Đánh giá theo năng lực trong đào tạo nghề/Nguyên tắc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dựa trên những nghiên cứu lý luận về CBA cũng như qua thực tiễn triển khai hệ thống đánh giá KNNQG về đánh giá theo năng lực, tác giả đúc kết bốn nguyên tắc đánh giá theo năng lực như sau:

Sự minh bạch[sửa]

Đánh giá minh bạch tức là nó công khai và rõ ràng đối với đánh giá viên và thí sinh về tất cả các vấn đề liên quan. Đối tượng đánh giá cần phải biết mình sẽ được đánh giá bằng phương pháp nào (quan sát trực tiếp hay quay video? kiểm nghiệm sản phẩm hay dịch vụ được thực hiện? và thời điểm nào, trong bối cảnh nào, bằng tiêu chí nào?) hoặc sẽ nhận được thông tin phản hồi về kết quả thực hiện của mình ở mức độ nào và cần cải thiện những gì. Nếu các tiêu chí đánh giá đều được chấp nhận, dễ hiểu, có ý nghĩa thực tiễn, đồng thời các phương pháp và kế hoạch đánh giá tốt thì các vai trò và trách nhiệm của các bên (đánh giá viên, đối tượng đánh giá, cán bộ quản lý giám sát,...) càng dễ dàng được kiểm soát.

Độ giá trị[sửa]

Độ giá trị liên quan đến đánh giá trong hệ thống dựa trên năng lực bao gồm kỹ năng, kiến thức và tích hợp chúng với ứng dụng thực tế. Những nhận định để xác định năng lực phải dựa trên chứng cứ thu thập được trong một vài bối cảnh hay tình huống. Độ giá trị nói đến các phương pháp và công cụ đánh giá cho phép thu được những thông tin chứng cứ cần phải có, đo được cái định đo tức là mức độ đạt được mục tiêu đánh giá.

Một đánh giá được lập kế hoạch tốt khi đánh giá viên và thí sinh biết rõ cái gì sẽ được đánh giá và dựa trên những chứng cứ nào. Trước hết đánh giá viên hay người thiết kế quá trình đánh giá phải nghĩ đến mục tiêu của đánh giá, tự hỏi mình cần những chứng cứ nào về sự thực hiện của thí sinh và phương pháp đánh giá nào sẽ cung cấp được những chứng cứ đó.

Mục tiêu đánh giá là cơ sở bảo đảm độ giá trị của công cụ cũng như của phương pháp đánh giá. Mục tiêu là một lời phát biểu mô tả kết quả thực hiện đã dự định đối với đối tượng đánh giá, thường bao gồm:

i) Sự thực hiện công việc: thực hiện quy trình một cách chuẩn xác, khả năng di chuyển kỹ năng trong những điều kiện và tình huống khác nhau. Khả năng di chuyển kỹ năng là đặc tính mềm dẻo được biểu hiện ở quá trình chuyển vào những bối cảnh, điều kiện mới của hoạt động nghề. Tính mềm dẻo nói lên sự hoàn thiện của kỹ năng.

ii) Kết quả của thực hiện công việc: Được thể hiện thông qua sản phẩm đã được thực hiện. Sản phẩm ở đây là vật thể được tạo ra, hoặc dịch vụ được cung cấp sau khi thực hiện một kỹ năng, hoặc cũng có thể là một quyết định.

iii) An toàn lao động: đây là một tiêu chí quan trọng cần được chú ý trong việc luyện tập và đánh giá kỹ năng cho người học, đặc biệt đối với những kỹ năng khi thực hiện có độ nguy hiểm cao hoặc nguy cơ mất an toàn đối với người, thiết bị, dụng cụ, môi trường và người xung quanh.

iv) Năng suất lao động: Đây là tiêu chí nhằm đánh giá sự thành thạo của người học một cách cụ thể. Nó thể hiện thông qua các chỉ tiêu như:

- Tốc độ, tức là giới hạn thời gian (tối đa) để hoàn thành một công việc.

- Số lượng sản phẩm (tối thiểu) làm được trong một thời gian nhất định và đạt tiêu chuẩn chất lượng đã quy định.

v) Phối hợp hoạt động với người khác trong tổ, nhóm: Đây là tiêu chí nhằm đánh giá sự nhận thức cũng như sự thể hiện về tính cộng đồng và mức độ trách nhiệm trong công việc với người khác và trong nhóm. Nhờ đó họ nhận thức được sự lệ thuộc lẫn nhau đặc biệt trong những công việc mang tính tập thể nhiều người mới có thể hoàn thành được. Biết cách phân tích, phân công công việc một cách hợp lý nhất trong nhóm để hoàn thành có năng suất, chất lượng đối với công việc mà họ thực hiện.

Độ tin cậy[sửa]

Đánh giá đáng tin cậy tức là luôn luôn nhất quán đo được cái dự định đo. Một đánh giá chỉ có giá trị thực sự nếu đánh giá viên đưa ra cùng một nhận định về thí sinh với chứng cứ như nhau ở các địa điểm khác nhau. Đồng thời, nếu (từ) hai đánh giá viên trở lên được cung cấp các chứng cứ như nhau đều phải đi đến cùng kết luận về năng lực của thí sinh. Độ tin cậy là điều kiện cần đối với độ giá trị của đánh giá.

Tin cậy cũng có nghĩa là thực hành đánh giá cần được thường xuyên theo dõi và xem xét lại để bảo đảm rằng có sự nhất quán trong việc diễn giải chứng cứ thu thập được. Để bảo đảm độ tin cậy của phương pháp, đánh giá viên phải:

+ Có năng lực đánh giá các TCNL;

+ Có năng lực trong chính các tiêu chuẩn được đánh giá; và

+ Hiểu biết chi tiết về các tiêu chuẩn và sử dụng chúng như những tham chiếu trong bối cảnh và văn hóa của nơi làm việc hoặc của lĩnh vực nghề.

Tính linh hoạt[sửa]

Tính linh hoạt thể hiện trong cách thức tổ chức và quy trình đánh giá, thu thập chứng cứ. Chẳng hạn, đối với mục tiêu đánh giá về khả năng xử lý tình huống, có thể dùng câu hỏi vấn đáp hoặc đưa ra tình huống giả định/mô phỏng thay vì tình huống thực. Đối với quy trình thực hiện công việc đòi hỏi thời lượng nhiều thì có thể sử dụng các sản phẩm trung gian được lựa chọn sẵn để tiết kiệm nguồn lực thời gian và nguyên vật liệu tiêu hao.

Linh hoạt trong đánh giá theo năng lực nói chung còn thể hiện ở chỗ quá trình công nhận năng lực, và do đó, cả phương pháp đánh giá đều không quan tâm đến việc năng lực đó đạt được ở đâu và bằng cách nào. Ví dụ, năng lực có thể đạt được thông qua:

- Đào tạo chính quy hoặc không chính quy;

- Kinh nghiệm làm việc;

- Kinh nghiệm sống nói chung; hoặc

- Bất kỳ sự kết hợp nào các cách trên.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây