Băng Sơn/Nhà văn Băng Sơn/Băng Sơn - "Cây" đoản văn của Hà Nội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

BĂNG SƠN - "CÂY" ĐOẢN VĂN CỦA HÀ NỘI

Tôi quen biết Băng Sơn từ những năm của thập niên 50, khi đó ông là người "gõ đầu trẻ" ở Trường tiểu học Cao Bá Quát trong một ngõ nhỏ (ngõ Hàng Hành) gần hồ Hoàn Kiếm.

Băng Sơn, (tên thật là Trần Quang Bốn), sinh ngày 18-12-1932, quê cha ở Bình Lục (Hà Nam); quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng, Hải Dương, ông làm thơ và viết văn từ năm 1949 và đã có những bài viết được đăng báo từ thuở thiếu thời với những bút danh khác nhau: Băng Sơn, Mai Băng Phương, Trần Cẩm Giàng, Quang Chi....

Đã có một thời, Băng Sơn là phóng viên báo Độc Lập, sau đó ông nghỉ hưu, chuyên tâm với nghề viết. Làm báo chỉ là cái "cớ" để Băng Sơn theo đuổi nghiệp văn chương. Trong suốt một thời gian dài, ông sáng tác thơ là chính - Và người đọc thường thấy thơ của Băng Sơn trên nhiều tờ báo lớn ở Thủ đô Hà Nội với chất thơ mượt mà, thắm đượm tâm hồn con người và cảnh vật.

Sau năm 1975, Băng Sơn viết đoản văn. Có thể nói đây là thể loại văn học sở truờng của riêng Băng Sơn. Tư duy bằng ý thơ, nhưng biểu đặt bằng văn xuôi. Một cây bàng, một khóm tre, một cánh buồm, một giọt sương, một con phà, một chiếc điếm canh đê.... đều là chủ đề với lối viết đầy cảm xúc làm rung động tới tâm can người đọc của riêng Băng Sơn.

Trong mỗi chúng ta đều có quê hương, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của một thời để thương, một thời để nhớ, nhất là ký ức tuổi thơ. Với quê hương, Băng Sơn viết: "đồng quê êm ả. Đồng quê yêu thương. Có bao nhiêu là tiếng nói, tiếng gọi ta về sống lại một thời thơ ấu êm đềm, dù cho ta đang ở một phương trời xa lắc. Rồi ta tự lắng nghe trong lòng ta những tiếng đồng quê thân thương ấy cứ cát lên vô hình trong sâu thẳm tim ta..." (bài Tiếng đồng quê trong tập "Bóng bảy màu" - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1996).

Là "thổ công" của Thủ đô muôn mến, ngàn thương, là con người gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua. Băng Sơn am hiểu tỏ tường mọi mặt đời sống xã hội của đất kinh kỳ. Ông nhớ từng gốc cây của những phố cổ và quanh hồ Gươm. Ông nhìn vào đâu cũng nhận ra kỷ niệm và bóng hình bạn bè, kẻ còn, người mất. Một đường phố cổ, một công viên có nhiều cây xanh. Một mái nhà rêu phong đến một món quà của riêng Hà Nội.... đều được con mắt tinh đời của ông "điểm mặt".

Với Hà Nội, ông có tình yêu đến lạ kỳ, vừa hoài cổ, vừa tân kỳ. Một tâm hồn văn sĩ hiểu thấu đáo Hà Nội xưa và nay đến từng chân tơ kẽ tóc. Riêng cách ăn chơi lịch lãm của người Hà Nội, Băng Sơn đã đem đến cho người đọc hai cuốn sách "Thú ăn chơi của người Hà Nội" tập 1 và tập 2 do NXB Văn Hoá ấn hành các năm 1993 và 1996, khoảng 600 trang. Chắc chắn đây sẽ là một món quà quý đối với bất cứ người dân nào của Hà Nội.

Tính đến nay, ông đã cho ra mắt bạn đọc khoảng 500 bài đoản văn đăng tải hầu hết trên các bài báo lớn ở thủ đô Hà Nội. Trong các năm 1993, 1995 và 1996 ba cuốn sách (đoản văn) của Băng Sơn: "Ngàn mùa hoa", "Con thuyền hoa". và "Bóng bảy màu" do các Nhà xuất bản Phụ Nữ và Kim Đồng ấn hành đã đến tay bạn đọc trên nhiều vùng của đất nước.

Tuỳ bút cũng là "thế mạnh" của Băng Sơn. Đến nay con số này ước khoảng 500 bài đã được đăng tải trên báo chí. Phần lớn những tuỳ bút hay được tập trung ở các cuốn "Hương sắc bốn mùa" NXB Phụ nữ 1993; "Nước Việt hồn tôi" cũng do NXB Phụ nữ ấn hành năm 1995, khoảng 300 trang. Tiếp đến là tập tuỳ bút "Nghìn năm còn lại" do NXB Hà Nội ấn hành năm 1996.

Những ấn phẩm trên nói lên điều gì?

Ở Băng Sơn không chỉ là tình yêu văn học, nỗi đắm say với nghiệp văn chương, sự suy nghĩ chín chắn của một cây viết có bề dầy năm tháng mà chính là sự miệt mài, làm việc hết mình, lao động không mệt mỏi, lao động sang tạo và nghiêm túc của một con nguời "hiến dâng" cả đời mình cho sự nghiệp văn chương. Sức làm việc của ông khiến nhiều cây bút chuyên nghiệp cũng phải vị nể. Bạn văn thường nói về ông: "Một kỷ lục gia về sức làm việc, một cây viết "dai phông". Chả vậy mà người ta tính rằng một năm có 365 ngày, chỉ từ đầu năm đến cuối tháng 9-1997, Băng Sơn đã "sản sinh" 355 bài viết được in ấn trên nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội và trên một số địa phương khác. Nếu theo số học mà tính, mỗi ngày "cây " đoản văn này của Hà Nội đã có hơn một bài viết, một "áng văn chương" làm đẹp thêm đời sống văn hoá của người dân Hà Thành. Bạn viết có người thường nói vui: "Băng Sơn là một trong những "ngũ hổ" viết khoẻ của Hà Nội: Băng Sơn, Lê Bầu, Phong Thu, Tạ Hữu Yên, Lữ Giang".

Sức làm việc của ông thực sự là điều đầy "bí ẩn", đầy khám phá, không chỉ có sức bền mà còn đầy mẫn cảm, kỳ thú và mộng mơ. Với trà ngon và thuốc lá Thủ đô, chỉ hút một thứ "Thủ đô", làm việc thâu đêm với đèn sách. Ngày qua ngày, tháng hết tháng, năm theo năm. Băng Sơn chạy đua với thời gian không biết mệt mỏi. Với ông thời gian thực sự là vàng ngọc. Hình như con người ông sinh ra để viết, không viết không chịu được.

Coi tôi là chỗ thân tình, ông bộc bạch về những ấn phẩm chuẩn bị "trình làng" trong tương lai không xa. Từ nay đến năm 1998. có thể in "Tùm lum" NXB Kim Đồng, khoảng gần 100 trang; tuỳ bút "Đường vua đi", NXB Thanh niên khoảng 300 trang; "Cái thú lang thang"; "Hồn và mực", NXB Hải Phòng, viết về chân dung một số văn nghệ sĩ. Cả bốn cuốn sách trên đã duyệt xong ma két và đã đưa vào kế hoạch xuất bản trong thời gian tới.

- Xin anh cho biết dự kiến trong tương lai?- Tôi "phỏng vấn" nhà văn.

Với khuôn mặt đôn hậu, mái tóc xoà bạch kim rất nghệ sĩ và luôn nở nụ cuời tươi trên môi, Băng Sơn đưa tôi đọc những bài viết đầu của cuốn "100 ngôi nhà Hà Nội".

Đối với bạn tâm đắc, Băng Sơn rất trân trọng, quí mến và thường đọc cho nghe những sáng tác ban đầu của ông. Với câu nói "giàu vì vợ, sang vì bạn" là câu nói cửa miệng của người đời, thì Băng Sơn là người.... rất sang, bởi ông rất đông bạn bè. Bạn văn, thơ, hoạ, nhạc đều có cả.

Nếu nói về nhân cách của người cầm bút, thì Băng Sơn là con người giữ được phẩm hạnh của một nhà văn chân chính hành nghề, "kiếm sống" bằng chính sự làm việc cần cù, siêng năng của bản thân. Nhiều bạn thân quen ngạc nhiên khi biết ông làm việc cật lực như vậy và những tác phẩm được in ấn không phải là nhỏ nhoi, nhưng chưa là... Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông thường "chối khéo", không giải thích, chỉ trả lời bằng những nụ cười.

Bản quyền bài viết của Lê Việt, Báo Thừa Thiên Huế, số ra ngày 16/11/1997. Sưu tầm từ: website về Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây