Đối phó với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dường như bạn không thể tránh khỏi những bản tin về tội ác do thù ghét, bạo loạn hay thậm chí là hành vi bạo lực của cảnh sát bắt nguồn từ nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng phân biệt chủng tộc là gì, và bạn có thể làm gì để đấu tranh với nó? Hiểu biết về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nhận biết ảnh hưởng của thói phân biệt chủng tộc chính là bước đầu tiên để chiến đấu khi chính bạn phải đối mặt với nó, khi bạn chứng kiến hành vi phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử, hoặc khi vấn đề chủng tộc phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các bước[sửa]

Đối mặt với Thói Phân biệt Chủng tộc Nhằm về phía Bạn[sửa]

  1. Hiểu rằng bạn không hề phản ứng thái quá. Tương tự như quấy rối, các hành vi phân biệt chủng tộc thoáng qua và thường không có chủ đích (được biết tới với cái tên "công kích nhỏ lẻ") dường như không là vấn đề to tát đối với người khác, nhưng nếu những hành vi đó quấy rầy bạn, chúng phải được ngăn chặn.[1]
    • Các nghiên cứu cho thấy người da màu phải chịu công kích chủng tộc nhỏ lẻ hàng ngày, nhưng những người gây ra các hành vi đó hầu như đều chối bỏ rằng mình đã làm điều sai trái hoặc hành động của mình phát sinh từ định kiến chủng tộc.[2] Điều này có thể khiến những người da màu cảm thấy như họ đang tưởng tượng ra mọi chuyện, hoặc lo lắng rằng khi họ lên tiếng, những điều họ đã trải qua sẽ bị phủ nhận và cho là vô căn cứ.
  2. Bỏ đi. Khi bạn phải chịu công kích nhỏ lẻ hoặc hình thức thù ghét chủng tộc nào đó rõ ràng hơn, hãy đặt nhu cầu của mình lên trước; bạn có thể chọn cách bỏ đi. Bạn không có nghĩa vụ phải cố gắng hiểu và tiếp xúc với một người như vậy.
    • Là nạn nhân của thói phân biệt chủng tộc, bạn không có nghĩa vụ phải "sửa chữa" kẻ đã công kích mình. Dính dáng vào những cuộc nói chuyện về nạn phân biệt chủng tộc sẽ chỉ khiến bạn thấy mệt mỏi và buồn bã, chưa kể đó còn là công việc khó khăn, trong khi bạn có thể chỉ cần bỏ đi. Nhưng nếu bạn muốn cố gắng hiểu và tiếp xúc với người có lỗi, bạn cũng có thể chọn phương án này.[3]
  3. Chỉ nêu ra vấn đề trong lời nói hoặc cách cư xử. Thay vì buộc tội ai đó là người phân biệt chủng tộc, gây rủi ro phát sinh thái độ xù lông tự vệ, hãy chỉ ra chính xác vì sao cách cư xử hay lời nói của người đó có vấn đề.[4]
    • Ví dụ, thay vì nói "Anh xúc phạm tới người khác" hãy nói "Lối nói đó sẽ xúc phạm người châu Á đấy". Bằng cách sử dụng "lối nói đó" thay vì "anh" bạn đã chuyển hướng sự tập trung từ kẻ công kích sang lời nói của người đó.
  4. Thẳng thắn với bạn bè. Bạn không bao giờ có nghĩa vụ phải chấp nhận hoặc đối mặt với thói phân biệt chủng tộc chỉ để tránh xích mích với bạn bè. Phân biệt chủng tộc luôn luôn là điều sai trái và bạn có toàn quyền lên tiếng.
    • Nếu bạn nghĩ ai đó đang có lối cư xử phân biệt chủng tộc, hãy chỉ ra vì sao cách cư xử đó có vấn đề. Bạn có thể lựa chọn cách thức tiếp cận; hiểu rằng mọi người thường có xu hướng xù lông tự vệ khi bị phê bình, vì vậy, bạn càng khéo léo thì họ càng dễ dàng tiếp thu nhận xét của bạn.
  5. Đối phó với nhận xét hoặc lối cư xử phân biệt chủng tộc trong nhóm. Khi ai đó trong nhóm làm hoặc nói điều gì đó xúc phạm, tùy thuộc vào một vài yếu tố, mức độ hiệu quả của cách thức bạn tiếp cận và giải quyết vấn đề có thể cao hoặc thấp. Xác định mục tiêu của bạn khi phê phán lối cư xử phân biệt chủng tộc trong nhóm: bạn muốn tất cả mọi người ở đó biết rằng mình sẽ không nghe những lời như vậy, hay bạn muốn giữ quan hệ với người đã vô tình làm điều gì đó chướng tai gai mắt?
    • Phê phán lối cư xử phân biệt chủng tộc của một người trước mặt những người khác thay vì trao đổi riêng sẽ khiến cả nhóm hiểu được rằng bạn không chấp nhận hành vi như vậy hướng tới mình. Tuy nhiên, khi bị chỉ trích trước mặt bạn bè, mọi người sẽ có xu hướng xù lông tự vệ.
    • Nếu bạn cảm thấy hành vi đó hoàn toàn không có chủ đích và bạn quan tâm tới việc gìn giữ tình cảm với người có lỗi hoặc duy trì quan hệ với người này, bạn có thể tạm thời bỏ qua, sau đó hỏi họ rằng liệu bạn có thể gặp riêng để trao đổi về chuyện đó hay không. Có rất nhiều hạn chế khi bạn chờ đợi để nói chuyện, ví dụ như người đó có thể sẽ quên mất mình đã nói gì hoặc trong hoàn cảnh ra sao, một hạn chế khác là sự chờ đợi thể hiện thông điệp rằng bạn sẽ không phản bác những hành vi như vậy.
  6. Luyện tập các cách tiếp cận khác nhau với hành vi hoặc lời nói phân biệt chủng tộc. Có rất nhiều cách để đáp trả những điều chướng tai gai mắt, và bạn cần lựa chọn cách phản ứng phù hợp với tính cách của mình cũng như với mối quan hệ của bạn và người có lỗi.
    • Bạn có thể tiếp cận bằng cách chia sẻ: "Cậu biết đấy, tôi bị tổn thương khi mọi người nói hoặc làm như vậy, vì…" Nói về cảm xúc của bạn sẽ khiến mọi người bớt xù lông tự vệ hơn là thẳng thắn chỉ trích điều họ đã làm,[5] nhưng cách tiếp cận trên cũng khiến họ bớt cảm thấy có trách nhiệm hơn với hành vi của mình, về lâu dài, đây không phải là chiến lược đúng đắn.
    • Một cách tiếp cận khác trực tiếp hơn là nói "Cậu không nên nói vậy hay làm vậy. Điều đó xúc phạm những người thuộc chủng tộc này vì… ". Cách tiếp cận đó khiến mọi người biết rằng lối cư xử của họ gây tổn thương và họ nên dừng lại.
  7. Học cách đối phó với thói phân biệt chủng tộc ở người có địa vị cao hơn. Nếu giáo viên hoặc sếp đối xử với bạn khác biệt vì chủng tộc của bạn, gièm pha và đưa ra những nhận xét khiến bạn lúng túng, thật khó để đối phó vì họ ở vị thế có quyền năng hơn bạn và có thể tác động tới điểm số hay thu nhập của bạn.
    • Nếu bạn nghĩ rằng thói phân biệt chủng tộc ở họ không có chủ đích hoặc do bất cẩn, và nếu bạn có mối quan hệ công việc ổn thỏa với người này, hãy cân nhắc trò chuyện với giáo viên hay người sếp đó. Có thể người đó không nhận thức được rằng hành vi của họ rất chướng tai gai mắt. Ví dụ, một giáo viên yêu cầu bạn trình bày "quan điểm của người châu Á" có thể không nhận ra rằng hành vi đó của họ xúc phạm tới bạn, vì những người châu Á không phải là một thể đồng nhất.
    • Nếu bạn nói chuyện với giáo viên hoặc sếp, hãy chắc chắn rằng bạn tiếp cận họ khi họ không bận rộn và yêu cầu một buổi trao đổi riêng. Hãy để họ hiểu mối lo ngại của bạn một cách rõ ràng, trực tiếp và không hề cảm tính: "Đôi khi em thấy thầy khiến em trở nên khác biệt với mọi người chỉ vì chủng tộc của em. Em rất hy vọng chúng ta có thể trò chuyện để tình trạng này không xảy ra lần nữa."[6]
    • Nếu bạn thấy rằng hành vi phân biệt chủng tộc là có chủ đích, ác ý, hoặc nếu bạn cho rằng thảo luận trực tiếp với giáo viên hay sếp có thể dẫn tới hậu quả tiêu cực cho bạn, ảnh hưởng tới quan hệ công việc của bạn, bạn cần trao đổi với người có thẩm quyền cao hơn. Tại trường, người đó có thể là cố vấn trường học hoặc hiệu trưởng. Tại nơi làm việc, bạn có thể trao đổi với phòng nhân sự hoặc quản lý của sếp bạn. Đầu tiên, hãy đảm bảo rằng bạn đã ghi chép lại mọi hành vi phân biệt chủng tộc hoặc công kích nhỏ lẻ của họ.[7] Lên lịch một buổi gặp mặt riêng tư để bạn trình bày những gì đã xảy ra (bao gồm tần suất của hành vi, trích dẫn trực tiếp câu nói của họ hoặc mô tả hành động trong từng trường hợp nếu có thể) và giải thích vì sao những hành vi đó không thể chấp nhận được.
  8. Hiểu biết về quyền của bạn. Nếu phải chịu đựng thói phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc hoặc nơi công cộng, bạn có thể có những quyền pháp lý nhất định. Tại Hoa Kỳ, pháp luật tiểu bang và liên bang đều chống lại nạn phân biệt chủng tộc, đáng chú ý là Đạo luật Dân Quyền năm 1964.[8]
    • Tại Hoa Kỳ, bạn có thể liên hệ với luật sư chuyên về quyền dân sự hoặc quyền tại nơi làm việc, nếu nạn phân biệt chủng tộc đã tước đoạt nhà ở, công việc, sự an toàn hay bất kỳ quyền tự do nào khác của bạn. Phần lớn các bang có lịch trình báo cáo vụ việc phân biệt đối xử rất nghiêm ngặt, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đã ngay lập tức liên hệ với luật sư.[8]
    • Nếu bạn muốn khởi kiện và không thể trả tiền cho luật sư, có rất nhiều tổ chức đấu tranh cho nhân quyền có thể giúp đỡ bạn. Tại Hoa Kỳ, hãy cân nhắc liên hệ Trung tâm nghiên cứu Luật Người nghèo Miền Nam Hoa Kỳ hoặc Ủy ban Phòng chống Phỉ báng.
  9. Phân biệt hành động phân biệt chủng tộc và người phân biệt chủng tộc. Những người phân biệt chủng tộc bị kích động bởi sự cố chấp cuồng tín và định kiến, họ khó có thể bị thay đổi kể cả khi bạn đương đầu với họ. Những hành động phân biệt chủng tộc thường là sai lầm hoặc hệ quả của quá trình trưởng thành trong nền văn hóa mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được coi là chuẩn mực.
    • Với người phân biệt chủng tộc, nhiều khả năng bạn sẽ chỉ tốn công sức khi quyết định đối mặt với họ hoặc dành thời gian giáo dục họ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như lý do hành vi của họ quấy rầy bạn. Thông thường, những người này sẽ cho rằng bạn đang cố giành lợi thế nhờ chủng tộc của mình, trong khi bạn thực sự bị xúc phạm bởi lời nói hay hành động của họ. Rất hiếm khi một người thực sự phân biệt chủng tộc sẽ lắng nghe bạn và thay đổi cách cư xử chỉ vì hành động của họ làm phiền bạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể gặp nguy hiểm nếu cứ gắng sức đối đầu với họ.
    • Tuy nhiên, nếu một người, về cơ bản là tốt tính, song đôi khi có những bình luận hoặc nhận định phân biệt chủng tộc, bạn có thể tác động để họ dừng lại bằng cách giải thích vì sao hành vi của họ xúc phạm tới người khác. Những người này thường hoàn toàn không nhận thức được ảnh hưởng thực sự của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên thế giới.
    • Bạn có toàn quyền quyết định liệu mình có cần dành thời gian để đối phó với những người phân biệt chủng tộc, hay những lối cư xử hoặc chính sách có tính phân biệt chủng tộc. Bạn không có nhiệm vụ phải giáo dục người khác chỉ vì bạn thuộc nhóm thiểu số.[9]
  10. Chăm lo cho bản thân. Việc chịu đựng thói phân biệt chủng tộc là gánh nặng lớn và có thể gây chấn động tâm lý. Hãy chắc chắn rằng những người hỗ trợ đáng tin cậy luôn ở bên bạn và bạn đang dành thời gian cho bản thân để củng cố sức mạnh cảm xúc và tâm lý.
    • Những căng thẳng phát sinh từ việc đối mặt với thói phân biệt chủng tộc có thể ảnh hưởng tới mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm sức khỏe tâm thần của bạn,[10] kết quả học tập tại trường,[6] và thậm chí là rủi ro mắc các chứng bệnh nghiêm trọng.[11]
    • Tham gia các hiệp hội học sinh dành cho học sinh da màu, tổ chức chính trị, hoặc các nhóm đồng đẳng để gặp mặt và kết nối với những người cùng trải nghiệm như bạn. Trò chuyện với người nhà về những tình huống gây căng thẳng và cách thức đối mặt với chúng.[12] Các nghiên cứu cho thấy rằng việc thảo luận với những người có trải nghiệm tiêu cực tương đồng là yếu tố quan trọng giúp bạn đối mặt với những căng thẳng liên quan đến các trải nghiệm này.

Đối mặt với Sự phân biệt Chủng tộc Nhằm vào Người khác[sửa]

  1. Lên tiếng khi bạn nghe thấy những lời gièm pha hoặc trò đùa phân biệt chủng tộc. Mọi người thường bỏ qua những nhận xét hoặc trò đùa phân biệt chủng tộc khi khó chịu mà không biết phải nói gì. Tuy nhiên, việc chuẩn bị trước lời đáp sẽ giúp bạn có khả năng phản ứng và hành động để bảo vệ điều đúng đắn. Có nhiều cách tiếp cận vấn đề mà bạn có thể lựa chọn tùy vào tính cách, mối quan hệ của bạn với người nói những lời này và hoàn cảnh khi đó:
    • Cân nhắc đáp lại "Điều đó không hay đâu." Trong một vài trường hợp, như giữa tiết học hoặc khi bạn xuống bến xe buýt, bạn sẽ không có đủ thời gian hoặc khả năng để trao đổi một cách đầy đủ về điều mà ai đó nói, nhưng bạn có thể cho họ biết rằng hành vi của họ đã vượt quá mức cho phép. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi mình đã bảo vệ điều đúng đắn.
    • Thử nói, "Ồ, câu đó phân biệt chủng tộc thật đấy. Sao anh lại nói vậy?" Bắt đầu cuộc đối thoại sẽ khiến người kia ngẫm nghĩ liệu họ có nên nói ra những điều mà họ vừa nói hay không.
    • Nếu là câu đùa, hãy thử nói rằng, "Vì sao câu đùa đó buồn cười vậy?" bằng một giọng nghiêm túc, như thể bạn không hiểu câu đùa đó. Buộc ai đó phải giải thích vì sao câu đùa của họ buồn cười sẽ khiến người đó phải cân nhắc ẩn ý phân biệt chủng tộc mà họ đã đưa ra. Sau khi giải thích, nếu họ vẫn nghĩ rằng câu đùa đó là trò vui, bạn có thể nói, "Câu đùa đó thật sự phân biệt chủng tộc đấy."
  2. Đối mặt với thói phân biệt chủng tộc trong gia đình bạn. Đôi khi những người gây xúc phạm nhất lại là thành viên gia đình, như người ông đáng kính hoặc mẹ của bạn. Người nhà bạn có thể đưa ra nhận xét hoặc câu đùa mang tính phân biệt chủng tộc, hoặc thực sự cư xử phân biệt đối với các chủng tộc khác (ví dụ, không cho phép bạn hẹn hò với người da đen hoặc không cho người bạn Ấn Độ tới thăm nhà bạn). Tình huống này có thể khó khăn với bạn, vì đó là những người mà bạn kính trọng và nghe lời (ví dụ như bố mẹ, khi bạn còn sống cùng gia đình).
    • Hãy bình tĩnh, nhưng để họ biết cảm xúc của bạn. Gia đình được xây dựng từ nền tảng tình yêu và lòng tin, bạn nên tự tin cho người nhà biết khi họ đã nói hay làm điều gì đó chướng tai gai mắt. Đừng hét lên, đừng chỉ trích cá nhân, nhưng hãy để họ biết: ví dụ, bạn có thể nói rằng "Con không thích điều mẹ nói" hoặc "Điều ông nói khiến cháu cảm thấy khó chịu," hoặc yêu cầu họ giải thích lý do họ nói những lời phân biệt chủng tộc tới vậy. Hành động này sẽ bắt đầu cuộc đối thoại và tạo cơ hội để bạn chỉ ra vì sao cách cư xử của họ có vấn đề.
    • Lưu ý rằng đôi khi việc trò chuyện với những người này có thể khiến vấn đề tồi tệ hơn; ví dụ, nếu một ông bác biết rằng những câu đùa phân biệt chủng tộc quấy rầy bạn, ông bác đó có thể cố tình đùa thêm.
    • Nếu bố mẹ bạn đặt ra những quy tắc phân biệt chủng tộc về bạn bè của bạn, bạn sẽ phải lựa chọn. Bạn có thể tuân theo quy tắc đó khi còn ở cùng bố mẹ, hoặc bạn có thể bí mật làm trái quy tắc của họ. Hãy hiểu rằng khi họ biết được hành động của bạn, bạn có thể phải chịu hậu quả.
    • Đôi khi bạn không thể tác động tới một thành viên phân biệt chủng tộc trong gia đình để họ ngừng làm hay nói những điều gây tổn thương. Bạn có thể chọn cách tránh xa người đó hết mức có thể, và tiếp tục cho họ biết cảm xúc của mình về thói phân biệt chủng tộc của họ, nhưng không may, trong một số trường hợp, cách làm này sẽ không có hiệu quả. Hiểu lựa chọn của họ và cố gắng hết sức để tránh nuôi dưỡng những suy nghĩ hay thói quen định kiến và mù quáng.
  3. Trở thành đồng minh. Nếu bạn phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhưng không phải người thuộc nhóm thiểu số, mỗi khi bắt gặp hành vi phân biệt chủng tộc, bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình đương đầu với nó. Học cách phân biệt những công kích nhỏ lẻ đối với người da màu, bạn có thể tận dụng vị thế được ưu tiên của mình để chống lại nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức.[13]
    • Luyện tập trao đổi về chủng tộc ở "những không gian an toàn cho người thuộc nhóm thiểu số." Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một chủ đề khó, và những người không thuộc nhóm thiểu số thường được dạy rằng họ không nên lên tiếng hay "nhìn thấy" những khác biệt về chủng tộc. Sẽ rất khó khăn để đấu tranh với các hành vi phân biệt chủng tộc khi chúng thực sự xảy ra, bởi bạn có thể không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc trò chuyện về chủng tộc. Hãy tìm kiếm những đồng minh khác, những người cũng muốn chiến đấu với nạn phân biệt chủng tộc, và cùng nhau diễn tập những tình huống phân biệt chủng tộc mà bạn gặp phải trong cuộc sống thường ngày.[13]

Đối mặt với Sự Phân biệt Chủng tộc trong Xã hội[sửa]

  1. Gặp gỡ những người khác biệt với bạn. Tại nhiều nơi trên thế giới, sẽ thật khó để tìm hiểu những người thuộc chủng tộc khác. Việc hướng về những người tương đồng với bạn là điều tự nhiên, và vì vậy đôi khi chúng ta sẽ chỉ có bạn bè thuộc cùng chủng tộc. Hãy tìm hiểu các nền văn hóa khác và những cách thức để trải nghiệm thế giới. Hành động đó sẽ mở mang tầm nhìn của bạn về thế giới, cũng như giúp bạn bè, gia đình hoặc con trẻ nhận thức được rằng tình bạn với những người khác biệt là bình thường và có thể chấp nhận được.
    • Ghé thăm hội chợ văn hóa, lễ hội và các hoạt động gặp gỡ trong cộng đồng nơi bạn sinh sống. Tới thư viện địa phương hoặc trung tâm cộng đồng để tìm kiếm thông tin.
    • Tham gia câu lạc bộ, bắt đầu một thú vui mới, thăm nhà thờ hoặc nhà nguyện, hoặc tham gia một nhóm để làm quen với những người bạn mới.
  2. Trao đổi về chủng tộc. Chủng tộc đã trở thành một chủ đề kiêng kỵ, bởi nhiều người được dạy từ nhỏ rằng việc thảo luận về chủng tộc là khiếm nhã hoặc không phù hợp. Nhưng khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại, những cuộc tranh luận, tinh thần sẵn sàng học hỏi và sự thấu cảm có vai trò vô cùng quan trọng; nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trao đổi về chủng tộc sẽ tăng cường hiểu biết và lòng khoan dung.[14] Hãy tận dụng cơ hội này để bắt đầu cuộc tranh luận.
    • Nếu là một bậc phụ huynh, hãy trò chuyện với con trẻ về chủng tộc. Đừng bắt chúng phải trật tự khi chúng nói rằng có ai đó khác màu da; chú ý đến những điểm khác biệt là điều bình thường ở trẻ nhỏ. Hãy dạy chúng rằng khác biệt là tốt! Hãy nói những điều như, "Phải, thật tuyệt phải không? Joe là người da đen và con là người da vàng. Chúng ta đều thật khác nhau!"
    • Khi con bạn đã đủ tuổi để nhận thức, hãy trò chuyện với con về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nếu bạn thuộc nhóm thiểu số, bạn có thể cho con biết trước những điều mà con có thể gặp phải, xây dựng lòng tự tôn và sự tự tin ở con để con có thể phản ứng phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn không thuộc nhóm thiểu số, trò chuyện với con về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn vô cùng quan trọng. Dạy con về lịch sử chủng tộc tại quốc gia, và giải thích với con vì sao một số người lại có thái độ phân biệt chủng tộc đối với những người khác (định kiến, nhận định rập khuôn, sự cố chấp cuồng tín, v.v.).
  3. Cống hiến. Nếu có thể, hãy quyên góp tiền hoặc tình nguyện tại các tổ chức chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở cộng đồng địa phương hoặc quốc gia nơi bạn sinh sống, ví dụ như các tổ chức sau ở Hoa Kỳ:
    • Trung tâm nghiên cứu Luật Người nghèo Miền Nam Hoa Kỳ
    • Ủy ban Phòng chống Phỉ báng
    • Chiến dịch Nhân Quyền

Hiểu biết về Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc[sửa]

  1. Hiểu sự khác biệt giữa phân biệt chủng tộc, sự cố chấp cuồng tín, và định kiến. Đôi khi những cụm từ này được sử dụng thay thế lẫn nhau trên các phương tiện truyền thông hoặc trong các cuộc đối thoại, nhưng giữa chúng có những điểm khác biệt cần nắm rõ. Biết được điểm khác biệt giữa những khái niệm này sẽ giúp bạn trong giao tiếp, khi mọi người thường sử dụng thuật ngữ sai lệch với ý mà họ muốn nói.
    • Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là chế độ đàn áp hướng tới một nhóm người bởi chủng tộc, màu da hay dân tộc của họ. Nói chung, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc liên quan tới một nhóm chủng tộc hoặc dân tộc chiếm đa số đặt ra pháp luật, chính sách, hệ thống, và tiêu chuẩn văn hóa ưu tiên chủng tộc của họ, trong khi các chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số khác chịu tổn hại.
    • Sự cố chấp cuồng tín, mặt khác, là sự thù ghét. Sự cố chấp cuồng tín nghĩa là ghét bỏ một nhóm người vì con người họ và/hoặc tin rằng nhóm của mình là tối thượng, sự ghét bỏ này không hạn chế ở chủng tộc hay dân tộc; bạn có thể ghét bỏ một nhóm người vì tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục, chủng tộc, khiếm khuyết cơ thể, v.v. Ví dụ, thảm họa diệt chủng người Do Thái đã bị kích thích bởi sự cố chấp cuồng tín, cũng tương tự như động lực thúc đẩy tất cả những tội ác thù ghét theo pháp luật Hoa Kỳ.[15]
    • Định kiến (nghĩa đen là "phán xét trước") là việc bạn cho rằng mình hiểu một người vì họ thuộc nhóm nào đó. Mặc dù từ này thường có ý nghĩa tiêu cực, định kiến không hẳn lúc nào cũng tồi tệ. Ví dụ, định kiến là cho rằng tất cả những người châu Á đều giỏi toán, hoặc tất cả những người da màu là ca sĩ hay vận động viên cừ khôi. Đây là những nhận định rập khuôn căn cứ vào chủng tộc. Bạn cũng có thể có định kiến với ai đó vì tôn giáo, giới tính, khiếm khuyết cơ thể, v.v., vì vậy tương tự như sự cố chấp cuồng tín, định kiến không chỉ hạn chế ở chủng tộc.
  2. Hiểu rõ sự giao thoa giữa ba khái niệm trên và mối liên hệ của chúng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đôi khi những chính sách hoặc lề thói phân biệt chủng tộc rất "dễ thấy" (ít nhất khi bạn nhìn về lịch sử của chúng), ví dụ, lịch sử chế độ nô lệ của Hoa Kỳ (thời điểm đó được coi là tự nhiên và được chấp nhận về cả pháp lý và tôn giáo) đã tồn tại trên chế độ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, trong những thời điểm khác, mọi người vẫn còn tranh cãi liệu những chính sách hay lề thói nhất định có tính phân biệt chủng tộc hay không; ví dụ, nhiều người cho rằng chính sách Hành động Tích cực tại Hoa Kỳ (yêu cầu các công ty tại Hoa Kỳ đáp ứng chỉ tiêu tuyển dụng từ các nhóm nhân khẩu khác nhau) mang tính phân biệt chủng tộc, khi những người khác phản biện rằng chính sách này phòng chống nạn phân biệt chủng tộc.
    • Vì phân biệt chủng tộc là việc một nhóm có quyền lực đối xử tồi tệ với một nhóm thiểu số, "phân biệt chủng tộc đối ứng" (thường dùng để mô tả trường hợp thành viên của một nhóm thiểu số đối xử tồi tệ với thành viên của một nhóm đa số vì chủng tộc của họ) là thuật ngữ không chính xác. Hành động đó nên được gọi là "sự cố chấp cuồng tín" hoặc "định kiến" thay vì "phân biệt chủng tộc."[16]
    • Quan trọng là bạn phải nhớ rằng mình có thể ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kể cả khi không thù ghét bất kỳ ai. Thực tế, bạn có thể ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà không hề hay biết, bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là chế độ đàn áp trên diện rộng.
  3. Hiểu rõ lịch sử của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại quốc gia của bạn và trên toàn thế giới. Sự thật đáng buồn nhưng đúng đắn về bản chất của nền văn minh nhân loại suốt chiều dài lịch sử là phần lớn các nền văn minh chủ đạo đều phải chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Lý do là phân biệt chủng tộc là việc những người có quyền lực (số đông) đối xử tồi tệ với những người không có quyền lực (số ít), và chủng tộc là một trong những đường phân cách chủ yếu mà con người đã sử dụng từ trước tới nay để xác định người có hay không có quyền lực.
    • Tại Bắc Mỹ, lịch sử của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được cho là đã bắt đầu từ khi người châu Âu da trắng ổn định tại châu lục này và xâm chiếm các tộc bản xứ (thổ dân Châu Mỹ hoặc người Anh-điêng). Thực tế, một nhóm chủng tộc đã có quyền năng lớn hơn nhóm còn lại (về vũ khí và dịch bệnh đã tàn sát toàn thể người dân của những tộc này).
    • Vào thời kỳ Victoria tại châu Âu, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã gắn chặt trong lối tư duy phương Tây nhờ những phát kiến được cho là mang "tính khoa học" về sự khác biệt giữa các chủng tộc. Ảnh hưởng từ thuyết tiến hóa của Đacuyn (Darwin), các nhà khoa học tin rằng chủng tộc người Anglo da trắng đã tiến hóa xa hơn những chủng tộc khác.[17]
  4. Hiểu về cách thức mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kết nối với hệ thống công quyền. Mặc dù rất nhiều chế độ đàn áp như chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ tại nhiều nơi trên thế giới, thái độ và chính sách phân biệt chủng tộc, dù lớn hay nhỏ, vẫn đang là vấn nạn của mọi quốc gia.
  5. Nhận ra những hệ quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hệ thống, ảnh hưởng của nó có thể được thấy rõ trên phương tiện truyền thông, trong cơ quan chính phủ, hệ thống trường học, và thậm chí là tôn giáo.
    • Chú ý tới những nhận định rập khuôn về các chủng tộc hay dân tộc khác trên truyền hình, sách báo hoặc phim ảnh. Sự phổ biến của video và trò chơi điện tử đã mở ra nhiều con đường để chủ nghĩa này lan rộng. Liên lạc với những người sản xuất sản phẩm có tính phân biệt chủng tộc và giải thích sự bất bình của bạn. Từ chối hỗ trợ bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào cho phép tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra.
  6. Hiểu rằng không phải mọi hành vi phân biệt chủng tộc đều dễ thấy. Trong cuộc sống hàng ngày, "những công kích nhỏ lẻ" còn phổ biến hơn sự thù ghét hiển nhiên, nhưng chúng cũng gây tổn thương tương tự. Như cái tên của nó, công kích nhỏ lẻ là những hành vi phân biệt nhỏ bé mà nhiều người có thể không nhận ra -- nhưng theo thời gian, với người da màu, những công kích đó lại càng trở nên rõ rệt và gây tổn thương.[1]
    • Một công kích nhỏ lẻ có thể là bất kỳ hành vi gì, từ việc vô thức tránh xa một người da màu trên tàu điện, hỏi một người phụ nữ da đen rằng liệu tóc cô ấy có thực sự "của cô ấy" hay không, hoặc hỏi một người Mỹ gốc Á liệu họ "thực sự" đến từ đâu.
    • Những công kích nhỏ lẻ, khác với những hành vi thù ghét hiển nhiên, thường không có chủ đích. Điều này sẽ gây khó khăn cho những người da màu khi "chứng minh" rằng hành vi đó đã xảy ra, đồng thời họ có thể chịu rủi ro bị coi là quá dễ tức giận hoặc bị buộc tội cố giành lợi thế nhờ chủng tộc khi phản đối những hành vi công kích như vậy.

Lời khuyên[sửa]

  • Tại Hoa Kỳ, hãy nộp đơn kiện về đặc quyền dân sự khi bạn là nạn nhân của thói phân biệt chủng tộc đã kéo dài từ lâu.
  • Có thể bạn đã hành xử phân biệt chủng tộc, và bạn không hề biết về điều đó. Hãy đọc bài viết wikiHow có ích sau để nhận được những lời khuyên giúp bạn ngừng cư xử như vậy.

Cảnh báo[sửa]

  • Dù việc đương đầu với hành vi phân biệt chủng tộc rất đáng khâm phục, nó cũng có thể gây nguy hiểm cho bạn. Hiểu rằng sẽ có những rủi ro liên quan tới việc đối mặt với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đặc biệt khi đối tượng bị kích thích bởi sự cố chấp cuồng tín thay vì thiếu hiểu biết đơn thuần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây