cho đến khi trẻ cũng hoàn thành bữa ăn.[6]
  4. Nhờ đến sự tham gia của nhiều người. Đôi khi, có thêm người trong bữa ăn có thể khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ thích một người bạn trưởng thành hoặc thành viên nào đó trong gia đình. Hãy mời người đó ăn tối cùng và thông thường, con bạn sẽ ăn một cách vui vẻ vì ai đó không phải bố mẹ chúng.
    • Nếu trẻ có một vài người bạn ăn giỏi, mời chúng tham gia bữa tối cũng có thể đem lại hiệu quả tương tự.[6]
  5. Cho trẻ dùng thức ăn đa dạng. Điều đó rất quan trọng trong việc cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tiếp xúc với tất cả các loại thực phẩm khác nhau từ khi còn nhỏ.[7] Nhìn chung, một khi bắt đầu làm quen được với thức ăn mới, trẻ sẽ học được cách thích chúng. Cho trẻ dùng nhiều loại thức ăn tốt cho sức khỏe từ khi còn nhỏ sẽ giúp chúng lớn và phát triển, đồng thời hình thành được thói quen ăn uống tốt. Thức ăn và nước uống có bổ sung đường, muối hoặc chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ muốn chúng trong tương lai.
    • Cho trẻ dùng thức ăn đa dạng và tự lựa chọn thức ăn cho một bữa ăn cụ thể có thể giúp trẻ làm quen với thức ăn mới.
    • Trẻ nhỏ thích được tự lựa đồ ăn, vì vậy, thi thoảng hãy thử cho chúng làm điều đó.[5]

Mở rộng Chế độ ăn cho Bé của Bạn[sửa]

  1. Xác định tần suất bú của trẻ không quá bốn tháng tuổi. Khi còn nhỏ, toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ được đáp ứng nhờ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, bé của bạn có thể bú từ 8-12 lần một ngày, khoảng 2-4 giờ một lần hoặc khi đói và đòi bú.
    • Nếu dùng sữa công thức, trẻ có thể sẽ cần dùng sữa từ 6-8 lần một ngày. Trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu với lượng dùng hàng ngày khoảng 475 đến 700 ml, khoảng 30 ml mỗi lần cho tuần đầu tiên và 60-90 ml mỗi lần kể từ tuần thứ hai trở đi.
    • Nếu không bú đủ trong ngày, đánh thức và cho bú vào buổi tối có thể sẽ cần thiết nếu trẻ bị thiếu cân.
    • Duy trì liên lạc chặt chẽ với bác sĩ để họ có thể theo dõi tình trạng của trẻ và cho bạn lời khuyên về những việc nên làm.[4]
  2. Cho trẻ dùng nhiều thức ăn và ít lần hơn sau bốn tháng. Khi được khoảng 4 tháng, trẻ sẽ bắt đầu giảm bớt số lần ăn trong ngày. Nếu dùng sữa mẹ, đến thời điểm này, thay vì 8-12 lần, trẻ có thể sẽ chỉ bú từ 4-6 lần trong ngày. Tuy nhiên, lượng sữa dùng trong mỗi lần bú sẽ tăng lên.
    • Nếu dùng sữa công thức, số lần uống sữa cũng sẽ giảm khi trẻ lớn. Do đó, bạn cần tăng lượng sữa cho mỗi lần uống lên đến khoảng từ 180-240 ml.
    • Khi đạt đến 4-6 tháng tuổi, trẻ sẽ dùng khoảng 825 - 1350 ml sữa công thức mỗi ngày và bạn cần bắt đầu chuyển đổi sang thức ăn thô.[4]
  3. Nhận biết dấu hiệu để chuyển sang ăn dặm. Khi trẻ được khoảng 4-6 tháng tuổi, bạn cần chuẩn bị cho việc bắt đầu chuyển dần sang thời kỳ ăn dặm. Bạn cần thật sự cẩn thận và tránh vội vàng trong sự thay đổi này. Nếu trẻ chưa đủ khả năng thể chất để dùng thức ăn thô, chúng sẽ có nguy cơ bị mắc nghẹn. Một số cột mốc trong sự phát triển của trẻ có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm:
    • Trẻ đạt cân nặng gấp đôi thời điểm mới sinh.
    • Trẻ có thể điều khiển tốt đầu và cổ.
    • Trẻ có thể ngồi dậy với một ít hỗ trợ.
    • Trẻ không còn đẩy muỗng hay thức ăn ra ngoài bằng lưỡi.
    • Trẻ có thể cho bạn biết chúng đã no bằng cách ngậm miệng hoặc quay đầu ra khỏi thức ăn.
    • Trẻ bắt đầu thể hiện sự hứng thú với thức ăn khi nhìn thấy người khác dùng.[4]
  4. Giới thiệu thức ăn thô. Khi bắt đầu đưa đồ ăn dặm vào chế độ ăn của trẻ, hãy dùng bột ngũ cốc gạo ăn dặm được tăng cường chất sắt. Bột này có thể pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Hãy chắc rằng chúng được pha loãng ở những giai đoạn đầu tiên. Một khi trẻ đã thích nghi hơn với thức ăn thô, bạn có thể dùng hỗn hợp đặc hơn.
    • Để bắt đầu, hãy pha 1 hoặc 2 muỗng cà phê bột ăn dặm với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Dùng như một bữa ăn, hai lần một ngày.
    • Tăng dần lượng bột được pha lên 3 hoặc 4 muỗng canh, một hoặc hai lần một ngày.
    • Một khi đã quen với việc dùng bột ngũ cốc thường xuyên, bạn có thể thử dùng một vài ngũ cốc ăn liền khác như yến mạch, lúa mỳ hoặc lúa mạch.
    • Kiểm soát ngũ cốc mới một cách cẩn thận và đừng cho trẻ làm quen nhiều hơn một ngũ cốc mới mỗi 3-4 ngày. Với từng thức ăn mới, hãy quan sát biểu hiện của không hấp thụ thức ăn và dị ứng.[4]
    • Có một số tranh cãi giữa các chuyên gia trong thứ tự đưa thức ăn mới vào chế độ ăn của trẻ. Dù đều đồng ý rằng bạn nên cho trẻ dùng thức ăn mới một cách đa dạng, không có đồng thuận mang tính khoa học nào về thứ tự cần dùng.[8] Một số người bắt đầu với trái cây và rau củ, một số khác thậm chí còn bắt đầu từ thịt. Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn muốn thử một thứ tự khác khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm.
  5. Cho trẻ dùng trái cây và rau củ nghiền. Khi trẻ được khoảng 6-8 tháng tuổi và đã dùng thành công nhiều loại ngũ cốc, bạn có thể bắt đầu thêm nhiều lựa chọn hơn vào chế độ ăn của trẻ với trái cây và rau củ nghiền. Cũng như ngũ cốc, cho trẻ làm quen từng loại mỗi lần và chờ một vài ngày trước khi bắt đầu thêm thực phẩm khác để có thể kiểm tra tình trạng dị ứng hoặc không hấp thụ thức ăn.
    • Tốt nhất, bạn nên bắt đầu với rau củ không tẩm ướp như đậu hà lan, khoai tây, bí và cà rốt. Về trái cây, bạn có thể bắt đầu với chuối, mơ, táo nghiền và lê.
    • Có thể bạn sẽ muốn bắt đầu với rau củ trước bởi một số người tin rằng vị ngọt của trái cây sẽ khiến rau củ trở nên kém hấp dẫn hơn.
    • Cho trẻ dùng từ 3-4 lần một ngày, mỗi lần 2-3 muỗng canh rau củ và trái cây. Tùy từng trường hợp, lượng dùng mỗi ngày của trẻ có thể dao động từ 2 muỗng canh đến 2 bát.
    • Dù trẻ sẽ dùng ít sữa hơn, bạn nên tiếp tục cho trẻ bú/uống sữa 3-5 lần một ngày.[4]
  6. Tiếp tục với thịt. Đến khoảng 6-8 tháng tuổi, trẻ sẽ ăn rất nhiều trái cây và rau củ, sẵn sàng cho một ít thịt xay hay băm nhuyễn. Nếu dùng sữa mẹ, 6-8 tháng là thời điểm lý tưởng để trẻ bắt đầu làm quen với thịt. Sữa mẹ không giàu sắt và đến giai đoạn này, trẻ cần được bổ sung lượng sắt trong cơ thể.
    • Bạn nên tiếp tục cho trẻ dùng sữa mẹ hay sữa công thức 3-4 lần một ngày. Tuy nhiên, cần cho trẻ bỏ bú bình khi được 1 tuổi. Bất kỳ bình nào dùng cho trẻ trên 1 tuổi cũng chỉ nên chứa nước.
    • Cho trẻ làm quen với từng loại thịt mỗi lần và cho trẻ dùng hết tuần trước khi chuyển sang loại thịt mới. Dùng 3-4 muỗng canh một lần ăn.
    • Tăng lượng trái cây và rau củ lên 3-4 muỗng canh mỗi bữa, 4 bữa một ngày.
    • Bạn cũng có thể cho trẻ dùng lòng đỏ trứng chín (không dùng lòng trắng), 3 hoặc 4 lần một tuần.[4]

Cảnh báo[sửa]

  • Liên hệ chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn lo lắng chứng biếng ăn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
  • Liên hệ chuyên gia dinh dưỡng ngay nếu khẩu phần ăn của trẻ thay đổi đột ngột, trẻ có vẻ bị xuống cân hoặc thường xuyên bị oẹ hay nôn mửa với thức ăn.
  • Đừng cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong, các loại hạt, sữa bò, tôm cua hoặc lòng trắng trứng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây