Vấn nạn của H1N1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cúm Heo không còn hoành hành nữa, nhưng các chuyên gia cho rằng cái dịch lớn lao này có thể bùng phát trở lại. Cho dù các phát ngôn viên đã tuyên bố cúm H1N1 không còn lan truyền trên thế giới, nhưng không một nhà dịch học nào quả quyết sẽ không có một đợt tấn công thứ ba - hay thứ tư - của dịch cúm heo trong tương lai.

Sự lan truyền của dịch cúm tăng lên rồi giảm xuống. Và sự bùng phát của giống siêu vi khuẩn mới thường xẩy ra từng đợt mà không ai biết trước được vì nó tuỳ thuộc vào những thay đổi của tập tính con người, tình trạng khí hậu và ngay cả sự tranh chấp giữa những vi khuẩn khác. Điều này làm cho cái khoa học về dịch nhiễm trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành dịch tễ học.

Không ai biết hết được.

Ở nước Mĩ, “cúm Nam Mĩ” của năm 1918 có bốn đợt khác nhau, xẩy ra trong vòng hai năm. “Cúm Á châu” của năm 1957, như giống H1N1 hiện nay, gồm một đợt cuối mùa xuân và một đợt mùa thu, tiếp theo đó là một đợt thứ ba vào cuối mùa đông năm 1958. Sau một thời gian lặng yên, nó trở lại một lần nữa vào năm 1960. “Cúm Hồng Kông” của năm 1968 gồm có hai đợt, cách nhau khoảng một năm, với đợt thứ hai gây bệnh cho một số người bằng với đợt thứ nhất. Lịch sử như thế cho thấy dịch cúm tăng giảm theo chu kì, tuy không nhất định.

Anne M. Schuchat, người cầm đầu nhóm phản ứng với sự lan truyền của H1N1 tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Tật bệnh (CDC) nói: “Chúng ta chưa hoàn toàn thoát khỏi trận dịch này vì loại siêu vi trùng của nó vẫn còn lưu hành trên thế giới, và cơ may để có một đợt tấn công lớn lao kế tiếp khó có thể tiên đoán được.”

Vậy thì làm sao giải thích được sự thoái lui của dịch cúm sau khi nó tăng tới độ cực đỉnh vào tháng mười năm ngoái? “Đó là một câu hỏi hóc búa mà chưa ai có thể trả lời được,” Katia Koelle, nhà sinh vật học của đại học Duke, người đang nghiên cứu cái động lực của sự bùng nổ của các bệnh tật, đã nói như vậy.

Tại sao bệnh cúm lại không lan tràn trong mùa đông, khi những điều kiện tối ưu như nhiệt độ mát mẻ, không khí khô ráo và cuộc sống cá hộp của con người giúp nó tăng trưởng nhanh chóng? Walter R. Dowdle, người đã làm việc với CDC trong trận dịch năm 1968 và hiện nay là một nhà dịch tễ học, nói: “Nó chẳng làm điều đó. Nó chỉ tràn qua trong cộng đồng rồi đi mất.”

Phản ánh cái lơ mơ của các nhà khoa học trong vấn đề này, Micheal T. Osterholm, giám đốc của trung tâm nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của đại học Minnesota đặt câu hỏi: “Tại sao nó lại tấn công từng đợt? Tôi chưa thấy ai đưa ra một giải thích dựa trên căn bản sinh học một cách thoả đáng cả.” Không ai biết hết được.

Về một phương diện nào đó, lí do tại sao H1N1 biến mất dần thật không có gì khó hiểu - số người bị nhiễm H1N1 ít hơn là số người bị nhiễm lúc mùa thu năm ngoái. Sự bành trướng và duy trì của một cơn dịch chỉ là một con toán đơn giản. Nếu mỗi một người bệnh truyền vi khuẩn sang cho hai hay nhiều người khác thì trận dịch sẽ lan tràn khắp nơi. Nếu mỗi một người truyền sang, theo trung bình, ít hơn một người -- nghĩa là nhiều người không truyền bệnh cho ai cả -- thì nạn dịch sẽ từ từ biến mất.

Số người trung bình bị nhiễm vi khuẩn từ người bệnh được gọi là số sinh nở căn bản, hay là R0. Đây là một tính chất đặc thù của mỗi loại vi khuẩn. Có loại truyền nhiễm rất mạnh, và loại đó có số R0 thật cao. Bệnh sởi, một bệnh dễ lây nhất cho người khác, có số R0 khoảng 18. Bệnh sốt bại liệt (viêm tủy xám) có số R0 là 6; hội chứng hô hấp cấp tính nặng vào khoảng 5. Những loại siêu vi khuẩn của bệnh cúm thông thường có số R0 là 1,2 và của các bệnh dịch lớn ít khi nào lớn hơn 2. Số R0 của H1N1 (cúm heo) là 1,6. Với một số R0 thấp như vậy, nó có nghĩa là sự lan tràn của bệnh cúm thường bị cắt đứt bởi những người mang bệnh nhưng không truyền siêu vi khuẩn cho người khác.

Siêu vi khuẩn của bệnh cúm rất dễ lây giữa những trẻ em khi chúng tụ tập trong lớp học rồi sau đó truyền vi khuẩn cho những người chung quanh. Ở Mĩ, đợt tấn công đầu tiên vào mùa xuân nổi bật nhất từ các trường học. Vi khuẩn lan tràn trong mùa hè khi học sinh hội họp nhau lại để đi chơi. Đợt tấn công thứ nhì xẩy ra trên khắp nước Mĩ vào mùa tựu trường tháng chín. Roy Anderson, giáo sư về bệnh truyền nhiễm của trường University College London cho biết: “Nhân tố chính của sự sụt giảm là vụ mùa hè, và nhân tố chính của sự gia tăng là mùa học vụ khi mọi người tới trường.”

Một hậu quả của hiện tượng này là khi nhiều trẻ em bị nhiễm vi khuẩn, khỏi bệnh rồi trở nên miễn nhiễm thì sự lan tràn của dịch cúm ngừng lại. “Với loại vi khuẩn hiện nay, một khi một nửa số trẻ em bị cúm… thì chúng sẽ không lây truyền cho người khác nữa, trù phi sự nhiễm trùng gia tăng vì một lí do nào khác,” Ira Longini, một nhà khảo sát bệnh tật của đại học Washington đã nói. Đó là điều đã xẩy ra vào mùa thu năm ngoái và trong trường hợp của cúm Á châu năm 1957, một cơn dịch có nhiều điểm tương đồng một cách lạ kì với dịch cúm heo hiện tại. Số người đi khám bác sĩ vì bệnh cúm lên cao nhất trong tuần tháng mười. Năm 1957, số học sinh vắng mặt vì bệnh cũng lên cao nhất vào tháng mười.

Vậy thì tại sao siêu vi khuẩn bắt đầu tàn lụn, và nó có cho ta biết gì về viễn ảnh của một cuộc tấn công thứ ba?

Siêu vi khuẩn của cúm Á châu trở lại một lần nữa vào tháng hai năm 1958, giết khoảng 20000 người (so với 40000 trong mùa thu năm nay). Phần lớn số tử vong là người già, thành phần đã được chừa ra trong mùa thu vừa qua bởi một lí do bí ẩn nào đó – có thể là vì họ không tiếp xúc nhiều với học sinh. Các nhà dịch tễ học cho rằng những người già hiện nay có thể được miễn nhiễm với vi khuẩn H1N1 vì họ đã tiếp cận với những vi khuẩn tương tự lưu hành trên trên quả đất hơn 40 năm trước. Nếu như thế, một đợt tấn công thứ ba của dịch cúm giống như cúm Á châu khó có thể xẩy ra.

Một điều chắc chắn với mọi người là điều kiện của môi trường hiện nay giúp cho một sự bộc phá dịch cúm tăng nhanh hơn là tháng mười năm ngoái. Một nghiên cứu trong tháng 12 đăng trên báo Public Library of Science Currents cho biết nhiều thí nghiệm đã chứng tỏ là siêu vi khuẩn dịch cúm tăng trưởng khỏe nhất trong một môi trường khô ráo. Một nhóm các nhà siêu vi khuẩn học và khí hậu học, dẫn đầu bởi Jeffrey Shaman của Oregon State University, cho thấy trong 30 năm qua khi dịch cúm hoành hành thì chúng thường bắt đầu vào khoảng ba tuần sau khi độ ẩm trong không khí giảm xuống thật nhiều. Họ dùng quan sát này để tiên đoán sự bộc phát của dịch cúm ở năm tiểu bang có khí hậu khác nhau (Arizona, Florida, Illinois, New York và Washington), và họ đều đúng.

Như thế thì đã rõ ràng rồi, khi khí hậu trở nên khô ráo, siêu vi khuẩn sinh sản lan tràn. Thường thì không khí mùa đông – trong nhà hay ngoài trời – khô nhất trong bốn mùa. Khí hậu bây giờ khô hơn khí hậu mùa thu năm ngoái, do đó vi khuẩn H1N1 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn là tháng mười năm vừa rồi. Nhưng điều đó đã không xẩy ra.

Không ai biết hết được.

Đương nhiên có nhiều lí do để giải thích cơ nguyên này, một trong những lí do đó là vi khuẩn cúm phải cạnh tranh với những vi khuẩn khác trong mũi và họng con người.

Khi một người bị nhiễm bởi một vi trùng gây bệnh đường hô hấp (như rhinovirus, gây bệnh cảm) thì cơ may để nhiễm một siêu vi trùng khác (như cúm) giảm xuống rất nhiều. Một phần là vì cái nhiễm trùng thứ nhất đã kích hoạt một cơ chế miễn nhiễm trong con người, chống lại cái nhiễm trùng thứ nhì. Sự bảo vệ này có thể kéo dài nhiều tuần, làm gián đoạn cơ chế lan truyền dây chuyền khiến dịch bệnh không lan tràn được nữa.

Một tương quan tương tự có thể xẩy ra giữa những loại cúm với nhau. Đó là lí do tại sao trong mấy tháng gần đây người ta không thấy có sự hiện diện của bệnh cúm thông thường. Loại cúm của năm vừa rồi mà hiện nay vẫn còn thấy rải rác vài nơi -- H3N2, một loại biến thể của H1N1 và influenza B -- bị trấn áp hoàn toàn bởi sư xuất hiện của H1N1.

Thật ra, ngay khi chúng ta không có đợt tấn công thứ ba, giống H1N1 mới này có thể là giống cuối cùng của loại siêu vi khuẩn cúm đã lưu hành trong hàng chục năm qua. Ít nhất, đó là điều đã xẩy ra trong những trận dịch trong qua khứ.

Các thể loại cúm H1N1 đã xuất hiện năm 1918 cùng với dịch Nam Mĩ. Trong trận dịch năm 1957, siêu vi khuẩn mới lúc đó là loại HN2, và nó đã tiêu diệt loại H1N1. Năm 1968, loại vi khuẩn mới lúc đó là H3N2, và nó đã tiêu diệt loại H2N2. Nhưng H1N1 xuất hiện trở lại vào năm 1977, hình như là do sự phóng thích ra ngoài một cách tình cờ từ một phòng thí nghiệm ở Nga hay Trung quốc. Cũng như tất cả các giống truyền nhiễm khác, loài H1N1 (hay những hậu duệ của nó) sẽ lây tới hầu hết tất cả mọi người trên thế giới -- nếu họ chưa có tính miễn nhiễm với nó -- tuy rằng nó có thể không làm cho người ta đau đớn và khổ sở. Chuyện này có thể xẩy ra trong nhiều năm. Nó cũng có thể xẩy ra như một đợt tấn công mạnh mẽ hoặc một sự lấn áp từ từ. Nhưng chắc chắn sự lan truyền cùng khắp sẽ xẩy ra, không thể tránh được.

Longini, nhà dịch tễ học của đại học Washington, tóm tắt hiện trình của H1N1 như sau: “Chúng ta sẽ phải đương đầu với nó trong hàng chục năm tới. Và chúng ta không biết nó sẽ làm gì trong tương lai.”

Không ai biết hết được.

(Ngon Co Lau dịch Theo David Brown, The Washington Post, February 2010)