Điều trị tưa miệng ở trẻ sơ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tưa miệng là do nấm Candida albicans gây ra và thường xuất hiện sau khi người mẹ hoặc trẻ sơ sinh uống kháng sinh vì nấm thường phát triển sau khi vi khuẩn trong cơ thể bị tiêu diệt.[1] Người mẹ đang cho con bú bị tưa miệng hoặc nhiễm nấm ở núm vú có thể khiến trẻ sơ sinh bị lây tưa miệng nên việc điều trị cho cả mẹ và bé là rất quan trọng. [2] Trong hầu hết các trường hợp, tưa miệng không gây nguy hiểm vì bệnh có thể được điều trị dễ dàng ở nhà và thường không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, tưa miệng nghiêm trọng có thể dẫn đến mất nước và sốt (hiếm gặp) và cần được đưa đến khám bác sĩ ngay. Biết cách xác định dấu hiệu tưa miệng và cách điều trị trường hợp tưa miệng nhẹ tại nhà sẽ giúp con bạn luôn khỏe mạnh và vui vẻ.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Điều trị tưa miệng bằng nguyên liệu tự nhiên[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ nhi khoa. Trước khi dùng bất kì nguyên liệu tự nhiên hoặc nguyên liệu tự chế nào, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể xác nhận kết quả chẩn đoán và đưa ra lời khuyên chuyên nghiệp về cách điều trị tốt nhất cho trẻ. Mặc dù nhiều phương pháp điều trị tại nhà có thể an toàn nhưng bạn cần nhớ rắng hệ miễn dịch và tiêu hóa của trẻ vẫn còn khá yếu nên bác sĩ nhi khoa sẽ khuyên bạn sử dụng cẩn trọng.
  2. Bổ sung Acidophilus cho trẻ. Acidophilus là dạng bột của lợi khuẩn có trong đường tiêu hóa. Nấm và vi khuẩn đường ruột cân bằng với nhau trong cơ thể người. Mặt khác, uống kháng sinh hoặc bị tưa miệng sẽ khiến nấm phát triển mạnh. Bổ sung lợi khuẩn Acidophilus có thể giúp giảm phát triển nấm và điều trị nguyên nhân tưa miệng ở trẻ sơ sinh.[3]
    • Pha hỗn hợp bột Acidophilus với nước sạch hoặc sữa mẹ.[3]
    • Thoa hỗn hợp lên miệng trẻ cho đến khi tưa miệng khỏi hẳn.[3]
    • Bạn cũng có thể cho thêm 1 thìa cà phê bột Acidophilus vào sữa công thức hoặc sữa mẹ nếu cho trẻ bú bình. Thêm bột Acidophilus vào sữa một lần mỗi ngày cho đến khi tưa miệng khỏi hẳn.[3]
  3. Cho trẻ ăn sữa chua. Nếu trẻ có thể nuốt được sữa chua, bác sĩ nhi khoa có thể khuyến nghị cho trẻ ăn sữa chua không đường. Sữa chua hoạt động tương tự lợi khuẩn Acidophilus bằng cách cân bằng lượng nấm trong đường tiêu hóa của trẻ.[4]
    • Nếu trẻ chưa đủ lớn để nuốt sữa chua, bạn có thể dùng tăm bông sạch thoa sữa chua lên vùng tưa miệng. Chỉ nên dùng một lượng nhỏ sữa chua và theo dõi trẻ thật kỹ để tránh khiến trẻ nuốt nghẹn.[5]
  4. Dùng chiết xuất hạt bưởi. Chiết xuất hạt bưởi pha với nước cất và cho dùng hàng ngày có thể giúp điều trị triệu chứng tưa miệng ở một số trẻ.[6]
    • Pha 10 giọt chiết xuất hạt bưởi vào 30 ml nước cất. Một số bác sĩ tin rằng quy trình kháng khuẩn nước máy sẽ làm giảm hiệu quả của chiết xuất hạt bưởi.[6]
    • Dùng tăm bông sạch thoa hỗn hợp chiết xuất hạt bưởi lên miệng trẻ mỗi tiếng một lần khi trẻ thức.[6]
    • Lau miệng trẻ trước khi cho bú. Cách này giúp giảm cảm giác đắng khi trẻ bị tưa miệng được cho bú và giúp trẻ theo được lịch cho bú bình thường.[6]
    • Nếu tưa miệng không thuyên giảm đáng kể sau hai ngày điều trị, bạn có thể tăng sức mạnh của hỗn hợp chiết xuất hạt bưởi bằng cách pha 15-20 giọt chiết xuất thay vì 10 giọt vào 30 ml nước cất.[6]
  5. Dùng dầu dừa tinh khiết, nguyên chất. Dầu dừa chứa axit caprylic giúp chống lại nhiễm nấm gây tưa miệng.[5]
    • Dùng tăm bông sạch thoa dầu dừa lên vùng tưa miệng. [5]
    • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi dùng vì một số trẻ có thể bị dị ứng với dầu dừa.
  6. Dùng hỗn hợp muối nở. Hỗn hợp muối nở giúp điều trị tưa miệng và có thể dùng điều trị ở vùng núm vú người mẹ (nếu đang cho trẻ bú) và ở miệng trẻ.[5]
    • Trộn 1 thìa cà phê muối nở với 240 ml nước.[5]
    • Dùng tăm bông thoa hỗn hợp lên miệng trẻ.
  7. Thử dùng dung dịch nước muối. Pha 1/2 thìa cà phê muối vào 1 cốc nước ấm.[7] Sau đó, dùng tăm bông sạch thoa dung dịch lên vùng tưa miệng.[7]

Điều trị tưa miệng bằng thuốc[sửa]

  1. Dùng Miconazole. Miconazole thường là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ nhi khoa khi điều trị tưa miệng. Miconazole ở dạng gel và bạn sẽ dùng để thoa lên miệng trẻ.[8]
    • Rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn. Bạn cần rửa tay sạch trước khi thoa thuốc cho trẻ.[8]
    • Thoa 1/4 thìa cà phê Miconazole lên vùng tưa miệng, tối đa 4 lần mỗi ngày. Dùng ngón tay sạch hoặc tăm bông sạch thoa Miconazole trực tiếp lên vùng tưa miệng.[2]
    • Không dùng quá nhiều gel để tránh làm trẻ bị sặc. Ngoài ra, nên tránh thoa gel vào cổ họng của trẻ vì thuốc sẽ dễ trôi xuống cổ họng.[8]
    • Tiếp tục dùng gel Miconazole để điều trị tưa miệng cho đến khi bác sĩ nhi khoa yêu cầu ngừng lại.
    • Miconazole không được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao bị sặc.[2]
  2. Thử dùng Nystatin. Ở một số quốc gia như Mỹ, Nystatin thường được kê đơn thay cho Miconazole. Đây là thuốc dạng lỏng có thể nhỏ lên miệng trẻ, bơm lên vùng tưa miệng hoặc dùng tăm bông sạch thoa lên miệng trẻ. [8]
    • Lắc chai thuốc Nystatin trước khi dùng. Thuốc ở dạng lỏng nên bạn cần lắc chai để thuốc hòa quyện đều.[9]
    • Dược sĩ sẽ đưa cho bạn ống nhỏ, bơm tiêm hoặc thìa để đong và dùng thuốc Nystatin. Nếu dược sĩ không cung cấp dụng cụ đong và dùng thuốc, bạn nên làm theo hướng dẫn trên chai thuốc.[9]
    • Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ nhi khoa có thể khuyến nghị cho trẻ dùng nửa liều cho mỗi bên lưỡi của trẻ hoặc khuyến nghị dùng tăm bông sạch thoa dung dịch lên hai bên miệng.[9]
    • Đối với trẻ đủ lớn để làm theo hướng dẫn của bạn, bạn có thể cho trẻ súc miệng bằng dung dịch Nystatin để tạo lớp bảo vệ cho toàn bộ phần lưỡi, má và nướu.[9]
    • Chờ 5-10 phút sau khi dùng Nystatin rồi mới cho trẻ ăn, đặc biệt là nếu dùng thuốc gần giờ ăn của trẻ.[9]
    • Dùng Nystatin tối đa 4 lần mỗi ngày. Tiếp tục dùng thuốc đối đa 5 ngày sau khi tưa miệng khỏi vì tưa miệng thường tái phát ngay sau khi quá trình điều trị kết thúc. [10]
    • Nystatin hiếm khi gây tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng hoặc gây phản ứng dị ứng ở một số trẻ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa về những tác dụng phụ tiềm ẩn của Nystatin trước khi muốn dùng thuốc cho trẻ.[9]
  3. Thử dùng thuốc Gentian Violet. Nếu cả Miconazole và Nystatin đều không hiệu quả, bác sĩ nhi khoa có thể khuyến nghị dùng thuốc Gentian Violet. Gentian Violet là dung dịch kháng nấm được thoa lên vùng tưa miệng bằng cách dùng tăm bông. Thuốc có bán ở hầu hết các hiệu thuốc ở dạng thuốc không kê đơn.[11]
    • Tuân thủ hướng dẫn về liều dùng trên chai hoặc hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.
    • Dùng tăm bông sạch thoa Gentian Violet lên vùng tưa miệng.[11]
    • Thoa Gentian Violet 2-3 lần mỗi ngày trong tối thiểu 3 ngày.[11]
    • Nên nhận thức rằng thuốc Gentian Violet có thể làm thay đổi màu da và quần áo. Gentian Violet có thể khiến da trẻ chuyển thành màu tím nhưng sẽ tự hết sau khi ngưng sử dụng.[12]
    • Trao đổi với bác sĩ nhi khoa về việc dùng Gentian Violet vì một số trẻ có thể dị ứng với thuốc hoặc màu nhuộm và chất bảo quản dùng trong thuốc. [13]
  4. Trao đổi với bác sĩ nhi khoa về việc dùng Fluconazole. Nếu các phương thuốc trên đều không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Fluconazole liều cho trẻ. Đây là thuốc kháng nấm cho trẻ nuốt một lần mỗi ngày trong vòng 7-14 ngày. Thuốc sẽ làm chậm quá trình phát triển của nấm gây tưa miệng.[14]
    • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa về liều dùng thuốc.

Chăm sóc trẻ bị tưa miệng tại nhà[sửa]

  1. Hiểu rõ về bệnh tưa miệng. Mặc dù tưa miệng có thể gây đau đớn cho trẻ và gây khó khăn cho các bậc phụ huynh nhưng bạn cần biết rằng hầu hết các trường hợp tưa miệng đều không gây hại cho trẻ. Một số trường hợp sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc trong vòng 1-2 tuần.[4] Trường hợp nghiêm trọng hơn cần đến 8 tuần để tự khỏi mà không cần thuốc. Trong khi với sự chăm sóc của bác sĩ, tưa miệng có thể lành trong vòng 4-5 ngày.[15] Tuy nhiên, đôi khi tưa miệng cũng gắn liền với các biến chứng nghiêm trọng hơn và có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng. Đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa ngay nếu trẻ:
    • Sốt[15]
    • Có dấu hiệu xuất huyết[15]
    • Mất nước hoặc uống ít nước hơn bình thường[15]
    • Khó nuốt hoặc khó thở
    • Xuất hiện những biến chứng khác khiến bạn lo lắng[15]
  2. Giảm thời gian cho trẻ bú bình. Ngậm núm của bình bú quá lâu có thể gây kích ứng miệng của trẻ, khiến trẻ dễ bị nhiễm nấm miệng. Bạn nên rút ngắn thời gian bú bình xuống 20 phút mỗi bữa ăn. Trong trường hợp tưa miệng nghiêm trọng, trẻ có thể không thể bú bình do đau miệng. Trong trường hợp đó, bạn nên đổi qua cho trẻ ăn bằng thìa hoặc bơm tiêm.[15] Trao đổi với bác sĩ nhi khoa để tìm ra phương pháp tốt nhất tránh gây kích ứng miệng cho trẻ.
  3. Hạn chế cho trẻ ngậm núm vú giả. Núm vú giả là cách xoa dịu trẻ sơ sinh nhưng ngậm núm vú trực tiếp có thể gây kích ứng miệng trẻ và khiến trẻ dễ nhiễm nấm.[15]
    • Nếu trẻ bị hoặc từng bị tưa miệng, bạn chỉ nên cho trẻ ngậm núm vú giả khi không cần cách nào khác để dỗ trẻ.[15]
  4. Khử trùng núm vú, bình bú và núm vú giả nếu trẻ bị tưa miệng. Để ngăn tưa miệng lây lan, bạn cần bảo quản sữa và bình sữa trong tủ lạnh để ngăn nấm phát triển. [16] Ngoài ra, nên vệ sinh sạch núm vú, bình sữa và núm vú giả bằng nước nóng hoặc dùng máy rửa bát đĩa.[16]
  5. Trao đổi với bác sĩ về việc ngưng dùng kháng sinh. Người mẹ đang cho con bú bị tưa miệng do uống kháng sinh hoặc thuốc Steroid cần ngưng uống các thuốc này hoặc giảm liều cho đến khi tưa miệng khỏi hẳn. Tuy nhiên, chỉ nên ngưng dùng hoặc giảm liều kháng sinh và thuốc Steroid nếu cách này không gây biến chứng cho người mẹ.[17] Nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn cho rằng thuốc là nguyên nhân gây tưa miệng.
    • Cách này cũng được áp dụng đối với các thuốc mà trẻ đang uống.

Cảnh báo[sửa]

  • Trẻ sơ sinh bị tưa miệng có thể bị nhiễm nấm ở khu vực mang tã. Nhiễm nấm có thể gây đỏ và hăm tã gây đau đớn cho trẻ. Bác sĩ thường sẽ kê đơn kem kháng nấm cho trường hợp hăm tã do nấm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này