Bắt đầu kiểm soát sinh sản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều phụ nữ quyết định sử dụng biện pháp kiểm soát sinh sản để ngừa thai hoặc duy trì kinh nguyệt đều đặn. Sau khi quyết định một trong nhiều hình thức kiểm soát sinh sản từ việc dùng thuốc cho đến áp dụng Kế hoạch hóa Gia đình Tự nhiên (NFP), bạn nên thảo luận với bác sĩ về hình thức kiểm soát sinh sản phù hợp với sức khỏe và lối sống của mình. Sau khi chọn biện pháp ngừa thai thích hợp, bạn có thể bắt đầu theo trình tự chính xác bằng nhiều cách khác nhau.

Các bước[sửa]

Xác định hình thức kiểm soát sinh sản phù hợp[sửa]

  1. Xem xét nhu cầu và lối sống của gia đình. Khi quyết định hình thức kiểm soát sinh sản, bạn phải cân nhắc nhiều yếu tố chẳng hạn như liệu và khi nào thì bạn muốn có con, muốn uống thuốc hay không lo ngại về việc dùng thuốc hằng ngày, và lối sống của bản thân, kể cả thói quen đi lại thường xuyên. Xem xét những yếu tố này giúp bạn lựa chọn hình thức kiểm soát sinh sản tốt nhất cho bản thân.[1]
    • Đánh giá bản thân, đối tác, và mối quan hệ một cách trung thực. Mối quan hệ không phải một vợ một chồng có thể ảnh hưởng đến quyết định kiểm soát sinh sản của bạn.[1] Ví dụ, nếu có mối quan hệ lâu dài và muốn chờ vài năm mới có con, bạn nên sử dụng biện pháp ngừa thai lâu dài chẳng hạn như dụng cụ tránh thai (IUD). Nếu quan hệ với nhiều đối tác, bạn nên dùng thuốc ngừa thai và bao cao su để tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.[1]
    • Nếu có mối quan hệ lâu dài, bạn và nửa kia có thể cùng nhau quyết định sao cho phù hợp với lối sống của cả hai.
    • Trả lời một số câu hỏi như là “mình có muốn chuẩn bị trước mỗi lần quan hệ hay không?,” “mình có cần phải nhớ uống thuốc hằng ngày hay không?,” “mình có muốn triệt sản vĩnh viễn hay không?”.[1]
    • Ngoài ra bạn cần xem xét tình trạng sức khỏe của mình. Ví dụ, nếu bị đau tiền đình, bạn không nên dùng thuốc ngừa thai.
  2. Tìm hiểu các hình thức kiểm soát sinh sản khác nhau. Bạn có thể lựa chọn một trong nhiều biện pháp phòng tránh thai đa dạng. Việc tìm hiểu các hình thức kiểm soát giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân.
    • Bạn có thể chọn phương pháp hàng rào được sử dụng trước khi giao hợp như là bao cao su dành cho nam và nữ, màng chắn, nắp cổ tử cung, và thuốc diệt tinh trùng.[1]
    • Nếu dùng đúng cách, các biện pháp này có thể ngăn chặn có thai ngoài ý muốn, nhưng bạn nên áp dụng thêm hình thức dự phòng để bảo đảm chắc chắn. Ví dụ, nếu đang dùng bao cao su với nguy cơ thất bại từ 2-18%, bạn có thể kết hợp thêm thuốc diệt tinh trùng.[2]
    • Biện pháp ngừa thai nội tiết tố có tỷ lệ thất bại thấp từ dưới 1% đến 9% là sự lựa chọn phù hợp nếu bạn muốn ngừa thai và đang trong mối quan hệ lâu dài.[3] Biện pháp ngừa thai này có ở dạng thuốc, miếng dán, hoặc vòng âm đạo.[4] Thuốc ngừa thai có thêm tác dụng điều hòa kinh nguyệt.[5]
    • Bạn có thể chọn phương pháp ngừa thai đảo ngược kéo dài (LARC) chẳng hạn như IUD, tiêm nội tiết tố, hoặc cấy ngừa thai nếu muốn kéo dài thời gian có con. Sau khi ngừng áp dụng biện pháp ngừa thai, cơ thể cần một khoảng thời gian để trở lại bình thường, nhưng chúng không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai về lâu dài.[6]
    • Triệt sản là phương pháp ngừa thai hiệu quả nếu bạn không muốn có con nữa. Thắt ống dẫn tinh và ống dẫn trứng là những biện pháp không thể phục hồi lại và cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định áp dụng cuối cùng.[7]
    • Kế hoạch hóa gia đình tự nhiên, hoặc NFP, không sử dụng thuốc và có tác dụng ngay tức thời giống như bao cao su. Đây là sự lựa chọn phù hợp trong trường hợp bạn không thể sử dụng biện pháp tránh thai khác hoặc đơn giản là không muốn áp dụng hình thức ngừa thai nào khác. Tuy nhiên, kế hoạch hóa gia đình tự nhiên có tỷ lệ thất bại cao và không thể sử dụng nếu bạn thật sự không muốn có con. NFP bao gồm phương pháp nhịp điệu, kiểm tra chất nhầy cổ tử cung và nhiệt độ cơ bản, hoặc rút dương vật ra khỏi âm đạo.[8] Các phương pháp này yêu cầu đòi hỏi phải lên kế hoạch rất nhiều và kiên trì, nhưng bù lại không tốn một đồng xu nào hay có tác dụng phụ.[8]
  3. Nhận biết rủi ro của từng phương pháp kiểm soát sinh sản. Mỗi phương pháp đều có nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, bao gồm mang thai ngoài ý muốn. Bạn cần hiểu rõ nguy cơ và tác dụng phụ của từng phương pháp kiểm soát sinh sản nhằm đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân.
    • Biện pháp kiểm soát sinh sản nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc ngừa thai, miếng dán, và vòng âm đạo tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), nhưng lại có tác dụng giảm thiểu rủi ro ung thư buồng trứng.
    • Phương pháp hàng rào như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, và nắp cổ tử cung có thể gây dị ứng và tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc STD.[9]
    • Rủi ro của biện pháp ngừa thai đảo ngược kéo dài (LARC) bao gồm thủng cổ tử cung, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu và mang thai ngoài tử cung, cũng như đau bụng kinh và chảy máu dữ dội.[10]
    • Mặc dù NFP không có rủi ro nhất định, nhưng bạn vẫn có thể mang thai ngoài ý muốn vì phương pháp này không hiệu quả như các hình thức tránh thai khác.[8]
  4. Quyết định phương pháp kiểm soát sinh sản phù hợp với bạn. Sau khi đã nghiên cứu các hình thức tránh thai, bạn có thể đưa ra quyết định lựa chọn tốt nhất. Bạn nên trao đổi với đối tác và bác sĩ để khuyến nghị phương pháp phù hợp như là thuốc ngừa thai, LARC, và triệt sản.

Sử dụng phương pháp hàng rào[sửa]

  1. Sử dụng bao cao su nam và nữ ngay trước khi giao hợp. Bao cao su là vỏ bọc có chất liệu cao su (nam) hoặc nhựa (nữ) dùng để bao kín dương vật hoặc đưa vào âm đạo ngay trước khi giao hợp. Bạn không cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để áp dụng phương pháp này và có thể tiến hành ngay lập tức.
    • Bạn có thể mua bao cao su nam và nữ tại hầu hết quầy thuốc tây và một vài cửa hàng tạp hóa.
    • Bạn và đối tác cần biết cách sử dụng bao cao su. Điều này giúp bạn tránh được nguy cơ mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm STD.[9]
    • Nếu sử dụng đúng cách, bao cao su là phương pháp ngừa thai duy nhất có tác dụng ngăn ngừa STD.[9]
  2. Đưa thuốc diệt tinh trùng hoặc miếng bọt biển vào đúng vị trí trước và sau khi quan hệ. Thuốc diệt tinh trùng và bọt biển là những phương pháp hàng rào đưa vào âm đạo 30 phút trước khi quan hệ và để cố định từ 6-8 tiếng sau khi giao hợp xong.[9] Cũng như bao cao su, bạn không cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc diệt tinh trùng và có thể áp dụng ngay.
    • Bạn có thể mua thuốc diệt tinh trùng và bọt biển tại quầy thuốc tây và cửa hàng tạp hóa với giá thành rẻ.[9]
    • Thuốc diệt tinh trùng được sản xuất dưới dạng bọt, kem, nhớt, màng mỏng, và thuốc đạn có khả năng tan chảy sau khi đưa vào âm đạo.[9]
    • Bọt biển là dụng cụ có hình dạng như chiếc nhẫn được phủ lớp thuốc diệt tinh trùng. Bạn có thể tự đặt miếng bọt biển vào âm đạo và chúng sẽ lấp kín cổ tử cung.[9]
  3. Sử dụng màng chắn hoặc nắp cổ tử cung. Đây là hai phương pháp hàng rào có chất liệu cao su, xi-li-côn, hoặc nhựa. Cả hai đều kết hợp với thuốc diệt tinh trùng và cần được bác sĩ kê toa.[9]
    • Màng chắn là dụng cụ hình vòm được đưa vào âm đạo để che lấp cổ tử cung. Chúng có chất liệu cao su hoặc xi-li-côn và bạn cần dùng kèm theo thuốc diệt tinh trùng.[9]
    • Nắp cổ tử cung có hình vòm che kín cổ tử cung bằng sức hút. Chúng có chất liệu nhựa và bạn cần dùng kèm theo chất diệt tinh trùng.[9]
    • Đi khám bác sĩ nếu bạn quyết định sử dụng màng chắn hoặc nắp cổ tử cung. Bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp màng chắn và kê toa thuốc.[9]
    • Để sử dụng phương pháp này, bạn cần được kê toa trước. Đưa màng chắn hoặc nắp cổ tử cung vào trong âm đạo từ 2-6 giờ trước khi quan hệ và thoa thuốc diệt tinh trùng mỗi lần giao hợp.[9]

Lựa chọn phương pháp kiểm soát sinh sản nội tiết tố[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Nếu quyết định sử dụng biện pháp ngừa thai nội tiết tố dưới dạng thuốc viên, miếng dán, hoặc vòng âm đạo, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước. Bác sĩ sẽ đưa ra một vài lựa chọn và sau đó chỉ định phương pháp phù hợp với sức khỏe và lối sống của bạn.
    • Bạn cần phải được kê toa trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, miếng dán hoặc vòng âm đạo ngừa thai.[4]
    • Thuốc ngừa thai có nhiều loại khác nhau từ 21 cho đến 365 ngày cũng như kết hợp đa dạng estrogen và progestin.[4] Trong thời gian không dùng thuốc, bạn sẽ có kinh nguyệt.[4]
    • Vòng âm đạo là vòng nhựa dẻo được đưa vào âm đạo trong vòng 21 ngày. Chúng sản sinh nội tiết tố thấm vào mô âm đạo và chuyển sang toàn bộ cơ thể. Sau 21 ngày, kinh nguyệt sẽ xuất hiện.[4]
    • Miếng dán tránh thai được dán lên da trong ba tuần liên tiếp. Bạn sẽ có kinh nguyệt ở tuần thứ tư và sau đó sử dụng miếng dán mới. Chúng tiết ra estrogen và progestin thâm nhập vào cơ thể qua bề mặt da.[4]
  2. Nhận đơn thuốc. Trước khi bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố, bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác định phương pháp mà bạn lựa chọn. Bạn có thể lấy đơn thuốc tại quầy thuốc tây địa phương và thường có thể đưa vào sử dụng ngay lập tức.
    • Bạn cần lưu ý rằng một số nhà thuốc sẽ không cung cấp đơn thuốc ngừa thai nội tiết tố vì lý do đạo đức. Hầu hết bảo hiểm không bao gồm chi phí ngừa thai nội tiết tố vì rất tốn kém.
  3. Bắt đầu sử dụng biện pháp ngừa thai nội tiết tố. Sau khi nhận toa, bạn có thể sử dụng biện pháp này. Nếu đang hành kinh, bạn nên chờ cho đến khi chu kỳ kết thúc thì mới có thể áp dụng phương pháp ngừa thai.
    • Bắt đầu uống thuốc vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt hoặc Chủ nhật sau khi bắt đầu có kinh nguyệt. Nếu kinh nguyệt không đều, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng biện pháp ngay lập tức.
    • Chảy máu và đau ngực là hiện tượng phổ biến cho đến khi biện pháp ngừa thai nội tiết tố bắt đầu điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của bạn.[4]
  4. Sử dụng biện pháp ngừa thai nội tiết tố liên tục để tránh thai. Đây là điều hết sức quan trọng. Uống thuốc hằng ngày, dùng miếng dán hoặc đặt vòng âm đạo sau bốn tuần có thể giúp bạn tránh mang thai ngoài ý muốn và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.[4]
    • Dùng thuốc cố định mỗi ngày để nhắc nhở bạn uống thường xuyên, tránh tình trạng quên sử dụng thuốc dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
    • Một số loại thuốc nhỏ cần được sử dụng trong thời điểm cố định hằng ngày để phát huy tác dụng tối đa.[11]
    • Nếu thường xuyên đi lại, bạn khó có thể xác định thời gian chính xác cho các phương pháp này. Nếu không chắc chắn về hiện tượng lệch khung giờ trong lúc di chuyển, bạn nên chuẩn bị biện pháp ngừa thai dự phòng chẳng hạn như thuốc ngừa thai cho đến khi tiếp tục phương pháp kiểm soát sinh sản nội tiết tố thường xuyên.

Sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn[sửa]

  1. Cấy dụng cụ tránh thai. Nếu muốn áp dụng biện pháp tránh thai đảo ngược kéo dài, hoặc LARC, biện pháp tránh thai không can thiệp đến hoạt động thường ngày và an toàn đối với phụ nữ, bạn có thể yêu cầu bác sĩ cấy dụng cụ tránh thai. Dụng cụ này làm từ chất liệu nhựa và có hình chữ T giúp ngừa thai từ 3 đến 10 năm.[10]
    • Trong phương pháp này, bác sĩ phải đặt và loại bỏ IUD để bạn có thể bắt đầu áp dụng biện pháp này.[10]
    • Quá trình đặt dụng cụ tránh thai có thể gây khó chịu và có thể xuất hiện chảy máu kinh nguyệt.[10]
    • Cần lưu ý rằng bảo hiểm có thể không thanh toán chi phí IUD và giá thành có thể rất cao.
  2. Cấy tránh thai. Biện pháp này ngăn rụng trứng và giúp ngừa thai tối đa 3 năm.[10] Cũng như LARC khác, bác sĩ tiến hành cấy ghép tránh thai bằng cách tiêm dưới vùng da cánh tay trên.[10]
    • Thủ tục cấy tránh thai không cần phẫu thuật hoặc rạch da. Bác sĩ chỉ mất vài phút cấy que nhỏ và mềm dẻo bằng dụng cụ đặc biệt.[10]
    • Bảo hiểm có thể không bao gồm chi phí cấy tránh thai vì khá tốn kém.
  3. Tiêm tránh thai. Bạn có thể lựa chọn tiêm thuốc tránh thai depot medroxyprogesterone acetate nội tiết tố có tác dụng ngừa thai trong vòng ba tháng.[12]
    • Bác sĩ sẽ tiêm nội tiết tố 13 tuần một lần để phát huy tác dụng tối đa. Bạn có thể tiêm mũi đầu tiên bất kỳ lúc nào trong thời gian có kinh nguyệt.[12]
    • Cũng như thuốc tránh thai, bạn nên tiêm liên tục. Nếu trì hoãn việc tiêm hơn hai tuần, bạn cần sử dụng biện pháp ngừa thai dự phòng.[12]
    • Bảo hiểm có thể không thanh toán chi phí tiêm tránh thai vì khá đắt đỏ.
    • Tiêm tránh thai có thể làm tăng cân.
  4. Cân nhắc triệt sản vĩnh viễn. Nếu chắc chắn rằng không muốn có con, bạn có thể xem xét phương pháp triệt sản. Hình thức này có thể áp dụng cho cả nam lẫn nữ và cần phải tiến hành phẫu thuật.[7]
    • Nam giới chỉ có thể phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, tức là cắt và bịt kín ống dẫn tinh. Nếu thành công, người nam sẽ không thể thụ tinh được nữa.[7]
    • Phụ nữ có thể chọn một trong hai phương pháp thắt ống dẫn trứng hoặc hệ thống Essure chẹn ống dẫn trứng. Phương pháp thắt ống dẫn trứng yêu cầu phải tiến hành phẫu thuật.[7]
    • Nói chung phương pháp triệt sản có tác dụng vĩnh viễn, mặc dù vẫn có một số trường hợp thất bại.[7]
    • Bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định triệt sản vì cơ thể sẽ không còn khả năng sinh sản.
    • Cần lưu ý rằng một số nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ không tiến hành triệt sản cho phụ nữ dưới độ tuổi nhất định.
    • Cần lưu ý rằng bảo hiểm có thể không thanh toán chi phí triệt sản và giá thành có thể khá cao.

Sử dụng kế hoạch hóa gia đình tự nhiên[sửa]

  1. Nhận biết thay đổi trong chất nhầy cổ tử cung. Chất nhầy trong cổ tử cung của phụ nữ thay đổi liên tục theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể ngừa thai bằng cách nhận biết thay đổi trong chất nhầy cổ tử cung.[13]
    • Phương pháp này không đòi hỏi phải đi khám bác sĩ và có thể đưa vào áp dụng ngay lập tức.[13]
    • Trước khi rụng trứng, chất nhầy cổ tử cung được tăng cường và trở nên co giãn và đàn hồi. Ngay sau khi rụng trứng, lượng chất nhầy sẽ giảm đi, trở nên đặc hơn và khó nhìn thấy.[13]
    • Bạn cần thoải mái với cơ thể của mình và kiên trì tiến hành kiểm tra chất nhầy cổ tử cung trong chu kỳ để phương pháp trở nên hiệu quả.[13]
  2. Thực hiện phương pháp Ngày Tiêu chuẩn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách quan sát “nguyên tắc tiêu chuẩn” chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ bình thường từ 26 đến 32 ngày. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải tránh quan hệ vào một số ngày nhất định trong chu kỳ.[13]
    • Bạn không cần đi khám bác sĩ và có thể áp dụng phương pháp này ngay lập tức.[13]
    • Bạn nên kiêng quan hệ từ ngày thứ 8 đến 19 trong chu kỳ kinh nguyệt để ngăn ngừa mang thai.[13]
    • Bạn cần liên tục theo dõi chu kỳ để phương pháp có hiệu quả.
  3. Kiểm tra nhiệt độ cơ thể cơ bản. Phương pháp này xác định nhiệt độ cơ thể cơ bản, hoặc nhiệt độ cơ thể trong lúc nghỉ ngơi thường tăng lên trong thời gian rụng trứng. Bạn cần theo dõi nhiệt độ hằng ngày và tránh quan hệ hoàn toàn nếu chọn cách đo nhiệt độ cơ thể cơ bản.[13]
    • Bạn không cần đi khám bác sĩ và có thể áp dụng phương pháp này ngay lập tức.[13]
    • Nhiệt độ cơ thể tăng từ 0,3-0,5 độ C báo hiệu giai đoạn rụng trứng. Nếu nhiệt độ cơ thể tăng cao, bạn nên kiêng quan hệ để tránh thai.[13]
    • Bạn phải luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể nếu áp dụng biện pháp này để phát huy hiệu quả. Ví dụ, bạn nên đo nhiệt độ vào buổi sáng khi thức dậy để làm chuẩn.[13]
  4. Gián đoạn xuất tinh bằng cách rút dương vật ra ngoài. Phương này còn có tên gọi là gián đoạn giao hợp, trong đó người nam rút dương vật ra khỏi âm đạo và tránh xa vùng kín của người nữ trước khi xuất tinh. Đây là phương pháp ít mang lại hiệu quả và thường dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.[14]
    • Phương pháp gián đoạn giao hợp không cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ và có thể áp dụng ngay lập tức.
    • Phương pháp này đỏi hỏi cả hai phải biết kiểm soát tốt.[14]
    • Ngay cả khi người nam rút dương vật, tinh trùng vẫn có thể xâm nhập vào âm đạo trước khi xuất tinh hoặc nếu không rút dương vật đúng lúc.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn cần thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ tiềm ẩn của từng biện pháp ngừa thai .
  • Bạn cần hiểu rằng một phương pháp kiểm soát sinh sản có thể hiệu quả với người này nhưng lại không có tác dụng với người khác. Cơ thể của mỗi người phụ nữ không giống nhau, vì thế bạn cần trao đổi từng phương pháp với bác sĩ và đối tác của mình. Luôn thành thật với bác sĩ về đời sống chăn gối cũng như cơ thể của mình.

Cảnh báo[sửa]

  • Đọc nội dung cảnh báo đi kèm từng phương pháp kiểm soát sinh sản. Nếu có thắc mắc, bạn nên hỏi bác sĩ, chuyên gia y tế, hoặc dược sĩ để được tư vấn.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/birth-control/basics/birth-control-basics/hlv-20049454
  2. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/condom
  3. http://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-pill
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 4,7 http://www.acog.org/Patients/FAQs/Combined-Hormonal-Birth-Control-Pill-Patch-and-Ring
  5. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/birth-control/basics/birth-control-pills/hlv-20049454
  6. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/birth-control/basics/seo/hlv-20049454
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/birth-control/basics/sterilization/hlv-20049454
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/birth-control/basics/natural-family-planning/hlv-20049454
  9. 9,00 9,01 9,02 9,03 9,04 9,05 9,06 9,07 9,08 9,09 9,10 9,11 http://www.acog.org/Patients/FAQs/Barrier-Methods-of-Birth-Control-Diaphragm-Sponge-Cervical-Cap-and-Condom
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 10,4 10,5 10,6 http://www.acog.org/Patients/FAQs/Long-Acting-Reversible-Contraception-LARC-IUD-and-Implant
  11. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/minipill/basics/definition/prc-20012857
  12. 12,0 12,1 12,2 http://www.acog.org/Patients/FAQs/Progestin-Only-Hormonal-Birth-Control-Pill-and-Injection
  13. 13,00 13,01 13,02 13,03 13,04 13,05 13,06 13,07 13,08 13,09 13,10 http://www.acog.org/Patients/FAQs/Fertility-Awareness-Based-Methods-of-Family-Planning
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/withdrawal-method/basics/definition/prc-20020661