Sấy khô thảo mộc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sấy khô các loại thảo mộc là cách đơn giản và hiệu quả để bảo quản cho việc nấu ăn và làm thủ công. Rất nhiều loại thảo mộc có thể sấy khô, bạn có thể sấy khô phần lá, hoa hoặc phần thân. Sấy khô thảo mộc giúp giữ lại hương vị của chúng. Dựa vào hiểu biết của bản thân, hãy chọn loại thảo mộc thích hợp, đúng thời điểm và bảo quản thật tốt.

Các bước[sửa]

Chọn thảo mộc để sấy khô[sửa]

  1. Chọn thảo mộc. Những loại thảo mộc có lá dày và chứa dầu sẽ dễ sấy khô hơn. Tuy nhiên, hầu hết các loại thảo mộc đều có thể sấy khô được. Làm thử nhiều lần là cách tốt nhất để xác định loại thảo mộc phù hợp, một số loại thảo mộc sẽ teo lại và có màu nâu khi khô, trong khi một số khác vẫn giữ được màu sắc và kết cấu.
    • Những loại thảo mộc có lá dày là dễ sấy khô nhất. Bao gồm lá nguyệt quế, hương thảo, húng tây và xô thơm. Lá nguyệt quế hoặc hương thảo khô hầu như vẫn giữ được màu sắc và hình dạng ban đầu.
    • Những giống lá mềm và to bản thì việc sấy khô sẽ phức tạp hơn một chút vì chúng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và nấm mốc nếu không được sấy khô đúng cách. Những giống thảo mộc này bao gồm húng quế, rau mùi tây, bạc hà, ngải giấm và chanh dưỡng. Chúng cần được sấy khô nhanh chóng để tránh nấm mốc.
  2. Hái thảo mộc để sấy khô trước khi chúng nở hoa. Bạn sẽ thấy rất nhiều nụ báo hiệu rằng cây sắp nở hoa. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch thảo mộc, hãy hái sau khi sương tan và trước lúc mặt trời làm bay hơi tinh dầu trong thảo mộc. Buổi sáng sớm thường là thời điểm phù hợp, tuy nhiên hãy xem xét các đặc điểm ở nơi bạn sống để xác định khoảng thời gian phù hợp.
    • Có nhiều lời khuyên rằng nên thu hoạch thảo mộc trước khi chúng nở hoa, tuy nhiên bạn cũng cần làm thử. Đôi khi sẽ tốt hơn nếu thu hoạch sau khi hoa nở. Điều này phụ thuộc vào việc hình thái nào của thảo mộc cho phép giữ nguyên vẻ ngoài và hương vị tốt nhất. Và nếu bạn muốn làm khô hoa, thì bạn phải đợi cho cây nở hoa trước.
  3. Chuẩn bị cho quá trình sấy khô ngay khi bạn hái thảo mộc. Thảo mộc sẽ được bảo quản tốt nhất nếu chúng được xử lý ngay lập tức. Nếu để lâu cây sẽ hút ẩm và bụi, điều này làm ảnh hưởng tới hương vị, màu sắc và hình dạng.
  4. Rửa sạch thảo mộc nếu cần. Một vài loại thảo mộc cần được làm sạch trước tiên, sau đó loại bỏ cỏ khô hoặc rong rêu. Bạn có thể rửa thảo mộc nhẹ nhàng bằng nước mát, sau đó vẩy nhẹ để loại bỏ bớt độ ẩm.
    • Loại bỏ những lá sâu, thâm.

Làm khô nhanh để chế biến món ăn[sửa]

Phương pháp này áp dụng với loại thảo mộc đã sơ chế (và làm sạch) và không dùng với thảo mộc khô. Bạn nên thực hiện trước khi nấu ăn nửa tiếng để có đủ thời gian làm khô thảo mộc.

  1. Chọn loại thảo mộc để nấu ăn.
  2. Đặt khăn lau khô trên mặt phẳng. Bàn bếp hoặc bồn rửa là địa điểm thích hợp.
    • Ngoài ra bạn có thể sử dụng giá phơi khô bát đĩa. Đặt khăn lau khô lên giá, việc này cho phép không khí lưu thông dễ dàng hơn.
  3. Rửa thảo mộc nhẹ nhàng. Mở vòi mức nhẹ để tránh làm dập hoặc bầm thảo mộc. Rửa thảo mộc trong chậu nước, hoặc dưới vòi nước. Cuối cùng vẩy nhẹ để loại bỏ càng nhiều nước càng tốt.
  4. Đặt từng nhánh thảo mộc lên khăn. Đặt chéo nhau nếu bạn có nhiều hơn một khăn và tránh để thảo mộc chồng lên nhau.
  5. Sấy khô trong bếp ở nhiệt độ ấm. Chạm để kiểm tra xem thảo mộc đã khô chưa. Nếu thảo mộc đã đủ khô, hãy dùng để chế biến món ăn.

Phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc bên ngoài[sửa]

Đây là phương pháp ít được sử dụng nhất bởi vì nó sẽ làm cho thảo mộc bị bạc màu và mất hương vị. Cách này có thể hữu ích nếu chỉ dùng để trang trí.

  1. Hái thảo mộc khi sương tan.
  2. Buộc thành từng bó với dây cao su. Để lá và hoa dốc xuống dưới.
  3. Treo bó thảo mộc ở hiên nhà hoặc ở vị trí nào đó có ánh nắng. Để chúng ở đó vài ngày cho tới khi thảo mộc khô.
    • Hãy buộc thật cẩn thận đề phòng những ngày gió lớn.
  4. Phơi khô ngoài trời bên trong một túi giấy. Sau khi bó thảo mộc lại, hãy bọc một túi giấy bên ngoài rồi buộc lại. Treo túi ở bên ngoài. Chiếc túi sẽ bảo vệ thảo mộc khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp và cũng sẽ giữ lại các hạt bị rụng phòng khi bạn muốn sử dụng chúng.
  5. Thu hoạch khi khô. Thảo mộc khô sẽ giòn và không còn chút hơi ẩm nào.

Sấy khô bằng không khí trong nhà[sửa]

Sấy khô trong nhà là cách được tin dùng vì giữ lại được hương vị, màu sắc và chất lượng của thảo mộc tốt hơn phương pháp sấy khô ngoài trời. Sấy khô bằng không khí thích hợp với những thảo mộc có lá to bản và mềm. Phương pháp này cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần sơ chế thảo mộc rồi để một chỗ chờ chúng khô.

  1. Buộc thảo mộc thành 1 bó. Buộc dây cao su quanh gốc. Hãy hướng tất cả hoa và lá xuống phía dưới.
    • Thời gian sấy khô sẽ thay đổi nếu bạn bó nhiều loại thảo mộc chung với nhau, vì vậy hãy bó riêng từng loại thảo mộc cho tới khi bạn đủ kinh nghiệm để biết được thời gian khô của từng loại thảo mộc và bó chúng chung với nhau.
    • Nếu bạn sấy nhiều bó thảo mộc, hãy buộc những bó có kích thuớc bằng nhau để thời gian phơi khô giống nhau. Điều này giúp việc bảo quản và sử dụng thảo mộc khô dễ dàng hơn, bạn sẽ không phải chờ đợi từng bó thảo mộc khô. Tuy nhiên, mọi thứ tuỳ thuộc vào việc bạn dùng thảo mộc để làm gì và nhu cầu hiện tại.
  2. Sử dụng hoặc không sử dụng túi giấy. Túi giấy có thể đẩy nhanh quá trình sấy khô và giữ hạt và lá rụng.v.v. Mặt khác, nếu không dùng túi giấy bạn có thể dùng các bó thảo mộc trang trí cho ngôi nhà.
  3. Chọn mắc treo thích hợp. Tất cả các loại mắc treo đều có thể sử dụng được bao gồm thang, dầm trần, mắc áo, đinh.v.v.
    • Thảo mộc cũng có thể được phơi khô trên giá hoặc khung. Bạn có thể sử dụng một khung cửa sổ cũ sạch sẽ và tươm tất. Đặt khung sao cho không khí có thể lưu thông ở cả hai mặt. Nếu bạn sử dụng khung, bạn sẽ phải lật thảo mộc hàng ngày để tránh bị quăn.
  4. Đợi thảo mộc khô. Thảo mộc nên được để khô ở nơi không có ánh nắng mặt trời hay hơi ẩm nếu không chúng sẽ hỏng. Thời gian làm khô sẽ mất từ 5 ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào loại thảo mộc bạn làm khô.
  5. Thu hoạch khi khô. Thảo mộc khô sẽ giòn và không còn chút hơi ẩm nào.
  6. Sử dụng thảo mộc cho mục đích nấu ăn, dược liệu, trang trí hoặc thủ công. Nhiều loại thảo mộc khô dễ dàng bị rụng, bạn có thể sử dụng để làm rau thơm hoặc làm túi thơm để trong tủ đồ.

Sấy khô trong lò nướng[sửa]

Thảo mộc có thể được sấy khô trong lò và nó phù hợp với mục đích nấu ăn hoặc làm dược liệu.

  1. Bật lò và để ở nhiệt độ thấp nhất. Để mở cửa lò.
  2. Đặt những loại thảo mộc được chọn trên khay nướng bánh.
  3. Đặt khay ở tầng dưới cùng của lò. Bắt đầu sấy nhưng nhớ lật thảo mộc thường xuyên. Khi thảo mộc bắt đầu giòn, hãy đưa khay ra khỏi lò.
  4. Nếu sử dụng lò nướng củi, bạn có thể để giá đựng ở phía trên lò, đặt thảo mộc vào giá và đợi sấy khô.

Sấy khô bằng lò vi sóng[sửa]

Nếu bạn cần thảo mộc khô ngay lập tức cho những công việc thủ công, phương pháp này quá thích hợp! Tuy nhiên, vì độc tính của gel silica nên phương pháp này không phù hợp với mục đích nấu ăn hay làm dược liệu. Hãy thử nghiệm thời gian sấy khô bằng lò vi sóng của từng loại thảo mộc, đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn!

  1. Rắc một lớp mỏng gel silica vào bát dùng cho lò vi sóng.
  2. Thêm lá hoặc hoa thảo mộc vào. Trải đều thảo mộc và tránh chạm vào lá hoặc hoa giữa mỗi nhánh.
  3. Sấy khô thảo mộc. Đặt lò ở mức thấp, một nửa năng lượng bình thường hoặc mức rã đông. Sấy khô trong 2 phút và để nguội trong 10 phút. Kiểm tra mức độ khô. Nếu thảo mộc đã đủ khô, hãy sử dụng chúng. Nếu chưa đủ khô, hãy sấy thêm 1 phút nữa.
    • Nếu sấy khô trong 2 phút là quá lâu và thảo mộc bị héo hết, hãy lấy một ít thảo mộc khác và giảm thời gian sấy xuống 30 giây. Tiếp tục thử nghiệm cho đến khi căn đúng thời gian, phụ thuộc vào từng loại thảo mộc.
    • Các loại thảo mộc bị quăn khi để trong không khí (như húng tây) sẽ cần ít thời gian sấy khô trong lò vi sóng hơn những loại thảo mộc khó sấy khô trong không khí.
  4. Chỉ sử dụng cho mục đích thủ công hoặc trang trí. Như đã lưu ý, sử dụng silica có nghĩa là thảo mộc không còn an toàn để tiêu thụ.

Sấy khô sử dụng chất hút ẩm[sửa]

Thảo mộc sấy khô bằng cách này chỉ sử dụng cho mục đích thủ công hoặc trang trí. Không dùng phương pháp này để sấy khô thảo mộc cho mục đích nấu ăn hoặc làm dược liệu.

  1. Chọn 1 chất hút ẩm. Chất hút ẩm được sử dụng để hấp thụ hơi ẩm. Các loại chất hút ẩm thảo mộc bao gồm bột ngô, cát, rễ cây irit thơm, borac, gel silica và thậm chí cả cát mèo.
    • Gel silica là phổ biến nhất bởi vì nó nhẹ, không làm hỏng thảo mộc, và dễ dàng mua được từ cửa hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng hãy đeo mặt nạ để tránh hít phải khói.
  2. Ngắt thảo mộc. Ngắt khi hơi ẩm chưa ảnh hưởng tới thảo mộc hay hoa của chúng.
  3. Rắc 2,5 cm chất hút ẩm vào một bát thuỷ tinh hoặc bình nhựa. Thuỷ tinh và nhựa không tạo độ ẩm.
  4. Đặt thảo mộc vào chất hút ẩm. Tránh không để hoa hay lá thảo mộc chạm vào nhau. Ta cần khoảng trống giữa các lá và cánh hoa để đảm bảo chất hút ẩm có thể len vào trong và làm khô toàn bộ thảo mộc.
    • Nếu cần giữ hình dáng của cánh hoa và lá, thì khi điều chỉnh các chất hút ẩm, bạn cũng cần kiểm tra và đặt lại vị của thảo mộc cho đúng với hình dáng ban đầu.
    • Bạn có thể xếp từng lớp chất hút ẩm và thảo mộc nếu muốn, chú ý rằng nếu phần bên trên quá nặng có thể sẽ làm dập thảo mộc phía dưới.
  5. Lấy thảo mộc ra khỏi chất hút ẩm ngay khi khô. Quá trình chỉ kéo dài vài ngày. Chất hút ẩm sẽ làm khô hoàn toàn lá và hoa thảo mộc do đó chúng hơi giòn. Để loại bỏ chất hút ẩm, hãy sử dụng một cây cọ nhỏ hoặc máy thổi để không làm hỏng cây. Cầm lên thật cẩn thận.
    • Hãy tránh sấy quá khô vì thảo mộc có thể vỡ vụn khi cầm lên.
  6. Chỉ sử dụng cho mục đích thủ công hoặc trang trí. Thảo mộc không thích hợp để tiêu thụ.

Sấy khô dùng cho mục đích thủ công[sửa]

Một vài loại thảo mộc sẽ được sấy khô dễ dàng nếu chúng được đặt đúng chỗ, chẳng hạn như cắm hoa hoặc một phần của dự án thủ công.

  1. Chọn loại thảo mộc phù hợp cho bài thủ công. Không phải loại thảo mộc nào đều được làm khô theo cách này trừ một số loại chẳng hạn như cỏ thi, thì là, hương thảo.
  2. Sử dụng thảo mộc tươi để đặt vào vị trí bạn muốn chúng được sấy khô. Ví dụ, trong một chiếc bình/bó hoa với các loại thực vật khác được sắp xếp hoặc thêm vào một dự án thủ công như vòng hoa hoặc giỏ cây.
  3. Đặt ở nơi khô ráo không có hơi ẩm. Để thảo mộc tự khô, và hãy kiểm tra thường xuyên. Nếu bạn thấy dấu hiệu của nấm mốc hay bất cứ vấn đề gì khác, hãy bỏ thảo mộc đi.

Ép khô[sửa]

  1. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ các bài hướng dẫn cách ép lá. Ép thảo mộc có thể sử dụng cho dự án trang trí thủ công như sổ lưu niệm, đóng khung, đánh dấu sách và ảnh nghệ thuật.
  2. Hoàn thành.

Lời khuyên[sửa]

  • Hạt thảo mộc được sấy khô tốt nhất bằng phương pháp sấy khô trong không khí, điều này cho phép hạt rơi vào trong túi giấy và được bảo quản trong túi kín.
  • Những thảo mộc phù hợp với việc sấy khô: Lavender (nhìn vẫn đẹp trong nhiều năm); hương thảo (có thể giữ được trong nhiều năm); lá nguyệt quế; hoa bia; oregano xám mềm; kinh giới màu hồng.
  • Tất cả những thảo mộc bị dập hoặc héo nên được bảo quản trong một túi kín tránh tiếp xúc với ánh nắng. Để có hương vị ngon nhất khi dùng nấu ăn, hãy sử dụng thảo mộc trong vòng 6 tháng sau khi sấy khô.
  • Một giá sấy khô đơn giản có thể làm từ khối gỗ (tạo hình đẹp nếu bạn thích) và được gắn những miếng gỗ cách đều. Thêm móc treo và đề chữ "thảo mộc" hoặc vẽ vài chiếc lá để ghi nhớ mục đích sử dụng. Sau đó treo giá lên một bức tường vững chắc. Gắn các nhánh thảo mộc vào từng miếng gỗ. Những loại thảo mộc thích hợp dùng phương pháp này là hương thảo, húng tây, oregano, xô thơm, kinh giới và nụ hoa.
  • Làm đông thảo mộc cũng là một phương pháp sấy khô khác. Cách này sẽ giữ hương vị tốt nhất cho nấu ăn thay vì giữ nguyên hình dạng.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh sấy khô thảo mộc ở nơi có độ ẩm cao, như phòng tắm hay phòng bếp. Nếu bạn có thể giữ cho nhà bếp ấm áp và hút ẩm tức thì nhà bếp sẽ được coi là một ngoại lệ.
  • Thảo mộc ẩm sẽ bị mốc và lên men. Nếu việc này xảy ra, hãy loại bỏ thảo mộc.
  • Rất nhiều loại thảo mộc sẽ teo lại, có màu nâu và khó nhận ra sau khi sấy khô. Việc sấy khô thảo mộc là một nghệ thuật mà bản thân học được từ không ít lần làm thử và mắc lỗi. Đôi khi bạn phải chọn giữa 1 trong 3 yếu tố hương thơm, mùi vị hay vẻ bề ngoài vì không thể giữ lại tất cả khi sấy khô.
  • Nhiệt độ cao sẽ làm hỏng thảo mộc; tránh sử dụng quá nhiều nhiệt khi sấy khô.
  • Sử dụng dây cao su thay vì dây bện. Lý do rất đơn giản - dây cao su thắt chặt quanh gốc thảo mộc khi chúng được phơi khô. Còn dây bện thì không, thảo mộc có thể bị tuột ra khỏi dây và rơi xuống đất khi được phơi khô.
  • Gel silica là chất độc. Để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi, hãy tránh xa khói của nó khi sử dụng (bằng cách đeo mặt nạ) và không tiêu thụ bất kỳ loại thảo mộc nào được sấy khô bằng gel silica.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Thảo mộc
  • Thiết bị sấy
  • Túi giấy (tuỳ chọn)
  • Bình bảo quản kín

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  • Nerys Purchon, Herbcraft, (1993), ISBN 0-340-51639-9 – nguồn tra cứu
  • Elizabeth Walker, Making Things With Herbs, (1977), ISBN 0-87983-156-1 – nguồn tra cứu
  • Nora Blose and Dawn Cusick, Herb Drying Handbook, (1993), ISBN 0-8069-0281-7 – nguồn tra cứu (lưu ý rằng cuốn sách này là một nguồn tham khảo tuyệt vời để tìm hiểu chi tiết về cách làm khô từng loại thảo mộc)

Liên kết đến đây