Điều trị chàm ở trẻ sơ sinh một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Chàm là bệnh về da khiến da bị viêm nhiễm, ngứa ngáy, khô và dễ rỉ chảy nước. Trẻ sơ sinh thường bị bệnh chàm trên má, trán và da đầu, sau đó có thể lan đến tay, chân và thậm chí là toàn cơ thể.[1] Bác sĩ có thể kê đơn kem steroid để giúp giảm viêm do chàm một cách nhanh chóng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nguyên liệu tự nhiên để chữa chàm tại nhà. Đầu tiên, bạn cần chẩn đoán bệnh chàm ở trẻ (tốt nhất là với sự giúp đỡ của bác sĩ). Sau đó, điều trị da trực tiếp bằng xà phòng và sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ. Sau khi đã kiểm soát bệnh chàm ở trẻ, bạn có thể tiến hành xác định và loại bỏ nguyên nhân gây chàm.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chẩn đoán bệnh chàm ở trẻ sơ sinh[sửa]

  1. Nhận biết vùng da khô, đỏ, ngứa. Hầu hết các dạng chàm sẽ xuất hiện trên mặt, khuỷu tay, sau đầu gối và trên bàn tay, bàn chân của trẻ. Giống như hầu hết các bệnh da kích ứng khác, bệnh chàm chỉ trở nặng nếu bị trầy xước. Ở trẻ sơ sinh, bệnh chàm thường bắt đầu ở tuần tuổi thứ 6-12. Chàm cấp tính kéo dài khoảng 1-2 tháng và có thể trở thành chàm kinh niên với những mảng da lớn bị kích ứng và đỏ.
  2. Xác định loại bệnh chàm mà trẻ mắc phải. Có 6 loại bệnh chàm chủ yếu. Xác định được chàm ở trẻ thuộc loại nào sẽ giúp điều trị tốt hơn. Một số dạng chàm là do tác nhân gây dị ứng như trứng, sữa, đậu nành, lúa mì, lạc, cá, mạt bụi nhà, lông thú cưng hoặc bào tử nấm mốc. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị chàm do yếu tố di truyền đối với bệnh về da.[2]
    • Viêm da dị ứng: Đây là bệnh thường được gọi là chàm và phổ biến ở trẻ sơ sinh. Viêm da dị ứng là vết phát ban đỏ có thể gây ngứa. Bệnh thường mãn tính hay kéo dài.[3]
    • Viêm da tiếp xúc dị ứng: Dạng viêm da này thường là do tiếp xúc với chất gây dị ứng như kim loại niken, kháng sinh thoa tại chỗ, sồi độc hoặc cây thường xuân độc và gây phản ứng đỏ, ngứa tại vị trí tiếp xúc. Viêm da dạng này không lan rộng.
    • Chàm tiếp xúc: Dạng chàm này tương tự với viêm da tiếp xúc dị ứng nhưng là do tác nhân gây kích ứng gây ra. Chàm tiếp xúc không lan rộng. [4]
    • Chàm tổ đỉa: Dạng viêm da này xuất hiện trên bàn tay, lòng bàn chân với những mụn nước kích thước vừa, trong, gây ngứa và rộp như bị bỏng.
    • Chàm thể đồng tiền: Bệnh về da này tạo ra những mảng tròn hình dạng giống đồng tiền, thường xuất hiện trên cánh tay, lưng, mông và bắp chân.
    • Chàm da dầu: Dạng chàm này tạo ra những mảng da dầu, màu vàng và bong vảy trên da đầu, mặt, cổ và ngực. [5] Chàm da dầu phổ biến ở trẻ sơ sinh.
  3. Đi khám bác sĩ. Tốt nhất, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Một số trường hợp chàm mức độ quá nhẹ thì bạn có thể bỏ qua. Ngược lại, trong một số trường hợp, chàm có thể gây kích thích, đau đớn cho trẻ và bạn cần đưa trẻ đi bác sĩ ngay lập tức. Lưu ý rằng chàm có thể gây đau, nhiễm trùng và thậm chí để lại sẹo nếu không được điều trị.[6]
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có dấu hiệu da bị nhiễm trùng (đỏ, sưng, tiết dịch mủ, da ấm, sốt hoặc khó chịu). Ngoài ra, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng chàm không cải thiện hoặc trở nặng, hoặc trẻ cảm thấy khó chịu/không thể ngủ được do bệnh.[7]
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng viêm như steroid thoa tại chỗ hoặc thuốc ức chế calcineurin thoa tại chỗ (TCI) để điều trị viêm. Thuốc uống kháng histamine có thể được khuyến nghị để giúp giảm ngứa và giúp trẻ ngủ ngon. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể cần được điều trị bằng chất kháng viêm đường uống.[1] Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định tắm bồn để làm dịu da và dùng sản phẩm dưỡng ẩm chuyên dụng để điều trị chàm.

Tắm cho trẻ để làm dịu bệnh chàm[sửa]

  1. Cho trẻ tắm bồn nước ấm. Hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị không tắm cho trẻ quá 3 lần mỗi tuần. Không tắm bằng nước nóng. Sử dụng xà phòng không mùi, dịu nhẹ (ví dụ như Oil of Olay, Caress, Camay, Dove, Aveeno và Purpose). Không chà xát lên da của trẻ. Nhẹ nhàng thoa xà phòng theo chuyển động vòng tròn nhỏ.[8] Xà phòng dịu nhẹ tốt hơn xà phòng kháng khuẩn tự nhiên như dầu cây trà (có thể khiến chàm trở nặng).[9]
    • Tắm bồn cho trẻ không quá 10 phút.
    • Tránh sử dụng thêm các chất khiến da trẻ mất nước thêm như muối Epsom.
    • Tắm bồn với bột yến mạch tự nhiên cũng có thể giúp ích.
  2. Cho hoa cúc, cam thảo hoặc cỏ cà ri vào nước tắm bồn của trẻ để tăng thêm hiệu quả. Ba nguyên liệu này có khả năng kháng viêm và giúp giảm đỏ do chà. Chỉ nên cho 4-5 giọt tinh dầu hoa cúc hoặc rễ cam thảo vào nước tắm cho trẻ. Cỏ cà ri có ở dạng bột nghiền từ hạt. Bạn có thể thêm 1 thìa cà phê bột cỏ cà ri vào nước ấm.[10]
  3. Tắm bằng nước pha một ít thuốc tẩy. Một số bác sĩ sẽ khuyến nghị tắm bằng nước pha thuốc tẩy đối với trẻ bị chàm mức độ nặng. Tắm nước pha thuốc tẩy giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Staphylococcus Aureus là vi khuẩn trú ẩn trên da của nhiều trẻ bị bệnh chàm và có thể khiến bệnh chàm bùng phát. Nếu được bác sĩ khuyến nghị phương pháp này, bạn có thể tắm bằng nước pha một ít thuốc tẩy cho trẻ khoảng 2 lần mỗi tuần.
    • Đổ 1/4 cốc thuốc tẩy vào bồn tắm nước ấm, nước ngập nửa bồn. Tỉ lệ này tương đương 1-2 thìa cà phê thuốc tẩy với 3 lít nước. Lượng thuốc tẩy nhỏ sẽ tăng thêm khả năng làm dịu da của trẻ mà không quá hại da.
    • Nên pha loãng thuốc tẩy trước khi tiếp xúc và không để thuốc tẩy dây vào mắt.[1]
  4. Nhẹ nhàng lau khô da cho trẻ. Lau quá mạnh có thể gây viêm da. Dùng khăn tắm mềm để thấm nước đến khi da và tóc trẻ khô ráo.

Sử dụng chất làm mềm da để làm dịu bệnh chàm[sửa]

  1. Lựa chọn “chất làm mềm da”. Chất làm mềm da giúp cung cấp độ ẩm và bảo vệ da. Thoa chất làm mềm cho trẻ hai lần mỗi ngày, tốt nhất là ngay sau khi tắm bồn. Vì lỗ chân lông của trẻ vẫn hở sau khi tắm nước ấm nên chất làm mềm sẽ có thể hoạt động tốt hơn. Có nhiều thương hiệu sản phẩm chất làm mềm cho bạn tham khảo như Aquaphor, Moisturel, Aveeno, Curel, Purpose, Dermasil, Neutrogena, Eucerin, Cetaphil và CeraVe giúp làm dịu da khô, ngứa mãn tính do chàm. [11] Nên tìm mua sản phẩm dạng thuốc mỡ và kem thay vì dạng kem dưỡng.
  2. Pha dung dịch dưỡng ẩm từ dầu dừa và hoa oải hương. Dầu dừa là chất dưỡng ẩm mạnh có đặc tính kháng khuẩn cao. Dầu dừa giàu axit béo omega-3 cần thiết cho làn da khỏe mạnh. Tinh dầu hoa oải hương có khả năng làm dịu và đặc tính kháng khuẩn.[12]
    • Pha 1/2 cốc dầu dừa với 2-3 giọt tinh dầu oải hương. Có thể dùng cốc và thìa để trộn dung dịch. Bảo quản trong lọ đóng kín và tránh ánh sáng. Cho dầu vào lò vi sóng để hâm ấm lại (không được quá nóng) trước khi thoa lên vùng da bị kích ứng. [13]
  3. Sử dụng lô hội. Lô hội được dùng để trị bỏng và chữa lành vết thương. Bạn có thể mua lô hội ở chợ hoặc siêu thị. Cắt lá lô hội và nhẹ nhàng thoa phần gel lên da trẻ.[14]
  4. Thử dùng bơ cacao. Bơ cacao giàu vitamin E tăng cường độ đàn hồi và độ ẩm cho da. Có thể mua bơ cacao tại các cửa hàng bán sản phẩm làm đẹp. Dùng một ít bơ cacao để thoa lên da trẻ.[14]
  5. Thoa dầu nền từ hạnh nhân ngọt. Bên cạnh mùi thơm nồng nàn, dầu hạnh nhân còn chứa nhiều vitamin và axit ursolic, axit oleic có đặc tính kháng viêm và phục hồi da bị thương tổn. Mát-xa dầu hạnh nhân lên vùng da bị chàm trước và sau khi tắm cho trẻ để ngăn ngừa khô da.[14]

Điều chỉnh chế độ ăn của trẻ[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ chuyên về bệnh dị ứng. Hỏi bác sĩ để biết liệu chế độ ăn của trẻ hoặc của bạn có khiến bệnh chàm bùng phát không. Nếu trẻ vẫn đang được cho bú, bạn cần cẩn trọng với thực phẩm mà mình tiêu thụ. Phải đề phòng nếu trẻ có phản ứng dị ứng - ở dạng bệnh chàm - với thực phẩm mà bạn ăn.[15]
    • Bác sĩ chuyên về bệnh dị ứng có thể khuyến nghị nên hút hoặc phủi sạch bụi nếu trẻ nhạy cảm với mạt mụi hoặc lông thú nuôi,
    • Nếu cho trẻ uống sữa công thức, bạn nên chọn loại sữa không chứa thành phần mà trẻ bị dị ứng. Trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng sản phẩm sữa công thức ít gây dị ứng như Enfamil Nutramigen, Similac Alimentum và Hipp Organic 1 nếu trẻ dị ứng với sữa thường hoặc đậu nành.[16]
    • Tương tự, trẻ có thể bị bệnh chàm nếu thức ăn cho trẻ có chứa quá nhiều hóa chất hoặc thuốc trừ sâu.[17]
  2. Cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D. Hàm lượng vitamin D thấp có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh chàm.[18]
    • Thực phẩm như cá hồi, nấm Portobello, đậu phụ, bơ, bơ sữa lên men, thịt lợn và trứng luộc chín rất giàu vitamin D. [19]
  3. Cân nhắc việc bổ sung các loại hạt vào chế độ ăn của trẻ ở khoảng 6 tháng tuổi. Một số loại hạt như hạnh nhân có đặc tính kháng viêm. Vì chàm là bệnh viêm da nên ăn các loại hạt có thể giúp chống viêm nhiễm một cách tự nhiên. [20]
    • Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyên các bậc cha mẹ nên cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại hạt vì nhiều trẻ dễ bị dị ứng với lạc. Bạn nên biết rằng đặc tính chống chàm của hạt và việc liệu bạn có thể cho trẻ ăn hạt hay không sẽ thay đổi liên tục.[21] Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị nghẹn khi ăn những loại hạt nhỏ, cứng.
  4. Tránh tiêu thụ thực phẩm gây bệnh chàm. Nhóm này bao gồm những thực phẩm mà bạn cho trẻ ăn và bản thân bạn ăn khi cho trẻ bú. Không có danh sách cụ thể về thực phẩm gây bệnh chàm. Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn cho rằng có một số thực phẩm mà bạn nên tránh. Hoa quả họ Cam, sữa tiệt trùng, cà chua, món ăn vặt đã qua chế biến, thức uống chứa cồn, sôcôla, men và hắc trà đều có thể khiến bệnh chàm bùng phát.[22]
    • Chú ý đến chế độ ăn của trẻ và nhận biết thực phẩm gây bệnh chàm. Loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn của trẻ. Nếu trẻ bị bệnh chàm do dị ứng thực phẩm, bạn có thể dễ dàng tìm ra và loại bỏ những thực phẩm này.

Lời khuyên[sửa]

  • Có thể chườm lạnh lên vùng da đỏ, kích ứng cho trẻ và trao đổi với bác sĩ về việc băng ướt đối với trường hợp nghiêm trọng.
  • Sử dụng máy tạo ẩm không khí trong những thời điểm khô, lạnh trong năm.[7]
  • Không cho trẻ mặc quá nhiều quần áo vì sẽ khiến trẻ tăng tiết mồ hôi và khiến bệnh chàm trở nặng. Tránh cho trẻ ở nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
  • Sử dụng bột giặt không mùi hương và không chứa thuốc nhuộm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://nationaleczema.org/eczema/child-eczema/infants-toddlers/
  2. http://www.niams.nih.gov/health_info/atopic_dermatitis/
  3. http://www.clevelandclinicmeded.com/medicalpubs/diseasemanagement/dermatology/atopic-dermatitis/Default.htm
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/contact-dermatitis/basics/causes/con-20032048
  5. http://www.merckmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/dermatitis/atopic-dermatitis-eczema
  6. http://nationaleczema.org/eczema/child-eczema/infants-toddlers/
  7. 7,0 7,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eczema/basics/causes/con-20032073
  8. http://emedicine.medscape.com/article/911574-treatment
  9. http://adoptmed.org/topics/atopic-dermatitis-eczema.html
  10. Ulbricht, C. et al Fenugreek (Trigonella foenum-graecum L. Leguminosae): An Evidence-Based Systematic Review by the Natural Standard Research Collaboration
  11. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/atopic-dermatitis/diagnosis-treatment
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2839398/
  13. http://europepmc.org/abstract/med/15724344
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.permaculture.co.uk/readers-solutions/5-natural-cures-eczema
  15. http://www.essentialbaby.com.au/baby/baby-health/baby-eczema-and-nutrition-20110419-1dmay.html
  16. https://ama.com.au/ausmed/infant-formulas-linked-eczema-reduction
  17. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/healthy-baby/art-20046200
  18. Bo L. Chawes, Klaus Bønnelykke, Pia F. Jensen, Ann-Marie M. Schoos, Lene Heickendorff, Hans Bisgaard. Cord Blood 25(OH)-Vitamin D Deficiency and Childhood Asthma, Allergy and Eczema: The COPSAC2000 Birth Cohort Study.PLoS ONE 9(6): e99856
  19. http://www.healthaliciousness.com/articles/high-vitamin-D-foods.php
  20. http://bembu.com/anti-inflammatory-foods
  21. https://healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Common-Food-Allergies.aspx
  22. http://www.drdeborahmd.com/solutions-eczema
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này