Trừ kiến không cần thuốc diệt côn trùng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi mở ngăn tủ và thấy đàn kiến bu vào mấy hạt đường rơi vãi, chắc là bạn chỉ muốn dùng hóa chất mạnh để loại trừ lũ kiến càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên thuốc diệt côn trùng không tốt cho sức khỏe con người, vật nuôi và những sinh vật có lợi khác cần có quanh nhà. May mắn là có nhiều cách rất hiệu quả để diệt kiến mà không cần đến các loại thuốc diệt côn trùng. Hãy xem Bước 1 và phần tiếp theo để biết cách làm bẫy kiến và nước xịt kiến, cách loại trừ tổ kiến và ngăn kiến vào nhà, tất cả các phương pháp này đều không sử dụng thuốc diệt côn trùng.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Dùng Chất Diệt Côn trùng Thiên nhiên[sửa]

  1. Dùng xà phòng và nước. Rót một phần nước rửa chén và hai phần nước vào trong chai, lắc kỹ để dung dịch hòa tan hoàn toàn. Khi thấy một đàn kiến (hoặc chỉ một con, vì nó cũng thành vấn đề), hãy xịt hỗn hợp lên chúng. Ngay lập tức lũ kiến sẽ chựng lại và bị ngạt. Dùng giẻ ướt lau sạch xác kiến, và giữ chai xịt đó để cho dành cho lần sau.[1]
    • Đặt những chiếc đĩa nông đựng nước xà phòng là một cách khác rất tốt để diệt kiến. Dụ kiến bằng cách rải chất ngọt thành một đường dẫn vào đĩa.
    • Phương pháp này có hiệu quả khi diệt một đàn kiến, nhưng không thể loại bỏ toàn bộ tổ kiến. Nếu kiến vẫn quay lại, có lẽ bạn cần xử trí tận gốc.
    • Nước xà phòng có thể tiêu diệt hầu hết các loại côn trùng chứ không riêng gì kiến. Bạn hãy thử dùng để diệt gián.
  2. Thử dùng giấm trắng và nước. Kiến rất ghét giấm nên bạn có thể làm loại thuốc diệt kiến rẻ tiền và dễ làm chỉ bằng giấm và nước. Hãy hòa giấm và nước với lượng bằng nhau vào trong một chai xịt. Xịt trực tiếp lên kiến để giết chúng, sau đó dùng khăn ướt lau sạch và vứt bỏ.
    • Bạn có thể dùng giấm và nước để ngăn chặn kiến vào nhà; xịt quanh bậu cửa sổ, lối ra vào và những nơi mà bạn thấy kiến bò vào.
    • Một số người thấy rằng dùng dung dịch giấm để lau sàn, cửa sổ và trên mặt tủ kệ có thể khiến cho kiến ít bò lên những nơi đó. Giấm là một chất làm sạch tuyệt vời trong nhà, và khi khô đi cũng không để lại mùi.
  3. Làm dung dịch nước cốt chanh. Nếu không chịu được mùi giấm, bạn có thể xịt kiến bằng dung dịch nước cốt chanh. Lũ kiến rất ghét chất axit citric có trong nước cốt chanh. Do đó bạn có thể xịt dung dịch này xung quanh nhà để ngăn chặn chúng bò vào. Hãy dùng một phần nước cốt chanh hòa vói ba phần nước để tạo nên một loại nước xịt đa dụng dùng trong nhà.[2]
  4. Rải đất tảo hóa thạch (diatomaceous earth) trong nhà. Đất tảo hóa thạch là một loại chất diệt côn trùng rất hiệu quả mà ít gây hại cho người và động vật tối đa. Đó là một loại tảo cát hóa thạch được nghiền thành bột. Khi côn trùng bò qua chất bột này, những mảnh hóa thạch sắc nhỏ li li sẽ cạo đi lớp sáp bọc bên ngoài vỏ cứng của côn trùng và làm khô kiệt cơ thể chúng. Bạn hãy rắc chất bột này dọc theo ván lát chân tường, bệ cửa sổ và xung quanh nhà để tiêu diệt kiến.
    • Một khuyến cáo dành cho bạn: Hãy đeo khẩu trang khi xử lý đất tảo hóa thạch. Loại bột này không hại gì khi nuốt vào, nhưng những hạt nhỏ li ti sẽ gây hại cho phổi nếu bạn hít phải.
    • Đất tảo hóa thạch sẽ không còn hiệu quả khi bị ướt, thậm chí cả khi độ ẩm trong không khí ở mức cao. Tuy nhiên nó sẽ lại có hiệu quả trở lại khi khô đi, do đó nếu trong nhà có độ ẩm cao khiến đất tảo hóa thạch giảm tác dụng, bạn có thể dùng chất hút ẩm ở những nơi cần xử lý.[3]
  5. Dùng axit boric. Chất này cấu tạo hoàn toàn từ thiên nhiên và rất hiệu quả trong việc trừ kiến. Khi ăn phải axit boric, dạ dày kiến sẽ bị nhiễm độc và chúng sẽ chết. Axit boric cũng phá hủy vỏ cứng bên ngoài của kiến bằng cơ chế giống như đất tảo hóa thạch. Chất này có màu trắng hoặc xanh. Bạn có thể rắc vào những nơi thường thấy kiến lui tới như chân tường hay bệ cửa sổ.
    • Axit boric không phải thuốc diệt côn trùng độc hại, nhưng người và vật nuôi cũng nên tránh nuốt phải. Tránh dùng ở những nơi trẻ con và thú cưng hay chơi. Không dùng gần nơi để thức ăn và trong các ngăn tủ bếp.
    • Axit boric không độc hại với các loài côn trùng có ích, chim, loài bò sát và cá.

Đặt bẫy[sửa]

  1. Bẫy đường axit boric. Những chất này dễ trộn, rẻ tiền, và nhất là cực kỳ hiệu quả. Tất cả mọi thứ bạn cần chỉ là vài tấm bìa (mỗi bẫy một tấm), một chai xi rô ngô hoặc bất cứ loại mật đường nào có độ dính, và bột axit boric. Sau đây là cách làm bẫy:
    • Trộn 2 thìa súp xi rô ngô và 2 thìa súp axit boric vào một cái bát con.
    • Làm sao cho hỗn hợp dính như hồ mà không lỏng quá. Nếu quá lỏng, bạn cho thêm axit boric vào.
    • Dùng thìa phết hỗn hợp lên tấm bìa. Mỗi tấm bìa là một chiếc bẫy.
  2. Đặt bẫy ở những nơi bạn thường thấy kiến. Nếu chúng thích tập trung trên sàn phòng tắm, bạn hãy đặt ở đó một bẫy, đặt một bẫy ở dưới bồn rửa trong bếp và một ở cổng trước. Đặt bẫy quanh nhà nơi nào bạn thấy kiến tập trung.
    • Vì bẫy kiến có chất axit boric, bạn nên tránh đặt trong ngăn tủ bếp và những nơi để thức ăn.
    • Bạn cũng có thể đặt bẫy kiến bên ngoài nhà. Đặt ở các luống hoa hoặc gần thùng rác.
    • Mùi vị của đường mật có thể thu hút những sinh vật khác ngoài kiến, như trẻ nhỏ hoặc là chó. Bạn phải đảm bảo để ngoài tầm với của trẻ và thú cưng.
  3. Chờ cho bẫy thu hút kiến. Nếu trong nhà bạn đang lây lan “dịch kiến” thì chẳng mấy chốc những chiếc bẫy sẽ đầy lũ kiến đi tìm thức ăn và chúng sẽ “đánh chén”món xi rô nhiễm axit boric. Dù chưa chết ngay, nhưng chất độc sẽ phát huy tác dụng trong dạ dày của chúng. Đồng thời, lũ kiến sẽ trở về tổ và đem thức ăn về cho đồng bọn. Đến lượt lũ kiến trong tổ sẽ ăn chất độc này.
    • Khi thấy kiến đến và đi khỏi bẫy, bạn cứ để chúng bò tự do. Nếu bạn giết chúng thì chúng không có cơ hội đem chất độc về tổ để giết thêm hàng chục con kiến nữa.
    • Phương pháp này có thể chưa tiêu diệt được toàn bộ tổ kiến, nhưng sẽ giúp làm giảm đáng kể số lượng kiến quanh nhà bạn.
  4. Thay bẫy khi xi rô đã khô. Sau vài ngày, có thể bạn cần làm bẫy mới. Trộn một mẻ mồi cho kiến, phết lên những tấm bìa và đặt bẫy.
  5. Tiếp tục đặt bẫy cho đến khi nào lũ kiến không đến nữa. Sau khoảng một hay hai tuần, bạn sẽ thấy số lượng kiến đến ăn xi rô giảm đáng kể. Khi bắt đầu thấy xác kiến ở xung quanh bẫy và không còn thấy bầy kiến “hành quân” vào nhà nữa thì coi như công việc của bạn đã hoàn thành.
  6. Dùng ngô xay hàn the để diệt ấu trùng. Kiến thợ ăn chất lỏng chứ không ăn chất rắn, nhưng chúng sẽ đem những mẩu ngô xay về tổ. Chúng cho ấu trùng ăn những mẩu chất rắn này, sau đó thức ăn sẽ được chuyển thành dạng lỏng và kiến thợ ăn lại.[4] Như vậy, chất axit boric sẽ truyền qua nhiều thế hệ kiến.
    • Đảm bảo rằng các đĩa đựng ngô xay và hàn the nông vừa đủ cho lũ kiến có thể ra vào.
    • Bạn cũng có thể trộn một hỗn hợp bột sệt gồm có ngô xay, hàn the và vài giọt nước. Phết lên những vùng bạn thường thấy kiến.

Loại bỏ tổ kiến[sửa]

  1. Đi theo lũ kiến để xác định tổ của chúng. Nếu bạn đã xịt kiến và đặt bẫy kiến nhưng chúng vẫn tập trung trong nhà, vậy thì bạn sẽ phải tấn công vào tận gốc: tổ kiến. Khi thấy một đường kiến bò trong nhà, bạn hãy đi theo chúng cho đến khi nào còn theo được để tìm thấy ụ kiến đắp lên. Tùy theo loại kiến, tổ của chúng có thể ở ngoài, ẩn trong các hòn đá hay hàng rào, hoặc ở trong nhà bạn.
    • Kiến đen nhỏ là một trong những loại kiến phổ biến nhất xâm nhập vào nhà. Chúng bò từng hàng dài và chậm. Chỉ cần để ý một chút là bạn có thể phát hiện ra tổ của lũ kiến này nếu đi theo chúng ra ngoài. Bạn sẽ tìm thấy tổ của chúng ở những nơi khuất trong sân.
    • Kiến hôi (do mùi dừa thối rữa chúng tiết ra khi bạn bóp chết chúng) xây tổ trong nhà ở những khung cửa sổ hay trong tường. Chúng cũng xây tổ ở ngoài trời, dưới những đống củi, tảng đá hay những khe hở khác ở bên ngoài.[5]
    • Kiến vỉa hè thường làm tổ ở các khe nứt trên lối đi. Có thể bạn không nhìn thấy tổ kiến, vì nó ẩn dưới vỉa hè, nhưng bạn có thể tìm được lối vào của chúng.
    • Kiến lửa thường không vào nhà, nhưng có thể có những tổ kiến trong vườn nhà bạn khiến bạn không dám đi chân trần quanh sân. Hãy tìm những ụ đất lớn đùn dưới đất lên gồm các hạt nhỏ như cát.
  2. Chuẩn bị một nồi nước sôi. Lấy một cái nồi lớn và đổ nước đến nửa nồi. Để lửa to đun sôi nước. Khi nước vừa sôi và còn rất nóng, bạn phải đem ra khỏi bếp đến tổ kiến mà bạn tìm được.
  3. Rót nước sôi vào tổ kiến. Cố gắng rót đúng lối vào tổ. Nước sôi sẽ tiêu diệt tại chỗ hàng trăm con kiến và sẽ làm sập tổ kiến. Nếu tổ kiến lớn, bạn cần phải thêm nước sôi nữa chứ không chỉ một nồi.
    • Nếu tổ kiến ở trong nhà, kế dùng nước sôi có thể làm hư hại nhà của bạn. Thay vì dùng nước, bạn có thể giội một bát nước xà phòng vào tổ kiến. Bạn cũng có thể đeo găng tay, xúc tổ kiến bỏ vào xô và đem dìm nước.
    • Nếu đang xử lý kiến lửa, bạn hãy đảm bảo mặc quần dài, nhét gấu quần vào trong tất và áo dài tay khi đến gần tổ kiến. Lũ kiến chắc chắn sẽ nổi giận, chúng có thể túa ra khỏi tổ và cố bò vào quần áo của bạn.
  4. Kiểm tra kiến trong một vài ngày sau. Nếu nước sôi có hiệu quả trong việc tiêu diệt kiến, bạn sẽ không còn phải chịu đựng lũ kiến nữa. Nếu còn thấy kiến từ từ quay trở lại, bạn hãy xử lý bằng nước sôi lần nữa. Đôi khi cần phải áp dụng vài lần để có thể diệt hết lũ kiến.
    • Nếu nước sôi có vẻ không phát huy tác dụng, bạn hãy dùng một chiếc que chọc vào tổ kiến và ngoáy cho đến khi tạo thành miệng lỗ tương đối lớn. Đổ muối nở (baking soda) vào đầy đến nửa và rót giấm lên.
    • Nếu đang cố gắng xử lý kiến lửa, bạn có thể thử phương pháp gọi là “xúc”. Mặc quần dài nhét gấu trong tất dài để bảo vệ, lấy xẻng xúc nhanh ụ kiến lửa vào trong một chiếc xô lớn có rải muối nở để ngăn không cho kiến bò ra. Tiếp tục xúc toàn bộ tổ kiến vào xô. Dìm chết lũ kiến với giấm và nước hoặc nước sôi.[6]
  5. Bịt kín lối vào tổ kiến nếu bạn không thể lấy tổ kiến ra được. Đôi khi rất khó lấy ra toàn bộ tổ kiến, nhưng bạn thường tìm được lỗ vào tổ. Bạn có thể đổ nước sôi vào đó, nhưng thường thì dùng cách đơn giản là lấp lối vào tổ kiến cũng có hiệu quả tương tự. Lấp sỏi và đất vào lỗ rồi rắc thêm axit boric xung quanh. Bọn kiến sẽ phải dời tổ đi nới khác.

Ngăn chặn Tự nhiên[sửa]

  1. Tạo những đường vạch mà kiến không bò qua được. Có nhiều chất trong tự nhiên mà kiến rất sợ và chúng sẽ không dám lại gần. Nếu dùng những chất này rắc thành các đường quanh bệ cửa số, xung quanh nhà và bất cứ chỗ nào kiến đi vào, bạn có thể ngăn không cho lũ kiến vào nhà. Cứ vài ngày bạn nên làm lại các đường đó, vì kiến có thể vượt qua nếu đường vạch bị đứt đoạn. Sau đây là vài chất có tác dụng cho mục đích này:[7]
    • Quế
    • Ớt đỏ
    • Bột vỏ cam hoặc vỏ chanh
    • Cà phê xay
  2. Vắt nước chanh dọc theo các rìa tường bên ngoài nhà. Làm như vậy thì trong nhà bạn không bị bẩn, mà lũ kiến sẽ bị chặn lại vì mùi hương nồng của loại quả họ cam quít này. Bạn cũng có thể pha nửa phần chanh, nửa phần nước và tưới xung quanh bên ngoài nhà.
  3. Dùng tinh dầu để đuổi kiến. Kiến ghét nhiều loại tinh dầu mà con người lại thấy thơm. Cho mười giọt tinh dầu với 1 cup (240ml) nước, sau đó xịt dung dịch này cả trong và ngoài nhà để đuổi kiến. Đây là một số loại tinh dầu bạn có thể thử:
    • Tinh dầu chanh
    • Tinh dầu bạc hà
    • Tinh dầu khuynh diệp (không dùng loại này ở gần mèo! Nó gây độc cho mèo, nhưng vô hại với chó).
    • Tinh dầu hoa oải hương
    • Tinh dầu cây tuyết tùng
  4. Giữ sạch các bề mặt đồ đạc để không thu hút lũ kiến. Những tháng mùa xuân là thời gian lũ kiến thích vào nhà nhất, hãy cố gắng giữ sạch sàn nhà, mặt tủ kệ và các ngăn tủ. Đây là phương pháp lâu dài để ngăn kiến vào nhà. Nếu không đánh hơi thấy mùi thức ăn, chúng sẽ không có hứng thú xâm nhập vào nhà bạn.
    • Bạn cũng nên đậy kín các hộp đựng thức ăn. Nhất là các loại đường, mật ong, xi rô, và các loại thức ăn khác mà kiến thích.
    • Dọn sạch thức ăn rơi vãi, đặc biệt là nước quả hoặc xi rô rơi rớt ra ngoài.
  5. Bịt kín nhà để ngăn kiến vào bên trong. Nếu bạn không cho lũ kiến lối vào nhà, nhiều khả năng là chúng sẽ đóng đô ở khu vực bên ngoài. Tìm tất cả các kẽ nứt và khe hở mà chúng có thể bò vào như dưới cửa, quanh bệ cửa sổ và những vết nứt nhỏ dưới nền. Bịt các khe bằng bột trét hay các loại vật liệu khác cho thật kín. Xịt thêm dung dịch chanh hoặc hoa oải hương lên khu vực đó.

Lời khuyên[sửa]

  • Thử tạo ra các hỗn hợp với nước rửa chén, giấm và các chất gia dụng khác để xịt. Nó luôn có công hiệu!
  • Luôn kiểm tra các lối ra vào và gờ cửa sổ; một con kiến có thể rủ hàng ngàn con khác đến. Lũ kiến có thể để lại đường đi vô hình bằng mùi mà chỉ những con kiến khác mới ngửi được, do đó bạn hãy dùng các chất làm sạch dành riêng cho kiến để loại bỏ đường đi này.
  • Kiến không thích kem đánh răng bạc hà. Bạn chỉ cần bôi vào những nơi bạn nhìn thấy chúng. Chúng sẽ bỏ đi rất nhanh!
  • Lấy một tấm bìa, phết hồ hoặc một loại dung dịch khác có độ dính lên đó và đặt ở nơi bạn trông thấy kiến. Chúng sẽ đến và dính vào đó, và khi những tấm bìa đầy kiến, bạn chỉ việc vứt nó đi!
  • Nếu bạn không muốn giết kiến, hãy đặt một lọ mật ong lên cây trong vườn nhà bạn khi mùa hè bắt đầu. Lũ kiến sẽ vui vẻ ở bên ngoài căn bếp của bạn!
  • Cách tốt nhất để tránh lũ kiến là giữ nhà sạch sẽ. Thường xuyên lau dọn các mặt bàn, kệ tủ và đừng để các mẩu vụn thức ăn rơi vãi.
  • Chuẩn bị sẵn băng dính. Khi thấy kiến, bạn hãy đặt băng dính lên nó và dùng ngón tay gí xuống. Xác kiến dính trong băng dính nên không gây bẩn. Làm nhiều lần đến khi băng dính không còn độ dính nữa.
  • Phấn và muối được cho là những rào cản đối với kiến, nhưng nhiều người lại không thấy công hiệu.
  • Dùng ngón tay bóp chết kiến. Sau đó bạn nhớ rửa tay, nhất là đối với loại kiến hôi.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn để bả kiến và bẫy kiến ngoài tầm với của trẻ em và vật nuôi. Chỉ đặt ở những nơi nào kiến có thể tới được.
  • Lũ kiến có thể quay trở lại; bạn hãy chuẩn bị xử lý lần nữa.
  • Bạn hãy nhớ: Kiến là một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn. Đừng cố gắng tiêu diệt hết kiến ở khu vực xung quanh, chỉ nên diệt kiến trong khuôn viên nhà bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này