Đạt được thành tựu lớn lao

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Như thế nào là đạt được thành tựu lớn lao là một khái niệm khó định nghĩa. Câu hỏi về điều gì làm nên một con người vĩ đại hầu như chỉ mang tính cá nhân, và quan niệm của mỗi người một khác. Tuy vậy, vẫn có những cách thiết thực giúp bạn khởi đầu con đường vươn tới những ước vọng và mục tiêu của mình, cũng như Lão Tử, một triết gia Trung Hoa từng nói, “Hành trình ngàn dặm khởi đầu từ một bước nhỏ”.[1]

Các bước[sửa]

Đặt nền tảng cho thành tựu lớn[sửa]

  1. Xác định mục tiêu lớn của bạn. “Trở nên lỗi lạc” là một khái niệm khó xác định, đòi hỏi bạn phải chọn một việc nào đó thật cụ thể để phấn đấu. Nghĩ về những ưu điểm và những mặt mà bạn cần cải thiện, sau đó xác định một mục tiêu phù hợp với cá tính của bạn. Nghiên cứu cho thấy, việc đạt được mục tiêu sẽ khả quan nhất nếu bạn được làm điều mình mong muốn và sẵn sàng dốc sức để hoàn thành.[2]
    • Có thể bạn quyết tâm trở thành một tác giả lớn viết nên những kiệt tác văn học, hoặc một phóng viên điều tra phơi bày những khía cạnh sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Hoặc bạn có thể quyết định tạo nên sự thay đổi và tham gia vào chính trường hay trở thành nhà hoạt động.
    • Đầu tiên bạn có thể viết ra những mục tiêu mà bạn hằng mơ ước. Bạn chưa cần phải lo đến tính cụ thể hoặc tính khả thi của mục tiêu. Điều đó sẽ đến sớm thôi! Henry David Thoreau, một triết gia, cũng là một tác giả nổi tiếng đã từng nói: “Nếu bạn đã xây những tòa lâu đài trên không trung, công trình của bạn không hề vô ích; chúng đã ở đúng chỗ của chúng. Và bây giờ, bạn hãy đặt nền móng bên dưới.”[3]
    • Trong lời mở đầu bài phát biểu tại trường đại học Stanford, nhà phát minh và doanh nhân Steve Jobs nói rằng, mỗi sáng thức dậy ông tự hỏi mình “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng được sống trong cuộc đời, liệu tôi có muốn làm việc mà tôi sắp làm hôm nay không?” Nếu câu trả lời là “Không”, ông sẽ thay đổi công việc.[4] Có lẽ đây cũng là câu hỏi hay để bạn tự hỏi mình.
  2. Xác định đúng vấn đề. Bây giờ, khi đã có bản liệt kê những điều lớn lao mà bạn mong muốn đạt được, bạn cần định rõ việc hoàn thành các mục tiêu đó để khỏi bị choáng ngợp. Cảm giác không thể chạm tới các mục tiêu rất dễ đến với bạn, nhất là vào giai đoạn mới bắt đầu.[5] Đặt ra các mục tiêu như là điều bạn cần phấn đấu hướng đến thay vì điều mà bạn đang cố gắng từ bỏ. Bạn có nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu hơn nếu đó là một điều tích cực![6]
    • Người đã sống sót trong trại tập trung của Đức Quốc xã Viktor Frankl từng nói rằng, ông sống sót được là nhờ quyền tự do “chọn thái độ sống trong mọi hoàn cảnh, chọn cách sống cho riêng mình”.[7] Nhờ không để Đức Quốc xã tước đi quyền tự do lựa chọn của mình, Frankl có khả năng biến một tình huống dường như không thể thành tình huống mà ông có thể kiểm soát bản thân mình - điều mà ông tin rằng đã giúp ông sống sót.
    • Nhà vật lý lý thuyết và nhà vũ trụ học xuất chúng Stephen Hawking từng được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên - một dạng bệnh tế bào thần kinh vận động - khi chỉ vừa bước sang tuổi 21. Ông đã từng được tiên lượng chỉ còn sống chưa đầy hai năm.[8] Thay vì buông xuôi, Hawking nói rằng có hai điều truyền cảm hứng cho ông để làm việc cật lực hơn: biết rằng có những người còn rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn thế, và biết rằng có thể ông chỉ còn lại quỹ thời gian rất ít để hoàn thành các mục tiêu của mình.[9]
  3. Cụ thể hóa mục tiêu. Một khi đã xác định các mục tiêu theo cách tích cực, bạn cần đảm bảo mình có khả năng đạt được các mục tiêu đó. Cách tốt nhất để làm điều này là làm sao cho mục tiêu của bạn càng cụ thể càng tốt. Việc đặt ra một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn không chỉ hoàn thành những điều bạn mong muốn mà còn khiến bạn hạnh phúc hơn, xét về tổng thể![6]
    • Ví dụ: Tưởng tượng rằng một trong những mục tiêu của bạn là “trở thành Người Dơi”. Thay vì tự nói với bản thân rằng, “Người Dơi không có thật nên mình không thể là anh ta được”, bạn hãy tự hỏi mình có thể làm gì để giống như Người Dơi. Xác định một cách thật cụ thể phẩm chất gì ở Người Dơi mà bạn muốn học theo và đặt ra các mục tiêu để phấn đấu hướng tới các giá trị đó.
    • Một số lựa chọn có thể là: ăn mặc giống Người Dơi và đến với các bệnh nhi ung thư. Giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo bằng cách quyên góp tiền và/hoặc tham gia bếp ăn từ thiện. Trở thành cảnh sát (bạn sẽ mặc đồng phục, và hy vọng là bạn sẽ giúp đường phố sạch bóng tội phạm).
  4. Có tư duy tích cực. Phương pháp tưởng tượng có thể giúp bạn đạt được thành tựu lớn lao. Các nghiên cứu cho thấy sự tưởng tượng có thể đem lại hiệu quả trong thể thao và học thuật. Sự tưởng tượng từng giúp nhiều vận động viên (như Muhammad Ali và Tiger Woods) thắng những trận quyền Anh, các cuộc đua, thậm chí là cả giải thi đấu golf.[10] Có hai kiểu tưởng tượng cơ bản, tưởng tượng về kết quả tưởng tượng về tiến trình. Bạn nên sử dụng kết hợp cả hai kiểu này để có kết quả tốt nhất:[11]
    • Tưởng tượng về kết quả là quá trình hình dung rằng bạn đang chạm tới mục tiêu mơ ước của mình. Kiểu tưởng tượng này cần phải càng chi tiết càng tốt và phải sử dụng mọi giác quan: tưởng tượng ai đang ở bên cạnh bạn khi bạn đạt được mục tiêu, mùi hương và âm thanh của khung cảnh, trang phục mà bạn mặc, nơi bạn đang đứng. Thậm chí bạn có thể vẽ ra một bức tranh hoặc các chi tiết của toàn cảnh để hỗ trợ trong phép tưởng tượng này.
    • Tưởng tượng về tiến trình bao gồm việc hình dung mọi bước mà bạn cần thực hiện để tiến tới mục tiêu. Nghĩ về từng bước hành động dẫn tới hoàn thành mục tiêu cao cả của mình. Ví dụ, nếu muốn làm “Người Dơi (phục vụ trẻ em ở bệnh viện)”, bạn có thể nghĩ về từng bước bạn cần làm: tìm trang phục, liên hệ với các bệnh viện, luyện giọng nói cho giống Người Dơi, v.v…
  5. Có hành động tích cực. Mặc dù rất có hiệu quả, nhưng sự tưởng tượng tích cực cần phải đi đôi với hành động tích cực. Bạn cần phải tích cực phấn đấu hướng tới các mục tiêu đã đặt ra thay vì chỉ ngồi tận hưởng thành tựu trong tưởng tượng. Đây là lúc mà quá trình tưởng tượng được đền bù: bạn sẽ dễ dàng thực hiện mục tiêu trong thực tế hơn khi đã hình dung ra từng bước cần làm.[12]
    • Nếu muốn trở thành nhà văn, bạn hãy cầm bút viết mỗi ngày, dù chỉ là một đoạn văn. Tham gia nhóm viết văn, ghi tên học vài lớp dạy viết văn ở trung tâm văn hóa cộng đồng, tham dự các cuộc thi và đưa bài viết của mình ra cho mọi người cùng đọc. Đề nghị tất cả bạn bè góp ý. Và, cũng như nhà văn lừng danh thế giới Stephen King vẫn nhắc nhở chúng ta, hãy tích cực ngay cả trong lúc gian nan: “Dừng một công việc chỉ vì nó khó khăn là một ý tồi, cho dù cái khó đó thuộc về cảm xúc hoặc tưởng tượng”.[13]
    • Nếu muốn trở thành người có lòng nhân hậu cao cả, bạn hãy bắt đầu từ việc nhỏ. Nếu không có nhiều tiền, bạn có thể dành thời gian cho bếp ăn từ thiện hoặc các tổ chức từ thiện ở địa phương. Dạy ngôn ngữ hoặc dạy kèm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bạn không nhất thiết phải có hành động lớn lao nhằm xóa bỏ nạn đói toàn cầu. Chỉ bằng cách giúp thay đổi cuộc sống của một người, bạn cũng có thể khởi động cho một hiệu ứng domino tích cực.
  6. Tìm kiếm những câu chuyện về thành công của những người khác. Bạn sẽ cần phải tìm hiểu xem điều gì giúp những người khác thành đạt trên con đường mà họ đã chọn, đặc biệt là những người đang làm những điều mà bạn đang hướng tới. Thường có những điểm tương đồng xuyên suốt những câu chuyện như vậy.
    • Vận động viên điền kinh Jesse Owens, người từng đoạt 4 huy chương vàng ở thế vận hội mùa hè năm 1936 tại Berlin, vốn xuất thân trong gia đình có đến 10 anh chị em. Ông phát hiện ra niềm đam mê chạy từ sớm và thường tập luyện vào thời gian trước giờ đến trường vì còn phải lao động sau giờ học. Owens từng phải hứng chịu thái độ phân biệt chủng tộc gay gắt trên đường chạy cả ở Mỹ và ở Đức, nhưng ông đã hoàn toàn phá bỏ được sự truyền bá về “chủng tộc Aryan thượng đẳng” ở thế vận hội 1936.[14]
    • Người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, Valentina Tereshkova, vốn là một công nhân làm việc ở xưởng dệt. Bà đã theo đuổi đam mê bộ môn nhảy dù, và chính niềm đam mê này giúp bà đánh bại được 400 ứng viên. Tereshkova kiên cường vượt qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, và sau chuyến bay bà còn đạt được học vị tiến sĩ kỹ thuật.[15]

Đạt được các thành tựu lớn trong dài hạn[sửa]

  1. Giữ vững mục tiêu vì chính mình. Nếu bạn muốn có thành tựu chỉ để gây ấn tượng với những người khác, sự quyết tâm của bạn có thể sẽ lụi tàn thậm chí trước cả khi bắt đầu. Đơn giản bởi vì nhiều người đạt được thành quả vĩ đại không coi đó là lớn lao vào lúc ban đầu. Stephen King từng nói rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Carrie, đã có thể không bao giờ được xuất bản. Một ngàn bản của tiểu thuyết này được bán ra trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, như ông tiết lộ trong cuốn hồi ký On Writing, (tạm dịch “Nghiệp Văn”), ông có thể tiếp tục viết là nhờ ông làm điều đó vì niềm đam mê: “Tôi viết đơn thuần chỉ vì niềm vui sướng. Và nếu bạn có thể làm điều gì đó vì niềm vui sướng, bạn sẽ theo được mãi mãi”.[13]
    • Có một danh sách dài đến kinh ngạc về những tác giả nổi tiếng mọi thời đại nhưng ban đầu từng bị từ chối, thậm chí nhiều lần. Những cuốn tiểu thuyết đầu tay của Jane Austen từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối rất nhiều lần, tuy nhiên ngày nay bà được xem như một trong những tác giả viết bằng tiếng Anh vĩ đại nhất trong vòng 200 năm trở lại đây. Frank Herbert, tác giả cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ăn khách nhất mọi thời đại Xứ cát (Dune) từng bị từ chối đến 23 lần cho đến khi có người đồng ý xuất bản – và ngay cả khi đó họ cũng không chắc rằng họ đã có lựa chọn đúng.
    • Câu chuyện về những thành tựu khoa học cũng là câu chuyện của những người từng bị coi là sai lầm hoặc thậm chí điên rồ, cho đến khi được thời gian và những công trình nghiên cứu chứng minh là đúng. Năm 1610, nhà thiên văn học Galileo công khai ủng hộ học thuyết của Copernican, cho rằng trái đất quay quanh mặt trời, và dù phát hiện của ông là đúng, ông cũng bị kết tội bởi tòa án dị giáo thời đó. Mãi đến năm 1992 ông mới được Vatican chính thức ân xá.[16]
  2. Học hỏi từ những sai lầm. Điều này nghe có vẻ sáo mòn, nhưng học từ những sai lầm là một tiêu chuẩn của sự vĩ đại. Những người liên tục lặp lại cùng một lỗi lầm thường không thể tiến xa.[17] Theo nhà phát minh và là tác giả ăn khách Scott Berkun, có bốn dạng sai lầm cơ bản mà bạn cần hiểu và ngăn ngừa: [18]
    • Sai lầm “ngớ ngẩn” là những sự cố xảy ra tức thì: bạn gọi nhầm cà phê, bạn để quên chìa khóa ở nhà, bạn vấp ngón chân vào bậc cửa. Con người không phải là thần thánh, và do đó những sự việc như thế thỉnh thoảng sẽ xảy ra, và bạn khó có thể làm gì nhiều để tránh những lỗi này.
    • Sai lầm “đơn giản” là những lỗi lầm có thể tránh được, nhưng vẫn xảy ra do một chuỗi những quyết định của bạn: ví dụ như bạn phải trả tiền phạt trễ hạn cho cuốn phim bạn đã thuê chỉ vì trước đó bạn không đem xe đi bảo trì, và kết quả là bạn không thể đến tiệm cho thuê video để trả đúng hạn. Bạn phải mất một chút công sức để xử lý, nhưng những lỗi như vậy có thể sửa chữa một cách khá đơn giản khi bạn đã nhận ra mình đã sai ở đâu.
    • Sai lầm “liên lụy” đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn để tránh phạm lỗi, mặc dù có lẽ bạn đã biết lỗi lầm là ở đâu: bữa nào cũng ăn món thịt muối xông khói, luôn đến muộn khi đi xem phim cùng bạn bè, muốn hoàn thành cuốn tiểu thuyết nhưng không dành thời gian để viết. Để ngăn những lỗi lầm như vậy, bạn cần phải suy nghĩ và quyết tâm, bởi vì đó thường là hệ quả của các thói quen xấu.
    • Sai lầm “phức tạp”, chà, đúng là phức tạp. Những sai lầm này thường để lại những hậu quả lớn và không có cách nào chắc chắn để tránh phạm phải lần sau: đổ vỡ trong các mối quan hệ, kinh doanh thất bại, hoặc những hành động gây hậu quả xấu không lường trước được.
    • Tự hỏi bản thân về những sai lầm của bạn. Việc ôn lại thật chi tiết những sai lầm của chính mình quả thật không dễ chịu, nhưng điều này là cần thiết để bạn rút kinh nghiệm. Những câu hỏi như “Mình đã chủ quan như thế nào trong tình huống này?” và “Mục tiêu của mình ở đây là gì?” sẽ giúp bạn tìm ra điều gì cần thay đổi.
    • J.K. Rowling thẳng thắn nói về thất bại đầu tiên của bà – làm mẹ đơn thân sau khi tốt nghiệp đại học, tiếp đó là không có thu nhập, các nhà xuất bản thì từ chối hết lần này đến lần khác – và coi đó là động cơ thúc đẩy mình tiếp tục sự nghiệp viết lách. Thất bại “là để gỡ bỏ thứ không cần thiết”, là một cách để bà thấy rằng bất chấp nỗi lo sợ lớn nhất đã thực sự xảy ra, bà vẫn có thể thành công.[19].
    • Bạn có nhiều khả năng thành công hơn về lâu dài nếu biết tìm lời khuyên và sự hỗ trợ của người khác, chẳng hạn như nhờ người khác giúp đỡ khi bạn liên tục lặp lại cùng một sai lầm và dường như không thể thay đổi, hoặc đi tìm những lời phê bình trung thực từ người khác. Chỉ có điều bạn cần đảm bảo hỏi những người quý mến và ủng hộ bạn để nhận được những phản hồi hữu ích chứ không mang tính ác ý.[20]
  3. Không từ bỏ. Tính kiên trì và bền bỉ là những biểu hiện của sự vĩ đại. Những người như Owens có thể đã đầu hàng khi đối mặt với thái độ phân biệt chủng tộc khắc nghiệt, nhưng Owens đã không bỏ cuộc, hơn nữa còn nỗ lực đoạt được 4 huy chương vàng và phá nhiều kỷ lục.[21]
    • Sự kiên trì cần song hành với việc học hỏi từ những sai lầm. Hãy tiếp tục cố gắng nếu lần đầu bạn không thành công, nhưng bạn cũng cần học từ những sai lầm để lần sau có kết quả tốt hơn. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là thành công trong lĩnh vực văn chương nhưng không có đại diện văn học nào nhận cuốn tiểu thuyết của bạn, bạn sẽ phải cân nhắc một số lựa chọn: có thể bạn cần viết lại (nhờ bạn thân hoặc người nhà xem lại và góp ý tưởng cho bạn), có thể bạn nên đi theo con đường tự xuất bản, hoặc bạn phải tiếp tục cố gắng. Tiểu thuyết Harry Potter của J.K. Rowling bị từ chối đến 12 lần, thậm chí người ta còn bảo bà rằng “đừng bỏ nghề kiếm sống để theo đuổi việc sáng tác”.
    • Walt Disney từng bị sa thải khỏi nơi làm việc tại tòa soạn vì bị cho là thiếu óc tưởng tượng hoặc không có ý tưởng hay. Ông đã phải giải thể hãng phim đầu tiên của mình vì không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, và khi ông cố gắng thuyết phục hãng phim MGM phát hành phim Chuột Mickey, người ta đã nói rằng ý tưởng về hình tượng con chuột sẽ không bao giờ ăn khách.[22]
    • Oprah Winfrey, người có tuổi thơ đầy gian khó và bị lạm dụng, từng bị coi là không phù hợp với lĩnh vực truyền hình và bị sa thải khỏi công việc của một phóng viên truyền hình. Cũng như Rowling và Disney, bà đã không để điều đó đánh bại mình, và hiện nay bà là một trong những phụ nữ mang tính biểu tượng và quyền lực nhất thế giới.
  4. Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn. Để đạt được điều lớn lao, bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nghiên cứu đã cho thấy mỗi người đều cần một không gian ngay bên ngoài vùng an toàn của họ, gọi là “vùng lo âu tối ưu”, thúc đẩy họ tiến lên một mức cao hơn.[23] Bạn càng sẵn sàng thách thức bản thân, vùng an toàn của bạn sẽ càng được mở rộng.[24]
    • Hãy bắt đầu từ việc nhỏ: thỉnh thoảng tắt hệ thống định vị GPS trên hành trình đi “phượt”, gọi một món chưa bao giờ nếm thử ở nhà hàng, bắt chuyện với một người hoàn toàn không quen biết. Cho dù không phải lúc nào cũng thành công, bạn cũng sẽ luôn học được ở đó những điều mới mẻ.
    • Tự hỏi mình: Liệu khi nhìn lại những cơ hội trong cuộc đời mình trước khi nhắm mắt xuôi tay, bạn có hối tiếc rằng đã mình đã không nắm bắt chúng không? Điều quan trọng là phải cố gắng tách bản thân ra khỏi cảm giác của bạn trong thời điểm hiện tại, vì hầu hết mọi người thoạt đầu đều e ngại sự mạo hiểm. Tuy nhiên, sau này họ rất có thể sẽ tiếc nuối những cơ hội đó.[25]
    • Bạn có tin không, bằng cách chấp nhận những mạo hiểm trong vòng kiểm soát và nắm được thông tin, bạn có thể tạo nên sức bật cho bản thân trước những thách thức bất ngờ.[26]
  5. Bước ra bên ngoài. Việc bước ra và đem những tác phẩm của mình ra thế giới bên ngoài là cách duy nhất để mọi người biết và công nhận công trình của bạn. Có thể bạn có cảm giác sợ hãi khi đưa cho ai đó xem bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, hoặc đăng tác phẩm nhiếp ảnh của bạn lên mạng để mọi người cùng xem, nhưng việc bước ra để mọi người góp ý và phê bình là cách duy nhất để bạn trưởng thành và đạt được thành quả to lớn.[27]
    • Nếu là họa sĩ, bạn hãy tạo một website và đưa tranh lên mạng để mọi người có khái niệm về các tác phẩm của bạn. Trao đổi với các phòng tranh hoặc thậm chí là các tiệm cà phê trong cộng đồng để thuyết phục họ trưng bày vài tác phẩm của bạn.
    • Và mạng lưới kết nối! Đến các sự kiện chuyên môn thuộc những lĩnh vực mà bạn đang cố gắng vươn tới bất cứ khi nào có thể. Nếu muốn trở thành họa sĩ tài năng, bạn hãy đến các buổi triển lãm tranh và các xưởng vẽ. Nếu muốn trở thành một học giả uyên bác, bạn hãy tham dự các buổi hội thảo có chất lượng nhất. Bạn phải xem những người khác đang làm gì và sẵn sàng nói về công việc của mình.
  6. Luôn luôn học hỏi. Ngay cả khi đã thành công, bạn vẫn cần tiếp tục việc học – và không chỉ học từ những sai lầm của mình. Không ngừng tìm hiểu xem những người khác đạt được mục tiêu của họ như thế nào và suy nghĩ xem liệu có thể áp dụng vào cuộc sống của chính bạn không.
    • Cố gắng làm cho mình tốt hơn từng ngày. Nghĩ đến việc cống hiến cho một mục đích mà bạn cho là xứng đáng, hoặc dùng kỹ năng viết lách của mình để an ủi một người bạn. Những cử chỉ đẹp và lòng trắc ẩn có thể giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn với bản thân, và từ đó bạn sẽ có thêm tự tin khi vươn tới các mục tiêu của mình.
    • Mở rộng sang những lĩnh vực mới. Nếu bạn đã giỏi về toán học, hãy thử bước vào lĩnh vực văn chương hoặc sử học. Nếu khiêu vũ là môn mà bạn đang rèn luyện, bạn hãy dừng một chút để học vẽ hoặc công nghệ máy tính. Quá trình học những điều mới mẻ sẽ giúp não duy trì hoạt động, không để bạn lười biếng và mở ra những con đường mới cho sự sáng tạo và phát minh. Nó cũng giúp bạn chống lại những thành kiến đã ăn sâu thành nếp, hoặc xu hướng chỉ nhìn vào những thông tin ủng hộ điều mà chúng ta vẫn tin là đúng.[28]
    • Việc tìm lời khuyên và học hỏi kiến thức từ những người khác còn có thể hỗ trợ cho thành quả lớn lao của bạn, cho dù họ thuộc những lĩnh vực hoàn toàn khác với bạn.[29]
  7. Đừng hành động đơn độc. Trong khi thực hiện các mục tiêu trên con đường gặt hái thành tựu to lớn, bạn luôn cần tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn từ những người khác. Không ai đạt được điều gì đó mà không nhờ sự giúp đỡ của người khác trong cộng đồng theo cách này hay cách khác, nhờ sự dạy dỗ, nhờ những cử chỉ tốt bụng, hoặc cơ hội tiếp cận với các chương trình xã hội.
    • Khi đã gặt hái được thành quả, bạn đừng quên quay trở lại với cộng đồng và những người từng giúp đỡ bạn, người chỉnh sửa bản thảo đầu tiên của bạn, người thuyết phục bạn bước vào đường chạy, người từng dạy bạn cách lập trình, v.v…

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn tìm lối sống mà bạn có thể dùng thành tựu của mình để giúp đỡ người khác. Benjamin Franklin mỗi sáng thức dậy đều tự hỏi bản thân, “Hôm nay mình sẽ làm điều gì tốt?” và buổi tối trước khi đi ngủ, “Hôm nay mình đã làm được điều gì tốt?”[30]
  • Rèn luyện thân thể để khơi dòng chảy sáng tạo bên trong bạn! Một ngày của tổng thống Barack Obama[31] và doanh nhân Richard Branson đều bắt đầu bằng bài tập cường độ cao giúp kích thích sản xuất endorphin trong cơ thể. Những hóa chất kỳ diệu này giúp giảm stress và lo âu, nâng cao lòng tự trọng, tiếp thêm năng lượng và giúp bạn ngủ tốt hơn.[32]

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng trở nên kiêu căng vì những khả năng của bạn hoặc những khả năng mà bạn nghĩ là mình có. Khiêm tốn là một trong những điều then chốt để mọi người thấy được sự cao quý của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.bbc.co.uk/worldservice/learningenglish/movingwords/shortlist/laotzu.shtml
  2. https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goalshttps://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  3. http://thoreau.eserver.org/walden18.html
  4. http://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html
  5. http://journal.sjdm.org/jdm7517.pdf
  6. 6,0 6,1 https://www.psychologytoday.com/blog/notes-self/201308/how-set-goals
  7. http://www.uky.edu/~eushe2/quotations/frankl.html
  8. http://www.hawking.org.uk/about-stephen.html
  9. http://www.biography.com/people/stephen-hawking-9331710#als-diagnosis
  10. http://www.psychologytoday.com/blog/flourish/200912/seeing-is-believing-the-power-visualization
  11. http://www.ijiet.org/papers/389-N10002.pdf
  12. http://nymag.com/scienceofus/2014/10/your-positive-thinking-could-be-holding-you-back.html
  13. 13,0 13,1 http://www.businessinsider.com/stephen-king-on-how-to-write-2014-7
  14. http://www.olympic.org/jesse-owens
  15. http://www.space.com/21571-valentina-tereshkova.html
  16. http://www.baskent.edu.tr/~tkaracay/etudio/agora/news/Galileo.html
  17. https://hbr.org/2011/04/strategies-for-learning-from-failure
  18. http://scottberkun.com/essays/44-how-to-learn-from-your-mistakes/
  19. http://news.harvard.edu/gazette/story/2008/06/text-of-j-k-rowling-speech/
  20. https://hbr.org/2010/04/youve-made-a-mistake-now-what/
  21. http://www.biography.com/people/jesse-owens-9431142
  22. http://www.businessinsider.com/15-people-who-were-fired-before-they-became-filthy-rich-2011-4
  23. http://www.wsj.com/articles/SB10001424052702303836404577474451463041994
  24. http://futurescienceleaders.org/engineers2012/2013/02/20/step-out-of-your-comfort-zone/
  25. https://www.psychologytoday.com/blog/confessions-techie/201101/comfort-kills
  26. http://www.nytimes.com/2011/02/12/your-money/12shortcuts.html?pagewanted=all&_r=0
  27. http://www.thepowerofintroverts.com/2014/03/30/how-to-overcome-the-fear-of-putting-yourself-out-there/
  28. http://psy2.ucsd.edu/~mckenzie/nickersonConfirmationBias.pdf
  29. http://www.businessinsider.com/strategies-scientists-use-to-achieve-greatness-2014-2
  30. http://www.ushistory.org/franklin/autobiography/page40.htm
  31. http://www.cnn.com/2014/06/05/politics/obama-workout-reax/
  32. http://www.webmd.com/depression/guide/exercise-depression