Đánh giá theo năng lực trong đào tạo nghề/Đặc điểm
Một số đặc điểm của đánh giá theo năng lực khác so với đánh giá xếp hạng nhiều mức độ hoặc đánh giá theo tuyển (đánh giá xếp hạng như thi học sinh giỏi nghề hoặc thi tay nghề giỏi,...), đó là:
Theo tiêu chí, tiêu chuẩn thực hiện công việc: Việc đánh giá năng lực dựa trên tiêu chí (đánh giá tuyệt đối), nghĩa là, nó đo sự thực hiện của cá nhân trong mối liên hệ so sánh với các tiêu chí. Việc xếp hạng tương đối (đánh giá theo chuẩn) giữa các cá nhân là không quan trọng và thường chỉ sử dụng trong hội thi tay nghề giỏi, thi đầu vào hoặc thi tuyển dụng. Điều quan trọng là đối tượng đánh giá chứng tỏ được khả năng của mình đạt tiêu chuẩn đã đặt ra. Các tiêu chuẩn dùng trong việc đánh giá là những yêu cầu đặt ra ở mức độ tối thiểu để bảo đảm rằng một người đã sẵn sàng làm việc được trong thực tiễn hoạt động nghề hay được chấp nhận có năng lực để hành nghề trong một lĩnh vực.
Dựa trên chứng cứ: Quyết định về một người có năng lực hay không dựa trên những chứng cứ mà họ thể hiện/cung cấp cho đánh giá viên. Chứng cứ thường được chia thành 03 nhóm chủ yếu: chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ bổ sung.
- Chứng cứ trực tiếp: cung cấp các thông tin rõ ràng về thí sinh thông qua vấn đáp, quan sát sự thực hiện (quy trình, thao tác), kiểm tra sản phẩm.
- Chứng cứ gián tiếp: được thu thập thông qua kiểm tra viết, tham khảo ý kiến, ảnh, băng ghi âm, video, giải thưởng, hồ sơ đào tạo,...
- Chứng cứ bổ sung: bổ sung cho chứng cứ trực tiếp, chủ yếu là ý kiến xác nhận của bên thứ ba về đối tượng đánh giá. Các đồ án, tình huống mô phỏng cũng có thể cung cấp các chứng cứ bổ sung.
Nói cách khác, đánh giá theo năng lực không bị giới hạn hẹp về phương pháp và kỹ thuật đo lường. Một loạt các công cụ đánh giá có thể được sử dụng miễn là thí sinh có cơ hội để chứng minh năng lực của mình liên quan đến công việc.
Có sự tham gia của người được đánh giá trong quá trình đánh giá. HSSV có cơ hội thảo luận với các đánh giá viên về hình thức thực hiện các hoạt động đánh giá. Giáo viên/đánh giá viên cần công bố trước khi đánh giá cho HSSV biết về: mục đích, quy trình tổ chức đánh giá, tiêu chí và thời gian đánh giá. Trong quá trình đánh giá, có thể cấp cho họ bản copy về các công cụ đánh giá đồng thời giải thích cách sử dụng để tự đánh giá kiến thức, kỹ năng đạt được của mình. Điều đó không chỉ cung cấp cho đối tượng đánh giá những thông tin phản hồi để sửa chữa các lỗi mắc phải mà còn giúp họ có khả năng tự xác định quy trình hay sản phẩm có chấp nhận được hay không. Các công cụ đánh giá có thể phải được thử nghiệm và chỉnh lý nên những ý kiến phản hồi của đối tượng đánh giá thử nghiệm sẽ rất hữu ích đối với giáo viên trong việc phát hiện những hạn chế và hoàn thiện các công cụ cũng như quy trình đánh giá.
Tổ chức đánh giá theo năng lực cho nhóm HSSV
Dạy học và đánh giá theo nhóm thường được áp dụng vì ba lý do: lý do xã hội, lý do giáo dục và lý do lao động. Về mặt xã hội, làm việc theo nhóm tạo điều kiện phát triển quan hệ xã giao giữa các học viên. Nó góp phần phát triển các kỹ năng giao tiếp cá nhân như nghe, nói, tranh luận và lãnh đạo. Về mặt giáo dục, hoạt động nhóm có ích cho việc phát triển những kỹ năng trí tuệ bậc cao như suy luận và giải quyết vấn đề. Về mặt lao động, các hoạt động nhóm theo chuẩn mực nghề nghiệp liên quan đến tổ chức sản xuất và phân công lao động. Trong thực tế, nhiều công việc chỉ có thể được thực hiện bởi một cá nhân cộng với một số người giúp việc hoặc một nhóm làm việc dưới sự chỉ huy của nhóm trưởng với bậc trình độ cao hơn. Việc tổ chức nhóm trong dạy học và đánh giá kết quả học tập nhằm đánh giá phương diện năng lực về sự phối hợp, mức độ trách nhiệm và kỹ năng làm việc nhóm.
Mặc dù vậy, đánh giá theo năng lực cũng có hạn chế, khó khăn như:
i) Không đáp ứng trong trường hợp cơ sở đào tạo hoặc người sử dụng lao động muốn một vài chỉ số về sự “xuất sắc”, nghĩa là, cần xác định một cá nhân có năng lực xếp hạng ở mức nào.
ii) Thiết kế và thực hiện các công cụ đánh giá thường là việc khó khăn đối với các đánh giá viên/giáo viên. Họ cần phải được đào tạo về thiết kế và sử dụng các loại công cụ đánh giá khác nhau.
iii) Khó khăn trong việc tách các mục đích tổng kết với mục đích quá trình (hình thành) của đánh giá.
iv) Khó khăn trong việc lập hồ sơ lưu trữ và các hệ thống báo cáo vì cần có hệ thống quản lý thông tin: ngân hàng đề thi, hồ sơ chứng cứ, lưu trữ kết quả và các cơ sở dữ liệu khác.
Nguồn[sửa]
- Luận án Đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề, Nguyễn Quang Việt, 2015