Xác định và điều trị hắc lào

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hắc lào (tên tiếng Anh: Ringworm) hay nấm da toàn thân là bệnh nhiễm nấm trên da không phải do sâu (worm) gây ra. Hắc lào thường bắt đầu là vùng da phát ban hình tròn như chiếc nhẫn, hơi đỏ và ngứa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.[1] Hắc lào mức độ nhẹ có thể được điều trị dễ dàng tại nhà bằng lotion hoặc kem kháng nấm. [2] Tuy nhiên, trường hợp nghiêm trọng hơn cần đi khám bác sĩ và uống thuốc kê đơn. Bằng cách nhận biết triệu chứng hắc lào và điều trị tại nhà, bạn có thể tránh phải điều trị bằng phương pháp y tế.

Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng hắc lào[sửa]

  1. Nhận biết yếu tố nguy cơ. Mặc dù ai cũng có thể bị hắc lào nhưng một số trường hợp có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn. Bạn có nguy cơ bị hắc lào cao hơn nếu:[3]
    • Nhỏ hơn 15 tuổi
    • Sống ở nơi đông người và ẩm thấp
    • Tiếp xúc với người hoặc động vật bị hắc lào
    • Dùng chung quần áo, ga giường chiếu gối hoặc khăn tắm với người bị hắc lào
    • Tham gia các môn thể thao tiếp xúc da trực tiếp như đấu vật
    • Mặc quần áo chật
    • Hệ miễn dịch kém
  2. Theo dõi các mảng da bong vảy. Trong hầu hết các trường hợp, ban đầu hắc lào là một mảng da phẳng, bong vảy. Khi hắc lào phát triển, kích thước của mảng da bong vảy sẽ lớn dần.[3]
    • Nhận thức rằng hắc lào da đầu thường bắt đầu là một nốt nhỏ đau nhức giống mụn. Bạn nên theo dõi xem nốt nhỏ phát triển như thế nào.[4]
    • Phát hiện các mảng da bằng cách sờ ngón tay trên da để xem có sần sùi giống vảy không. Mảng da cũng có thể hơi nhạt màu do vảy. Bạn cần quan sát xem mảng da có lớn dần lên hoặc gây ngứa không vì đó là dấu hiệu của hắc lào.
    • Đảm bảo rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào vùng da nghi ngờ bị hắc lào. Bước này giúp ngăn ngừa lây lan đến các vị trí khác trên cơ thể.
  3. Quan sát đường viền của mảng da. Vùng da bong vảy có thể có viền hơi nhô lên và lan ra ngoài khi nhiễm trùng lan rộng trên da. Mảng ra sẽ tạo thành hình hơi giống chiếc nhẫn tròn nên có tên gọi là Ringworm (“ring” nghĩa là nhẫn). [3]
    • Lưu ý rằng đường nét cơ bản của vùng da bong tróc hoặc nhiễm nấm sẽ có hình tròn, nhưng cũng có thể uốn lượn sóng như hình dạng con rắn hoặc con sâu. Ngoài ra, trên da có thể xuất hiện nhiều hình tròn kết nối với nhau.
    • Quan sát xem có mảng da ngứa nào không phải hình tròn ở bẹn hoặc bàn chân không. Những vùng da này có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm nấm phổ biến hơn gọi là ngứa vùng bẹn và bệnh nấm da chân. [4]
    • Kiểm tra màu sắc đường viền và xem có màu đỏ sậm hơn so với phần trong mảng da không. Đây thường là dấu hiệu rõ nhất của bệnh hắc lào.
  4. Kiểm tra bên trong mảng da. Bên trong và bên ngoài của hầu hết vùng da bị hắc lào đều có kết cấu hoặc vẻ ngoài khác nhau. Bạn cần kiểm tra vùng bên trong của mảng da xem có dấu hiệu nào dưới đây của bệnh hắc lào không:
    • Mụn nước
    • Chảy mủ[5]
    • Nốt đỏ rải rác
    • Vảy trên da
    • Mảng da nhìn thấy rõ[6]
    • Vùng da đầu hói hoặc tóc gãy[4]
  5. Cảm giác ngứa và khó chịu. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh hắc lào là khó chịu và ngứa dữ dội, đặc biệt là ở gần mảng da hoặc vị trí đau. [4] Nếu cảm thấy ngứa và/hoặc khó chịu đi kèm các triệu chứng khác, có thể bạn đã bị hắc lào và cần được chẩn đoán.
  6. Kiểm tra móng. Móng tay và móng chân cũng có thể bị nhiễm nấm tương tự hắc lào.[5] Tình trạng này gọi là bệnh nấm móng. Một số dấu hiệu nhiễm nấm móng bao gồm:[7]
    • Móng dày
    • Móng màu trắng hoặc vàng
    • Móng giòn

Tiến hành điều trị tại nhà[sửa]

  1. Dùng lotion hoặc kem kháng nấm thoa ngoài. Trường hợp hắc lào mức độ nhẹ thường phản ứng tốt với lotion kháng nấm thoa ngoài. Các loại lotion và kem kháng nấm này giúp giảm triệu chứng như ngừa và tiêu diệt nấm.[2]
    • Mua thuốc kháng nấm thoa ngoài như Clotrimazole hoặc Terbinafine tại hiệu thuốc hoặc cửa hàng trang thiết bị y tế. Tuân thủ hướng dẫn điều trị trên bao bì hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
    • Các loại lotion và kem kháng nấm này hoạt động bằng cách khiến tường tế bào của nấm trở nên bất ổn và gây ra sự rò rỉ màng nhầy. Quá trình này cơ bản sẽ "giết chết" nấm.
  2. Điều trị hắc lào bằng mật ong. Thoa mật ong lên vùng da bị hắc lào có thể giúp loại bỏ hoặc ngăn hắc lào tái phát. Cách này còn giúp giảm viêm do hắc lào. Thoa một ít mật ong đã hâm hơi ấm trực tiếp lên vùng da bị hắc lào, hoặc phết một lớp mật ong lên băng gạc rồi chườm lên vùng da nhiễm nấm. [8]
    • Thay băng gạc hoặc thoa mật ong lại hai lần mỗi ngày cho đến khi hắc lào thuyên giảm.
  3. Quấn tỏi. Đặt vài lát tỏi trực tiếp lên vùng da bị hắc lào rồi dùng băng gạc che lại. Tỏi có đặc tính kháng nấm có thể giúp tiêu diệt nấm gây ra bệnh hắc lào.
    • Lột vỏ tỏi rồi cắt thành từng lát mỏng. Đặt lát tỏi trực tiếp lên vùng da nhiễm nấm rồi dùng băng gạc quấn lại.[9] Quấn tỏi qua đêm và áp dụng cách này mỗi đêm cho đến khi hắc lào biến mất.
  4. Thoa giấm táo. Tương tự như tỏi, giấm táo có đặc tính chữa bệnh. Thoa giấm táo trực tiếp lên vùng da bị hắc lào trong vài ngày có thể giúp tiêu diệt nấm.[9]
    • Thấm ướt miếng bông gòn trong giấm táo rồi thoa lên vùng da hắc lào. [9] Lặp lại quy trình 3-5 lần mỗi ngày, trong vòng 1-3 ngày.
  5. Dùng hỗn hợp làm khô vùng da bị hắc lào. Hỗn hợp muối và giấm có thể tiêu diệt nấm.[9] Thoa hỗn hợp lên vùng da bị hắc lào khoảng 1 tuần và xem hỗn hợp có giúp giảm tình trạng nhiễm trùng không.
    • Trộn muối với giấm để tạo thành hỗn hợp rồi thoa trực tiếp lên vùng da bị hắc lào. Để hỗn hợp trên da khoảng 5 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Có thể mất khoảng 1 tuần thì hỗn hợp muối và giấm mới có thể tiêu diệt nấm.
  6. Thử dùng tinh dầu. Tinh dầu tràm trà và tinh dầu hoa oải hương có đặc tính kháng nấm mạnh. Bạn có thể sử dụng một trong hai loại tinh dầu này để ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt nấm gây hắc lào.[9]
    • Hòa tinh dầu tràm trà với nước theo tỉ lệ 1:1. Thoa hỗn hợp này lên vùng da bị hắc lào tối đa 1 tuần.
    • Chấm tinh dầu hoa oải hương lên vùng da bị hắc lào mỗi ngày. Tinh dầu hoa oải hương có thể mất nhiều thời gian hơn (lên đến 1 tháng) để tiêu diệt nấm .

Tìm kiếm phương pháp điều trị y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu phương pháp điều trị tại nhà không giúp ích hoặc không thể chữa lành hắc lào, hoặc khiến hắc lào trở nặng. Đây là cách duy nhất để chẩn đoán chính xác và bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị hợp lý giúp chống lại và ngăn ngừa hắc lào.[3]
    • Tiến hành khám sức khỏe để bác sĩ phát hiện triệu chứng hắc lào. Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh tật và các yếu tố như tiếp xúc với hắc lào.
    • Hỏi bác sĩ nếu bạn có thắc mắc nào về bệnh hắc lào hoặc hỏi về con đường lây nhiễm hắc lào.
    • Nên nhớ rằng hắc lào có thể lây lan thông qua tiếp xúc da trực tiếp, tiếp xúc với ga giường chiếu gối hoặc người/vật nhiễm nấm. Vì vậy, bạn cần đảm bảo rằng người trong nhà bị hắc lào cũng được điều trị để tránh bệnh tái phát.
  2. Tiếp nhận chẩn đoán. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán hắc lào bằng cách kiểm tra. Tuy nhiên, bạn có thể cần được xét nghiệm để xác nhận kết quả chẩn đoán. Xét nghiệm cũng giúp bác sĩ đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bạn.[10]
    • Bác sĩ có thể cạo một ít vảy da để kiểm tra bằng kính hiển vi. Bằng cách này, bác sĩ có thể xác định được nấm và chẩn đoán bệnh hắc lào, đặc biệt là nếu bệnh hắc lào dai dẳng.
    • Nếu phương pháp điều trị tiêu chuẩn không có tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm để phát hiện vấn đề về suy yếu miễn dịch.
  3. Dùng lotion hoặc kem kháng nấm kê đơn. Bác sĩ có thể kê đơn kem hoặc lotion kháng nấm trong trường hợp hắc lào nghiêm trọng. Thuốc kháng nấm kê đơn mạnh hơn thuốc không kê đơn và có thể hiệu quả hơn trong việc điều trị hắc lào. [11]
    • Tuân thủ hướng dẫn về liều dùng nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng nấm.
  4. Uống thuốc kháng nấm. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc uống để điều trị hắc lào. Các thuốc này thường dùng trong trường hợp hắc lào nghiêm trọng và được dùng kết hợp với kem hoặc lotion. [12]
    • Uống thuốc kháng nấm trong 8-10 tuần và tuân thủ hướng dẫn về liều dùng. Các thuốc phổ biến nhất là Terbinafine, Itraconazole, Griseofulvin và Fluconazole.
    • Lưu ý rằng thuốc uống kháng nấm có thể gây các tác dụng phụ sau: tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và đau đầu.
  5. Gội đầu bằng dầu gội đầu kháng nấm. Đối với trường hợp hắc lào trên da đầu, bạn có thể uống thuốc kháng nấm và dùng dầu gội kháng nấm. So với nguyên liệu tại nhà, dầu gội kháng nấm điều trị hắc lào da đầu hiệu quả hơn và dễ dàng hơn. [11]
    • Cân nhắc dùng dầu gội chứa tinh dầu tràm trà nếu không tìm thấy dầu gội kháng nấm vì tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng nấm và có thể giúp điều trị hắc lào.
    • Dùng dầu gội Selsun Blue. Sản phẩm dầu gội này giúp phòng ngừa và điều trị hắc lào. Dùng dầu gội 3 lần mỗi tuần và dùng xà phòng thông thường vào những ngày còn lại. Sau khi hắc lào đã khỏi, bạn có thể dùng dầu gội 2 lần mỗi tuần thêm một thời gian.
      • Cẩn thận không để dầu gội dính vào mắt và tránh dùng dầu gội cho da mặt.

Phòng ngừa hắc lào[sửa]

  1. Giữ vệ sinh sạch sẽ. Vệ sinh sạch sẽ là bước quan trọng để phòng ngừa và điều trị hắc lào. Các biện pháp đơn giản như rửa tay hay dùng riêng vật dụng cá nhân có thể ngăn hắc lào lây lan cho người khác và ngăn bệnh tái phát.[13]
  2. Vệ sinh da sạch sẽ. Hắc lào là hệ quả từ ký sinh trùng sinh sôi nhờ ăn tế bào da. Rửa tay thường xuyên và tắm gội hàng ngày có thể giúp ngăn hắc lào tái phát. [14]
    • Dùng xà phòng và nước để rửa sạch da sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào các bề mặt công cộng.
    • Mang dép xỏ ngón hoặc giày đi trong nhà tắm khi tắm ở phòng tập thể hình hoặc đến phòng thay đồ chung.
  3. Giữ da khô hoàn toàn. Môi trường ẩm ướt có thể kích thích sự phát triển của hắc lào. Bạn cần đảm bảo giữ da khô hoàn toàn bằng cách dùng khăn tắm hoặc để da khô tự nhiên sau khi bơi lội hoặc tắm. Cách này giúp tránh tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển.[15]
    • Bột Talc hoặc bột ngô, bột gạo có thể giữ da khô, không đọng nước hoặc dính mồ hôi.
    • Dùng sản phẩm khử mùi và kiểm soát mồ hôi để giữ vùng da dưới cánh tay luôn khô ráo, nhờ đó ngăn ngừa hắc lào.
  4. Tránh tiếp xúc. Hắc lào có tính lây nhiễm cao nên bạn cần tránh dùng chung vật dụng cá nhân. Cách này giúp phòng ngừa hắc lào hoặc ngăn bệnh tái phát. [15]
    • Cất riêng khăn tắm, ga giường chiếu gối và quần áo của người bệnh. Lược chải đầu cũng có thể lây lan hắc lào.
  5. Mặc quần áo mát, rộng rãi. Mặc quần áo phù hợp với thời tiết và chọn trang phục nhiều lớp để đề phòng thay đổi thời tiết. Cách này giúp ngăn đổ mồ hôi - yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hắc lào.[15]
    • Mặc quần áo mềm, nhẹ vào mùa hè. Chọn chất liệu vải như cotton giúp da dễ thở.
    • Mặc quần áo nhiều lớp vào mùa đông hoặc khi giao mùa. Mặc quần áo nhiều lớp sẽ dễ cởi bớt khi bạn thấy nóng, nhờ đó ngăn chặn tình trạng đổ mồ hôi - yếu tố kích thích môi trường thuận lợi cho hắc lào. Cân nhắc các chất liệu vải như len Merino để giữ cơ thể luôn ấm và khô thoáng.

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh gãi vùng da bị hắc lào để tránh khiến tình trạng trở nặng và nhiễm nấm lây lan.
  • Đảm bảo rửa tay sạch bằng nước và xà phòng bất kỳ khi nào chạm vào vùng da bị hắc lào hoặc mảng da mà bạn nghi ngờ bị nhiễm nấm.
  • Kiểm tra và điều trị cho thú nuôi bị hắc lào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]