Chữa viêm phế quản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm phế quản là tình trạng viêm trong phế quản - các đường ống dẫn khí trong phổi. Viêm có thể là do vi-rút, vi khuẩn, dị ứng hoặc bệnh tự miễn. Biểu hiệu của viêm phế quản là ho dữ dội và dai dẳng. Viêm phế quán cấp tính là tình trạng bệnh kéo dài khoảng vài tuần, còn viêm phế quản mãn tính là tình trạng bệnh tiến triển kéo dài ít nhất vài tháng hoặc hơn. Ở Mỹ, có khoảng 10-12 triệu trường hợp đi khám bác sĩ do viêm phế quản mỗi năm nhưng đa số đều là viêm phế quản cấp tính. Viêm phế quản cấp tính có thể điều trị tại nhà và thường tự khỏi nếu chăm sóc đúng cách.

Các bước[sửa]

Điều trị viêm phế quản tại nhà[sửa]

  1. Bổ sung đủ nước.[1] Cung cấp nước khi đang bị bệnh sẽ giúp cơ thể thực hiện các chức năng tốt hơn. Bạn nên uống khoảng 250 ml nước mỗi 1-2 tiếng.
    • Bổ sung nước giúp làm giảm tắc nghẽn và duy trì chức năng cơ thể hiệu quả.[2]
    • Nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ nếu được yêu cầu hạn chế cung cấp nước do các biến chứng bệnh lý khác.
    • Phần lớn lượng nước cung cấp cho cơ thể nên là nước lọc hoặc nước uống ít calo để ngăn ngừa tiêu thụ quá nhiều calo.
    • Nước dùng trong, nước uống thể thao pha loãng và nước chanh ấm pha mật ong là những lựa chọn thích hợp. Nước ấm sẽ giúp tăng thêm hiệu quả xoa dịu cổ họng bị đau do ho.
    • Không tiêu thụ thức uống chứa caffeine hoặc chứa cồn. Các thức uống này có tính lợi tiểu và gây mất nước.
  2. Nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn nên cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt, ít nhất là 7 tiếng mỗi đêm. Nếu bệnh tật gây khó ngủ, bạn nên cố gắng ngả người hoặc dựa lưng để nghỉ ngơi một chút.
    • Giấc ngủ là yếu tố quan trọng để duy trì chức năng miễn dịch khỏe mạnh.[3] Nếu không nghỉ ngơi, cơ thể sẽ không thể chống lại vi-rút.
  3. Hạn chế hoạt động thể chất khi bị viêm phế quản. Bạn vẫn có thể thực hiện các công việc hàng ngày nhưng nên tránh tập thể dục cường độ vừa hoặc nặng để tránh kích thích cơn ho và tránh làm suy yếu hệ miễn dịch.
  4. Dùng máy tạo độ ẩm.[4] Bạn có thể bật máy tạo độ ẩm vào buổi tối khi đi ngủ. Hít không khí ấm và ẩm giúp làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp, giúp dễ thở và giảm mức độ ho.
    • Vệ sinh máy tạo độ ẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vệ sinh sai cách có thể khiến vi khuẩn và nấm phát triển bên trong hộp đựng nước và phát tán vào không khí. Vi khuẩn và nấm trong không khí khiến bệnh viêm phế quản trở nặng.
    • Bạn cũng có thể ngồi trong phòng tắm đóng kín cửa và mở vòi nước nóng khoảng 30 phút. Hơi nước nóng bốc lên có tác dụng tương tự với hơi từ máy tạo độ ẩm.
  5. Tránh tác nhân kích ứng. Không khí lạnh và ô nhiễm khiến bệnh viêm phế quản trở nặng. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các tác nhân kích thích nhưng bạn có thể hạn chế tiếp xúc bằng nhiều cách.
    • Bỏ thuốc lá và không ở gần người hút thuốc. Khói thuốc là tác nhân chính kích ứng phổi và người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao bị viêm phế quản mãn tính.
    • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với sơn, sản phẩm vệ sinh gia dụng, nước hoa hoặc các chất có mùi nồng.
    • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Không khí lạnh có thể cản trở đường hô hấp, khiến cơn ho trở nặng và gây khó thở. Đeo khẩu trang giúp làm ấm không khí trước khi không khí vào đường hô hấp.
  6. Uống thuốc giảm ho khi cần.[5] Chỉ nên dùng sirô ho không kê đơn khi cơn ho ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bình thường, bạn nên ho để ngăn ngừa dịch nhầy tích tụ trong phổi và gây nhiễm trùng thêm. Không dùng sirô ho và các thuốc ức chế cơn ho tương tự kéo dài trong suốt thời gian bệnh.
    • Sirô ho thường là chất ức chế cơn ho. Sirô ức chế hay ngăn chặn cơn ho và kết quả là bạn sẽ ho ít hơn, ít ho ra đờm.
    • Nếu bạn không thể ngủ do bị ho hoặc ho quá nhiều đến mức gây đau đớn, bạn có thể uống các thuốc khác thay sirô ho để giúp giảm ho.
    • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống sirô ho; tuy nhiên, các thuốc này có thể mua mà không cần kê đơn.
  7. Dùng thuốc long đờm. Thuốc long đờm không kê đơn khiến bạn ho ra nhiều đờm hơn. Bệnh nhân viêm phế quản có nguy cơ cao bị viêm phổi hoặc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác nếu chất nhầy tích tụ quá nhiều. Dùng thuốc long đờm thường được chỉ định để giúp đẩy chất nhầy ra ngoài, đặc biệt là đối với bệnh nhân ho khan.
  8. Nghiên cứu nguyên liệu thảo mộc. Luôn trao đổi với bác sĩ trước khi muốn dùng nguyên liệu thảo mộc. Mặc dù được chứng minh không gây hại nhưng hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy nguyên liệu thảo mộc hiệu quả trong điều trị viêm phế quản cấp tính. Chỉ một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy dùng cây thiên trúc quỳ (Pelargonium sidoides) mang lại kết quả tích cực. Một nghiên cứu cho thấy so với giả dược, người bệnh sẽ phục hồi nhanh hơn khi dùng thảo mộc này.[6]
    • Cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến viêm phế quản nên sử dụng nguyên liệu thảo mộc có thể giúp phòng ngừa bệnh. Một số nguyên liệu thảo mộc được nghiên cứu và chứng minh mang lại kết quả đầy hứa hẹn bao gồm cúc Echinacea (300 mg, 3 lần mỗi ngày), tỏi và nhân sâm (400 mg/ngày).[7]

Tiếp nhận điều trị y tế chuyên nghiệp[sửa]

  1. Nhận biết thời điểm cần đi khám bác sĩ. Đi khám bác sĩ nếu triệu chứng viêm phế quản kéo dài hơn 1 tuần và không có dấu hiệu cải thiện. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu triệu chứng dần trở nặng.
    • Đi khám bác sĩ nếu cơn ho kéo dài hơn 1 tháng.
    • Đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bắt đầu ho ra máu, khó thở, bị sốt hoặc cảm thấy đặc biệt yếu đi hoặc mệt mỏi.[8] Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu chân bắt đầu sưng vì suy tim xung huyết có thể gây trào ngược dịch vào phổi dẫn đến ho mãn tính. Triệu chứng suy tim xung huyết này thường bị nhầm lẫn với viêm phế quản.
    • Đi khám bác sĩ nếu ho ra dịch có mùi hôi. Nguyên nhân thường là do axit dạ dày trào ngược vào phổi khi bạn ngủ. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hạ axit để điều trị loại viêm phế quản này.
  2. Trao đổi với bác sĩ về thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ viêm phế quản do nhiễm khuẩn. Bạn cần biết rằng không có bằng chứng nào cho thấy kháng sinh hữu hiệu trong điều trị viêm phế quản cấp tính do vi-rút. [9]
    • Thông thường, bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh. Viêm phế quản chủ yếu là do nhiễm vi-rút, còn kháng sinh chỉ có tác dụng chống nhiễm khuẩn,
    • Ho ra nhiều đờm hoặc đờm đặc có thể là dấu hiệu nhiễm khuẩn. Lúc này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Quy trình điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài 5-10 ngày.
  3. Tìm hiểu về thuốc kê đơn giãn phế quản.[10] Thuốc này thường được dùng để điều trị hen suyễn. Thuốc có thể được kê đơn nếu viêm phế quản khiến bạn khó thở.
    • Thuốc giãn phế quản thường được bán ở dạng ống hít. Thuốc được xịt trực tiếp vào ống phế quản để giúp làm thông ống và loại bỏ chất nhầy.
  4. Cân nhắc phương pháp phục hồi chức năng phổi.[11] Nếu bị viêm phế quản mãn tính, bạn có thể sẽ cần liệu pháp điều trị lâu dài để tăng cường chức năng phổi. Phục hồi chức năng phổi là chương trình tập thở đặc biệt. Chuyên gia khoa hô hấp sẽ kèm riêng cho bạn và thiết lập một chương trình tập luyện giúp dần tăng dung tích phổi, đồng thời giúp bạn thở dễ hơn.

Hiểu về viêm phế quản[sửa]

  1. Hiểu về viêm phế quản. Người ở mọi độ tuổi và mọi giới tính đều có thể bị viêm phế quản. Bệnh có biểu hiện là tình trạng viêm phế quản và tiểu phế quản do nhiễm trùng hoặc hóa chất kích thích.[12] Bệnh là do nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút hoặc do hóa chất.
    • Bài viết này tập trung vào viêm phế quản cấp tính thường gặp hơn, còn viêm phế quản mãn tính là bệnh lý riêng biệt cần được điều trị y tế chuyên nghiệp. Viêm phế quản cấp tính là bệnh rất thường gặp. Trong thực tế, hầu hết ai cũng bị viêm phế quản cấp tính một lần trong đời và phần lớn đều dần tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách, nghỉ ngơi tại nhà.[12]
  2. Hiểu về cách điều trị viêm phế quản. Viêm phế quản thường tự khỏi và không cần điều trị bằng kháng sinh, mặc dù cơn ho có thể dai dẳng nhiều tuần. Phép điều trị viêm phế quản cấp tính tập trung vào việc giảm triệu chứng và nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục.[12]
    • Không có xét nghiệm riêng biệt nào để xác định viêm phế quản.[13] Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng.
    • Viêm phế quản cấp tính thường được điều trị tại nhà và tự phục hồi, trừ khi xuất hiện nhiễm trùng thêm hoặc biến chứng.
  3. Nhận biết triệu chứng viêm phế quản. Người bị viêm phế quản cấp tính thường có dấu hiệu khởi phát cơn ho khi không mắc các bệnh khác như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi hay cảm lạnh thông thường.[14]
    • Ho do viêm phế quản ban đầu thường là ho khan. Sau đó, người bệnh có thể ho ra đờm khi bệnh tiến triển. Cơn đau cổ họng và đau phổi có thể xuất hiện do ho liên tục và ho mạnh để giảm kích ứng.[15]
    • Bên cạnh dấu hiệu đỏ cổ họng (cổ họng nhiễm trùng), hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng khác như: khó thở, thở khò khè, sốt trên 38 độ C và mệt mỏi.
  4. Nhận biết yếu tố nguy cơ mắc viêm phế quản. Ngoài các triệu chứng thường gặp, có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan có thể làm tăng khả năng mắc viêm phế quản, bao gồm: trẻ sơ sinh hoặc người lớn tuổi, chất ô nhiễm trong không khí, hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc, thay đổi môi trường, viêm xoang mãn tính, dị ứng phế quản-phổi, nhiễm HIV, nghiện rượu bia và bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.[16]
    • Ở người khỏe mạnh, viêm phế quản là bệnh tự giới hạn (nghĩa là cơ thể có thể tự phục hồi mà không cần điều trị). Trong thực tế, hầu hết hướng dẫn điều trị đều không khuyến nghị dùng kháng sinh. Nếu triệu chứng dai dẳng hơn một tháng và nếu cảm thấy lo lắng, bạn nên đi khám bác sĩ để được tiến hành các xét nghiệm và/hoặc xét nghiệm hình ảnh và được điều trị chuyên nghiệp.[17]

Cảnh báo[sửa]

  • Viêm phế quản nhẹ cũng có thể gây ra vấn đề ở người lớn tuổi. Điều này đặc biệt đúng với người mắc các bệnh khác như cúm, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc suy tim xung huyết.
  • Nếu trẻ nhỏ bị viêm phế quản cấp tính, bạn cần đánh giá các bệnh đường hô hấp khác có thể liên quan. Trẻ bị viêm phế quản tái phát có thể là dấu hiệu của vấn đề tiềm ẩn hoặc dị dạng đường hô hấp. Ngoài ra, sự suy yếu miễn dịch và hen suyễn mãn tính cũng cần được bác sĩ đánh giá và xem xét. Ở trẻ quá nhỏ, viêm phế quản cấp tính do vi-rút (do vi-rút hợp bào hô hấp) có thể gây tử vong.[18] Do đó, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ bị viêm phế quản.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]