Điều trị sán dây cho thú nuôi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sán dây là ký sinh trùng đường ruột có thể bám vào thành ruột, ăn hết chất dinh dưỡng và gây tổn thương cho thú nuôi. Khi sán dây trưởng thành, mỗi phân đoạn riêng biệt chứa trứng sán sẽ đứt lìa và đi ra ngoài cơ thể theo phân. Sau khi ra khỏi cơ thể, trứng sẽ nở thành sán dây con và tiếp tục chu trình lây nhiễm. Nếu thú nuôi bị nhiễm sán dây, bạn có thể nhìn thấy các đoạn sán dính ở lông xung quanh hậu môn hoặc đoạn sán giống hạt gạo lẫn trong phân. Thậm chí trong trường hợp phân tươi, bạn có thể phát hiện những đoạn sán này có thể ngọ nguậy giống như giun. [1] Ngay khi phát hiện ra phân đoạn sán dây, bạn nên tìm cách điều trị cho thú nuôi.

Các bước[sửa]

Điều trị sán dây[sửa]

  1. Quan sát triệu chứng thường gặp. Nói chung, dấu hiệu nhiễm sán dây thường khó phát hiện. Dấu hiệu rõ ràng nhất là những đoạn nhỏ giống như hạt gạo của sán xuất hiện xung quanh hậu môn của thú nuôi hoặc lẫn trong phân. Đôi khi, bạn có thể chẩn đoán sán dây thông qua thay đổi về hành vi của thú nuôi. Chó có thể bị sán dây nếu thường hay rê mông lên thảm hay sàn nhà do hậu môn bị kích thích. Trong một vài trường hợp, thú nuôi nhiễm sán dây có thể bị thiếu máu.[2]
  2. Thu thập mẫu phân. Bác sĩ thú y cần kiểm tra sự xuất hiện sán dây trước khi kê đơn điều trị cho thú nuôi. Cách tốt nhất để giúp bác sĩ thú y kiểm tra sán dây là thu mẫu phân thú nuôi vào trong túi nhựa. Trong quá trình thu thập phân, bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với sán. Chỉ nên múc phân lên và cho vào túi. Trong trường hợp khác, bạn có thể thu phân đoạn sán dính ở vùng hậu môn của chó. Nếu không thể, bạn có thể giữ thú nuôi trong vài tiếng để bác sĩ thú y tự thu thập mẫu phân.[3]
  3. Gọi cho bác sĩ thú y. Bác sĩ thú y có thể yêu cầu bạn đưa thú nuôi đến phòng khám kiểm tra, kê đơn thuốc qua điện thoại hoặc trực tiếp hướng dẫn bạn mua thuốc không kê đơn tại các cửa hàng bán đồ chuyên dụng cho vật nuôi. Có nhiều loại thuốc sổ giun sán và hầu hết những loại thuốc này đều sử dụng Praziquantel để tiêu diệt sán dây. Các loại thuốc sổ sán dây phổ biến nhất là Droncit, Drontal Plus và Tradewinds Tapeworm Tabs. Bạn có thể tìm mua thuốc ở phòng khám thú y hoặc phòng khám của chuyên gia vật nuôi. Bác sĩ thú y có thể cho bạn biết phương pháp điều trị sán dây hiệu quả nhất cho thú nuôi. Tùy thuộc vào từng loại thú nuôi, kích thước và độ tuổi, bác sĩ thú y có thể kê đơn các thuốc khác nhau.[3]
    • Nếu mua thuốc sổ giun (sán) tại cửa hàng bán đồ chuyên dụng cho vật nuôi, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn in trên bao bì.
    • Hầu hết thuốc điều trị đều được sử dụng bằng đường uống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thú nuôi có thể được tiêm hoặc thoa thuốc tại chỗ.
  4. Thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ thú y. Tất cả các loại thuốc đều có giới hạn riêng cho tuổi và kích thước của thú nuôi, do đó bạn nên chú ý và làm theo hướng dẫn. Ví dụ, hầu hết thuốc không nên sử dụng cho mèo con (dưới 8 tuần tuổi) hoặc mèo con dưới 1,1 kg.[3]

Cho thú nuôi uống thuốc[sửa]

  1. Cầm thuốc trên tay. Dù là thuốc dạng viên, dạng lỏng hay thoa tại chỗ, bạn cũng đều phải cầm sẵn trong tay. Đối với thú nuôi chống cự dùng thuốc, quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn nếu bạn không cầm sẵn thuốc trong tay.
  2. Giữ yên thú nuôi. Có nhiều cách giữ thú nuôi khác nhau, tùy thuộc vào kích thước của thú nuôi và bạn có thể cần sự trợ giúp của người khác. Bắt đầu bằng cách giữ chân sau của thú nuôi. Thú nuôi có thể tìm cách giật lùi lại trong bất cứ tình huống phản kháng nào. Nếu không thể lùi lại, thú nuôi sẽ chịu uống thuốc dễ dàng hơn. Giữ đầu thú nuôi bằng một tay và cầm sẵn thuốc trên tay kia.[4]
    • Nếu sử dụng thuốc uống, bạn có thể dùng ngón trỏ và ngón cái để tách miệng thú nuôi ra đồng thời ngửa đầu thú ra sau. Đây là cách hiệu quả nhất để bắt thú nuôi há miệng và uống thuốc.[4]
  3. Cho thú nuôi dùng thuốc. Sau khi giữ chặt, bạn có thể cho thú dùng thuốc. Thoa thuốc điều trị tại chỗ theo hướng dẫn, chủ yếu là ở sau đầu/cổ để thú nuôi không liếm hết thuốc sau khi thoa. Đối với thuốc uống, bạn có thể đưa trực tiếp vào miệng chó/mèo.
    • Sau khi cho thú nuôi uống thuốc, bạn nên khép miệng chúng lại. Khép miệng thú nuôi trong 5-10 giây, đồng thời xoa nhẹ nhàng lên cổ họng để giúp thú nuôi nuốt thuốc dễ dàng hơn.
    • Đảm bảo thú nuôi đã nuốt xong thuốc. Chó và mèo thường hay nhả thuốc ra. [4]
  4. Khen thưởng thú nuôi. Sau khi cho dùng thuốc, bạn nên giúp thú nuôi vui vẻ bằng cách khen thưởng. Nói cho cùng, thú nuôi đâu cố tình để bị nhiễm sán dây. Vì vậy, bạn nên cho thú nuôi ăn vặt hoặc nhiệt tình vuốt ve. Nếu khen thưởng thú nuôi, lần điều trị tiếp theo sẽ dễ dàng hơn vì thú nuôi đã liên kết việc uống thuốc với các món ăn ngon và tình yêu thương.[4]

Phòng ngừa sán dây tái phát[sửa]

  1. Diệt bọ chét. Sán dây thường chọn bọ chét làm vật chủ trung gian để hoàn thành vòng đời và tiếp tục truyền nhiễm cho con vật khác. Thú nuôi thường bị nhiễm sán dây sau khi nuốt bọ chét nhiễm ấu trùng sán dây, ăn động vật có vú hoặc động vật gặm nhấm chứa sán. Bạn nên kiểm soát bọ chét trong quá trình điều trị sán dây cũng như trong môi trường sống trong nhà và ngoài trời của thú nuôi. Có rất nhiều thuốc tiêu diệt bọ chét dạng xịt, phun sương hoặc bẫy bán sẵn ở cửa hàng vật nuôi. Bân cạnh đó, bạn có thể nhờ chuyên gia diệt trừ sâu bọ giúp bạn tiêu diệt bọ chét. [5]
    • Nếu thú nuôi sống trong môi trường nhiễm bọ chét, tái nhiễm sán dây có thể xảy ra trong ít nhất 2 tuần. Thuốc điều trị sán dây thường rất hiệu quả, do đó, tái nhiễm sán dây thường là do môi trường sống.[6]
  2. Cho thú nuôi uống thuốc phòng ngừa sán. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để được hướng dẫn cụ thể. Một số loại thuốc như Sentinel Spectrum có thể giúp thú nuôi chống lại đồng thời cả bọ chét, giun chỉ, giun móc, giun tròn và sán dây.[7]
  3. Dọn sạch phân thú nuôi. Sán dây thường bắt đầu vòng đời từ phân nên bạn cần dọn sạch sẽ phân thú nuôi ngay từ đầu. Dọn dẹp sạch sẽ hộp đi vệ sinh của mèo. Thường xuyên dọn phân chó. Vứt phân thú nuôi cẩn thận. Đeo găng tay. Sử dụng chất khử trùng bất cứ khi nào có thể. Cho phân vào túi nhựa và vứt đi. Không khí không thể thoát ra và khiến giun/sán chết ngạt nếu bạn đựng phân trong túi kín. Đây là quá trình vệ sinh an toàn vì cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm sán dây cho những con vật khác.[6]
  4. Rửa tay sau khi chơi với thú nuôi. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng kháng khuẩn giúp bảo vệ bạn khỏi sán dây. Cách này giúp bạn tránh vô tình bị nhiễm sán dây từ thú nuôi.[8]

Cảnh báo[sửa]

  • Mặc dù không nhiều khả năng và không phổ biến nhưng sán dây có thể lây nhiễm sang người. Bạn có nguy cơ nhiễm sán dây của chó nếu ăn phải bọ chét bị nhiễm sán dây. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm sán dây là trẻ nhỏ. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sán dây là tiêu diệt bọ chét tích cực và triệt để. Mặc dù tỉ lệ khá thấp nhưng người vẫn có nguy cơ bị nhiễm sán dây của chó.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]