6 xu hướng dạy học thế kỷ 21

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Lời người dịch: Bài lược dịch dưới đây tóm tắt báo cáo một nghiên cứu trong nhiều năm tại Hoa Kỳ do quỹ Bill & Melinda Gates Foundation tài trợ, về những xu hướng dạy học trong Thể kỷ 21. Mọi đánh giá đều có ý nghĩa không bó hẹp ở bậc giáo dục đại học. Hi vọng với những chia sẻ bên dưới cùng những suy nghĩ, chiêm nghiệm của riêng mình, người đọc và những nhà sư phạm ở các cấp có thể cùng liên tưởng và khéo léo áp dụng cho việc dạy và học của mình. Trân trọng.

Ngày nay, chúng ta vẫn thường phàn nàn rằng giáo dục đại học thật chẳng thay đổi gì trong suốt vài trăm năm. Và quả đúng như thế, chúng ta dễ dàng bắt gặp một vài vị giáo sư trên các giảng đường đại học, tay cầm tập bài giảng đã ố vàng hoặc còn vương đầy bụi phấn. Ấy thế mà, ở thế giới ngoài kia, công nghệ số và internet đã mang đến biết bao thay đổi mạnh mẽ đến phong cách giảng dạy và các công cụ học tập trong giáo dục đại học. Vậy thì cụ thể, những xu hướng giáo dục mới là gì? Nếu lấy giáo dục đại học làm trọng tâm, thì sự thay đổi văn hóa nào xoay vần quanh trục đó?

Chúng tôi đã nghiên cứu để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên trong nhiều năm qua, với việc nghiên cứu chuỗi các bài báo và thực hiện các cuộc phỏng vấn để khám phá xem dạy học trong thế kỷ 21 có hình dạng như thế nào. Một vài cuộc kiếm tìm cho thấy nhiều sắc thái thử thách của việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy như cách một vài giáo sư kể các câu chuyện. Có một nhân viên trong một công ty cung cấp nước, người giảng dạy một khóa học online cộng đồng, đã khởi động việc tạo ra các nguồn học liệu mở khi lớp của bà trở thành một phần của một khóa học với chi phí dành cho sách giáo khoa là 0 đồng. Một vài nỗ lực liên quan đến nghiên cứu về văn hóa giảng dạy, như một bài nói chuyện với một nhà nhân chủng học, người nghiên cứu cách các giáo sư phản ứng với (và đôi khi cưỡng lại) những nghiên cứu về phương pháp giảng dạy.

Xu hướng 1: Ngày càng nhiều giảng viên chuyển từ Sách Giáo Khoa sang Tài Liệu Học Tập Mở (Open Education Resources, OER)[sửa]

Sẽ nhẹ nhàng hơn khi gọi tên sức ép thay thế các sách giáo khoa tốn tiền bằng các nguồn tài liệu số chi phí thấp là một phong trào hay một công cuộc vận động. Trong năm qua, phần trăm giảng viên đưa ra các tài liệu học tập mở đã gấp đôi năm trước đó. Mặc dù con số đó vẫn còn nhỏ (chỉ 13% trong số các giảng viên được hỏi), nhưng đã gây sự chú ý tới các trường đại học, và hiện nay họ đang xây dựng một cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phong trào này và đo lường tác động của nó.

Ví dụ, một liên minh 3 trường đại học (University System of Maryland, City University of New York and State University of New York) đã bắt đầu thông báo về tài liệu học tập mở OER trong trường mình và đàm phán với các nhà cung cấp OER chi phí thấp. Một trong những nỗ lực thiết yếu nhất là đưa cuộc trò chuyện quanh OER từ quan niệm sự thay thế tiết kiệm hơn cho sách truyền thống sang những thảo luận để chứng minh rằng các nguồn tài liệu online đa dạng sẽ cải thiện thành công của sinh viên, theo lời M.J.Bishop, Hiệu phó trường University System of Maryland. Cũng theo lời bà, một lý do khác là nếu cuộc tranh luận chỉ tập trung vào yếu tố chi phí, vậy thì những nhà sản xuất truyền thống có thể sẽ tiếp tục cách làm truyền thống, giảm chi phí sản xuất theo cách làm kinh doanh đã lỗi thời.

Xu hướng 2: Mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classrooms) ngày càng được nhân rộng[sửa]

Một trong những người công khai ủng hộ mô hình Lớp học đảo ngược mạnh mẽ nhất là một người yêu toán học, và ông ta gặm nhấm những con số chứng minh xu hướng này đang phát triển như thế nào. Ông ấy là Robert Talbert, một giáo sư Toán học ở Grand Valley State University, đồng thời là tác giả cuốn Flipped Learning[1](tạm dịch, Học tập đảo ngược). Gần đây, Talbert lập một thống kê về số lượng các bài báo khoa học được công bố hàng năm về giảng dạy “đảo ngược”. Theo phương pháp này, các tài liệu học tập bài giảng truyền thống được phát cho sinh viên trước khi bắt đầu lớp học (thường là thông qua video), theo đó, thời gian trên lớp để dành cho thảo luận và hoạt động học tập sáng tạo. Và kết quả thống kê làm chính ông cũng sốc: số lượng bài nghiên cứu tăng lên theo hàm số mũ.

“Số lượng các nghiên cứu về học tập đảo ngược tăng gấp đôi sau mỗi 16 tháng”, ông cho biết trong một bài phỏng vấn gần đây trên EdSurge. Một phần lý do của sự tăng lên này nằm ở yêu cầu cấu trúc. Ví dụ, Talbert giải thích, bộ phận kiểm định các trường đại học dược lý đã yêu cầu rằng ít nhất có một khoảng thời gian nào đó phải có học tập sáng tạo, đặc điểm mà phương pháp học tập đảo ngược ưu tiên. Phương pháp này cũng thường phụ thuộc vào công nghệ thông tin, mặc dù cũng không nhất thiết là bắt buộc. Và tính linh hoạt cũng là một lý do để nó phát triển nhanh chóng.

Xu hướng 3: Giảng viên đang hợp tác với các chuyên gia để cải thiện phương pháp giảng dạy (mặc dù một vài người không)[sửa]

Chúng ta sẽ khó mà nhìn ra được sự thay đổi về văn hóa trên khuôn viên các trường đại học. Và bởi vì mỗi giảng viên chịu trách nhiệm chính về những quyết định tổ chức lớp học, nên những người ngoài khó lòng biết được giảng viên đó cập nhật phương pháp giảng dạy đến đâu.

Nhưng rõ ràng thay đổi vẫn đang xảy ra. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là các trường đại học đang hỗ trợ các giảng viên và các khoa để tìm kiếm ra cách thức dạy tốt hơn. Ví dụ, xu hướng tuyển dụng các chuyên gia thiết kế sư phạm để đưa lời khuyên cải tiến các khóa học, đặc biệt là khi thiết kế dịch vụ giảng dạy trực tuyến.

Một ngành khoa học được gọi tên là khoa học về học tập (learning sciences) đang ngày càng được biết đến và chấp nhận. Ngành này bao gồm khoa học nhận thức, khoa học máy tính, tâm lý học, nhân chủng học và một vài ngành khác với nhiệm vụ vén màn bí mật về cách con người học và làm sao để dạy học tốt nhất. “Với những nhân sự giảng dạy mới nằm trong độ tuổi 20 hay ngoài 30, rất nhiều người trong số họ có hiểu biết khoa học về học tập,” Bernard Bull, Hiệu trưởng Trường Goddard College chia sẻ. Điều đó cho thấy rằng, có một xu hướng tiến bộ khi các giảng viên và các chuyên gia sư phạm bắt cùng cải thiện chất lượng giảng dạy.

Xu hướng 4: Lớp học không còn là nơi học tập duy nhất[sửa]

Chúng ta thường dễ dàng quên rằng phần lớn những điều sinh viên học được ở trường đại học lại diễn ra bên ngoài lớp học. Nhưng ngày càng nhiều giảng viên và những nhà lãnh đạo trường học đang nghĩ xa hơn về các không gian khác trên khuôn viên trường học và môi trường học tập trực tuyến, nhằm mang lại nhiều phút giây học tập và giảng dạy.

Giữa đa dạng các ví dụ thực tế, chúng tôi tìm ra: một nhóm các thí nghiệm đưa các giờ văn phòng trực tuyến khuyến khích sinh viên tham dự, một ứng dụng thực tế ảo trong các phòng học lab nghiên cứu, và một thay đổi về yêu cầu hình thức làm bài tập về nhà và bài kiểm tra.

Sinh viên cũng có những cách học tập mới lạ rất riêng, như chủ động tham gia học tập trực tuyến. Học tập ngay trên khuôn viên trường học dường như đã lỗi thời trong kỷ nguyên của Twitter, và họ cũng đang đóng góp ý kiến vào các văn đàn chính trị bằng những hashtag đơn giản (#).

Xu hướng 5: Các trường ĐH vẫn đối mặt với thách thức từ đào tạo trực tuyến[sửa]

Triển khai các hoạt động giáo dục trên internet là một trong những phát minh của thế kỷ 21 (trên thực tế, các khóa học trực tuyến đầu tiên đã ra đời từ năm 1994). So sánh với những ngôi trường hàng trăm tuổi, hình thức giáo dục này chỉ đang chập chững thời kỳ đầu.

Trong khoảng thời gian ngắn đó, đã xuất hiện nhiều khám phá đi kèm phấn khích, làm sao để hình thức mới này tạo ra những cuộc cách mạng trong giáo dục, để tiếp cận với giáo dục dễ dàng hơn, hay để giúp người ta làm giàu, hoặc cả hai. Những tiến bộ gần đây xoay quanh Các Khóa học Trực tuyến Mở dành cho đại chúng hay chúng ta vẫn thường gọi tắt là MOOCs (Massive Open Online Courses), đã kết tập được những đại học tiêu biểu hàng đầu cùng tham gia vào hệ sinh thái giáo dục trực tuyến và tạo ra một trào lưu kích động để những khóa trực tuyến tự phục vụ mang lại một lựa chọn học tập chi phí thấp so với việc đến giảng đường đại học. Gần đây, không còn nhiều người theo đuổi ước mơ này, và những nhà tiên phong cũng đang hướng tới những tham vọng khác.

Xu hướng 6: Dạy học trong thời đại thông tin quá tải và phân mảnh có nghĩa là gì?[sửa]

Có lẽ, những câu hỏi khó có đáp án nhất về giảng dạy trong thế kỷ 21 cũng chỉ xoay quanh một băn khoăn: Vậy vai trò thực sự của giảng viên là gì trong thời đại Internet? Xa xưa, cái đích của giáo dục coi “người thầy là trọng tâm” và truyền giảng trên lớp là “vua”. Ngày nay, quá nhiều người kêu gọi giảng viên hãy “đứng sang một bên” với vai trò của người hướng dẫn. Nhưng thực sự thì điều này cũng chưa chắc đã phù hợp.

Trong thời đại chính trị căng thẳng, các trường học và giảng viên đại học đang kiếm tìm cách thức tốt nhất đào tạo sinh viên thành thạo kỹ thuật số, để chúng trở thành những công dân hiểu biết. Nhưng giảng viên phải làm thế nào, đó vẫn luôn là một đề tài được luận đàm sôi nổi!

Nguồn[sửa]

  • EdSurge[2] | Diệu Nguyễn lược dịch
  • Bài viết được đăng trên Chuyên san Dạy & Học số 17 - một ấn phẩm chuyên môn của EdLab Asia nhằm nâng cao kiến thức sư phạm nền tảng, các xu hướng đổi mới, cải tiến sư phạm cập nhật cho giáo viên cả nước, với sự chú trọng vào đội ngũ giáo viên phổ thông.

Chú thích[sửa]

  1. Cuốn Flipped Learning: https://www.amazon.com/Flipped-Learning-Higher-Education-Faculty/dp/1620364328
  2. Xem bài gốc và các bài viết liên quan cùng nghiên cứu: https://www.edsurge.com/research/guides/21st-century-teaching-guide
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này