Điều trị bệnh Rosacea không cần dùng thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rosacea là bệnh về da phổ biến gây ra tình trạng đỏ, sưng ở mặt và thường tạo ra các mụn đỏ, nhỏ chứa mủ. Bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên có da nhạt màu. Nếu không được điều trị, bệnh Rosacea có thể trở nặng theo thời gian. Triệu chứng bệnh có thể bùng phát trong khoảng thời gian hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Sau đó, triệu chứng sẽ dần thuyên giảm trước khi bùng phát một lần nữa. Bệnh Rosacea dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, phản ứng dị ứng hay các vấn đề khác về da. Mặc dù có thể xuất hiện cùng lúc nhưng bệnh Rosacea khác với mụn trứng cá. Bệnh Rocasea thường xuất hiện ở người trưởng thành từ 30-50 tuổi.[1] Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh Rosacea. Bệnh có thể là do yếu tố di truyền, hệ miễn dịch suy yếu hoặc do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm ve bụi.[2] Mặc dù không có cách chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát triệu chứng bệnh.

Các bước[sửa]

Vệ sinh da[sửa]

  1. Chọn sản phẩm vệ sinh da mặt chứa dầu. Bã nhờn là dầu có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây kích ứng. Sử dụng một loại dầu khác là cách tốt nhất để hòa tan dầu (cùng bụi bẩn, mảnh vụn từ tế bào, vi khuẩn,…). Chúng ta từng nghĩ rằng dầu không tốt cho da và quên đi rằng da cũng được bảo vệ và dưỡng ẩm bởi một lớp dầu tự nhiên. Cũng từ đó mà chúng ta có xu hướng dùng sản phẩm vệ sinh da mặt chứa thành phần hóa chất (thường) gây kích ứng da.[3]
    • Chọn loại dầu tốt nhất trong danh sách các loại dầu non-comedogenic. Non-comedogenic nghĩa là không gây tắc lỗ chân lông. [4] Một số loại dầu có thể đắt hơn các loại khác và một số loại có thể dễ tìm mua hơn. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, dầu non-comedogenic tốt nhất với đánh giá từ 0-1 trên 5 là:
    • Dầu hạt gai dầu (0)
    • Dầu khoáng (0)
    • Bơ hạt mỡ (0)
    • Dầu hoa hướng dương (0)
    • Dầu thầu dầu (1): Dầu thầu dầu giúp dưỡng ẩm da trong một số trường hợp nhưng cũng có thể gây khô da trong những trường hợp khác.
  2. Thử sản phẩm rửa mặt chứa dầu trên một vùng da nhỏ trước. Bạn nên thử phản ứng của da với sản phẩm rửa mặt chứa dầu. Thử sản phẩm trên một vùng da nhỏ trước và chờ khoảng một ngày. Không sử dụng sản phẩm và thử dùng loại mới nếu tình trạng da xấu đi.
    • Tránh sử dụng sản phẩm rửa mặt có thể kích thích phản ứng dị ứng. Ví dụ, nếu dị ứng với các loại hạt, bạn không nên dùng dầu hạt phỉ.
  3. Mát-xa dầu lên da. Đổ một lượng nhỏ dầu vào lòng bàn tay. Nhẹ nhàng mát-xa dầu lên mặt trong vòng 2 phút theo chuyển động tròn nhỏ.
    • Mát-xa mặt bằng dầu hai lần mỗi ngày và sau khi đổ nhiều mồ hôi.
    • Có thể cho thêm tinh dầu vào sản phẩm rửa mặt chứa dầu. Cho 1-2 giọt tinh dầu vào mỗi 1/2 cốc sản phẩm rửa mặt. Có thể chọn tinh dầu có hương:
    • Yến mạch
    • Hoa cúc
    • Hoa oải hương
  4. Đắp khăn ẩm, ấm lên mặt. Nhúng khăn mặt vào nước ấm rồi đắp lên mặt khoảng 20 giây. Cách này giúp dầu thấm vào da tốt hơn.
  5. Nhẹ nhàng lau sạch dầu trên da. Dùng khăn ẩm, ấm để nhẹ nhàng lau dầu trên da. Nhúng khăn vào nước ấm và tiếp tục lau đến khi sạch dầu trên da.
  6. Vỗ khô da. Dùng khăn cotton nhẹ nhàng vỗ khô da mặt. Không lau quá mạnh để tránh kích ứng da.
  7. Dùng sản phẩm dưỡng ẩm chứa dầu. Sau khi rửa mặt sạch và thấm khô, dùng sản phẩm dưỡng ẩm chứa dầu để dưỡng ẩm cho da. Sản phẩm dưỡng ẩm không nhất thiết phải chứa loại dầu giống như sản phẩm rửa mặt. Tuy nhiên, nếu thấy tình trạng da cải thiện hơn khi dùng dầu rửa mặt, bạn nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm chứa cùng loại dầu.
  8. Dùng sản phẩm rửa mặt chứa dầu cho những vị trí khác bị ảnh hưởng. Nếu bệnh Rosacea ảnh hưởng đến vùng da khác trên cơ thể, bạn cũng có thể dùng sản phẩm rửa mặt để vệ sinh vùng da đó. Thoa dầu lên da, chờ dầu thấm rồi rửa mặt bằng nước ấm. Thoa sản phẩm dưỡng ẩm chứa dầu lên khắp người.
  9. Thoa kem chống nắng. Bảo vệ da bao gồm cả việc bảo vệ da khỏi ánh nắng và nhiệt độ cao. Thoa kem chống nắng khi ở ngoài trời nắng trong thời gian dài, thường là trên 15 phút. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.
    • Nếu da quá nhạy cảm với kem chống nắng hóa học (hầu hết các loại kem chống nắng thông thường), bạn nên sử dụng kem chống nắng vật lý. Đây là loại kem chống nắng chứa các thành phần giúp “phản chiếu” ánh nắng khỏi da. Bạn nên tìm mua kem chống nắng chứa thành phần kẽm oxit hoặc titan dioxit. Ngoài ra, có thể thử dùng kem chống nắng tự nhiên như retinyl palmitate (một dạng vitamin A), vitamin E hoặc beta carotene.[5]
  10. Chườm mát để làm mát da mặt. Bệnh Rosacea có thể trở nặng khi thời tiết nắng nóng nên bạn cần làm mát da. Chườm mát bằng cách nhúng khăn cotton vào nước mát. Sau đó, đắp khăn lên da để giảm tình trạng da đỏ.

Điều trị bệnh Rosacea bằng nguyên liệu thảo mộc[sửa]

  1. Thoa hỗn hợp thảo mộc và dầu lên da. Hầu hết nguyên liệu thảo mộc dùng điều trị bệnh Rosacea đều có đặc tính kháng viêm, bao gồm hoa oải hương, hoa cúc, gừng, hương nhu, quế, tỏi và nghệ. Bạn có thể dùng thảo mộc sấy khô hoặc dạng tinh dầu để kết hợp với sản phẩm rửa mặt chứa dầu.
    • Cho 1/2 thìa cà phê thảo mộc sấy khô hoặc 1-2 giọt tinh dầu vào dầu nền (dầu dẫn). Dầu nền có thể là dầu được dùng trong sản phẩm rửa mặt.
    • Trộn đều thảo mộc hoặc tinh dầu với dầu nền rồi thoa trực tiếp lên da.
    • Để qua đêm nếu có thể hoặc để ít nhất 30 phút - 1 tiếng, hai lần mỗi ngày.
    • Nhẹ nhàng rửa sạch dầu bằng nước ấm.
    • Dùng khăn cotton sạch thấm khô da.
  2. Thận trọng với một số loại thảo mộc. Một số thảo mộc như nghệ và quế có thể khiến da dính màu vàng hoặc nâu. Bạn nên cẩn thận khi dùng những thảo mộc này và chuẩn bị tinh thần rằng da có thể trở nên hơi vàng hoặc nâu.
  3. Rửa sạch da bằng keo yến mạch. Keo yến mạch là một loại yến mạch đặc biệt được dùng làm nguyên liệu dưỡng ẩm. Keo yến mạch có thể dùng để kháng viêm, xoa dịu và bảo vệ da.[6]
    • Cho một lượng nhỏ keo yến mạch lên ngón tay và mát-xa nhẹ nhàng lên da. Mát-xa theo chuyển động tròn nhỏ. Rửa mặt lại thật sạch và thấm khô nước.[7]

Thay đổi chế độ ăn.[sửa]

  1. Thử áp dụng chế độ ăn kháng viêm. Vì Rocasea là bệnh gây viêm nên chế độ ăn kháng viêm có thể giúp ích trong việc giảm triệu chứng bệnh. Chế độ ăn kháng viêm chú trọng vào thực phẩm toàn phần và thực phẩm hữu cơ (nếu có thể). Ngoài ra, bạn nên tránh tiêu thụ các chất bảo quản và phụ gia thực phẩm.[8]
    • Một số thực phẩm có tính “kháng viêm” gồm có cá hồi (chứa chất béo omega-3), rau bina (rau chân vịt), tỏi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, quả mọng (việt quất, mâm xôi đỏ, dâu tây, quả lý gai, mâm xôi đen), hoa quả và rau củ tươi như cải xoăn, cải rổ, rau bina và bông cải xanh.
    • Tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đã qua xử lý, đường và chất thay thế đường, thịt đỏ (trừ thịt từ động vật được cho ăn cỏ).
  2. Ăn nhiều rau củ quả. Tăng cường tiêu thụ rau củ quả (nên chiếm khoảng 1/2 lượng thực phẩm). Nên ăn nhiều loại hoa quả, quả mọng và các loại hạt. Ngoài ra, nên ăn nhiều rau, đặc biệt là rau lá xanh như cải cầu vồng, rau bina, rau mù tạt, mầm cải Brussel và xà lách.
  3. Tránh tiêu thụ thực phẩm và thức uống khiến da ửng đỏ. Thức uống nóng, rượu bia, cà phê và đồ ăn cay nóng có thể làm hở mạch máu và gây đỏ mặt. Tránh tiêu thụ những thực phẩm này để giảm đỏ ửng trên da.
  4. Cân nhắc việc uống thực phẩm chức năng. Nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường khả năng kháng viêm tự nhiên của cơ thể, tăng cường sức khỏe mạch máu và mang lại nhiều lợi ích khác cho da. Bạn nên cân nhắc việc uống các loại thực phẩm chức năng như:
    • Riboflavin: vitamin nhóm B giúp cải thiện thiếu hụt vitamin B ở người bị bệnh Rosacea. Vitamin nhóm B có thể giúp tăng trưởng tế bào da.[9][10]
    • Pancreatin (8-10× USP): Bổ sung 350-500 mg trước bữa ăn. Pancreatin là enzym tiêu hóa giúp giảm viêm.[9]
    • Kẽm: Bổ sung 60-75 mmg kẽm mỗi ngày. Nên thận trọng và KHÔNG bổ sung kẽm quá 3 tháng. Nồng độ kẽm cao có thể gây độc tính. Kẽm cũng có thể được dùng ở dạng gel axit azelaic 15% - một loại axit tự nhiên giúp hỗ trợ điều trị bệnh Rosacea. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn dùng axit azelaic.
    • Vitamin C: Bổ sung 500 mmg vitamin C mỗi ngày để tăng cường sức khỏe mạch máu.

Chẩn đoán bệnh Rosacea[sửa]

  1. Nhận biết các loại Rosacea. Rosacea là bệnh về da thường gặp với biểu hiện là da ửng đỏ, thường là ở mũi, má, trán và cằm. Da cũng có thể ửng đỏ ở vùng tai, ngực và lưng. Có 4 loại Rosacea chính:[11]
    • Rosacea đỏ và giãn mạch: Đây là tình trạng da xuất hiện các mạch máu đỏ giống mạng nhện
    • Rosacea mụn mủ: Đây là tình trạng da sưng đỏ và xuất hiện các đốm giống mụn trứng cá.
    • Rosacea phì đại: Đây là tình trạng da dày lên và phình.
    • Rosacea thể mắt: Mắt mắc chứng Rosacea sẽ trở nên đỏ và kích ứng. Mí mắt có thể sưng lên. Rosacea thường được mô tả giống như lẹo mắt.[11]
  2. Kiểm tra da để phát hiện dấu hiệu bệnh Rosacea. Có nhiều triệu chứng đi kèm với bệnh Rosacea. Bạn có thể soi gương và quan sát xem da có dấu hiệu nào dưới đây không:[11]
    • Ửng đỏ ở giữa mặt.
    • Mạch máu như mạng nhện (mạch máu vỡ ra).
    • Da sưng.
    • Da nhạy cảm.
    • Da có cảm giác nhói và bỏng rát.
    • Da khô, sần sùi hoặc bong vảy.
    • Đối với bệnh Rosacea mụn mủ, tình trạng mụn trứng cá rất phổ biến, đặc biệt là ở vùng da ửng đỏ.
    • Đối với bệnh Rosacea phì đại, da và mũi có thể trở nên phình to và lỗ chân lông to.
    • Đối với bệnh Rosacea thể mắt, mắt sẽ chảy nhiều nước hoặc đỏ ngầu và có cảm giác nhói, bỏng rát, giống như có mạch máu vằn lên. Mắt có thể trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
  3. Xác định xem bạn có dễ mắc bệnh Rosacea không. Bệnh Rosacea khá phổ biến và thường xuất hiện ở độ tuổi 30-50. Người có da nhạt màu, trong gia đình có người mắc bệnh Rosacea, phụ nữ có nguy cơ bị bệnh Rosacea cao hơn.[1]
    • Bên cạnh đó, người dễ đỏ mặt cũng có nguy cao mắc bệnh Rosacea cao hơn người khác.
  4. Tiếp nhận chẩn đoán bởi chuyên gia da liễu hoặc bác sĩ. Bệnh Rosacea thường được chẩn đoán thông qua việc khám sức khỏe. Bác sĩ có thể khuyến nghị điều trị bằng thuốc, sản phẩm dưỡng ẩm và kháng sinh. Bạn có thể không cần tiếp nhận các phương pháp điều trị này nhưng cần được chẩn đoán bệnh.
    • Nếu da dày lên, bạn có thể cần được phẫu thuật laze để loại bỏ lớp da thừa.
  5. Cho chuyên gia da liễu biết nếu bạn đang dùng nguyên liệu tự nhiên. Ngay cả khi muốn dùng nguyên liệu tự nhiên và bỏ thuốc, bạn cũng cần thông báo cho chuyên gia da liễu hoặc bác sĩ biết về thói quen chăm sóc da của mình. Bác sĩ có thể cùng bạn tìm ra giải pháp tốt nhất và đưa ra cảnh báo về tác dụng phụ của một số nguyên liệu tự nhiên.[12]

Cảnh báo[sửa]

  • Bệnh Rosacea phải được bác sĩ có bằng cấp chẩn đoán. Đi khám bác sĩ ngay nếu thấy tình trạng da không cải thiện sau 1-2 tháng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]