Điều trị polyp mũi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Polyp mũi là phần khối u mềm, không gây ung thư có thể hình thành trong hốc xoang và mũi. Mặc dù không gây đau đớn nhưng nếu phát triển lớn, polyp có thể cản trở đường hô hấp, khiến bạn khó thở và ảnh hưởng đến khứu giác. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn vì polyp thường tái phát nếu bạn dễ bị polyp. Tuy nhiên, bạn có thể dùng nhiều biện pháp y tế cũng như thay đổi lối sống để thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp và giảm nguy cơ polyp hình thành thêm.

Các bước[sửa]

Điều trị polyp mũi bằng biện pháp y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng polyp mũi. Thông thường, polyp mũi không có triệu chứng và bạn có thể không hề biết đến sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, khi polyp phát triển, bạn có thể gặp biến chứng và cần chăm sóc y tế. Đi khám bác sĩ để kiểm tra liệu bạn có bị polyp mũi không nếu có những triệu chứng dưới đây.[1][2] Nếu xét nghiệm và xác định bạn bị polyp mũi, bác sĩ sẽ khuyến nghị một số biện pháp điều trị y tế.
    • Mũi chảy nước nhiều hoặc nghẹt mũi.
    • Giảm khứu giác và vị giác.
    • Áp lực ở vùng trán hoặc mặt.
    • Cảm giác mũi bị nghẹt mặc dù không có dịch nhầy.
    • Đau đầu.
    • Đau hàm răng trên.
  2. Sử dụng thuốc xịt steroid. Thuốc xịt steroid có thể giúp giảm kích thước polyp mũi. Nếu đủ nhỏ, polyp có thể biến mất hoàn toàn khi điều trị bằng thuốc xịt steroid. Một số loại thuốc xịt steroid được bán ở dạng không kê đơn ở các hiệu thuốc. Loại thuốc mạnh hơn cần có đơn thuốc của bác sĩ. Nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng thuốc xịt steroid và xem thử liệu thuốc có hiệu quả hay không. [1][3]
    • Một số thuốc xịt steroid phổ biến gồm có Beclomethasone, Budesonide, Fluticasone, Mometasone và Triamcinolone. Nasonex là thương hiệu thuốc xịt steroid phổ biến nhất.
  3. Thử dùng thuốc steroid nhỏ mũi. Giống như thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi steroid giúp thu nhỏ kích thước polyp. Thuốc nhỏ mũi cũng có thể giúp giảm nghẹt mũi để bạn dễ thở trong khi polyp được thu nhỏ lại. Hầu hết thuốc steroid nhỏ mũi đều cần 7-14 ngày để bắt đầu thu nhỏ kích thước polyp và thường được khuyến nghị tiếp tục dùng thêm 4-6 tuần.[4]
    • Khi nhỏ thuốc, bạn nên ngửa đầu hoàn toàn ra phía sau. Ngửa đầu ra sau gần giống như đầu đang hướng xuống đất. Nhỏ thuốc vào mũi trong khi đầu đang hướng xuống. Giữ tư thế trong 3-4 phút sau khi nhỏ thuốc để thuốc có thể chảy đến hốc mũi.
  4. Uống Prednisone. Prednisone là thuốc corticosteroid đường uống giúp giảm sưng và viêm. Thuốc có thể giúp điều trị viêm trong mũi, nhờ đó giảm kích thước polyp mũi. Bạn chỉ có thể mua thuốc Prednisone khi có đơn thuốc của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống 7-10 ngày.[5][1]
  5. Uống kháng sinh. Mặc dù không giúp giảm kích thước polyp nhưng kháng sinh có thể giúp điều trị biến chứng do polyp. Polyp chặn hốc xoang có thể gây nhiễm trùng xoang do vi khuẩn sinh sôi. Nếu bạn bị nhiễm trùng xoang do polyp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng. [1]
  6. Cân nhắc việc phẫu thuật. Những phép điều trị trên chỉ giúp thu nhỏ kích thước polyp. Cách duy nhất để loại bỏ polyp hoàn toàn là phẫu thuật. Nếu polyp xuất hiện dai dẳng và khiến bạn quá khó chịu, bác sĩ có thể đề xuất phương án phẫu thuật. Để phẫu thuật loại bỏ polyp, bạn có thể phải tiếp nhận phẫu thuật xoang nội soi. Một ống nội soi dài có đèn và máy quay video ở đầu sẽ được đưa vào một bên lỗ mũi và nhiều công cụ khác sẽ được sử dụng để loại bỏ polyp mũi. Bạn sẽ được gây mê khi tiếp nhận phẫu thuật. Thông thường, bạn có thể về nhà ngay sau khi phẫu thuật. [6][1]
    • Nên nhớ rằng, trong một số trường hợp, polyp mũi có thể tái phát sau 2-3 năm.

Ngăn chặn polyp phát triển bằng nguyên liệu tại nhà[sửa]

  1. Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và xoang. Nước muối có thể giúp giảm viêm trong mũi và làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi. Muối giúp làm chậm quá trình sản sinh adiponectin (hóa chất gây viêm) trong cơ thể. [7]
    • Bạn có thể pha nửa thìa cà phê (hoặc ít hơn) muối tinh vào một cốc nước sôi rồi chờ nước nguội. Đổ hỗn hợp nước muối vào chai sạch hoặc bình Neti Pot (chuyên dùng rửa mũi) để rửa sạch mũi và xoang.
  2. Thử xông hơi. Hít hơi nước bằng mũi giúp làm thông đường hô hấp và làm loãng dịch nhầy đặc do nghẹt mũi gây ra. Có nhiều cách để xông hơi. [8]
    • Đóng cửa sổ, cửa chính của phòng tắm rồi bật vòi nước nóng để tự tạo phòng xông hơi.
    • Đun sôi một nồi nước. Đổ nước sôi vào bát lớn. Phủ khăn tắm lên đầu, cổ rồi úp mặt trên bát nước nóng để mũi hít được hơi nước bốc lên. Phải đảm bảo khăn phủ qua đầu và cả bát để nước không thoát ra ngoài. Hít vào thật sâu sao cho có thể cảm thấy hơi nước trong mũi. Tiếp tục xông hơi cho đến khi nước nguội.
    • Bạn có thể cho thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu bạc hà và tinh dầu khuynh diệp vào nước để tăng thêm hiệu quả làm sạch mũi.
  3. Ăn củ cải ngựa và mật ong để làm sạch xoang. Ăn củ cải ngựa là cách tự nhiên để làm sạch xoang. Củ cải ngựa có đặc tính kháng khuẩn và hương vị giúp làm thoáng đường hô hấp, đồng thời giảm kích thước polyp. Thử ăn một vài củ cải ngựa. Nếu không thích mùi hăng, bạn có thể kết hợp củ cải ngựa với mật ong.
    • Bạn có thể kết hợp 200 mg củ cải ngựa (khoảng 2 cốc) với 2 cốc mật ong. Bảo quản hỗn hợp trong tủ lạnh. Mỗi ngày, ăn một thìa cà phê hỗn hợp vào buổi sáng, một thìa vào buổi tối cho đến khi xoang thông thoáng và polyp bắt đầu thu nhỏ lại.
  4. Tăng cường ăn tỏi và hành tây. Cả tỏi và hành tây đều có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn giúp giãn tuyến mũi và thu nhỏ kích thước polyp. Tỏi và hành tây chứa quercetin giúp giảm viêm.[9]
    • Ăn 2 tép tỏi tươi hoặc vài miếng hành tây hai lần mỗi ngày trong vòng một tuần. Nếu không thích vị của tỏi và hành tây tươi, bạn có thể uống thực phẩm chức năng.
  5. Thuốc thực phẩm chức năng bổ sung thảo dược Xanthium. Đây là thảo mộc có nguồn gốc từ Đông Á còn có tên gọi khác là "Fructus Xanthii" trong Y học Cổ truyền Trung Hoa. Thảo mộc được dùng để điều trị polyp mũi từ nhiều thế kỷ nay. Xanthium có đặc tính kháng viêm đối với polyp mũi. Các chuyên gia cho rằng Fructus Xanthii hoạt động bằng cách ức chế một phần hệ thống viêm.[10]
  6. Thử uống thực phẩm chức năng bổ sung Mao lương hoa vàng. Thảo mộc này còn có tên gọi là Hydrastis Canadensis. Mao lương hoa vàng là cây vùng Bắc Mỹ có đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn. Thảo mộc chứa các hóa chất như berberine và hydrastine giúp giảm viêm.[10]
    • Phụ nữ mang thai không được dùng mao lương hoa vàng vì có thể ảnh hưởng xấu đến tử cung.
  7. Dùng sản phẩm xịt ớt Capsium Annuum pha loãng. Loại ớt này được dùng trong y học cổ truyền để tăng cường sức khỏe mao mạch và tăng tuần hoàn máu cũng như giảm kích thước polyp. Bạn có thể mua sản phẩm ớt Capsium pha loãng giúp giảm đau ở mũi và thu nhỏ polyp.[11]
    • Phải đảm bảo thuốc xịt được pha loãng để tránh gây kích thích mũi. Ngoài ra, không để ớt Capsium tiếp xúc với mắt hoặc vết thương hơ.
  8. Phá vỡ dịch nhầy bằng cây mộc lan. Mộc lan là cây rụng lá có vỏ và hoa giúp thu nhỏ kích thước polyp. Vỏ cây có đặc tính tiêu nhầy, tức giúp phá vỡ dịch nhầy gây nghẹt mũi. Hoa mộc lan có đặc tính làm se, tức giúp se niêm mạc mũi, giảm kích thước polyp.[12]
    • Người bị táo bón hoặc vấn đề về tiêu hóa không nên dùng mộc lan.

Tăng cường hệ miễn dịch để ngăn chặn polyp phát triển[sửa]

  1. Ngủ đủ giấc. Cơ thể được nghỉ ngơi có thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng hiệu quả hơn khi phải làm việc quá sức và mệt mỏi. Nhận thức được giới hạn của bản thân. Có thể bạn cho rằng mình có thể thức cả đêm để hoàn thành công việc nhưng thực chất hệ miễn dịch sẽ phải nhận hậu quả. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Thậm chí chỉ một giấc nghỉ ngắn khi mệt mỏi cũng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.[13]
  2. Áp dụng chế độ ăn cân bằng. Để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, bạn cần bổ sung đủ tất cả các dưỡng chất cần thiết. Lượng chất dinh dưỡng cần thiết sẽ phụ thuộc vào cân nặng, tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về cách lên thực đơn bữa ăn hoặc tham khảo các bài viết khác để biết nên ăn gì.[14]
    • Cố gắng kết hợp protein nạc, cacbon-hydrat từ lúa mì nguyên hạt, chất béo không bão hòa, chế phẩm sữa động vật không béo và nhiều loại rau củ quả vào chế độ ăn hàng ngày.
    • Bổ sung 500-1000 mg vitamin C mỗi ngày. Vitamin C giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Khi bạn không bổ sung đủ vitamin C, hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ cao bị bệnh hoặc nhiễm trùng.[15] Thực phẩm giàu vitamin C gồm có cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây và đu đủ.
  3. Tập thể dục mỗi ngày. Để giúp cơ thể, bao gồm hệ miễn dịch, được khỏe mạnh, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút, 3-4 lần mỗi tuần. Tập thể dục giúp tăng tốc độ chuyển hóa chất và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Bạn nên tập các bài tập tốt cho cơ tim, nâng tạ và tập tăng cường độ dẻo dai.[16]
    • Bài tập tốt cho cơ tim gồm có chạy bộ, leo núi, đạp xe, bơi lội và đi bộ.
    • Bài tập tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai gồm có Yoga, nâng tạ và giãn người.

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn nhớ rằng polyp vẫn có thể tái phát ngay cả khi đã phẫu thuật loại bỏ. Do đó, bạn luôn phải tăng cường hệ miễn dịch và áp dụng các biện pháp tại nhà để ngăn ngừa polyp quay trở lại.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu bị khó thở do polyp mũi.
  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng một loại thảo mộc mới hoặc thay đổi lối sống.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]