Trở thành một tác giả

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn thực sự muốn trở thành một tác giả thì bạn phải chuẩn bị dành rất nhiều giờ trong ngày cố gắng nghĩ ra những ý tưởng độc đáo và thú vị. Bạn có thể phải dậy trước khi bình minh ló rạng để bắt đầu công việc "thực sự" của mình. Bạn có thể phải ghi vội những ý tưởng trên chuyến tàu về nhà. Sẽ có những lúc bực bội, nhưng những lúc khác sẽ thỏa mãn hơn bạn có thể tưởng tượng. Và cảm giác viết một cuốn sách rồi trình làng có thể là một trong những điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Bạn có nghĩ bạn có những phẩm chất để thực sự trở thành một tác giả không? Để tìm ra, hãy tiến hành những bước sau.

Các bước[sửa]

Phát triển Kỹ năng Viết[sửa]

  1. Đọc tất cả những gì có thể. Đây có thể "không phải" là điều bạn muốn nghe khi bạn muốn tìm hiểu về cuộc sống thú vị của việc trở thành một tác giả, nhưng việc đọc sẽ là chìa khóa tới thành công của bạn. Đọc tất cả những gì có thể không những giúp bạn phát triển kỹ năng viết, mang đến thêm ý tưởng về việc chau chuốt tác phẩm và giúp bạn phát triển tính kiên nhẫn cần thiết để viết cuốn sách của mình, mà nó còn mang lại cảm nhận tốt hơn về những gì bán chạy trên thị trường. Dành một vài giờ mỗi ngày để đọc càng nhiều sách càng tốt, và cố gắng đọc đủ các thể loại hết mức có thể.[1]
    • Nếu bạn đã có ý tưởng về thể loại mình muốn viết, cho dù đó là khoa học giả tưởng hay phi hư cấu, bạn nên tập trung đọc những quyển sách thuộc dòng này. Tuy nhiên, để trở nên hay chữ nói chung, bạn nên đọc càng nhiều càng tốt.
    • Càng đọc, bạn càng trở nên quen với những công thức sáo mòn phổ biến. Bạn muốn cuốn sách của mình nổi bật, do vậy, nếu bạn thấy có tới mười cuốn sách quá giống với nó, bạn có thể phải tìm một góc nhìn khác.
    • Khi bạn tìm được một cuốn sách bạn thực sự thích, hãy hỏi bản thân điều gì khiến nó đặc biệt với bạn đến vậy. Có phải là nhân vật chính lố bịch không? Những áng văn đẹp đẽ? Cảm nhận về nơi chốn? Bạn càng xác định được tại sao bạn lại thích một quyển sách, bạn sẽ càng sắc sảo hơn trong nỗ lực khiến cuốn sách của mình thu hút đông đảo độc giả.
  2. Bắt đầu từng bước nhỏ. Nếu bạn muốn trở thành một tác giả thì rất có thể bạn phải bắt đầu bằng việc xuất bản một tác phẩm phi hư cấu hoặc một cuốn tiểu thuyết trọn bộ. Rất khó để bán tác phẩm đầu tiên là một tuyển tập truyện ngắn hay tiểu luận. Tuy vậy, cũng khó khăn để bắt tay ngay vào tiểu thuyết hay tác phẩm phi hư cấu trọn bộ. Do vậy, nếu hư cấu là sở thích của bạn, đầu tiên, hãy thử bằng cách viết một vài mẩu truyện ngắn để có cảm nhận về tay nghề. Nếu bạn thích phi hư cấu hơn, hãy cố viết một tiểu luận ngắn trước khi viết một tác phẩm phi hư cấu trọn vẹn.
    • Điều này không phải để nói rằng truyện ngắn thì thua kém tiểu thuyết. Alice Munro, người đoạt giải Nobel Văn học 2013, chưa bao giờ xuất bản tiểu thuyết trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình. Tuy nhiên, bây giờ ngày càng khó khăn để có được danh tiếng với truyện ngắn.[2]
  3. Cân nhắc kiếm một tấm bằng về viết lách. Nếu bạn muốn xuất bản một tác phẩm văn chương hư cấu hay phi hư cấu, việc kiếm một tấm bằng thạc sĩ hay thạc sĩ nghệ thuật trong lĩnh vực Hư cấu hay Phi Hư cấu là một cách phổ biến để theo đuổi nghề này. Nếu bạn muốn viết một thứ gì đó mang tính thương mại hơn, như khoa học giả tưởng hay tiểu thuyết lãng mạn, thì lộ trình này không cần thiết cho lắm, mặc dù nó vẫn có thể hữu ích. Kiếm một tấm bằng viết lách sáng tạo có thể mở lối dẫn bạn vào cuộc sống của một nhà văn, giúp bạn đặt chân vào cộng đồng những người viết cùng chung tư tưởng đưa ra những phản hồi hữu ích, và cũng cho bạn hai hay ba năm tập trung vào tay nghề của mình.[3]
    • Nhiều nhà văn xuất bản những tác phẩm của họ làm giáo viên tại những chương trình thạc sĩ nghệ thuật hay viết lách bậc đại học. Bạn sẽ cần một tấm bằng viết sáng tạo để làm điều này, do vậy nếu đây là nước cờ cuối cùng của bạn, hãy cân nhắc việc kiếm một tấm bằng.
    • Kiếm một tấm bằng viết sáng tạo cũng có thể giúp bạn bắt đầu kết nối với những người khác. Bạn sẽ gặp những thành viên trong khoa có thể giúp bạn xuất bản tác phẩm của mình hay phát triển để trở thành nhà văn theo những cách khác.
    • Tấm bằng viết lách "không phải" là con đường trực tiếp để thành công với vai trò nhà văn, nhưng nó có thể giúp bạn cải thiện tay nghề đáng kể.
  4. Nhận phản hồi. Nếu bạn chọn ghi danh vào một chương trình viết lách, bạn sẽ dành khá nhiều thời gian tại các hội thảo về nghề viết, nơi bạn sẽ nhận đủ phản hồi từ những người đồng nghiệp. Bạn cũng sẽ làm việc độc lập với khoa và nhận phản hồi từ từng người một. Nhưng nếu bạn không đi theo hướng này thì bạn nên tham gia một nhóm viết lách trong cộng đồng, dự một hội thảo viết lách tổ chức bởi một trường cao đẳng cộng đồng địa phương hay trường dành cho người trưởng thành, hoặc thậm chí chỉ cần yêu cầu một số bạn bè tin cẩn xem qua tác phẩm của mình.
    • Mặc dù phản hồi luôn nên được đón nhận một cách cần trọng, việc tiếp thu phản hồi sẽ mang lại cho bạn cảm nhận tốt hơn về chỗ đứng của mình.
    • Nhận phản hồi sẽ giúp bạn nhận ra liệu tác phẩm của mình đã sẵn sàng cho việc xuất bản chưa, hay bạn có nhiều việc cần làm hơn. Bạn phải đảm bảo rằng bạn đang hỏi đúng đối tượng độc giả -- những người thực sự hiểu tác phẩm của bạn và điều bạn muốn làm.
  5. Bắt đầu nộp tác phẩm của bạn cho những nhà xuất bản nhỏ. Nếu bạn có một vài truyện ngắn hay tiểu luận mà bạn nghĩ rằng đã sẵn sàng để trình làng, thì bạn nên bắt đầu thử nộp chúng cho các tạp chí chuyên ngành văn chương hay những tạp chí chuyên ngành xuất bản những tác phẩm thuộc thể loại của bạn, như những tạp chí chuyên ngành về lịch sử giả tưởng hay dòng lãng mạn. Hãy thử vào trang doutrope.com để biết về tất cả những tạp chí nguyên ngành hiện có. Tất cả những gì bạn phải làm là sắp xếp bản thảo theo thứ tự và gửi một thư giới thiệu ngắn tới biên tập viên của tạp chí; sau đó đợi chờ.[4]
    • Đây sẽ là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với một điều phổ biến đối với nhà văn: sẽ có rất nhiều sự từ chối xuất hiện. Hãy cố đừng nhìn nhận nó theo chiều hướng cá nhân và xem nó như một cách để trở nên tiến bộ hơn.
    • Một số tạp chí chuyên ngành thu phí 50 ngàn tới 70 ngàn cho việc nộp tác phẩm. Đây là một điều khó chịu, nhưng không có nghĩa là tạp chí đó đang cố chặt chém bạn; đó là do họ thường hoạt động với ngân sách eo hẹp.

Viết một Cuốn sách[sửa]

  1. Nghĩ ra ý tưởng độc đáo. Việc đầu tiên cần làm là nảy ra một ý tưởng lôi cuốn và kích thích mọi người. Bạn có thể phải bắt đầu viết trước khi tìm ra ý tưởng -- bạn có thể thậm chí phải viết ba trăm trang trước khi nhận ra quyển sách của bạn "thực sự" nói về điều gì. Tuy nhiên, hãy bắt đầu với một luận đề chung chung -- câu chuyện về một cô gái lớn lên ở Ukraine trong thời cách mạng Bolshevik, một tác phẩm phi hư cấu về tầm quan trọng ngày càng tăng của các trường công đặc cách ở Mỹ -- và xem bạn có thể phát triển nó tới đâu.
    • Bạn có thể muốn hoàn thành toàn bộ cuốn sách trước khi bắt đầu nghĩ về khả năng tiếp thị của ý tưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu thị trường của chủ đề trước khi bắt đầu cũng có thể hữu ích. Bạn có thể thấy rằng đã từng có một cuốn sách viết đúng chủ đề của mình được xuất bản rồi, và bạn có thể phải điều chỉnh lại ý tưởng một chút.
  2. Chọn thể loại. Mặc dù những sách đa phong cách ngày càng phổ biến -- như tiểu thuyết của Margaret Atwood là một sự hòa trộn giữa văn chương giả tưởng với khoa học giả tưởng, sáng tác theo một thể loại đơn nhất để truyền tải ý tưởng của mình cũng là một việc hữu ích. Một khi bạn biết thể loại của mình thực sự là gì, bạn nên nắm được những quy ước trong dòng văn đó, và bạn có thể bắt đầu nghĩ về các cách thức để đảo lộn những quy ước này, hay đi theo quy tắc của nó. Dưới đây là một số thể loại văn học phổ biến bạn nên cân nhắc:
    • Phi hư cấu
    • Khoa học giả tưởng
    • Truyện cực ngắn
    • Truyện hành động
    • Kinh dị
    • Bí ẩn
    • Lãng mạn
    • Phiêu lưu
    • Kỳ ảo
    • Chính trị giả tưởng
    • Truyện 55 từ
    • Truyện dành cho giới trẻ
    • Truyện dành cho thiếu niên
  3. Xác định những yếu tố cơ bản. Đây có thể là điều bạn sẽ thực hiện trong quá trình, hoặc bạn có thể xác định một số yếu tố cơ bản trước khi bắt đầu. Dưới đây là một số điểm bạn sẽ phải cân nhắc khi viết sách:
    • Ai: Nhân vật chính và/hoặc nhân vật phụ, Nhân vật phản diện.
    • Góc nhìn: Sách của bạn sẽ được kể từ ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba?
    • Ở đâu: địa điểm và thời gian của tác phẩm, chặng hành trình trong tác phẩm
    • Việc gì: Ý tưởng chính hay cốt truyện
    • Tại sao: Nhân vật sẽ/hi vọng đạt được điều gì
    • Bằng cách nào: Những công cụ họ dùng để đạt được điều đó.
  4. Viết một bản sơ thảo. Trong sách dạy viết kinh điển của mình, "Bird by Bird", Anne Lamott viết về tầm quan trọng của bản sơ thảo tệ hại đầu tiên." Và đó chính xác là những gì bạn sẽ phải viết: một đoạn văn thực sự dở tệ, đáng xấu hổ, lộn xộn chứa đựng hạt nhân của bản thảo cuối cùng mà bạn sẽ hoàn thành vào một ngày nào đó. Bạn không cần phải cho bất kỳ ai xem bản sơ thảo đầu tiên của mình, nhưng phần quan trọng là bạn biết bạn sẽ đạt được điều gì đó. Hãy viết mà đừng kiểm duyệt bản thân hay lo lắng về việc mọi người sẽ nghĩ gì. Đây là thời gian để bạn viết ra những ý tưởng; bạn có thể chau chuốt chúng sau.
    • Sau bản sơ thảo đầu tiên, hãy tiếp tục. Nếu may mắn, bạn có thể viết được thứ gì đó khả dĩ sau bản thảo đầu tiên và thứ hai, hoặc bạn có thể phải viết năm bản thảo trước khi nghĩ rằng bạn thực sự xác định được nó. Việc này có thể mất một vài tháng, một năm, hay thậm chí "nhiều năm," tùy vào số thời gian bạn có và mất bao lâu để phát triển dự án của bạn.
  5. Nhận phản hồi khi bạn đã sẵn sàng. Nhận phản hồi quá sớm có thể bóp nghẹt tính sáng tạo của bạn và khiến bạn nghĩ rằng bạn không đưa tác phẩm của mình đi đúng hướng. Nhưng một khi bạn đã viết đủ số bản thảo của cuốn sách và nghĩ về việc ra mắt nó trước công chúng, việc nhận phản hồi để xem bạn đang đi theo hướng nào là quan trọng. Hãy hỏi những người bạn tin cẩn là những người đọc có óc phê bình và sẵn sàng giúp đỡ, mang nó tới hội thảo viết lách, hay thậm chí hỏi một chuyên gia về chủ đề để xem qua nếu bạn đang viết một cuốn phi hư cấu.
    • Nếu bạn đã viết một cuốn tiểu thuyết, bạn có thể thử nộp vài chương cho những nhà xuất bản văn học để nhận phản hồi.
    • Một khi bạn đã nhận được những phản hồi mà bạn tin tưởng, hãy làm việc để xử lý chúng. Bạn có thể phải viết một hay hai bản thảo nữa trước khi có được đúng thứ bạn cần.
  6. Rà soát tác phẩm. Bạn sẽ không thể tiến xa nếu có một lỗi đánh máy ngay trang đầu cuốn sách. Một khi bạn cảm thấy tác phẩm của mình đã thực sự sẵn sàng thì bạn nên in nó ra và tìm ra các lỗi đánh máy, lỗi ngữ pháp, lặp từ, hay bất cứ lỗi nào khác mà bạn muốn loại bỏ trước khi tiếp tục hoàn thiện bản thảo. Thậm chí bạn có thể thử đọc to tác phẩm của mình lên để xem liệu có bất cứ câu diễn đạt nào buồn cười hay có dấu phẩy nào đặt nhầm chỗ nào không.
    • Rà soát là bước cuối cùng để hoàn thiện tiểu thuyết của bạn cho việc xuất bản. Mặc dù việc rà soát cũng có thể giúp ích trong cả quá trình viết lách của bạn, bạn không cần phải rà soát những bản sơ thảo của mình quá kỹ càng, vì dù gì, cuối cùng bạn vẫn có thể sẽ thay đổi rất nhiều câu chữ.

Xuất bản Sách[sửa]

  1. Cân nhắc lộ trình bạn muốn chọn. Có ba lộ trình chính bạn nên chọn khi cảm thấy cuốn sách của mình đã sẵn sàng trình làng. Đó là:
    • Lộ trình truyền thống. Bao gồm nộp cuốn sách của bạn cho bên đại diện, và bên đại diện nộp tác phẩm của bạn cho nhà xuất bản. Phần lớn mọi người sẽ nói với bạn rằng bạn cần phải có một bên đại diện cho mình nếu muốn tác phẩm được một nhà xuất bản nào đó phát hành.
    • Nộp trực tiếp tác phẩm của bạn tới nhà xuất bản. Bạn có thể bỏ qua bên đại diện và tới thẳng nhà xuất bản (những nơi sẵn lòng xem bản thảo tự tìm tới). Nhưng nều không có bên đại diện thì đây là điều cực kỳ khó khăn.
    • Tự xuất bản. Tự xuất bản tác phẩm của mình sẽ đem cuốn sách của bạn tới công chúng, nhưng khó có khả năng cuốn sáng sẽ mang lại sự chú ý mà bạn tìm kiếm nếu bạn muốn sống cuộc sống của một tác giả thực thụ. Nhưng nếu mục tiêu của bạn chỉ là để ra mắt tác phẩm, thì đây là một phương án tuyệt vời. Bạn có thể tự xuất bản thông qua dịch vụ trên mạng, nhà xuất bản mà tác giả tự chi trả, hoặc thậm chí hoàn toàn tự làm.
  2. Chuẩn bị bản thảo để nộp. Cho dù bạn có muốn nộp cuốn sách của mình tới nhà xuất bản hay bên đại diện văn chương, có một số quy ước cơ bản bạn nên theo. Bản thảo của bạn nên in hai mặt, phông chữ dễ đọc như Times New Roman, có trang bìa phù hợp, và các trang được đánh số cùng với tên họ của bạn và tên tác phẩm.[5]
    • Bạn cũng có thể tìm kiếm thêm thông tin trên mạng về cách định dạng bản thảo. Nếu bạn đang nộp trực tiếp tới nhà xuất bản, mỗi nơi có thể có những chỉ dẫn hơi khác nhau một chút về định dạng của bản thảo.
  3. Nộp tác phẩm của bạn tới bên đại diện. Đừng vội vàng nộp bản thảo cho bất kỳ một bên đại diện nào chỉ vì họ sẵn sàng đọc những tác phẩm mới. Hãy sử dụng trang Hướng dẫn về đại diện cho Nhà thơ & Nhà văn hay xem trang AgentQuery.com để tìm những bên đại diện chủ động chấp nhận khách hàng mới, cởi mở và hào hứng với tác phẩm thuộc thể loại của bạn, và được cho là thực tế có phản hồi với việc nộp tác phẩm. Cách tốt nhất là xem thử những đại diện chấp nhận nộp đồng thời nhiều tác phẩm, nhờ đó, bạn có thể gửi cùng lúc cuốn sách của mình tới trên dưới 5 đại diện thay vì chờ đợi sáu tháng từ một đại diện đắt đỏ không bao giờ trả lời bạn.[6][7]
    • Để nộp tác phẩm của mình cho bên đại diện, bạn sẽ cần viết một bức thư đề xuất, là một thư giới thiệu súc tích mô tả ngắn gọn tình tiết của cuốn sách, định vị cuốn sách trên thị trường mà nhà văn hướng tới, và đưa ra một vài thông tin tiểu sử.
    • Kiểm tra hướng dẫn nộp tác phẩm của mỗi bên đại diện. Một số đại diện có thể chỉ muốn xem thư đề xuất trước tiên hay chỉ muốn xem hai chương đầu.
    • Đừng gửi bản thảo của bạn tới 20 đại diện cùng một lúc. Bạn có thể sẽ nhận đi nhận lại cùng một phản hồi, việc này có thể giúp bạn biến tác phẩm của mình trở nên hấp dẫn hơn đối với các đại diện. Nếu bạn bị từ chối, bạn không thể tiếp cận lại bên đại diện bằng chính quyển sách đó trừ khi bên đại diện yêu cầu sửa đổi, do vậy, hãy tận dụng cơ hội của mình.
    • Từ khóa của việc này là sự kiên nhẫn. Có thể sẽ mất vài tháng trước khi bạn nghe tin từ bên đại diện, do vậy, bạn sẽ phải học nghệ thuật chờ đợi và tránh kiểm tra email ba giây một lần nếu bạn không muốn phát điên.
  4. Ký kết với đại diện. Một đại diện viết rằng họ thích cuốn sách của bạn và muốn bạn ký hợp đồng với họ. Bạn có nên ký hợp đồng càng sớm càng tốt không? Tất nhiên là không rồi. Bạn sẽ nói chuyện với bên đại diện, hỏi nhiều câu hỏi, thảo luận về tương lai của cuốn sách, và đảm bảo rằng họ hợp pháp và cam kết với việc bán tác phẩm của bạn. Một đại diện hợp pháp không bao giờ yêu cầu trả tiền trước và sẽ chỉ nhận một phần lợi nhuận "nếu họ có thể bán sách của bạn."[8]
    • Nếu bạn nhận được lời đề nghị từ một bên đại diện, bạn hoàn toàn có thể thông báo cho các đại diện khác đang giữ bản thảo của bạn để xem liệu họ cũng muốn đề nghị ký hợp đồng không. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ nhanh chóng liên hệ lại cỡ nào một khi họ biết ai đó thực sự muốn hợp tác bạn.
    • Nói chuyện với bên đại diện qua điện thoại, hoặc thậm chí gặp trực tiếp, nếu điều kiện địa lý cho phép. Việc này giúp bạn có cảm nhận về tính cách của họ, và để xem hai bên có hợp nhau không.
    • Bạn và đại diện không cần phải trở thành bạn bè thân thiết, nhưng cần phải có khả năng chia sẻ ý tưởng.
    • Đại diện của bạn nên, ít nhất, quyết liệt một chút. Đây là đặc điểm sẽ giúp bán cuốn sách của bạn.
    • Đại diện của bạn cũng cần có mạng lưới quan hệ tốt và có hồ sơ kinh doanh ấn tượng để biết có thể gửi sách của bạn tới nơi nào.
  5. Thỏa thuận với bên xuất bản. Một khi bạn đã ký kết với đúng đại diện, bạn sẽ làm việc cật lực, đôi khi một hoặc hai năm, để chỉnh sửa tiểu thuyết cho tới khi đại diện nghĩ là nó "có thể bán được." Sau đó bạn sẽ chuẩn bị đóng gói và đại diện sẽ mang cuốn sách tới các biên tập viên của những nhà xuất bản khác nhau, và hi vọng nhận được lời đề nghị từ ít nhất một trong số họ. Hãy ngồi đợi cho tới khi quá trình căng thẳng này kết thúc, và hi vọng bạn sẽ sớm nhận được tin bán sách!
    • Nếu bạn có nhiều lời đề nghị, bạn và bên đại diện sẽ quyết định lựa chọn nào là tốt nhất.
  6. Làm việc với biên tập viên của nhà xuất bản. Tuyệt vời, bạn đã ký hợp đồng với biên tập viên của nhà xuất bản! Hãy sẵn sàng để nhìn sách của bạn trên kệ tuần sau…Không đâu. Đoán xem điều gì đang chờ đợi bạn? "Chỉnh sửa nhiều hơn." Biên tập viên sẽ có tầm nhìn về việc cuốn sách sẽ trông như thế nào, và bạn cũng sẽ phải biên tập cuốn sách lại chút ít. Quá trình này sẽ mất một khoảng thời gian, thông thường ít nhất một năm từ khi sách được bán cho tới khi nó ra mắt.
    • Sẽ có những chi tiết khác cần phải làm rõ, như bìa sách sẽ như thế nào, lời giới thiệu ở mặt sau là gì, và những người bạn ghi nhận ở phần đầu hay cuối cuốn sách.
  7. Chứng kiến sách của bạn trình làng. Một khi bạn đã làm việc với biên tập viên và sách của bạn đã sẵn sàng, bạn sẽ thấy sách của mình đưa ra bày bán và trong các tiệm. Bạn sẽ được thông tin ngày phát hành, và chắc rằng bạn sẽ đếm ngược cho tới ngày sách của bạn có mặt tại tiệm và trên kệ sách ảo của Amazon. Hãy cầm lấy một cuốn, lật ngược lật xuôi, và chúc mừng bản thân! Nhưng công việc của bạn mới chỉ bắt đầu.

Sống Cuộc sống của một Tác giả[sửa]

  1. Đừng nghỉ công việc chính. Trừ khi bạn đã viết một cuốn sách ăn khách, khó có khả năng doanh thu sách đủ để bạn mua biệt thự và một chiếc Ferrari. Có thể bạn sẽ có một chút tiền tiêu, và khả năng tạm nghỉ công việc "thực sự" của mình một thời gian. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị để tiếp tục công việc chính, hay tìm một việc bán thời gian, hoặc thậm chí tìm việc là giáo viên dạy viết sáng tạo nếu bạn có bằng cấp và sách của bạn đủ thành công.[9]
    • Nếu bạn thực sự mê cuộc sống của một tác giả, con đường thường gặp nhất là dạy viết sáng tạo. Nhưng nghề này bấp bênh, và cuốn sách của bạn phải thực sự nổi bật.
    • Bạn cũng có thể giảng dạy ở những hội thảo mùa hè khác nhau. Nếu bạn có những công việc tạm thời này, chúng sẽ đem lại thêm một chút tiền và khả năng du lịch tới một địa điểm tuyệt vời.
  2. Duy trì sự hiện diện trên mạng. Là một tác giả thực sự ngày nay yêu cầu bạn phải duy trì sự hiện diện trên mạng. Thậm chí cả khi bạn không rành về công nghệ, bạn sẽ phải học để quảng bá bản thân trên mạng và phát triển hình ảnh tác giả của mình. Hãy lập một trang fan hâm mộ Facebook cho bản thân; lập một trang thông tin Facebook để quảng bá sách của bạn. Tạo một tài khoản Twitter và đăng những sự kiện liên quan đến cuốn sách của bạn. Hãy đảm bảo bạn có một trang web được duy trì tốt và tất cả những tiểu sử trên mạng khác của bạn kết nối với nó.
    • Bắt đầu một blog về cuộc sống của một nhà văn mà bạn cập nhật càng thường xuyên càng tốt. Hãy duy trì mọi thứ mới mẻ để mọi người tiếp tục đọc.
    • Đừng cảm thấy tội lỗi về việc quảng bá bản thân. Thậm chí nếu bạn có một chuyên gia quan hệ công chúng, công việc của bạn giờ chỉ còn là 50% viết lách, và 50% quảng bá bản thân với tư cách nhà văn. Hãy làm quen với nó.
  3. Bắt đầu hành trình đọc giao lưu. Nếu bạn có một chuyên gia quan hệ công chúng và một cuốn sách thành công, thì rất có khả năng bạn sẽ có một lịch trình đọc cho cuốn sách của mình. Bạn sẽ chu du khắp thành phố, hay thậm chí cả nước, để đọc cuốn sách của mình, ký tặng, và quảng bá sách tới công chúng. Bạn có thể đọc trong những tiệm sách nhỏ hay tại trung tâm phát hành lớn như Barnes và Noble (với điều kiện chúng tồn tại). Đây sẽ là một cách tuyệt vời để gặp nhiều người hơn, thiết lập kết nối, và thuyết phục mọi người thực sự mua sách của bạn.
    • Hãy quảng bá lịch trình đọc sách của mình trên truyền thông xã hội để mọi người biết họ có thể tìm bạn ở đâu.
  4. Mở rộng kết nối trong cộng đồng viết. Nhà văn không phải một hòn đảo. Hãy đảm bảo bạn tới các sự kiện đọc sách của những nhà văn khác, tới các cuộc thảo luận nhóm hay là một phần của nhóm nếu bạn được mời, giữ liên lạc với những nhà văn trong lĩnh vực của bạn, và nói chung là hãy để mọi người biết tới mình ở bất cứ nơi nào bạn hiện diện. Hãy gặp những nhà văn khác ở trại sáng tác, hội thảo viết lách, hay trong tổ chức nếu bạn là thành viên.
    • Tìm hiểu những nhà văn thuộc lĩnh vực và thể loại của bạn. Họ có thể giúp bạn tiến xa hơn.
  5. "'Bắt đầu viết cuốn sách thứ hai…và sau đó là cuốn kế tiếp."' Bạn vừa xuất bản một cuốn sách và đang trong hành trình giới thiệu nó -- thật tuyệt. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể nghỉ ngơi trên vinh quang, xem rằng bạn đã hoàn thành nhiệm vụ trong chốc lát, và nâng cốc chúc mừng chiến thắng hàng tháng trời. Thực ra, khi bạn bán được quyển sách đầu tiên, bạn có thể thỉnh thoảng nói với biên tập viên về cuốn sách thứ hai bạn đang thực hiện, hay bạn có thể phải trình bày quyển sách thứ hai cho bên đại diện càng sớm càng tốt nếu bạn chưa làm. Công việc của nhà văn không bao giờ là kết thúc, và nếu bạn thực sự muốn trở thành một nhà văn bạn luôn phải nghĩ về cuốn sách tiếp theo.
    • Đừng lo nếu bạn chưa có ý tưởng đâu vào đấy cho cuốn sách thứ hai. Hãy đặt mục tiêu viết hàng ngày và ý tưởng sẽ nhanh tới.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng bỏ dở câu truyện. Nó có thể trở nên rất hay!
  • Nếu được, tại sao không vẽ hình nhân vật để bạn có ý tưởng mô tả tốt hơn? Bạn có thể làm điều tương tự với nơi chốn.
  • Nếu bạn mắc kẹt không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy đọc một cuốn sách và xem cách sử dụng từ của các tác giả chuyên nghiệp. Ghi chú cách đánh dấu câu, đoạn văn, mô tả.
  • Viết một truyện nhỏ về cuốn sách bạn đang định viết.
  • Để trở thành nhà văn giỏi hơn, đừng chỉ đọc không; hãy viết càng nhiều càng tốt. Viết thứ gì đó hàng giờ nếu có thể. Bạn không cần phải có chủ đề để viết. Hãy ghi ra những suy nghĩ trong đầu. Hãy để bút gặp trang giấy và các ý tưởng sẽ tuôn trào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây