Đối phó với việc bị xã hội cô lập

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bị xã hội cô lập có thể là một trải nghiệm khó khăn, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Rất nhiều người đã từng trải qua giai đoạn phải ở ngoài lề xã hội; thực tế, trải nghiệm của bạn chính là nguồn cảm hứng cho những áng văn và thước phim sâu sắc nhất của nhiều tác giả. Bị tẩy chay không phải là lỗi của bạn. Hãy ghi nhớ rằng khoảng thời gian này sẽ qua đi và mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Vào lúc này, có vài điều mà bạn có thể làm để đối phó với việc bị xã hội xa lánh.

Các bước[sửa]

Đối phó với việc bị xã hội xa lánh[sửa]

  1. Tâm sự với người thân yêu. Dù có thể khó khăn, nhưng sẽ có ích cho bạn nếu bạn có một người ủng hộ chịu lắng nghe như bố mẹ, thầy cô giáo hay bất kì ai khác. Khi những người trẻ tuổi cảm thấy đau buồn do có vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, họ nên tâm sự với một người lớn đáng tin cậy.[1]
    • Hãy nói về cảm giác của bạn khi bị tẩy chay.
    • Cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn.[1]
    • Việc trò chuyện với người lớn cũng sẽ giúp bạn biết rằng mình không cô đơn.
  2. Đa dạng hoá mối quan hệ xã hội.[2] Hãy tạo ra một mạng lưới rộng lớn trong việc kết bạn. Thông thường, khi một người bị xa lánh trong một tập thể nào đó như trường học, người đó vẫn sẽ được chào đón ở những nơi khác, ví dụ như câu lạc bộ thể thao.[1] Tham gia vào nhiều môi trường khác nhau sẽ làm gia tăng cơ hội kết bạn.
    • Tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá mà bạn thích sẽ mang lại nhiều cơ hội kết bạn. Có thể việc kết bạn sẽ dễ dàng hơn thông qua hoạt động ngoại khoá vì bạn sẽ tìm thấy những người có cùng sở thích.
    • Tập trung vào sở thích.[2] Hãy tham gia một đội thể thao, đăng ký vào nhóm kịch, học một lớp nghệ thuật, đi cắm trại mùa hè hoặc tìm kiếm một hoạt động nào đó mà bạn thực sự yêu thích. Sau đó, hãy tập trung vào sự vui vẻ và nuôi dưỡng sở thích của mình thay vì chỉ chăm chăm vào việc kết bạn.[1]
    • Nâng cao lòng tự trọng. Thông qua các hoạt động ngoại khoá, bạn sẽ phát triển được cảm nhận về sự đam mê và mục đích. Khi được làm điều mình thích và trở nên thành thạo, bạn sẽ cảm thấy lòng tự trọng được nâng cao. Những người biết tự trọng thường rất thu hút người khác, ví thế, khi bạn biết trân trọng bản thân, bạn sẽ dễ kết bạn hơn.[1]
    • Cân nhắc việc kết bạn trên mạng. Hiện nay, việc tìm tới những người bạn đồng trang lứa có cùng sở thích là việc dễ dàng hơn bao giờ hết. Hãy tìm những trang web và các câu lạc bộ có liên quan tới sở thích của mình. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo sử dụng internet một cách có trách nhiệm dưới sự giám sát của phụ huynh.
  3. Bắt đầu từ tốn. Ban đầu, bạn chỉ nên đi tìm một người bạn mới mà thôi. Việc chỉ có một người bạn thân đã được chứng minh là sẽ củng cố sự gắn bó của trẻ với trường học và nâng cao lòng tự trọng của chúng.[3] Chất lượng của tình bạn quan trọng hơn số lượng bạn bè. Có một người bạn tốt luôn tuyệt vời hơn là có 10 người quen.
    • Khi bạn gặp ai đó xứng đáng để kết bạn, hãy bắt đầu trò chuyện với người đó.[4] Hãy hỏi người đó về bản thân hoặc sở thích của họ, hoặc tán gẫu về những hoạt động mà cả hai đều tham gia.
    • Sau khi đã nói chuyện với người bạn tiềm năng đó và trở nên quen biết vừa đủ, hãy rủ họ làm việc gì đó với bạn. Ban đầu, việc này có thể đáng sợ, nhưng đó là cách duy nhất để biến người quen thành bạn bè.[4]
    • Lấy thông tin liên lạc của người đó thể có thể thông báo kế hoạch sau khi đã rủ họ đi chơi.[4]
    • Chấp nhận những lời mời từ những người bạn tiềm năng.[4]
    • Tiếp tục lên kế hoạch và đi chơi cùng nhau để tình bạn thêm bền chặt.[4]
  4. Nhận ra rằng sự kết thúc của một tình bạn không phải là sự thất bại. Các mối quan hệ đều thay đổi liên tục trong cuộc sống của mỗi người.[5] Nếu một tình bạn kết thúc, nhất là trong thời thơ ấu hoặc thiếu niên, đó là chuyện buồn nhưng không thể tránh khỏi. Đó không phải là sự thất bại. Hãy chấp nhận rằng vài người bạn sẽ rời khỏi cuộc sống của bạn, nhưng đó cũng là cơ hội để có thêm những người bạn mới.[1]
  5. Luôn nghiêm túc và lịch sự. Dù tình bạn kết thúc là chuyện bình thường nhưng cách bạn kết thúc nó lại rất quan trọng. Cách bạn ứng xử với những người không phải là bạn bè nữa, những người hiện đang bắt nạt bạn cũng rất quan trọng. Hãy là một người trưởng thành hơn.[1]
    • Hãy làm theo phương châm này: tạo ra khoảng cách với sự chững chạc. Dù người bạn cũ đó đang làm gì, hoặc họ đã trở nên lạnh lùng xa cách bao nhiêu, hãy tránh những phản ứng giận dữ.[1]
    • Đừng nói xấu người bạn đó với những người khác hoặc làm vậy trên mạng.[1] Việc đó chỉ khiến bạn trở nên xấu tính và làm những người bạn tiềm năng sợ hãi.
    • Thực tế, đừng phí công sức với một tình bạn đã tan vỡ hoặc những người đang tẩy chay bạn. Hãy bước tiếp và chuyển sự tập trung sang những việc đang diễn ra trong hiện tại, ví dụ như tình bạn mới và những hoạt động khiến bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân.[1]
  6. Chống lại hội chứng FOMO - hội chứng sợ bị bỏ rơi trên mạng. Dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội, liên tục đọc những cập nhật của người khác và bị ám ảnh về những điều vui vẻ mà họ đang làm khi không có mặt bạn có thể gây ra hội chứng FOMO (sợ bị bỏ rơi).[1]
    • Nhận ra rằng mọi người thường có xu hướng đánh bóng cuộc sống của họ ở trên mạng. Bạn bè của bạn có thể không hạnh phúc đến thế. Và ngay cả nếu có, niềm hạnh phúc của họ cũng không có nghĩa là bạn phải cảm thấy bất hạnh.
    • Nhận ra rằng những lượt “thích” và “bạn bè” ảo không thể tương đương với tình bạn thật sự. Chỉ với vài người bạn tốt thật sự trong cuộc sống, bạn có thể hạnh phúc hơn nhiều so với người có hàng nghìn người theo dõi trên mạng.
    • Rời khỏi những mối quan hệ không lành mạnh trên các trang mạng xã hội cho tới khi cảm thấy khá hơn.[1] Hãy ngừng theo dõi nội dung từ bạn bè trên các trang mạng xã hội trong một thời gian. Thay vào đó, bạn có thể dùng khoảng thời gian này để thực hiện vài hoạt động mới, tập trung vào sở thích và kết thân với những người bạn mới trong cuộc sống thực.
    • Hãy cẩn thận với những gì bạn đăng lên mạng.[2] Mọi thứ mà bạn đăng tải lên mạng sẽ tồn tại ở đó mãi mãi. Đừng đăng những điều nhỏ mọn về những người đang cô lập bạn. Hãy là một người tốt hơn và tập trung vào sở thích cũng như các nhóm xã hội mới thay vì những người đang xa lánh bạn.
  7. Đừng cá nhân hoá mọi thứ.[1] Mọi người thường quá tập trung vào các vấn đề và cuộc sống của bản thân nên sẽ không để ý tới ai khác, nhất là trong giai đoạn thanh thiếu niên.
    • Những người đang cô lập bạn có thể không nhận ra rằng họ đang khiến bạn cảm thấy bị bỏ rơi.
    • Trừ khi ai đó cố tình chơi xấu, còn thì bạn không nên tự cho rằng mọi người đều có ý định gây chuyện với bạn. Đôi khi, việc bạn không được rủ tới một sự kiện nào đó chỉ là do cách họ nhìn nhận vấn đề mà thôi.
    • Có thể người mà bạn cho rằng họ đang bỏ rơi bạn chỉ nghĩ rằng: bạn không muốn đi chơi cùng họ. Trừ khi người đó cố tình tỏ ra xấu tính với bạn, còn không, hãy cứ thân thiện với người đó. Có thể người đó sẽ trở thành bạn của bạn.
    • Mọi chuyện sẽ tốt lên. Hầu hết mọi sự cô lập đều xảy ra trong thời niên thiếu, và các hội nhóm sẽ tự động giải tán khi cấp 3 kết thúc. Cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn và bạn sẽ không còn bị bỏ rơi nữa. Hãy luôn lạc quan và biết rằng bạn không cô đơn.
  8. Thành thật với bản thân. Đừng để “những điều phổ biến” khiến bạn không dám theo đuổi đam mê và thể hiện cá tính riêng thú vị của mình.
    • Những người bạn thật sự sẽ tôn trọng sự độc lập và cá tinh của bạn.[5]
    • Đừng để mong muốn được kết bạn làm lu mờ khả năng phân biệt đúng sai. Đừng làm những việc khiến bản thân không thoải mái chỉ để khiến ai đó yêu mến.[5]
    • Hãy lên tiếng khi thấy bạn bè đang làm điều không đúng.[5]
  9. Là một người bạn tốt. Những người thuộc nhóm “tiếng lành đồn xa” là những người bạn tốt, dù họ có một hay một trăm người bạn.
    • Một người bạn tốt là người luôn tôn trọng, công bằng, có niềm hứng thú, đáng tin cậy, trung thực, biết quan tâm và tốt bụng với người khác.[5]
    • Vì thế, nếu muốn có nhiều bạn bè, hãy trở thành một người bạn mà chính bạn cũng muốn có.[5] Là một người bạn tốt sẽ giúp giữ chân bạn bè cũ và thu hút bạn bè mới.

Đối phó với việc bị bắt nạt[sửa]

  1. Nhận diện hành vi bắt nạt. Bắt nạt không chỉ đơn thuần là loại bỏ ai đó ra khỏi nhóm hoặc trêu chọc người khác theo cách thông thường, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Bắt nạt là việc chọc ghẹo ai đó liên tục một cách ác ý.[6]
    • Bắt nạt là hành vi tra tấn có chủ đích và có thể bao gồm tra tấn thân thể, xúc phạm bằng lời nói hoặc bạo hành tâm lý. Hành vi này có thể đi từ đánh đập, xô đẩy mạnh tay, xúc phạm, đe doạ và chế giễu người khác, cho tới việc cướp tiền và tài sản của họ, ví dụ như lấy tiền ăn trưa hoặc giày thể thao của một đứa trẻ.[6]
    • Một số đứa trẻ bắt nạt người khác bằng cách tẩy chay và loan tin đồn xấu.[6]
    • Bắt nạt còn bao gồm việc sử dụng mạng xã hội hoặc tin nhắn điện tử để chế nhạo hoặc làm người khác tổn thương.[6] Bắt nạt trên mạng là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến.
  2. Nắm được lí do của việc bị bắt nạt. Hành vi bắt nạt xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đôi khi, những kẻ bắt nạt hay trêu chọc người khác vì họ cần có nạn nhân để cảm thấy quan trọng, nổi tiếng hoặc được nắm quyền kiểm soát.[6] Một vài đứa trẻ bắt nạt người khác vì chính chúng cũng bị bắt nạt bởi gia đình hoặc bạn bè. Chúng có thể nghĩ rằng hành vi đó là bình thường vì ở gia đình chúng, mọi người cũng thường xúc phạm nhau hoặc sử dụng bạo lực.[6] Đôi khi, những kẻ bắt nạt đã học được hành vi đó qua văn hoá đại chúng nên mới nghĩ rằng như thế là chuyện bình thường hoặc “thế mới ngầu”. Một số chương trình TV hoặc trang mạng nhất định cũng quảng bá cho hành vi xấu đó.[6]
  3. Báo với người lớn. Bắt nạt không phải chuyện mà bạn nên tự đối phó một mình. Nếu bạn bị bắt nạt, hãy nói với ai đó. Hầu hết các trường học và cộng đồng đều có chính sách chống lại hành vi bắt nạt. Khi thông báo cho người lớn, họ sẽ kịp thời hành động theo thủ tục để chống lại sự bắt nạt. Cha mẹ, thầy cô giáo, huấn luyện viên, hiệu trưởng, quản lý căng tin hoặc những người lớn khác có thể giúp bạn xử lý việc bị bắt nạt.[6] Bạn không hề đơn độc.
  4. Tâm sự với người thân yêu. Dù có thể khó khăn, nhưng sẽ có ích cho bạn nếu bạn có một người ủng hộ chịu lắng nghe như bố mẹ, thầy cô giáo hay bất kì ai khác. Khi những người trẻ tuổi cảm thấy đau buồn do có vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, họ nên tâm sự với một người lớn đáng tin cậy.[1]
    • Hãy nói về cảm giác của bạn khi bị bắt nạt.[3]
    • Cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn.[1]
    • Trò chuyện với người lớn cũng sẽ giúp bạn nhận ra rằng mình không cô đơn và kiểm soát được sự căng thẳng trong cảm xúc.[3]
  5. Tìm một nơi ẩn náu an toàn. Xác định ít nhất năm người lớn để cầu cứu mỗi khi bị bắt nạt. Tìm một nơi để được an toàn khỏi những kẻ bắt nạt, ví dụ như đền chùa, trung tâm cộng đồng, gia đình, vân vân...[3]
  6. Tránh xa kẻ bắt nạt và có một nhóm đi kèm. Tránh xa kẻ bắt nạt và tránh ở một mình có thể có ích cho bạn trong ngắn hạn. Đừng đi đến những nơi mà bạn biết chắc kẻ bắt nạt sẽ đến, và không được ở một mình khi kẻ đó xuất hiện. Hãy đi cùng một người bạn trên xe buýt, dọc hành lang, những nơi vắng vẻ hoặc bất kì nơi nào mà kẻ bắt nạt có mặt. Khi ở cạnh nhiều người, bạn sẽ được an toàn.[6]
  7. Luôn giữ bình tĩnh. Những kẻ bắt nạt sẽ càng hung hăng hơn nếu bạn phản ứng mạnh mẽ. Hãy giữ bình tĩnh khi bị bắt nạt. Đừng phản ứng bằng cách đánh trả hay chế giễu lại. Điều đó có thể nhanh chóng dẫn tới bạo lực, rắc rối và gây thương tích cho ai đó.[6]
    • Nếu bạn khóc lóc hoặc giận dữ, kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy mình càng quyền lực hơn.[6]
    • Thực hành việc không phản ứng. Bạn sẽ tốn khá nhiều công sức để luyện tập, nhưng biết cách giữ bình tĩnh trong những tình huống khó chịu sẽ có ích. Khi bạn không phản ứng, những kẻ bắt nạt có thể sẽ để bạn yên.[6]
    • Bình tĩnh lại bằng cách đếm tới 10 hoặc hít thở sâu. Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể làm là mang một gương mặt vô cảm cho tới khi được an toàn tuyệt đối.[6]
    • Mỉm cười hoặc cười to có thể khiến kẻ bắt nạt trở nên hung hăng hơn, vì thế, hãy duy trì một thái độ trung lập và bình tĩnh.[6]
  8. Thiết lập ranh giới rõ ràng với kẻ bắt nạt. Nói với kẻ bắt nạt rằng hành vi đó là không tốt. Hãy nói những điều như: “tôi không thích những gì cậu làm và cậu phải dừng lại”, hoặc “như thế là bắt nạt và không tốt chút nào”.[3]
  9. Bỏ đi. Hãy bảo kẻ bắt nạt dừng lại một cách quyết đoán và rõ ràng, sau đó bỏ đi. Luyện tập cách để phớt lờ những lời bình luận xấu, ví dụ như giả vờ là đang nhắn tin cho người khác. Bằng cách lờ kẻ bắt nạt đi, bạn đang gửi tín hiệu cho thấy bạn không quan tâm tới những gì người đó nói. Cuối cùng, kẻ bắt nạt cũng sẽ phát chán và để bạn yên.[6]
  10. Thông báo với chính quyền. Nếu kẻ bắt nạt tấn công hoặc làm bạn bị thương, hãy thông báo với người lớn và chính quyền. Tấn công thân thể người khác là hành vi phạm pháp. Khi bạn kể với người khác, kẻ bắt nạt chắc chắn sẽ bị trừng phạt và không thể làm tổn thương ai khác nữa.
  11. Giành lại sự tự tin. Khi bạn bị bắt nạt, lòng tự trọng của bạn có thể sẽ bị tổn thương. Hãy nhớ rằng bạn không có vấn đề gì hết; vấn đề nằm ở kẻ bắt nạt.
    • Dành thời gian ở bên bạn bè, những người khiến bạn cảm thấy tự tin vào bản thân.[6]
    • Tham gia vào các câu lạc bộ, các môn thể thao hoặc những hoạt động mà bạn thích để tăng cường sự tự tin, tránh tập trung vào cảm giác tiêu cực và xây dựng tình bạn tích cực.[6]
    • Tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống và trao đổi với người khác về chúng.[6]

Tìm kiếm sự giúp đỡ[sửa]

  1. Nói với người lớn. Nếu bạn đang bị bắt nạt hoặc cảm thấy không vui vì bị xã hội gạt sang một bên, hãy kể với một người lớn đáng tin cậy. Việc đó sẽ giúp bạn nói ra cảm giác của mình, và người lớn đó sẽ biết cách để giúp bạn bộc lộ cảm xúc cũng như ngăn chặn hành vi bắt nạt.[1]
  2. Cân nhắc việc tham gia chương trình dạy kỹ năng sống.[3] Nếu bạn gặp khó khăn trong việc hiểu các tín hiệu trong giao tiếp xã hội, kết bạn, ứng xử khi có mâu thuẫn hoặc bất kì kĩ năng xã hội nào khác, hãy đề nghị bố mẹ đăng ký cho bạn tham gia một lớp dạy kỹ năng sống.[7]
  3. Tìm kiếm phương pháp trị liệu. Nếu bạn bị trầm cảm, lo lắng, gặp khó khăn ở trường, khó ngủ, thường xuyên buồn bã hoặc không vui, hoặc nhất là khi bạn cảm thấy muốn tự làm hại bản thân hoặc người khác, hãy báo với người lớn để tìm phương pháp tư vấn/trị liệu ngay lập tức. Đối phó với chứng trầm cảm và sự bắt nạt không phải là việc mà bạn nên làm một mình.

Tìm hiểu vì sao sự cô lập lại xảy ra[sửa]

  1. Tìm hiểu vì sao việc bị cô lập lại khiến bạn tổn thương. Con người vốn là sinh vật mang tính xã hội cao. Phần lớn những thành công của con người đều nhờ vào khả năng hợp tác và tương tác với đồng loại. Xét từ phương diện tiến hoá, các trường hợp bị xã hội xa lánh và cô lập đều là những trải nghiệm tiêu cực đối với cá nhân.
  2. Tìm hiểu lí do vì sao sự cô lập lại xảy ra. Có rất nhiều lí do cho việc cô lập người khác, vì thế, sẽ có ích nếu bạn tự hỏi bản thân điều đó. Bị cô lập không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn hiểu người khác đang gì thì có thể bạn sẽ biết cách để thu hút nhiều bạn bè hơn. Có bốn nhóm người thường bị cô lập:[8]
    • Người cản trở hoạt động của nhóm. Từ phương diện tiến hoá, các nhóm sẽ chấp nhận những người mang lại điều gì đó cho nhóm. Những người cản trở hoạt động chung của nhóm có thể sẽ bị xa lánh. Đôi khi, có những người bị xa lánh vì họ cư xử quá quắt. Tuy nhiên, có lúc người ta bị xa lánh chỉ vì họ khác biệt, và mọi người thường sợ những gì khó hiểu.[8] Nhóm đó cần phải học cách để nhìn nhận sự khác biệt một cách tích cực.
    • Người mang lại sự nguy hiểm cho nhóm. Xã hội thường xa lánh những người hung hăng, đe doạ tới giá trị cốt lõi của nhóm, những người không đáng tin, vân vân... Đó là một cách để bảo vệ nhóm.[8]
    • Người không mang lại lợi ích cụ thể cho nhóm. Đôi khi, một nhóm có thể cảm thấy họ đã có đủ thành viên, vì thế, việc thêm người sẽ không mang lại lợi ích gì chung cả. Chuyện này không liên quan gì tới cá nhân ai, chỉ là nhóm đó không có ý định tăng thêm số lượng thành viên mà thôi.[8]
    • Người khiến người khác ghen tị. Nếu bạn có những phẩm chất mà người khác không có, ví dụ như thông minh, có tố chất thể thao, xinh đẹp, có tài âm nhạc, tự tin hoặc bất kì một đặc điểm tích cực nào khác, sự hiện diện của bạn có thể khiến họ nhớ tới những điều họ còn thiếu. Điều này có thể gây ra sự ghen ghét. Đó là vấn đề của họ, không phải của bạn.[8]
  3. Biết rằng việc bị xã hội xa lánh có thể có hại. Bị cô lập khỏi xã hội có liên quan tới chứng trầm cảm, lo âu, nghiện ngập, xa lánh, kết quả học tập kém, tự sát và thậm chí là thảm sát hàng loạt. Bị xã hội xa lánh còn có thể gây ra thay đổi trong chức năng não bộ và dẫn tới việc ra quyết định kém.[9]
  4. Biết rằng việc bị xã hội cô lập cũng có thể mang lại lợi ích. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc bị cô lập khỏi xã hội đôi khi cũng là điều tích cực.[10]
    • Đối với những người có đầu óc độc lập vốn tự hào về sự độc đáo của mình, việc bị xa lánh sẽ càng củng cố cảm giác khác biệt với mọi người. Trong những trường hợp đó, bị xã hội cô lập có thể tăng cường tính sáng tạo của một người suy nghĩ độc lập.[10]
    • Là một phần trong một nhóm bạn có thể không phải lúc nào cũng vui. Các hội nhóm có thể khá ngột ngạt và luôn kiểm soát diện mạo, cách suy nghĩ, cách ăn mặc và cư xử của thành viên.[5] Khi bạn không thuộc về hội nhóm nào cả, bạn có thể thành thật với chính mình và tìm kiếm tình bạn thật sự với những người không bóp nghẹt tính sáng tạo và độc lập của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]