Vượt qua nỗi buồn khi ông bà qua đời

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự qua đời của ông bà thường là trải nghiệm đầu tiên của một đứa trẻ về sự mất mát và tiếc thương.[1] Đương đầu với sự mất mát này có thể rất khó khăn và cần nhiều thời gian. Sự tiếc thương sẽ gây ảnh hưởng khác nhau tới mỗi người, không phụ thuộc vào độ tuổi. Không có cách nào là đúng hay sai trong việc vượt qua nỗi đau khi ông hoặc bà qua đời, nhưng bạn có thể dùng những phương pháp lành mạnh để đối phó với niềm tiếc thương này.

Các bước[sửa]

Tìm tới những người khác[sửa]

  1. Trò chuyện với người thân trong gia đình về sự qua đời của ông bà. Bạn có thể tìm tới bố mẹ, anh chị em hoặc bất kì ai mà bạn cảm thấy thân thiết. Hãy trò chuyện về sự mất mát như một cách để giải toả nỗi tiếc thương. Bạn có thể hỏi về cuộc đời của ông bà, nhất là khi bạn chưa biết rõ về họ. Tập trung vào sự qua đời của ông bà là một cách để mọi thành viên trong gia đình cùng vượt qua nỗi đau.[2]
    • Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi bố mẹ: “Bà đi đâu rồi ạ?” hoặc “tại sao bà lại phải ra đi?”
    • Nếu bạn là người phải trả lời câu hỏi của con trẻ về sự ra đi của ông bà chúng, hãy dùng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Bạn có thể trả lời như sau: “Con biết là bà đã mắc ung thư bấy lâu nay rồi. Bệnh đó không giống như lúc con bị cảm lạnh đâu, nó rất khác. Ai cũng mong bà sẽ khoẻ lại nhưng bà đã không qua khỏi, và giờ bà đã qua đời vì bệnh ung thư”.
  2. Đừng e ngại hoặc cảm thấy xấu hổ khi phải khóc trước mặt người khác. Dù bạn cho rằng việc khóc lóc trước mặt người khác là đáng xấu hổ, nhưng khi bạn bộc lộ cảm xúc, bạn có thể bày tỏ sự tiếc thương và giúp người khác cũng bày tỏ điều đó. Hãy thoải mái khóc và thể hiện cảm xúc về sự qua đời của ông bà bạn. Bạn cũng nên hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình hoặc những người bạn trong cơn đau buồn này. Hãy ôm hoặc an ủi họ bằng một cách nào đó.[3]
    • Các bậc phụ huynh khi nói với con trẻ về sự qua đời của ông bà chúng nên cởi mở khi bày tỏ cảm xúc, khóc hoặc buồn bã một cách tự nhiên. Trẻ em sẽ coi đó là dấu hiệu để cho phép bản thân được khóc hoặc đau buồn vì sự mất mát này.
  3. Tới dự đám tang của ông bà cùng gia đình, nếu được. Dù có thể khó khăn, nhưng việc tham dự đám tang sẽ giúp bạn thể hiện được sự đau buồn và chấp nhận rằng ông bà đã ra đi mãi mãi. Đi cùng gia đình có thể giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ và an ủi trong giây phút tang thương đó.[1]
    • Cha mẹ có thể hỏi xem trẻ có muốn đi dự đám tang để từ biệt ông bà hay không. Cho phép trẻ lựa chọn để trẻ cảm thấy thoải mái với việc tham dự đám tang. Thông thường, trẻ sẽ lựa chọn tham gia để có thể nói từ biệt ông bà.
    • Nếu trẻ quyết định tham dự tang lễ, bạn nên nói trước cho chúng biết những điều sẽ diễn ra tại đó. Hãy cho trẻ biết rằng chúng có thể xếp hàng phía sau những người thân khác và nhìn mặt ông bà lần cuối, hoặc trẻ có thể chỉ cần đứng sang một bên. Giải thích cho trẻ biết quan tài là gì, và ông bà chúng có thể trông như đang ngủ ở trong đó. Bạn cũng có thể nói riêng với người phục vụ tang lễ rằng bạn có trẻ em đi kèm.
  4. Chia sẻ sự sợ hãi về cái chết với bạn thân. Nếu bạn có những người bạn thân đã từng trải nghiệm về sự mất mát, hãy tìm tới họ để chia sẻ nỗi sợ hãi và cảm xúc của bạn. Kể về cảm xúc của mình cho người khác sẽ giúp bạn xử lý được chúng và cảm thấy khá hơn đôi chút.[1]
    • Cha mẹ cũng nên nhấn mạnh rằng việc ông bà qua đời không phải là lỗi của trẻ mà là do bệnh tật hoặc tai nạn. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng về cái chết, thậm chí chúng còn có thể tự trách bản thân hoặc cảm thấy sợ rằng những người thân khác cũng sẽ sớm rời xa chúng. Hãy kiên nhẫn và giải thích rằng ông bà chúng qua đời là do một nguyên nhân cụ thể, và người già thì thường khó vượt qua bệnh tật hơn.

Tưởng nhớ ông bà[sửa]

  1. Tạo ra vật kỉ niệm để tưởng nhớ tới ông bà. Đôi khi, việc có một vật hữu hình nào đó để tưởng nhớ tới người đã khuất sẽ rất có ích. Đó có thể là một bộ sưu tập ảnh về ông bà hoặc một bức tranh do chính bạn vẽ nên và đóng khung. Sau đó, bạn có thể treo chúng ở một vị trí đặc biệt trong nhà hoặc trong phòng để có thể luôn nhớ về ông bà.[1]
  2. Thăm mộ ông bà. Hãy dành thời gian tới thăm mộ của ông bà. Bạn có thể mang hoa hoặc đồ kỉ niệm tới đặt bên mộ ông bà để bày tỏ lòng kính yêu với họ. Việc này cũng đem lại cho bạn cơ hội được “trò chuyện” với ông bà và chia sẻ mọi cảm xúc mà bạn có. Thông thường, đi thăm mộ người đã khuất cũng là một hình thức để giải toả niềm tiếc thương.
  3. Viết thư cho ông bà. Một cách khác để tưởng nhớ tới ông bà là viết một bức thư hoặc một câu chuyện về ông bà, hoặc cũng có thể là một câu chuyện để dành tặng ông bà. Sau đó, bạn có thể lưu giữ bức thư ở một nơi an toàn và mang ra đọc lại mỗi khi thấy buồn về sự ra đi của họ. Thể hiện cảm xúc bằng cách viết ra sẽ giúp bạn bớt đau buồn và chấp nhận sự mất mát này.
  4. Chia sẻ những kỉ niệm và câu chuyện về ông bà với những người thân khác. Một cách khác để bày tỏ niềm kính yêu với ông bà là giữ cho những kỉ niệm sống mãi thông qua việc chia sẻ với những thành viên khác trong gia đình. Đó có thể là một câu chuyện vui nhộn từ thời thơ ấu của ông bà do ai đó kể lại cho bạn nghe, hoặc là một kỉ niệm mà bạn từng có với ông bà khi họ còn sống.
    • Bạn có thể biến việc này thành một truyền thống vào mỗi dịp sinh nhật hoặc ngày giỗ của ông bà. Có một hoặc một vài ngày cố định để tưởng nhớ tới ông bà sẽ giúp mọi người bớt thương nhớ người đã khuất.

Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp[sửa]

  1. Nói chuyện với giáo viên cố vấn tại trường học. Nếu bạn còn nhỏ tuổi và cảm thấy khó vượt qua việc ông bà mình qua đời, bạn có thể tìm tới giáo viên cố vấn tại trường. Nói về cảm xúc và những khó khăn hiện thời sẽ giúp bạn giải toả nỗi buồn. Thông thường, sự đau buồn có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác như học hành sa sút hoặc xa lánh mọi người. Chia sẻ cảm xúc với giáo viên cố vấn sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ đau buồn hơn.[4]
    • Giáo viên cố vấn có thể gợi ý cho bạn cách để vượt qua nỗi đau nhờ vào việc tham gia các hoạt động ngoại khoá mà bạn vốn yêu thích. Họ cũng có thể giúp bạn nhận ra những yếu tố gây kích thích nỗi buồn hoặc sự trầm uất.[5]
    • Giáo viên cố vấn cũng có thể hướng dẫn những chiến lược tích cực để biến cảm xúc tiêu cực thành hành động lành mạnh, ví dụ như tập luyện cách thư giãn, giao tiếp với gia đình và bạn bè, ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh.[5]
  2. Trao đổi với chuyên gia trị liệu nếu bạn bị ám ảnh hoặc trầm uất vì sự ra đi của ông bà. Bạn cũng có thể tìm tới sự giúp đỡ của một chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia trị liệu có chuyên môn trong việc đối phó với sự mất mát. Nói chuyện với bố mẹ nếu bạn vẫn còn nhỏ tuổi và thường xuyên cảm thấy đau buồn khôn nguôi, hoặc nỗi đau gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động thường nhật.[4]
    • Chuyên gia trị liệu có thể đề nghị bạn viết ra cảm xúc của mình vào nhật kí, thực hiện bài tập nhập vai với bạn và giúp bạn xử lý mọi cảm xúc về “những việc chưa kịp hoàn thành” với ông bà mình, nhờ đó, bạn có thể cảm thấy đỡ áy náy hơn.[6]
  3. Tham gia một nhóm hỗ trợ. Rất nhiều nhóm có thể hỗ trợ bạn vượt qua nỗi đau mất người thân tại nơi bạn sinh sống hoặc trên mạng. Hãy tìm kiếm những nhóm người chuyên hỗ trợ việc vượt qua sự qua đời của ông bà hoặc người cao tuổi. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi được nói chuyện với những người có cùng trải nghiệm với mình trong một môi trường thân thiện và an toàn.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]