Vì sao tôi viết tiểu thuyết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Vì sao tôi viết tiểu thuyết
của Lỗ Tấn, người dịch: Phan Khôi


Vì sao tôi viết tiểu thuyết? - Cái cớ ấy đã nói sơ qua trong bài tựa tập Nột hám[1] rồi. Ở đây còn nên nói thêm một chút, ấy là đương cái lúc tôi để tâm về văn học, tình hình không giống bây giờ. Bấy giờ, ở Trung Quốc, tiểu thuyết không được kể là văn học, người viết tiểu thuyết cũng quyết không thể được kể là nhà văn, cho nên không hề có một ai toan chường mình ra do con đường ấy. Tôi cũng không có ý định cất nhắc tiểu thuyết lên hàng "văn uyển", chẳng qua chỉ muốn lợi dụng cái lực lượng của nó để cải lương xã hội mà thôi.

Nhưng cũng không phải tôi lăm le sáng tác, cái điều tôi chú trọng lại ở giới thiệu, ở phiên dịch, nhất là chú trọng ở truyện ngắn mà riêng về tác phẩm của các tác giả ở trong các dân tộc bị áp bách. Bởi vì hồi đó cái chủ nghĩa "bài Mãn" đương thịnh hành, có ít nhiều kẻ thanh niên đều nhận những tác giả hay hô hào và phản kháng làm bạn đồng điệu. Bởi vậy những sách dạy làm tiểu thuyết, tôi chẳng hề xem qua một bộ nào, về truyện ngắn lại xem chẳng ít, non nửa vì tính mình thích xem, già nửa vì mình đi lục lạo tài liệu để mà giới thiệu. Tôi cũng hay xem văn học sử và những bài phê bình, ấy là vì muốn biết nhân cách và tư tưởng của tác giả để hòng quyết định có nên giới thiệu cho Trung Quốc cùng chăng. Việc tôi làm đó tuyệt không dính dấp gì với sự học vấn.

Vì những tác phẩm mình tìm tòi là thuộc về loại hô hào và phản kháng, thế nào cũng phải để ý về Đông Âu, bởi đó tôi xem những tác phẩm của Nga, của Ba Lan cùng các nước nhỏ Ban Căng nhiều hơn hết thảy. Cũng từng sốt sắng tìm tòi những tác phẩm của ấn Độ, Ai Cập, nhưng tìm không được. Còn nhớ lúc bấy giờ các tác giả mà tôi ham đọc là N. Gogol của Nga, H. Sienckiewitz của Ba Lan, Nhật Bản thì là Hạ mục thấu thạch và Sum âu ngoại.

Sau khi về nước, theo nghề dạy học, không còn có thì giờ xem tiểu thuyết, như thế đến năm sáu năm. Vì sao lại bắt đầu ư? - Điều đó đã viết trong bài tựa Nột hám, không cần nói nữa. Song le tôi sở dĩ viết tiểu thuyết, không phải vì mình cho mình là có tài viết tiểu thuyết, chỉ vì hồi đó ở trọ trong hội quán Bắc Kinh, muốn làm bài luận, không có sách tra cứu, muốn dịch, không có sách gốc, thôi thì viết chút ít cái gì có vẻ tiểu thuyết cho có chuyện, thế là thành ra tập Cuồng nhân nhật ký[2]. Đại khái nhờ ở non một trăm tác phẩm ngoại quốc mà trước kia đã xem và một ít tri thức về y học, thế thôi, ngoài ra, một sự chuẩn bị nào khác không hề có.

Song le, mấy ông biên tập tạp chí Tân thanh niên lại cứ hết lần này tới lần khác đến thúc giục, mỗi lần thúc giục, tôi lại viết được một bài, về điều này tôi phải ghi nhớ ông Trần Độc Tú, ông là một người giục dã tôi viết tiểu thuyết mạnh hơn hết.

Lẽ tự nhiên, hễ đã viết tiểu thuyết, thế nào cũng không khỏi chính mình có ít nhiều chủ kiến. Tức như khi nói đến "vì sao" viết tiểu thuyết, tôi vẫn giữ cái "khải mông chủ nghĩa" hơn mười năm trước, cho rằng phải là vì "nhân sanh" và còn phải là cải lương cái nhân sanh ấy. Tôi rất ghét trước kia người ta gọi tiểu thuyết là "sách chơi", tôi lại còn nhận cho cái danh từ "nghệ thuật vì nghệ thuật" chẳng qua chỉ là cái biệt hiệu của danh từ "tiêu khiển". Cho nên, mỗi khi lấy tài liệu phần nhiều tôi lượm lặt giữa đám người xấu số trong cái xã hội vàng vọt, cốt đem cái đau khổ nêu ra, gọi cho người ta chú ý mà cứu chữa. Cũng vì thế trong khi viết, tôi hết sức tránh cái rườm rà, lai nhai, miễn đủ đem ý tứ của mình tỏ cho người khác được rồi, thà vứt bỏ tất cả những cái gì là bồi thấn và tô điểm. Hát tuồng của Trung Quốc chẳng hề có phông, những tranh tết bán cho trẻ con xem cũng chỉ có mấy nhân vật chủ yếu (song tranh tết hiện giờ phần nhiều có phông), tôi tin quyết rằng đối với cái mục đích của tôi, cái phương pháp ấy là thích hợp lắm, cho nên tôi chẳng hề tả cảnh gió trăng, cho đến những chỗ hai bên qua lại câu chuyện với nhau, tôi cũng không để nói đến một tràng dài.

Sau khi viết xong, thế nào tôi cũng xem lại hai lần, chỗ nào thấy ngượng ngập thì thêm bớt một vài chữ, kỳ cho đọc được trôi chảy mới nghe; câu nào không có lời bạch thoại thích hợp, thà dẫu dụng lời sách xưa, mong có người sẽ hiểu. Những chữ, những câu sống sượng chỉ có mình hiểu hoặc đến cả mình cũng không hiểu thì nhất định không dùng. Về chỗ đó trong bao nhiêu nhà phê bình duy có một người thấy ra nhưng người ấy gọi tôi là "Stylist".

Những câu chuyện tôi viết ra, đại khái bởi có thấy qua hoặc có nghe qua, song le quyết không hề dùng cả cái sự thực ấy, chỉ nhặt lấy một mẩu, đem sửa sang đi, hoặc nặn nột thêm, cho đến chừng vừa đủ phát biểu ý mình gần trọn vẹn là dứt. Về khuôn mẫu nhân vật cũng thế, không hề lấy ở độc một người nào, thường thường cái miệng ở Chiết Giang, cái mặt ở Bắc Kinh, áo quần ở Sơn Tây, là một vai trò góp nhóp đóng nên. Có người nói truyện này của tôi là chửi người nọ, truyện kia của tôi là chửi người kia, thật toàn là nói bậy cả.

Chỉ có một điều, viết cách ấy thường gặp một thứ khó khăn, là làm cho mình khó ngừng bút. Cứ viết một hơi thì cái nhân vật ấy dần dần trở nên hoạt động, làm trọn nhiệm vụ của nó. Nhưng nếu có việc gì bận lòng phải nghỉ đi một cái, sau bao lâu mới viết nốt, thì cái tính cách cũng có thể đổi khác, cái tình cảnh cũng có thể không giống với sự dự định trước kia. Tức như truyện Bất châu sơn của tôi bản ý là định miêu tả về "tánh", từ nó phát động, sáng tạo cho đến suy vong, thế mà giữa chừng vì xem báo, thấy bài văn phê bình công kích thơ tình của một nhà đạo học, trong lòng rất không cho là phải, rồi trong truyện bèn có một nhân vật nhỏ trèo lên giữa hai cái đùi của bà Nữ Oa, chẳng những không cần có, lại còn đem phá bĩnh cái lớn lao của kết cấu nữa. Song những chỗ như thế, ngoài chính tôi ra, đại khái không ai thấy đến, ông Thành Phương Ngô, nhà đại phê bình của chúng ta, còn nói rằng cái truyện ấy tôi viết rất xuất sắc.

Tôi tưởng nếu như truyện dùng một người nào làm khuôn mẫu thì có thể khởi cho cái tệ hại ấy, song chính tôi chưa từng thí nghiệm lần nào.

Quên là ai nói, đại ý muốn nhòn công vẽ ra cái đặc điểm của người nào tốt hơn hết là vẽ ngay con mắt của người ấy. Tôi cho rằng câu nói ấy rất đúng, nếu như vẽ trọn cả mớ tóc trên đầu, dầu cho giống hệt đi nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì sốt. Tôi đương học theo luôn luôn cái phương pháp ấy, tiếc thay học chẳng nên thân.

Chỗ nào đáng bớt đi, tôi quyết chẳng thêm bừa, khi viết không ra, tôi quyết không viết lấy được, song đó là nói cái lúc tôi có các món khác thêm vào, không phải bán văn để mà sống kia, chứ không phải lúc nào cũng thế cả.

Còn có một điểm đáng nói nữa, là mỗi khi viết, tôi bất chấp tất cả mọi thứ phê bình. Bởi vì thuở đó, ở Trung Quốc, giới sáng tác vẫn là non nớt, giới phê bình lại còn non nớt hơn, chẳng phải họ tung lên mây xanh, thì là họ dìm xuống đất cái, nếu đem những lời phê bình ấy đặt vào trong mắt thì một là coi mình như thánh tướng, một là chỉ có tự sát đi mới đủ mà chuộc tội với mọi người. Phê bình phải chỗ dở nói dở, chỗ hay nói hay, mới có ích cho tác giả.

Tuy vậy, tôi lại thường hay đọc những bài phê bình của ngoại quốc, vì họ đối với tôi, không có ân oán giận ghét gì, mặc dầu họ phê bình tác phẩm của người khác, mình cũng có thể mượn đó làm gương. Có điều, lẽ tự nhiên, đồng thời tôi hẳn phải để ý về lưu phái của nhà phê bình ấy.

Nhẫn lên, là chuyện mười năm về trước, đó về sau tôi không hề viết gì nữa, cũng chẳng có tiến thêm, ông chủ bút muốn tôi góp một bài về loại này, làm sao cho được ư? Viết chày viết cối chẳng qua như thế mà thôi.

Tháng 3, ngày 5, dưới đèn.
Lỗ Tấn

Đăng Văn nghệ (xuất bản ở chiến khu Việt Bắc), số 3, tháng sáu, bảy 1948

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. Nột hám là tên một tập tiểu thuyết của Lỗ Tấn (nguyên chú)
  2. Nhật ký người điên


Bản dịch này có thể có thông tin cấp phép khác với văn kiện gốc. Tình trạng bản dịch áp dụng cho phiên bản này.
Bản gốc:

Bản dịch:
PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)