Đối phó sự thất vọng trong mối quan hệ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cảm thấy thất vọng trong một mối quan hệ là điều hoàn toàn bình thường. Khi kỳ vọng không được đáp ứng, bạn có thể sẽ cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, thất vọng không hề hiếm gặp và bạn hoàn toàn có thể xử lý chúng một cách có tính xây dựng. Để bắt đầu, hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân khi cảm thấy thất vọng. Một khi bình tĩnh lại, hãy trao đổi với người khác để từ đó, cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề.

Các bước[sửa]

Đương đầu Thất vọng[sửa]

  1. Kiểm soát cảm xúc của bạn. Ngay khi cảm thấy thất vọng, kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng. Dù là tốt hay xấu, bạn cũng cần xác định được cảm giác của chính mình để có thể xử lý tình huống.
    • Dành một ngày hay tương tự để nghiền ngẫm phản ứng cảm xúc của bản thân đối với nỗi thất vọng. Bạn không nhất thiết phải hành động theo cảm xúc tại thời điểm đó. Trên thực tế, không làm gì là điều tốt nhất nên làm. Bạn có thể chỉ đơn giản dành cho bản thân một ngày trầm lặng để xem xét cảm nhận của chính mình. Bạn có cảm thấy tức giận không? Rối trí? Sợ hãi? Viết nhật ký trạng thái, ghi lại cách thức và lý do nỗi thất vọng đem lại cho bạn những cảm nhận đó.[1]
    • Cảm nhận được phản ứng cảm xúc trước một sự việc là điều rất quan trọng. Nó có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa của điều gì đó với bạn. Nếu chỉ có đôi chút khó chịu khi bạn trai hủy hẹn vào phút chót, có lẽ bạn không quá thất vọng. Tuy nhiên, nếu cảm thấy phát điên vì điều đó cả ngày, nó có thể hàm chứa những vấn đề sâu hơn cần đến sự chú tâm của bạn.[1]
  2. Cố không cá nhân hóa vấn đề. Dù thất vọng có vẻ là vấn đề rất cá nhân, đó chưa hẳn luôn là vì bạn. Hãy cố đừng biến sự thiếu sót của ai khác thành vấn đề của chính mình, dù điều đó có thể khó khăn. Nó không nhất thiết phản ánh cảm giác của người khác về bạn.
    • Nhiều người có khuynh hướng chủ quan hóa những khó khăn trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ cho rằng khi ai khác khiến bạn thất vọng, chắc hẳn bạn đã làm gì để nhận được điều đó. Có thể bạn sẽ cho rằng mình xứng đáng, mời gọi điều đó hay đơn giản là không đủ tốt để có được kết quả tốt hơn.[1]
    • Cố gạt bỏ sự tiêu cực đó. Nó khiến tầm nhìn của bạn bị bó hẹp trong cách nhìn nhận không chính xác. Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến nỗi thất vọng. Người làm bạn thất vọng chẳng bao giờ có ý định tổn thương bạn. Trước khi cá nhân hóa nỗi thất vọng, hãy xem xét mọi khía cạnh liên quan.[1]
    • Tự nhắc bản thân rằng bạn không nắm được hết mọi thông tin. Việc hủy hẹn ăn trưa một cách đột ngột của người bạn thân có thể sẽ khiến bạn khó chịu. Tuy nhiên, có thể cô ấy đang trải qua một ngày tồi tệ. Có thể cô ấy có một nỗi thất vọng của riêng mình, trong công việc hay đời sống cá nhân, và nó ảnh hưởng đến tâm trạng của cô. Có thể cô ấy chỉ muốn có chút thời gian riêng tư. Dù cảm thấy thất vọng là hoàn toàn ổn, hãy cố nhớ rằng bạn không biết hết mọi chuyện.[1]
  3. Đặt mình ở vị trí của người khác. Thông thường, khi thất vọng, chúng ta tự nhủ những khẳng định tương tự như: "Mình không bao giờ làm thế với người khác". Thật vậy chăng? Trong thực tế, tất cả chúng ta đều luôn gây thất vọng cho người khác, dù là cố ý hay vô tình. Khi biết về tình huống của người khác, hãy đặt bản thân ở vị trí của họ. Trong trường hợp đó, bạn sẽ hành xử thế nào?[2]
    • Hãy cùng xem xét tình huống cảm thất vọng bởi người bạn đến câu lạc bộ mà không rủ bạn đi cùng. Cả hai đã lên kế hoạch ở nhà xem phim, nhưng một đồng nghiệp mà bạn của bạn muốn thiết lập quan hệ gần gũi hơn nữa mời cô ấy đi chơi vào phút chót. Mới đầu, có thể bạn sẽ thấy tổn thương, có thể với bạn, cô ấy đã cư xử tồi tệ và bạn sẽ chẳng bao giờ làm thế.[2]
    • Tuy nhiên, hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Ví dụ như, cô ấy là người mới ở thành phố này. Cô ấy gặp khó khăn trong việc kết bạn đã một thời gian và ở mức độ nào đó, cô ấy cảm thấy cô đơn. Có lẽ trong tình huống này, cô ấy sợ làm phật lòng đồng nghiệp và bỏ lỡ cơ hội hòa nhập vào môi trường mới. Đồng thời, hãy nhìn nhận bản thân từ góc nhìn của cô ấy. Bạn có hứng thú với câu lạc bộ hay không? Nếu không, có lẽ cô ấy đã nhận định rằng tốt nhất đừng nên rủ bạn đi cùng bởi bạn sẽ không vui khi đến đó.
  4. Tử tế với chính mình. Nếu cảm thấy thất vọng và tổn thương sâu sắc, chăm sóc bản thân là điều quan trọng cần làm. Tức giận, oán hận và buồn bã là cảm xúc thường gặp khi trải qua nỗi thất vọng. Hãy làm gì đó tốt với chính mình. Xem phim, ngâm mình trong nước ấm hay đi ăn. Cho bản thân niềm vui nho nhỏ có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn.[2]

Trao đổi Thẳng thắn[sửa]

  1. Viết ra suy nghĩ của bạn. Nếu không thể vượt qua nỗi thất vọng, nói rõ mọi chuyện với người khác sẽ rất quan trọng. Trao đổi thẳng thắn về việc ai đó làm bạn tổn thương hay thất vọng thế nào có thể khó khăn. Vì vậy, trước khi thực hiện điều đó, bạn nên viết hết những cảm xúc của mình để suy nghĩ được sắp xếp phần nào khi bước vào cuộc nói chuyện.[3]
    • Cố viết ra cảm nhận của bạn. Sau khi trút mọi tâm sự vào trang giấy, hãy cân nhắc cách tốt nhất để có thể diễn đạt chúng thành lời. Sắp xếp suy nghĩ, liên kết để chúng trở nên dễ hiểu với người khác.[3]
    • Đồng thời, ghi nhớ mục tiêu của bạn. Bạn muốn một lời xin lỗi? Hay bạn muốn người đó giải thích rõ hành động của họ? Bạn có muốn người đó điều chỉnh thái độ trong tương lai? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn định hướng khi viết.[3]
  2. Hãy cảm thông. Khi dự định có một cuộc trò chuyện khó khăn với ai đó, hãy làm điều đó với sự cảm thông. Nhờ vậy, bạn không trở nên hiếu chiến trong cuộc thảo luận. Cố cân nhắc góc nhìn của người khác hết mức có thể. Sẵn lòng lắng nghe quan điểm của họ và xem xét chúng một cách chân thành. Nhớ rằng, điểm then chốt của trò chuyện là giải quyết vấn đề chứ không phải là dành chiến thắng. Mỗi câu chuyện đều có hai chiều và điều quan trọng là biết tiếp nhận cách nhìn của người khác.[3]
  3. Đừng kỳ vọng khi bước vào một cuộc trò chuyện. Bạn nên loại bỏ mọi kỳ vọng có thể có khi bước vào trò chuyện. Nếu trông chờ mọi thứ diễn ra theo một hướng nhất định, có thể bạn sẽ cảm thấy thất vọng hoặc nản lòng khi nó diễn ra theo một cách hoàn toàn khác. Hãy để cuộc thảo luận được cởi mở, tự nhiên. Nhớ rằng bạn không hề biết cách người khác cảm nhận. Suy đoán trước sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.[3]
  4. Sử dụng phát ngôn "tôi". Phát ngôn "tôi" là cách diễn đạt mà trong đó, nhấn mạnh cảm nhận cá nhân hơn là sự thật khách quan. Khi dùng phát ngôn "tôi", bạn đặt cảm nhận của bản thân làm điểm chính của câu. Bạn không đổ lỗi hay phán xét một người vì hành động của họ. Bạn chỉ đơn giản bày tỏ những hành động đó đã làm bạn cảm thấy thế nào và tại sao.
    • Phát ngôn "tôi" có ba phần. Chúng bắt đầu với "tôi cảm thấy" và theo sau bởi cảm xúc của bạn. Tiếp đó, bạn giải thích hành động đã dẫn đến cảm xúc ấy. Cuối cùng, hãy cho biết tại sao bạn có cảm nhận như vậy.[4]
    • Điều quan trọng của phát ngôn "tôi" là nó tối thiểu hóa sự đổ lỗi và phán xét. Bạn không nói rằng người nghe đã sai. Thay vào đó, bạn bày tỏ cảm nhận của bạn từ hành động của họ. Chẳng hạn như, khi cảm thấy khó chịu, bạn có thể muốn nói với bạn trai những điều tương tự như: "Anh khiến chúng ta luôn đến trễ các buổi hẹn và điều đó khiến em vô cùng thất vọng".[4]
    • Câu trên có thể dễ dàng diễn đạt lại bằng phát ngôn "tôi". Bạn trai của bạn sẽ bớt cảm thấy bị phán xét và sẽ lắng nghe quan điểm của bạn hơn khi hiểu rằng anh ấy đã làm tổn thương bạn. Sử dụng phát ngôn "tôi", bạn có thể nói những điều tương tự như: "Em thất vọng mỗi khi chúng ta đến trễ những buổi hẹn bởi em cảm thấy anh dường như không để tâm đến mong muốn được gặp gỡ bạn bè của em".[4]
  5. Lắng nghe cách nhìn của người khác. Một khi đã bày tỏ cảm nhận của mình, hãy lắng nghe quan điểm của người khác. Kể cả khi thái độ của họ khiến bạn thất vọng, có thể còn rất nhiều điều mà bạn chưa hiểu. Hãy cố trở nên tích cực. Mục tiêu của cuộc trò chuyện là hàn gắn và cải thiện.[4]
    • Quay trở lại ví dụ trên, có thể vấn đề chỉ đơn giản nằm ở chỗ bạn trai hiểu giờ hẹn không giống bạn. Có thể anh ấy sẽ trả lời rằng: "Có lẽ anh đã không biết rằng 7 giờ nghĩa là đúng 7 giờ. Mỗi khi tụ tập, anh và lũ bạn thường đưa ra một mốc thời gian và mọi người có thể đến sớm hoặc muộn hơn, ở tầm giờ đó".
    • Cuộc trò chuyện cần tập trung vào vấn đề chứ không phải là sự thiếu tôn trọng. Có thể bạn trai của bạn chỉ đơn giản hiểu giờ hẹn linh động hơn. Trong tương lai, bạn hãy cố trở nên rõ ràng vào những lúc cần chính xác về giờ giấc.

Hướng về Phía trước[sửa]

  1. Xem lại kỳ vọng của bạn. Đôi khi, chúng ta có thể ôm những kỳ vọng phi thực tế trong một mối quan hệ. Nếu cảm thấy thất vọng rất nhiều với ai đó, hãy xem lại kỳ vọng của chính bạn. Bạn có nhận ra điểm nào có khả năng không thật sự thực tế hay không?[5]
    • Thông thường, kỳ vọng của chúng ta có thể được hình thành dựa trên những mối quan hệ từng có. Chẳng hạn như, bạn gái cũ từng chuyển thành phố sinh sống để được ở gần bạn. Cô ấy chẳng hề có nhiều bạn bè ở đây, và vì vậy, hai bạn thường làm mọi việc cùng nhau. Bạn gái mới cũng chỉ mới chuyển đến thành phố này được một thời gian. Có thể cô ấy sẽ ra ngoài gặp gỡ nhiều hơn và ít phải phụ thuộc vào bạn để có thể hòa nhập và vui chơi ở môi trường mới. Khi cho rằng cả hai luôn cùng tham gia vào các buổi gặp gỡ, có thể bạn đang áp đặt một kỳ vọng từ mối quan hệ cũ. Nó không thật sự hợp lý trong tình huống này.[5]
    • Cũng có thể bạn sẽ có những kỳ vọng không thiết thực theo những cách khác. Ví dụ như, bạn gái có thể trả lời "có thể" khi bạn hỏi liệu cô ấy có muốn đi đâu đó vào buổi tối hay không. Với bạn, "có thể" nghĩa là "cũng được" hay "chắc chắn rồi". Bạn sẽ luôn cảm thấy thất vọng khi bạn gái thông báo rằng cô ấy không thể đi được. Có lẽ kỳ vọng của bạn không thực tế. Nhiều người, đặc biệt là những người bận rộn, có một số ngày mà họ chẳng thể nào thu xếp được. Hãy bắt đầu bằng việc xem có thể là có thể và xác định rằng có khả năng bạn sẽ phải tìm gì đó khác để làm vào tối đó.[5]
  2. Điều chỉnh kỳ vọng khi cần. Nếu có khả năng kỳ vọng của bạn không hợp lý, hãy tìm cách điều chỉnh chúng. Đôi khi, bạn sẽ ít phải thất vọng hơn trong tương lai nếu học được cách chấp nhận một số điều nhất định về người khác.
    • Hãy xem lại ví dụ ở trên. Bạn gái mới của bạn rõ ràng là người độc lập hơn. Cô ấy có cuộc sống, sự nghiệp và các quan hệ xã hội của riêng mình. Có thể cô ấy không phải là mẫu người cần người yêu để cảm thấy trọn vẹn.
    • Trong trường hợp này, hãy cố điều chỉnh kỳ vọng của bạn về một mối quan hệ lãng mạn. Trong mối quan hệ này, các bạn có thể sẽ không bên nhau trong toàn bộ thời gian rảnh. Bạn gái có thể sẽ gặp gỡ bạn bè của cô ấy vài lần trong tuần. Hãy cố chấp nhận rằng đó là tính cách của cô ấy và đó chẳng phải là điều gì tồi tệ. Lần tới, khi cô đi uống nước với đồng nghiệp, có thể bạn sẽ bớt thất vọng vì cô ấy không thể ghé qua và cùng xem phim sau giờ làm việc.[5]
  3. Thử thêm lần nữa. Một khi đã điều chỉnh kỳ vọng, thử lần nữa nhưng với một cách thức khác. Trong mọi mối quan hệ, bạn phải sẵn lòng cho sự thỏa hiệp. Nếu một người bạn, người thân hay người yêu có lối hành xử khác bạn, tôn trọng điều đó là rất quan trọng. Hãy tiếp tục mối quan hệ với kỳ vọng đã được điều chỉnh phần nào. Cố chấp nhận quan điểm của người khác và thẳng thắn hơn trong việc bày tỏ mong muốn và nhu cầu của bạn.[1]
  4. Nhìn nhận bức tranh tổng thể. Sau khi quay cuồng với sự thất vọng, bạn có thể dễ dàng bế tắc và không thể vượt qua sự việc nào đó. Tuy nhiên, hãy xem xét bức tranh tổng thể. Mối quan hệ này có quan trọng với bạn không? Liệu những điều tốt đẹp mà người đó đem lại cho cuộc sống của bạn có đủ để bù đắp những điều chưa tốt? Nếu vậy, sự thất vọng đôi khi xuất hiện có đáng để phiền muộn hay không? Bất kỳ ai cũng làm ai đó thất vọng lúc này hay lúc khác, và nó thường là do vô tình. Hãy cố bỏ qua và tiến lên phía trước.[1]
  5. Chấp nhận sự thay đổi trong mối quan hệ. Thông thường, cảm giác thất vọng trong mối quan hệ bắt nguồn từ thực tế rằng chúng không còn như trước. Có thể bạn đang níu giữ những kỳ vọng trong quá khứ mà đến nay, chúng không còn phù hợp. Hay cho phép mối quan hệ tiến triển và chấp nhận rằng những thay đổi đó chưa hẳn là biểu hiện không tốt trong một mối quan hệ.
    • Ví dụ, hãy nhìn vào một mối quan hệ lãng mạn điển hình. Vào thời điểm ban đầu, các bạn có thể sẽ quan hệ nhiều hơn, dành nhiều thời gian bên nhau và không ngừng trò chuyện. Khi mối quan hệ phát triển thêm, mọi thứ có thể trở nên bình lặng hơn. Chẳng hạn như, các bạn có thể sẽ trải qua những giờ phút tĩnh lặng bên nhau và quan hệ ít thường xuyên hơn.
    • Sự phấn khích trong một mối quan hệ lãng mạn mới nhạt dần theo thời gian là hoàn toàn tự nhiên. Sự mãnh liệt trong một vài tháng đầu hẹn hò thường dịu lại. Đó không nhất thiết là điều xấu. Dù có thể bạn sẽ nhớ sự cuồng nhiệt lúc mới yêu, trở thành thói quen cũng có những lợi ích nhất định. Các bạn sẽ thoải mái hơn khi bên nhau. Các bạn đều có thể là chính mình. Hãy cố xem sự thay đổi trong mối quan hệ là dấu hiệu của sự ổn định thay vì bế tắc.

Cảnh báo[sửa]

  • Dù hiểu cách nhìn của người khác là quan trọng, nếu ai đó tiếp tục khiến bạn thất vọng và dường như không cảm thấy có lỗi sau mọi chuyện, kết thúc mối quan hệ đó có lẽ là điều tốt nhất nên làm. Bạn không đáng phải tiếp tục nhận được sự thiếu tôn trọng đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây