Bảo quản tỏi tươi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tỏi được cho là một loại thảo dược nhưng nó lại nó mùi nồng tương tự như củ hành. Tỏi được dùng để chế biến thức ăn bằng nhiều cách và đôi khi còn được dùng để chữa bệnh. Tỏi tươi có thể mua ở chợ hoặc siêu thị. Cho dù bạn mua tỏi hay tự trồng thì nếu biết bảo quản đúng cách, bạn có thể giữ được tỏi trong thời gian dài. Hướng dẫn sau sẽ giúp bạn biết cách bảo quản tỏi tươi.

Các bước[sửa]

Bảo quản tỏi tươi[sửa]

  1. Mua hoặc thu hoạch tỏi tươi và cứng. Việc này rất quan trọng vì tỏi càng tươi thì sẽ giữ được càng lâu.
    • Củ tỏi phải cứng với lớp vỏ giấy bên ngoài khô và không có mầm. Củ tỏi mềm tức là tỏi đã quá chín và sẽ không giữ được lâu.
    • Tránh chọn các củ tỏi bị nhăn hoặc loại để trong tủ lạnh ở siêu thị.
  2. Làm khô củ tỏi tự trồng trước khi bảo quản. Để tỏi tự trồng khô trước khi bảo quản sẽ giúp cho tỏi dậy mùi và có hương vị đậm.[1]
    • Rửa củ tỏi vừa thu hoạch và hong khô ở nơi râm mát, không ẩm trong khoảng 1 tuần.
    • Bạn có thể treo nhánh tỏi để hong khô.
  3. Bảo quản tỏi ở nhiệt độ phòng. Nhiều người thường mắc sai lầm khi bảo quản tỏi trong tủ lạnh vì nhiệt độ phòng khoảng 16°C là thích hợp nhất cho tỏi.[2]
    • Bảo quản tỏi trong tủ lạnh sẽ làm củ tỏi bị hỏng. Củ tỏi bị làm lạnh sẽ có thêm độ ẩm và nổi mốc.
    • Nếu bạn băm hoặc xay tỏi tươi thì có thể cho vào hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh với khoảng thời gian ngắn nhưng bạn nên dùng càng sớm càng tốt.
    • Không nên đông lạnh tỏi vì sẽ làm thay đổi kết cấu và hương vị của tỏi.
  4. Để tỏi ở nơi thoáng mát. Bảo quản tỏi ở nơi thoáng mát để tỏi được "thở" và giữ được trong thời gian dài.[3]
    • Bạn có thể dùng rổ dây hoặc lưới, bát nhỏ có lỗ thoáng khí hoặc túi giấy để bảo quản tỏi.
    • Đừng để tỏi trong túi nhựa hoặc hộp kín. Việc này sẽ làm cho tỏi bị nổi mốc hoặc mọc mầm.
  5. Bảo quản tỏi tươi ở nơi râm mát. Tủ bếp hoặc một góc hơi tối trên quầy bếp là nơi thích hợp nhất.
    • Đặt tỏi ở xa ánh nắng mặt trời và độ ẩm để tránh mọc mầm.
  6. Sớm dùng hết tỏi khi đã tách ra khỏi củ. Tỏi thường không giữ được lâu khi bạn tách củ tỏi thành từng tép nhỏ.
    • Nếu tỏi bị mềm hoặc tép tỏi có mầm xanh ở giữa thì bạn nên bỏ đi.
    • Củ tỏi có thể giữ được 8 tuần nếu bảo quản đúng cách. Tép tỏi được tách ra khỏi củ sẽ giữ được khoảng 3 đến 10 ngày.
  7. Lưu ý rằng "tỏi đầu mùa" sẽ được bảo quản khác với tỏi thông thường. Tỏi đầu mùa tự trồng nên được cho vào tủ lạnh ngay khi thu hoạch xong.
    • Tỏi đầu mùa hay còn lại là "young wet" trong tiếng Anh được thu hoạch vào đầu mùa hè và có vị nhẹ. Bạn không cần phải làm khô tỏi và có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 1 tuần.
    • Tỏi đầu mùa thường có vị nhẹ hơn tỏi thường và có thể dùng để thay thế cho củ hành và tỏi tây khi nấu ăn.

Một số cách bảo quản tỏi khác[sửa]

  1. Đông lạnh tỏi. Mặc dù một số người không đồng tình với việc đông lạnh tỏi vì nó làm thay đổi kết cấu và hương vị nhưng đông lạnh là lựa chọn tốt cho người không sử dụng tỏi thường xuyên hoặc không muốn lãng phí một ít tép tỏi thừa. Bạn có thể đông lạnh tỏi bằng một trong hai cách sau:
    • Bạn có thể đông lạnh cả tép tỏi chưa bóc vỏ bằng cách gói trong màng bọc thực phẩm hoặc giấy bạc hoặc dùng túi đông và cho vào tủ đông. Sau đó, bạn có thể tách từng tép tỏi để sử dụng khi cần.[4]
    • Bên cạnh đó, bạn có thể bóc vỏ tỏi, nghiền hoặc cắt nhỏ và cho tỏi vào túi đông hoặc gói bằng màng bọc dùng được trong tủ đông. Nếu tỏi dính vào nhau khi đông lạnh, bạn có thể bào để có lượng tỏi cần dùng.[4]
  2. Bảo quản tỏi trong dầu. Có một số tranh cãi về việc bảo quản tỏi trong dầu vì ngâm tỏi với dầu ở nhiệt độ phòng là nguyên nhân sản sinh vi khuẩn clostridium botulinum gây ra căn bệnh nguy hiểm gọi là ngộ độc thịt (botulism). Tuy nhiên, nếu tỏi ngâm dầu được bảo quản trong tủ đông thì sẽ làm mất khả năng sản sinh vi khuẩn.[5] Sau đây là cách an toàn để bảo quản tỏi trong dầu:
    • Bạn có thể bóc vỏ từng tép tỏi và ngâm trong lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa đựng dầu. Đóng kín nắp lọ hoặc hộp và cho vào tủ đông. Dùng thìa để lấy tỏi ra khi cần.[5]
    • Hoặc bạn có thể làm hỗn hợp tỏi xay với dầu ô liu bằng cách kết hợp một phần tỏi đã bóc vỏ với 2 phần dầu ô liu trong máy xay sinh tố hoặc máy xay đa năng. Sau đó, cho hỗn hợp vừa xay vào hộp dùng được trong tủ đông, đậy kín nắp và cho vào tủ đông. Phương pháp này rất tiện khi nấu nướng vì dầu giữ cho hỗn hợp xay không bị đông cứng để bạn có thể lấy và cho trực tiếp vào chảo.[5]
  3. Bảo quản tỏi với rượu hoặc giấm. Tỏi đã bóc vỏ có thể ngâm trong rượu hoặc giấm và bảo quản trong tủ lạnh đến khoảng 4 tháng. Dùng rượu vang đỏ hoặc vang trắng không đường hay giấm trắng hoặc giấm vang trắng đều được. Để bảo quản tỏi bằng cách này, bạn sẽ cho tỏi đã bóc vỏ vào lọ thủy tinh, sau đó đổ đầy loại rượu hoặc giấm mà bạn chọn. Đậy kín nắp lọ và cho vào tủ lạnh.[5]
    • Để thêm mùi vị cho món tỏi ngâm, bạn có thể thêm 1 thìa súp muối (cho mỗi cốc chất lỏng) cùng với thảo dược khô như ớt khô, lá kinh giới oregano, hương thảo hoặc lá nguyệt quế. Lắc để các nguyên liệu được trộn đều trong lọ.[5]
    • Mặc dù tỏi ngâm có thể giữ được trong tủ lạnh khoảng 4 tháng nhưng bạn nên bỏ đi nếu thấy trên bề mặt lọ tỏi ngâm có nổi mốc. Không nên để tỏi ngâm ở nhiệt độ phòng vì mốc sẽ hình thành nhanh chóng.[2]
  4. Làm khô tỏi. Một cách khác để bảo quản tỏi là làm khô. Tỏi khô bị mất nước nên một lượng tỏi lớn cũng sẽ không chiếm nhiều diện tích bảo quản trong bếp. Khi dùng để nấu ăn, tỏi khô sẽ hấp thu nước và tạo ra hương vị tuyệt vời cho món ăn. Có hai cách để làm tỏi khô, tùy thuộc vào việc bạn có máy sấy thực phẩm hay không.
    • Bạn có thể làm khô tỏi với máy sấy thực phẩm bằng cách bóc vỏ và cắt tỏi làm đôi theo chiều dài. Bạn nên dùng tép tỏi đầy đặn, không bị dập để sấy. Cho tỏi vào khay sấy và thực hiện theo hướng dẫn kèm theo máy để có hiệu quả tốt nhất. Tỏi khô hoàn toàn sẽ giòn và dễ vụn.[5]
    • Nếu không có máy sấy thực phẩm, bạn có thể thay thế bằng lò nướng để thực hiện quy trình tương tự. Cho tép tỏi cắt đôi vào khay nướng và nướng ở nhiệt độ 60°C trong 2 tiếng. Sau đó, giảm nhiệt độ xuống 55°C và tiếp tục nướng đến khi tỏi khô hoàn toàn.[2]
  5. Làm muối tỏi. Bạn có thể dùng tỏi khô làm muối tỏi để tăng thêm hương vị tuyệt hảo, tinh tế khi chế biến. Để làm muối tỏi, bạn chỉ cần cho tỏi khô vào máy xay đa năng đến khi có bột mịn. Thêm 4 phần muối biển cho mỗi phần tỏi và xay đều trong khoảng 1 hoặc 2 phút.[2]
    • Đừng xay muối biển và bột tỏi lâu hơn 2 phút vì hỗn hợp bột sẽ bị vón lại.
    • Bảo quản muối tỏi trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín và đặt vào tủ bếp râm mát.

Lời khuyên[sửa]

  • Bát gốm có lỗ thoáng khí dành riêng để bảo quản tỏi có thể tìm mua ở các cửa hàng bán dụng cụ nhà bếp.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bảo quản tỏi bằng cách ngâm trong dầu ô liu thì đừng để ở nhiệt độ phòng vì việc này sẽ làm sản sinh vi khuẩn clostridium botulinum.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]