Văn hoá rượu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Có nhiều nguyên nhân khiến người ta uống rượu, nhưng có thể quy về hai nhóm chính: những nguyên nhân thuộc về xã hội vầ những nguyên nhân thuộc về cá nhân.

Có mặt từ rất lâu trong cuộc sống của con người, rượu đã trở thành một đối tượng nghiên cứu về nền văn hóa ẩm thực

Những nguyên nhân về xã hội, ví dụ như cần thảo luận về những dự án làm ăn, những điều tế nhị có thể dễ dàng thảo luận và thống nhất ý kiến khi ngồi quanh bàn rượu. Ngoài ra nam giới thường uống rượu vì rượu là biểu tượng đặc trưng cho nam tính: "Nam vô tửu như kỳ vô phong".

Về mặt cá nhân đôi khi người ta uống rượu vì buồn, vì cô đơn, để giải sầu: "Dục phá thành sầu duy hữu tửu". Có khi uống để xóa cảm giác sợ hãi hoặc uống vì vui mừng. Như vậy, rượu cũng mang một biểu trưng của văn hóa trong cộng đồng. Hầu như các hoạt động lễ hội đều có những cuộc vui bên chén rượu.

Rượu là một hoạt động giữa nhóm bạn bè[sửa]

Còn một lý do cộng đồng nữa là con người cần có một nhóm bạn uống rượu để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ, trò chuyện, thảo luận thông tin. Cũng có những trường hợp nhậu nhẹt chỉ để giết thời gian, gây lãng phí tiền mặt.

Uống rượu là một ý thích con người, nhưng trước tiên nó là một sinh hoạt văn hóa, phương tiện giao tiếp, một sinh hoạt giữa người và người, như cố nhân có câu "Trà tam rượu tứ" hoặc "Rượu ngon phải có bạn hiền". Xuất phát là như thế, nhưng tại sao vui buồn gì con người cũng uống rượu, tại sao khi buồn người ta không đi ăn phở. Vấn đề ở chỗ rượu làm con người hưng phấn để thúc đẩy giao tiếp xã hội hiệu quả hơn.

Loại trừ những người nghiện rượu, hầu hết người ta thường uống rượu tập thể vì ghiền không khí tập thể. Nhiều người để rượu trong kệ tủ nhiều tháng vì không uống rượu được một mình. Đôi khi, người ta ngồi ở ngã tư đường trong nhóm bạn thân, uống một vài ly bia hơi, ngắm buổi chiều qua phố, thư giãn đầu óc, không tốn nhiều tiền mà cảm thấy dễ chịu hơn nhiều so với tiệc tùng phải vào những nhà hàng sang trọng. Bên cạnh ý nghĩa cổ điển của rượu, ngày nay rượu đã có nhiều biến đổi.

Rượu trong thi ca cổ điển[sửa]

Không như ngày xưa rượu đã từng là nguồn ngẫu hứng của thi ca, uống rượu là một thói quen tao nhã của thi nhân. "Túi thơ bầu rượu" là hình ảnh quen thuộc của nhà nho - kẻ sĩ ngày xưa. Nhà thơ Lý Bạch (Trung Quốc) từng miêu tả: "Xuân du phương thảo địa, hạ thưởng lục hạ trì, thu ẩm hoàng hoa tửu, đông ngâm bạch tuyết nhi". Rượu có mặt trong buổi gặp gỡ, rượu có mặt trong lúc thề nguyền, trong ước hẹn, trong chia ly, trong đoàn tụ. Mọi sự kiện trong cuộc đời đều có rượu chứng kiến, chẳng thế, Bạch Cư Dị đã phải thốt lên: "Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty".

Rượu trong cuộc sống thường ngày[sửa]

Cho dù những thú tao nhã của rượu ngày nay bị phôi pha đi nhiều, nhưng một khi uống rượu với nghĩa khí và hào khí thì chính rượu là nguồn lực của sáng tạo. Xét về bản chất, rượu không phải là thứ xấu, nhưng con người có bản chất xấu sẽ bộc lộ ra bản chất tệ hại khi uống rượu.

Không thể cấm đoán uống rượu, bởi vì rượu là một nhu cầu, là một tập quán trong giao tiếp xã hội. Rượu là một hiện vật trong đời sống lễ nghi của con người. Những hội hè đình đám, những dịp quan, hôn, tang tế, lễ, nghĩa, hiếu hỉ đều cần đến rượu. Ở nông thôn nước ta, đặc biệt là nông thôn Nam Bộ, rượu còn là phương tiện bày tỏ lòng hiếu khách. Và nói chung, các dân tộc khác trên thế giới cũng vậy, mời uống rượu là để bày tỏ lòng hiếu khách của chủ nhà.

Tác hại của rượu[sửa]

Một khi con người lạm dụng rượu thì rượu sẽ gây ra tác hại khôn lường, trước hết là làm hại sức khỏe và làm mất tư cách con người khi say rượu. Không ít trường hợp mượn rượu để làm những điều tệ hại, để phô trương thói hợm hĩnh, trưởng giả. Say rượu thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự và an ninh xã hội.

Lại có những kẻ uống rượu một cách lãng phí xa hoa chỉ vì đồng tiền kiếm được không phải bằng công lao khó nhọc mà bằng tiền công quỹ, hay đồng tiền nhơ bẩn. Trong những trường hợp đó, rượu đã vô tình tiếp tay cho những thói hư tật xấu lộng hành. Ngày nay rượu còn là một biểu hiện của nạn tham nhũng, hối lộ - một nguy cơ lớn đã và đang hủy hoại không chỉ nền văn hóa mà cả nền kinh tế của đất nước.

Hãy trả lại vai trò văn hóa của rượu[sửa]

Rượu vốn có vai trò văn hóa của nó, nhưng việc lạm dụng rượu những mục đích thấp kém khác nhau thì nó luôn gây ra những tác hại đối với xã hội. Trong những năm gần đây, tình trạng uống rượu tăng lên nhiều, cũng có thể do hoàn cảnh xã hội, hoạt động kinh tế cũng giống như hoạt động xã hội đều gia tăng, dồn dập nhiều hơn khiến cho việc uống rượu gia tăng hơn. Tiệc rượu mang tính chất ngoại giao, cũng đóng vai trò văn hóa quan trọng, và tính xã hội ngày càng phức tạp thì việc uống rượu cũng phức tạp.

Vấn đề là một khi tham gia vào bàn rượu, mỗi người hãy tôn trọng giá trị văn hóa của rượu mà giới hạn liều lượng uống và đừng lạm dụng rượu cho những mục đích xấu. Tất nhiên, giảm bớt được những chầu rượu bao nhiêu thì sức khỏe và tinh thần con người được củng cố bấy nhiêu. Rượu vẫn cần nhưng chắc chắn còn nhiều điều khác cần hơn.

Nguồn[sửa]

Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn

Xem thêm[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này