Đặc điểm của đào tạo theo năng lực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Định hướng đầu ra[sửa]

Đặc điểm cơ bản nhất có ý nghĩa trung tâm của CBT là định hướng và chú trọng vào kết quả đầu ra của quá trình đào tạo, điều đó có ý nghĩa rằng, từng người học có thể làm được cái gì trong một tình huống lao động nhất định theo các tiêu chuẩn đề ra. Một chương trình CBT là sự tái hiện sinh động và chi tiết một ngành nghề. Sự khác biệt giữa thiết kế chương trình CBT với những chương trình đào tạo truyền thống chủ yếu qua các tiêu chí thể hiện năng lực và bối cảnh thực hiện tiêu biểu của ngành nghề. [1; tr 126]

Trong đào tạo theo năng lực, một người có năng lực là người:

- Làm được cái gì đó (liên quan tới nội dung chương trình đào tạo).

- Làm tốt những cái đó như mong đợi (liên quan tới việc đánh giá kết quả học tập của người học theo TCNL).

Một người làm thông thạo cái gì đó sau một thời gian đào tạo dài, ngắn khác nhau tuỳ thuộc chủ yếu vào khả năng, nhịp độ học tập của người đó. Người học được coi là trung tâm và có cơ hội phát huy tích cực, chủ động của mình. Theo quan điểm “Học thông thạo” thì phương thức CBT không có quy định cứng nhắc về thời gian học. Đây là sự khác biệt cơ bản với phương thức đào tạo truyền thống định hướng vào chương trình học tập theo niên chế cố định về thời gian. Với tiếp cận năng lực, người học được phép tích luỹ tín chỉ năng lực về những gì đã học trước đó, không phải học lại những nội dung đã học một khi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn qui định.

Hai thành phần chủ yếu của đào tạo theo năng lực[sửa]

Hệ thống CBT bao gồm hai thành phần chủ yếu sau:

i) Dạy và học các năng lực.

ii) Đánh giá, xác nhận các năng lực.

Về thành phần dạy và học các năng lực (Nội dung đánh giá, xác nhận các năng lực được trình bày trong các mục 1.3.2, 1.3.3, 1.3.4):

Việc xây dựng chương trình CBT chủ yếu nhằm xác định những năng lực cần có khi thực hành nghề nghiệp, biến những năng lực đó thành mục tiêu của chương trình. Một chương trình đào tạo được xem là “theo năng lực” khi nó thoả mãn các đặc điểm dạy và học các năng lực, bao gồm:

(1) Các năng lực mà người học sẽ thu nhận trong quá trình đào tạo cần phải có các đặc điểm:

- Được xác định từ việc phân tích nghề và công việc một cách nghiêm ngặt và đầy đủ.

- Được trình bày dưới dạng những công việc mà những người hành nghề thực tế phải làm và/hoặc dưới dạng các hành vi và thái độ nghề nghiệp.

- Được công bố cho người học biết trước khi vào học.

(2) Việc dạy và học các năng lực phải được thiết kế và thực thi sao cho:

- Các học liệu thích hợp với năng lực. Kiến thức được học ở mức độ cần thiết/thiết yếu đủ để hỗ trợ cho việc hình thành các năng lực, được dạy và học tích hợp với nhau.

- Mỗi người học phải liên tục có được các thông tin phản hồi cụ thể về sự phát triển năng lực của mình.

- Người học phải có đủ điều kiện học tập cần thiết, đặc biệt là điều kiện thực hành nghề.

Đặc điểm về tổ chức quản lý quá trình dạy học[sửa]

Một chương trình CBT phải thể hiện được các đặc điểm về mặt tổ chức quản lý sau đây:

- Việc hoàn thành chương trình là căn cứ vào sự thông thạo tất cả các năng lực đã xác định trong chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn.

- Không đặt ra yêu cầu “cứng” về thời lượng học tập bởi vì người học có thể học theo khả năng và nhịp độ của riêng mình, không phụ thuộc vào người khác, miễn là đủ thời gian để đạt được các năng lực. Điều đó cho phép người học có thể bắt đầu và kết thúc việc học ở các thời điểm khác nhau.

- Hồ sơ học tập của từng cá nhân người học được lưu trữ đầy đủ. Người học có thể chuyển tiếp hoặc ra khỏi chương trình đào tạo mà không cần học lại những năng lực đã được công nhận thông qua hệ thống tín chỉ.

- Tạo thuận lợi và cho phép công nhận những kết quả tích lũy ngoài trường học và qua kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản: nội dung học tập ngoài hệ thống của trường có thể có giá trị và có ý nghĩa; các kết quả học tập ngoài nhà trường có thể so sánh với những năng lực của chương trình đào tạo dẫn đến việc cấp văn bằng và được đánh giá trên cơ sở đó; việc đánh giá và công nhận kết quả học tập và kinh nghiệm đã tích lũy cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu như đối với tình huống học tập bình thường; cách thức công nhận kết quả học tập và kinh nghiệm đã có hoàn toàn giống với cách thức đánh giá kết quả học tập trong nhà trường [1].

Tuy nhiên, CBT cũng có những hạn chế nhất định, đó là:

i) Người học khó thích ứng nhanh với thay đổi của công việc trong thực tiễn hoạt động nghề do đào tạo thường tập trung vào một hoặc một số công việc cụ thể với những điều kiện nhất định.

ii) Các điều kiện bảo đảm về môi trường đào tạo phải gắn với bối cảnh việc làm và với các trang thiết bị, nguyên vật liệu,... theo các chuẩn mực tổ chức sản xuất và phân công lao động của nghề nghiệp. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư có thể sẽ rất cao đối với CSDN.

iii) Việc quản lý đào tạo phức tạp do chương trình đào tạo mang tính linh hoạt và cá nhân hóa người học rất cao. Đây cũng là thách thức đòi hỏi năng lực và trình độ quản lý đào tạo của các CSDN.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này