Abraham

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tập tin:Molnár Ábrahám kiköltözése 1850.jpg
Cuộc hành trình của Abraham từ thành Ur tới xứ Canaan

Abraham (phiên âm Áp-ra-ham; Hê-brơ: אַבְרָהָם, Tiêu chuẩn Avraham Ashkenazi Avrohom hay Avruhom Tibrơ ʾAḇrāhām; Ảrập: ابراهيم, [[Ibrahim|Ibrāhīm]]; Ge'ez: አብርሃም, ʾAbrəham), theo Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo Hồi giáo, là tổ phụ của người Do Thái người Ả Rập. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur để đến vùng đất mới Canaan. Hành động này được xem là sự chấp nhận một giao ước với Thiên Chúa: tôn thờ Yahweh là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ, và nhận lãnh phước hạnh dư dật của Thiên Chúa cho đến đời đời. Cuộc đời của Abraham được ký thuật trong chương 11 – 15 của sách Sáng thế ký trong Cựu Ước.

Tên ban đầu của ông là Abram (Hê-brơ: אַבְרָם, Tiêu chuẩn:  Avram Tibrơ ʾAḇrām) nghĩa là "cha cao quý" hoặc "người cha được tôn kính". Về sau ông được Chúa đổi tên thành Abraham, nghĩa là "cha của nhiều dân tộc".[1] Do vị trí đặc biệt của Abraham trong lịch sử, niềm tin và sách thánh của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo mà ba tôn giáo này thường được gọi chung là "các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham". Trong kinh Torah và kinh Qur’an, Abraham được miêu tả là vị tổ phụ được Thiên Chúa chúc phúc.[2] Tín hữu Do Thái giáo gọi ông là Avraham Avinu, nghĩa là "Abraham, Cha chúng ta". Thiên Chúa dành cho Abraham một lời hứa đặc biệt, ấy là bởi ông mà các dân tộc trong thế gian được hưởng phước;[3] theo đức tin Cơ Đốc, lời hứa này được ứng nghiệm trong Chúa Cơ Đốc. Đối với người Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, Abraham là tổ phụ của dân Israel qua Isaac, con trai ông.[4] Riêng đối với người Hồi giáo, Abraham là một tiên tri của Hồi giáo và là tổ phụ của Muhammad qua Ishmael, một người con trai khác của Abraham.

Sách chữ Nôm tiếng Việt soạn vào thế kỷ 17 gọi Abraham là Ra Ham.[5]

Torah (Cựu Ước)[sửa]

Lời kêu gọi[sửa]

Theo Josephus và các học giả Do Thái như Maimonides cũng như theo truyền thống Hồi giáo, Abraham rời bỏ quê hương ở Ur xứ sở của người Khaldis (Chaldee), phía bắc vùng Mesopotamia – nay là đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Abraham đi đến Harran, lưu lại một thời gian ngắn, rồi cùng vợ Sarai và người cháu tên Lot, cùng các tôi tớ tiếp tục cuộc di cư đến xứ Canaan. Có hai thành phố được xem có thể là thành Ur quê hương của Abraham, cả hai đều không xa Harran: Ura Urfa. Thiên Chúa kêu gọi Abraham đi đến "xứ mà ta sẽ chỉ cho", và hứa ban phước cho ông và làm cho dòng dõi ông trở nên một dân tộc vĩ đại (lúc ấy Abraham không có con). Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, Abram đi xuống Shechem, tại cây dẻ bộp[6] ông nhận lãnh lời hứa mới "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này". Sau khi "lập một bàn thờ cho Chúa, là Đấng đã hiện đến cùng người", Abram đi đến một địa điểm ở giữa Bethel Ai, tại đây ông lập một bàn thờ cho Thiên Chúa và cầu khẩn danh Ngài.[7]

Abram di chuyển loanh quanh trong vùng cho đến khi xảy ra tranh chấp giữa tôi tớ của ông và tôi tớ của Lot. Abram khuyên Lot nên phân rẽ khỏi ông để tránh cãi lẫy nhau, và dành cho Lot quyền ưu tiên chọn lựa đồng cỏ cho bầy chiên. Lot chọn cánh đồng màu mỡ phía đông Sông Jordan; ngay sau đó, Abram nhận lãnh thêm lời hứa từ Yahweh, ông dời trại xuống địa điểm có lùm cây dẻ bộp ở Mamre thuộc Hebron, tại đây ông lập thêm một bàn thờ cho Yahweh.

Sodom và Gomorrah[sửa]

Thiên Chúa muốn diệt thành Sodom và Gomorrah vì cớ tội ác của dân trong thành. Lot, cháu của Abraham, và gia đình là cư dân của thành Sodom. Theo ký thuật trong Sáng thế ký 18,[8] do lời nài xin của Abraham Thiên Chúa đồng ý không hủy diệt thành nếu trong thành có 50 người công chính, Abraham lại tiếp tục khẩn nài, con số 50 trở thành 45, rồi 30, 20 và cuối cùng là chỉ cần có 10 người công chính sống trong thành, vì tình thương Thiên Chúa dành cho 10 người ấy cả thành sẽ được cứu. Song vẫn không có đủ 10 người công chính, thành Sodom và Gomorrah bị diệt, nhưng Lot và gia đình được cứu (ngoại trừ vợ của Lot bị hóa thành tượng muối vì tiếc nuối của cải còn để lại trong thành).

Sarah và Pharaoh[sửa]

Để tránh nạn đói đang hoành hoành trong vùng, Abraham tìm đến lánh nạn trong xứ Ai Cập. Vì e sợ nhan sắc của vợ mình sẽ khiến người Ai Cập mưu hãm hại ông, Abraham gọi Sarai là em gái. Kế sách này cũng không thể cứu Sarai khỏi tay Pharaoh, Sarai bị tiến cung trong khi Abraham được trọng thưởng với "nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái". Nhưng khi Yahweh "hành phạt Pharaoh cùng nhà người bị tai họa lớn", nhà vua để Abram và Sarai rời khỏi Ai Cập.

Ishmael[sửa]

Tập tin:Guercino Abramo ripudia Agar.jpg
Abraham từ biệt Hagar và Ishmael, tranh của Guercino (1657)

Sarai vì vẫn không có con, lời Thiên Chúa hứa với Abram rằng dòng dõi của ông sẽ thừa hưởng làm chủ đất xem ra là không thành. Người thừa kế duy nhất của ông là Eliezer thành Damascus, người từng được gia đình ông nuôi nấng. Nhưng lời hứa của Thiên Chúa là chính người do Abraham sinh ra là người kế nghiệp ông. Chương 15 của sách Sáng thế[9] thuật lại lời cam kết long trọng của Thiên Chúa sẽ làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài. Tuy vậy Sarai, theo tập tục thời ấy, cho người tớ gái Hagar đến hầu Abram.[10] Nhưng khi có thai, Hagar tỏ vẻ khinh miệt chủ mình. Sarai vì đã mang tiếng là người đàn bà hiếm muộn nên ngược đãi Hagar đến nỗi Hagar phải trốn đi. Thiên Chúa nhìn thấy nỗi thống khổ của Hagar, hứa rằng dòng dõi của Hagar sẽ đông đảo đến nỗi không thể đếm được và bảo nàng trở về. Ishmael, con của Hagar, là con đầu lòng của Abram, nhưng không phải là con của lời hứa, vì Thiên Chúa chỉ lập giao ước với Abram sau khi Ismael sinh ra.[11] Về sau, Hagar và Ishmael vĩnh viễn rời bỏ nhà của Abram.[12]

Giao ước[sửa]

Thiên Chúa đổi tên Abram thành Abraham và Sarai thành Sarah khi Ngài lập giao ước cắt bao quy đầu (circumcision), lễ cắt bao quy đầu vẫn được tuân giữ cho đến ngày nay trong vòng tín hữu Do Thái giáo và Hồi giáo. Đến thời điểm này, lời hứa Thiên Chúa dành cho Abraham được thông đạt chi tiết hơn, ấy là không chỉ dòng dõi của Abraham được "thêm nhiều quá bội" mà còn xác nhận dòng dõi này là do Sarah sinh ra. Như vậy, lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm qua Isaac, con của Sarah, mặc dù Ishmael sẽ trở nên một dân tộc lớn theo như lời Chúa hứa. Giao ước cắt bao quy đầu là cam kết song phương: nếu Abraham và hậu duệ tuân giữ giao ước thì Yahweh sẽ là Thiên Chúa của họ và sẽ ban cho họ đất hứa.

Hiến tế Isaac[sửa]

Do đã cao tuổi và không còn hi vọng gì, Sarah cười thầm vì nghi ngờ lời hứa của Thiên Chúa, người con của lời hứa được đặt tên Isaac, nghĩa là cười.[13] Khi đứa trẻ được sinh ra, Sarah đã nói, "Thiên Chúa làm cho tôi một việc vui cười; hết thảy ai hay được cũng sẽ vui cười về sự (việc) của tôi" (Sáng 21: 6).

Vâng theo mạng lịnh Thiên Chúa, Abraham dâng con trai mình Isaac làm sinh tế tại xứ Moriah,[14] song một thiên sứ hiện ra ngăn cản người vì Chúa chỉ muốn thử thách đức tin của Abraham, ông giết một con cừu đực tìm thấy tại nơi ấy để làm sinh tế thay thế cho Isaac.[15]

Như là phần thưởng cho lòng tuân phục, Abraham lại nhận lãnh lời hứa dòng dõi ông sẽ "nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển" và hưởng lấy sự phú cường[16] Rồi thì ông quay về Beersheba. Sự kiện dâng Isaac làm sinh tế là một trong những hành động đạo đức khó khăn và đầy thách thức nhất đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Theo Josephus, lúc ấy Isaac 25 tuổi trong khi các hiền nhân Talmud cho rằng Isaac đã 37. Trong cả hai trường hợp, Isaac cũng là một người đã trưởng thành, đủ sức ngăn cản hành động của Abraham khi ấy đã 125 hoặc 137 tuổi.

Đến đây câu chuyện được ký thuật trong Cựu Ước tập chú vào Isaac. Abraham dành toàn bộ gia sản cho "người con trai duy nhất"[17] Sarah chết trong tuổi già, được an táng tại Hang đá Machpelah gần Hebron mà Abraham đã mua từ Ephron người Hittite[18] Về sau Abraham cũng an nghỉ tại đây.[19] Sau nhiều thế kỷ, ngôi mộ của Abraham trở thành một địa điểm hành hương của người Hồi giáo với một ngôi đền Hồi giáo được xây dựng trong địa điểm này.

Hình tượng Abraham[sửa]

Abraham được xem là tổ phụ của dân tộc Do Thái, con trai ông, Isaac, sinh Jacob, và từ Jacob (được đổi tên thành Israel) sản sinh Mười hai Chi phái. Thiên Chúa đã "thử thách đức tin" Abraham nhiều lần, quan trọng nhất là lần Chúa đòi hỏi ông phải dâng con trai Isaac làm sinh tế. Thiên Chúa hứa ban xứ Isreal cho dòng dõi ông, và đây là lần đầu tiên có lời hứa ban xứ sở Israel cho dân Do Thái. Do Thái giáo miêu tả những đặc điểm của mỗi tổ phụ. Tính cách nổi bật của Abraham là lòng nhân ái. Vì lẽ đó, Do Thái giáo nhìn xem lòng nhân ái là tính cách cố hữu của dân tộc Do Thái.

Kinh Thánh miêu tả Abraham là một người giàu có, quyền thế và đạo hạnh, nhưng cũng mang trên mình những khiếm khuyết của con người chẳng hạn như khi lâm vào những tình huống khó khăn ông thường lo lắng và phạm sai lầm, đôi khi thiếu ngay thẳng và cũng có lúc sống như một người chồng vô tâm. Song Abraham là nhân vật trung tâm của sách Sáng thế, ở đây chân dung của ông được phác họa như là một người yêu dấu của Thiên Chúa không ai sánh bằng. Cuộc sống của những thế hệ sản sinh từ Abraham được dùng làm chất liệu để thể hiện cung cách Thiên Chúa định hình thế giới cũng như phương cách Ngài thiết lập lãnh thổ và các mối quan hệ giữa các dân tộc.

Là cha của Isaac và Ishmael, Abraham được xem là tổ phụ của dân Israel và các dân tộc lân cận. Abraham là cha của Ishmael, mười hai con trai của Ishmael về sau trở thành những ông hoàng của sa mạc (nổi bật nhất là Nebaioth Kedar), cùng với Midian, Sheba và các bộ tộc Ả Rập khác.[20] Những ký thuật trong Sáng thế ký cho thấy dòng dõi của Isaac bị bao vây bởi các dân tộc anh em, thường là thù địch với nhau.

Những sách khác trong Kinh Thánh miêu tả một tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho Abraham. Ông thường được gọi là bạn của Thiên Chúa, hoặc chính Thiên Chúa gọi ông, "Abraham bạn ta".[21]

Tân Ước[sửa]

Abraham có vai trò đặc biệt trong Tân Ước, ở đây ông được tôn vinh là anh hùng đức tin.[22] Sứ đồ Phao-lô xem ông là hình mẫu cho giáo lý cứu rỗi bởi đức tin, là tổ phụ của Chúa Cơ Đốc (tức là Đấng Messiah),[23] và khẳng định rằng mọi người có đức tin đều là hậu duệ của Abraham.[24]

Tập tin:Abraham.jpg
Phao-lô gọi Abraham là tổ phụ của những người có đức tin.

Các tác giả Tân Ước ghi lại rằng Chúa Giê-xu đã nhắc đến Abraham nhằm hậu thuẫn cho niềm tin vào sự sống lại của người chết, "Còn về những người chết được sống lại, thì trong sách Môi-se có chép lời Thiên Chúa phán cùng người trong bụi gai rằng: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob, các ngươi há chưa đọc đến sao? Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống! Thật các ngươi lầm to." (Phúc âm Mark 12: 26-27). Tân Ước cũng xem Abraham là người thuận phục Thiên Chúa, hành động dâng con trai Isaac làm sinh tế được xem là đỉnh cao của đức tin trọn vẹn vào Thiên Chúa. "Bởi đức tin, Abraham dâng Isaac trong khi bị thử thách: người là kẻ nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Thiên Chúa có phán rằng: Ấy bởi trong Isaac mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu. Người tự nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình" (Hebrews 11: 17-19). Theo quan điểm truyền thống của Cơ Đốc giáo, lời hứa quan trọng nhất Thiên Chúa dành cho Abraham được ký thuật trong Sáng thế ký 12. 3, "Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước." được ứng nghiệm qua dòng dõi của Abraham, ấy là mọi dân tộc trên đất sẽ được chúc phước. Song, Giăng Báp-tít dạy rằng nếu chỉ đơn giản là hậu duệ của Abraham theo huyết thống thì không được bảo đảm cho sự cứu rỗi.[25] Như vậy, theo đức tin của tín hữu Cơ Đốc, lời hứa trong Sáng thế ký được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu, hậu duệ của Abraham. Cũng từ lời hứa này mà Cơ Đốc giáo rộng mở cho mọi người thuộc mọi chủng tộc, chứ không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do Thái.

Hồi giáo[sửa]

Abraham, hoặc Ibrahim trong tiếng Ả Rập, có vị trí rất quan trọng đối với Hồi giáo như là một nhà tiên tri và là cha của Ishamel và Isaac. Người Hồi giáo xem Ishmael, con trai đầu lòng của Abraham, là tổ phụ của người Ả Rập, và Isaac là tổ phụ của người Do Thái. Người Hồi giáo tôn kính Abraham như là một trong những tiên tri quan trọng nhất của Hồi giáo, thường gọi ông là Khalil Ullah, "Bạn của Thiên Chúa". Abraham được xem là một Hanif, nghĩa là người khám phá độc thần giáo.

Người Hồi giáo tin rằng sinh thời Abraham đã xây cất Kaaba, đền thánh tại Mecca, Kaaba được xây dựng theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Họ cũng tin rằng dấu chân của Abraham vẫn còn lưu lại trên một tảng đá trong ngôi đền. Những cuộc hành hương (hajj) được tổ chức hằng năm, một trong những trụ cột của niềm tin Hồi giáo, thu hút hàng triệu người Hồi giáo đi theo bước chân Abraham, Hagar và Ishmael trong cuộc hành trình đến thánh địa Kaaba.

Tôn giáo khởi nguồn từ Abraham[sửa]

Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham được miêu tả trong Kinh Torah, Kinh Thánh Kinh Qur'an, với đặc điểm chung là độc thần luận, bao gồm: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo Hồi giáo, chiếm gần một nửa số người theo tôn giáo trên thế giới. Một số tôn giáo khác có liên hệ với truyền thống Do Thái có thể được nhìn nhận có khởi nguồn từ Abraham như Bahá'í, Druze giáo, Mandae giáo, Sikh giáo phong trào Rastafari.

Chú thích[sửa]

  1. "Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Abraham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc." – Sáng thế ký 17: 5
  2. "Thiên Chúa phán cùng người rằng: Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc." - Sáng thế ký 17: 3-4
  3. "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước" – Sáng thế ký 12: 2-3
    • "Ta đã hiện ra cùng Abraham, cùng Isaac, và cùng Jacob, tỏ mình là Thiên Chúa toàn năng; song về danh ta là Giê-hô-va, thì ta chưa hề tỏ cho họ biết. Ta cũng có lập giao ước cùng họ, để ban xứ Canaan cho, là xứ họ đã kiều ngụ như khách ngoại bang." - Xuất Ai cập ký 6: 3,4
    • "Xin Chúa hãy nhớ lại Abraham, Isaac, Israel là các tôi tớ Ngài, mà Ngài có chỉ mình thề cùng họ rằng: Ta sẽ thêm dòng dõi các ngươi lên nhiều như sao trên trời, ta sẽ ban cho dòng dõi đó cả xứ mà ta chỉ phân, và họ sẽ được xứ ấy làm cơ nghiệp đời đời." - Xuất Ai cập ký 32: 12. 12
  4. Lữ-y Đoan. Sấm-truyền ca Genesia. Montréal: Tập san Y sĩ, 2000.
    • "Họ bèn đưa cho Jacob các tượng thần ngoại bang của mình, và các vòng đeo nơi tai; rồi người chôn mấy vật đó dưới gốc cây dẻ bộp, gần thành Shechem." - Sáng thế ký 35:4
    • "Đoạn, Joshua chép các lời này trong sách luật pháp của Thiên Chúa. Kế đó, người lấy một hòn đá lớn dựng tại đó ở dưới cây dẻ bộp gần nơi thánh của Đức Giê-hô-va." - Giô-suê 24:26
    • "Hết thảy người Shechem nhóm hiệp với cả họ Mi-lô, đi đến cây dẻ bộp bia đá ở Shechem, mà tôn A-bi-mê-léc làm vua." - Các Quan xét 9.6
  5. Sáng thế ký 12: 1-9
  6. Sáng Thế ký 18
  7. Sáng thế ký 15
  8. "Sau khi Abraham đã trú ngụ mười năm tại xứ Canaan, Sarai, vợ người, bắt Hagar, con đòi người Ai Cập của mình, đưa cho chồng làm hầu." - Sáng thế ký 16:3
  9. Sáng thế ký 16-17
  10. Sáng thế ký 21
  11. Sáng 18: 1-15
  12. "Thiên Chúa muốn thử Abraham... Ngài phán rằng: Hãy bắt đứa con duy nhất ngươi yêu dấu, là Isaac, và đi đến xứ Moriah, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu..." - Sáng thế ký 22: 2
  13. "Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Thiên Chúa, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con duy nhất của ngươi". – Sáng thế ký 22: 12
  14. Sáng Thế ký 22
  15. "Abraham cho Isaac hết thảy gia tài mình; còn cho các con dòng thứ những tiền của; rồi, khi còn sống, người sai họ qua đông phương mà ở, cách xa con dòng chánh, là Isaac."
  16. Sáng thế ký 23
  17. Sáng thế ký 25: 7-10
  18. Sáng thế ký 25: 1-4
    • "Hỡi Thiên Chúa chúng tôi! Ngài há chẳng đã đuổi dân ở trong xứ này khỏi trước mặt dân Israel của Ngài, mà ban xứ ấy cho dòng dõi Abraham, là bạn hữu Chúa, làm sản nghiệp đời đời sao?" – 2Sử ký 20: 7
    • "Nhưng, hỡi Israel, ngươi là tôi tớ ta, còn ngươi, Jacob, là kẻ ta đã chọn, dòng giống của Abraham, bạn ta" – Isaiah 41: 8
    • "Vậy, được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Abraham tin Thiên Chúa, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn của Thiên Chúa" – Gia-cơ 2: 32
  19. "Bởi đức tin Abraham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Isaac và Jacob, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người. Vì người chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Thiên Chúa đã xây cất và sáng lập" – Hebrews 11: 8-10
  20. "Vả, các lời hứa đã được phán cho Abraham và cho dòng dõi người. Không nói: Và cho các dòng dõi ngươi, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Chúa Cơ Đốc" – Galatians 3: 16
  21. "Như Abraham tin Thiên Chúa, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Abraham" – Galatians 3: 6-7
  22. "Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và đừng tự khoe rằng: Abraham là tổ phụ chúng ta; vì ta nói cho các ngươi rằng Thiên Chúa có thể khiến đá này sinh ra con cái cho Abraham được" – Matthews 3: 8-9

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

Boadt, Lawrence (1984). Reading the Old Testament: An Introduction. New York: Paulist Press. ISBN 0-8091-2631-1. http://books.google.com.au/books?id=LGQNT6G_do8C&dq=Reading+the+Old+Testament:+an+introduction++By+Lawrence+Boadt&printsec=frontcover&source=bn&hl=en&ei=qO1YS92uJZGTkAXzquHzBA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=4&ved=0CBgQ6AEwAw#v=onepage&q=&f=false.
Ginzberg, Louis (2003). Harriet Szold tr. ed. Legends of the Jews, Volume 1. Philadelphia: Jewish Publication Society. ISBN 0-8276-0709-1. http://www.gutenberg.org/dirs/etext98/1lotj10.txt.
Gunkel, Hermann (1997) [1901]. Biddle, Mark E. tr. ed. Genesis. Macon, GA: Mercer University Press. ISBN 0-86554-517-0. http://books.google.com.au/books?id=-ZtH3hbGITkC&pg.
Levenson, Jon D. (2004). "The Conversion of Abraham to Judaism, Christianity and Islam". trong Hindy Najman, Judith Newman (eds). The Idea of Biblical Interpretation: Essays in Honor of James L. Kugel. Leiden: Koningklijke Brill. ISBN 90-04-13630-4. http://books.google.com.au/books?id=Wde9LO-_FPIC&dq.
Rosenberg, David M. (2006). Abraham: the first historical biography. New York: Basic Books. ISBN 0-465-07094-9.
Silberman, Neil Asher; Finkelstein, Israel (2001). The Bible unearthed: archaeology's new vision of ancient Israel and the origin of its sacred texts. New York: Free Press. ISBN 0-684-86912-8.
Thompson, Thomas (2002). The Historicity of the Patriarchal Narratives: The Quest for the Historical Abraham. Valley Forge, Pa: Trinity Press International. ISBN 1-56338-389-6. http://books.google.com.au/books?id=lwrzapZYqFAC&dq.
Van Seters, John (1975). Abraham in history and tradition. New Haven, Conn: Yale University Press. ISBN 0-300-01792-8. http://books.google.com/books?id=5HVyAQAACAAJ.
Vermes, Geza (1973). Scripture and tradition in Judaism. Haggadic studies. Leiden: Brill. ISBN 90-04-07096-6.
Whybray, Roger Norman (1987). The making of the Pentateuch: a methodological study. Sheffield: JSOT Press. ISBN 1-85075-063-7. http://books.google.com.au/books?id=R97g6ulrrh8C&printsec.
Tôn giáo khởi nguồn từ Abraham

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây