Băng Sơn/Nhà văn Băng Sơn/Đầu xuân gặp gỡ nhà văn Băng Sơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐẦU XUÂN GẶP GỠ NHÀ VĂN BĂNG SƠN

Băng Sơn là nhà văn chuyên viết về Hà Nội, tác giả của những tập tuỳ bút, đoản văn được bạn đọc chú ý như: Thú ăn chơi người Hà Nội ( Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin - 1993), Nghìn năm còn lại ( Nhà xuất bản Hà Nội - 1996), Nước Việt hồn tôi ( Nhà xuất bản Phụ Nữ - 1995), Đường vào Hà Nội ( Nhà xuất bản Thanh Niên - 1997)...Chủ đề Hà Nội dường như có sức cuốn hút lớn nhất đối với nhà văn Băng Sơn. Nhân dịp đầu Xuân Quý Mùi, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn Băng Sơn.

  • Nhà văn có thể cho biết đôi chút về bản thân?
  • Nhà văn Băng Sơn: Tôi sinh ngày 18/12/1932 tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương. Sống, học tập và làm việc ở Hà Nội từ năm 1947 cho đến suốt đời sau này. Năm 17 tuổi (1949 đã có bài thơ đầu tiên đăng trên báo. Và sau đó, dù phải tìm tòi, lúc đi đường thẳng, lúc phải đường cong, vẫn theo đuổi nghề sáng tác văn học.

Tuy nhiên suốt hàng vài chục năm, chỉ chuyên sáng tác thơ là chính, mà không chuyên tâm vào các lĩnh vực khác. Cũng có thời gian đi làm diễn viên kịch, cả kịch nói và kịch thơ, nên có sáng tác một số vở kịch nói và kịch thơ. Đã được in nhiều vở, được thưởng huy chương vàng và giải thưởng về kịch bản văn học như vở kịch thơ Vào xuân, giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhiều huy chương cho vở này. Vở kịch thơ lịch sử "Sóng Bạch Đằng" (viết chung với Hoài Việt) cũng được công diễn nhiều buổi và được huy chương vàng. Vở kịch nói "Đời chỉ một lần" được đoàn kịch chuyên nghiệp Bông Hồng ở TP Hồ Chí Minh công diễn trên 200 buổi. Một số vở khác được trình bày trên sóng của Đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam và Đài phát thanh Hà Nội. Đã có khoảng trên một chục vở kịch ngắn và dài còn được lưu giữ và chưa công bố.

  • Bước ngoặt lớn trong cuộc đời sáng tác của Nhà văn?
  • Nhà văn Băng Sơn: Vào khoảng đầu những năm 80, tôi mới ngộ nhận ra một điều: Thơ không nói hết được bao điều cần nói, nên cần phải viết văn xuôi. Sau khi tự thể nghiệm qua nhiêu thể loại thì tự mình tìm ra sở trường, sở đoản của mình và chốt lại là ở một thể loại tuỳ bút. Tuỳ bút gần gũi với thơ. Nó biểu đạt xúc cảm về đời sống là chính, và viết một bài tuỳ bút xong, không mất quá nhiều công phu như tiểu thuyết hay truyện ngắn...

Đã qua công việc sáng tác thơ, có cách tư duy về hình tượng, hình ảnh, ngôn từ... nên viết tuỳ bút cũng gần giống như làm thơ từ cách tìm đề tài, lập tứ, tìm ngôn ngữ, hình ảnh... chỉ khác làm thơ là diễn tả nó ra bằng văn xuôi mà thôi, nên có nhiều người cho rằng tuỳ bút của Băng Sơn giàu chất thơ là thế. Tuỳ bút không thể giống bài báo phản ánh, không giống ký sự, ghi chép, bút ký cũng không thể giống phóng sự. Nó chỉ là nó, nói cách khác nó có đời sống riêng, quy luật riêng, không thể lẫn với bất cứ thể loại nào. Tôi đã có hàng ngàn bài, tuyển chọn in được khoảng hai chục tập tuỳ bút, trung bình dài 400 trang mỗi tập, được dư luận chú ý và bạn đọc hưởng ứng.

  • Nhà văn có nhận xét gì về những cây bút viết tuỳ bút ở Việt Nam?
  • Nhà văn Băng Sơn: Người viết tuỳ bút ở Việt Nam không nhiều lắm so với người làm thơ cũng như người viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay viết báo. Sau Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, nay có thêm Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế, thì cũng nhiều người viết tuỳ bút, nhưng tiếc là ít có ai theo đuổi riêng biệt một thể loại này một cách bền bỉ, thường xuyên. Nhiều người viết khá hay, như Nguyễn Ngọc Ký viết bài "Đường chúng ta đi", hay Thép Mới viết bài "Cây tre Việt Nam", thì những người này lại hay chuyển sang thể loại khác.
  • Ngoài thể loại truyện ngắn và tuỳ bút, nhà văn còn viết tthể loại nào khác?
  • Nhà văn Băng Sơn: Bên cạnh loại tuỳ bút thông thường, mỗi bài dài khoảng vài nghìn chữ, thì Băng Sơn còn có một loại tuỳ bút cực ngắn, gọi là đoản văn, mỗi bài chỉ khoảng ba đến bốn trăm chữ, vừa tròn trong một trang giấy A4. Thể loại này rất phù hợp với báo chí vì nó ngắn, dễ đọc, đọc nó không tốn thời gian, mà báo in cũng không mất nhiều diện tích, nên thể loại đoản văn này cũng đã được in trên dưới 1000 bài và tập hợp in thành gần chục tập sách riêng.
  • Những thành công mà nhà văn đã đạt được trong sự nghiệp của mình?
  • Nhà văn Băng Sơn: Là một nhà văn để cả đời mình theo đuổi sự nghiệp văn chương, không tự nói là thành công, mà chỉ tạm gọi là mình đã đi đúng đường mình chọn. Hiện Băng Sơn là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội, Hội văn hóa dân gian Hà Nội... và một vài đoàn thể khác. Băng Sơn từng được nhận nhiều giải thưởng như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải báo Nhi Đồng, giải viết về "Hà Nội nghìn năm" của báo Hà Nội Mới (hai lần), giải về kịch của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, giải kịch bản văn học của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, giải thưởng văn học năm năm một lần của Hội Liên hiệp năn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục thanh thiếu nhi.
  • Ngoài đề tài về Hà Nội thì nhà văn còn đề cập đến vần đề gi?
  • Nhà văn Băng Sơn: Một loại đề tài mà tôi thường đề cập và tìm tòi chính là những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá của đất nước và dân tộc, những vấn đề có khi là nhức nhối của nhiều người, càn lên tiếng để bảo vệ điều hay và bài trừ cái xấu... Ngoài ra, tôi cũng không quên mảng cho thiếu nhi và nếp sống đời thường cho thanh niên.
  • Những “đứa con” tinh thần của nhà văn năm mới này?
  • Nhà văn Băng Sơn: Những tác phẩm mới sẽ được ra đời trong năm 2003 là Tuỳ bút “Hồn mực”, “Phập phồng Hà Nội”, “Vào tuổi hai mươi”, “Niềm vui trần thế”, tạp văn “Ứng xử đời thường”
  • Xin cảm ơn và chúc nhà văn một năm mới mạnh khoẻ, viết khoẻ!

Bản quyền bài viết thuộc về: Diệp Hiền – Ánh Tuyết, Sưu tập từ: website Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây