Bức xúc bậy và phẫn nộ ngược
(VLOS): "Bức xúc bậy và phẫn nộ ngược" là tập một trong TỦ SÁCH ĐỂ CHƠI MẠNG VUI của tác giả Phạm Tuấn Anh. Sau 22 năm bôn ba trên mạng internet, tác giả đúc kết và chia sẻ cho chúng ta một hệ thống kinh nghiệm về cách ứng xử trên mạng xã hội để đời mạng của mỗi người được vui vẻ và hạnh phúc hơn. VLOS trân trọng giới thiệu.
Sau 22 năm lê la cõi mạng, tôi đã học được nhiều bài học, rút được nhiều kinh nghiệm. Nhân vụ Nhà báo T[1] mắng hoa hậu H'Hen Niê (tên nàng là cả một bài thơ) và những lùm xùm quanh đó, tôi xin chia sẻ với các bạn một vài lời khuyên biết đâu các bạn có thể dùng để giúp cải thiện các trải nghiệm mạng. Đời mạng ngày nay đối với nhiều người quan trọng không kém gì đời thực nên một đời mạng vui vẻ hạnh phúc cũng là một điều đáng quý.
Mục lục
- 1 Môi trường mạng
- 2 1. Đừng miệt thị, xúc phạm, mạt sát ai
- 3 2. Đừng leo thang, thổi phồng, chạy đua vũ trang
- 4 3. Đừng vận hết mọi sự vào mình
- 5 4. Có thể làm bồi thẩm viên nhân dân để luận tội nhưng đừng làm quan tòa áp đặt sự trừng phạt
- 6 5. Đừng phẫn nộ ngược
- 7 6. Luôn tìm kiếm khía cạnh hài hước, con người trong mọi tình huống
- 8 7. Thước đo xấu tốt đáng tin cậy
- 9 Chú thích
- 10 Nguồn
Môi trường mạng[sửa]
Các tình huống trên mạng là những tình huống đời thực đã được "làm gầy" đi. Ở trên mạng, người ta ít chịu bó buộc hơn bởi các quy tắc hành xử ngoài đời do mỗi người vẫn có tính vô/ẩn danh tương đối. Hơn nữa, những ranh giới xã hội như giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, hình thức xấu đẹp, vị thế kinh tế, vv dường như bị cào bằng khiến cho việc tiếp xúc với nhau trở nên dễ dàng hơn ngoài đời thực rất nhiều. Người ta đến với nhau vì những gì người ta viết ra, và do câu chữ mất nhiều công sức hơn để nghĩ và viết xuống, và khó bị xóa bỏ đi hơn lời nói, có thể coi như lời viết xuống bao hàm nhiều giá trị sự thật hơn lời nói gió bay. Những lời viết tốt đẹp vì thế có lẽ tốt đẹp hơn lời nói tốt đẹp tương tự; đồng thời những lời lẽ tức giận, nặng nề vì thế có lẽ cũng nghiêm trọng và dễ gây tổn thương hơn nhiều lời nói bực giận tương tự.
Một đặc điểm khác nữa của đời mạng là nó cho phép người ta dễ dàng tham gia "nhúng mũi" vào nhiều chuyện cùng lúc. Người ta có thể bày tỏ thái độ về rất nhiều vấn đề, không bị tốn kém mấy về thời gian, danh tiếng, danh tính, hay tiền bạc. Mặt tích cực của đặc điểm "không tốn kém" này là nó cho phép những người có những điều đáng nói được nói ra để người khác nghe. Điểm tiêu cực là những người chỉ biết nói mà không biết nghe trở nên giống như đám trẻ con được thả vào thế giới kẹo.
Trong môi trường với những đặc điểm phác họa ở trên chúng ta nên hành xử thế nào khi đối mặt với mâu thuẫn.
1. Đừng miệt thị, xúc phạm, mạt sát ai[sửa]
Chúng ta có thời gian để nghĩ trước khi viết xuống. Nên suy nghĩ kỹ trước khi xúc phạm ai đó vì bất kỳ lý do gì. Nên tự hỏi mình nếu họ xúc phạm lại mình như mình xúc phạm họ thì cảm giác của mình ra sao và mình sẽ phản ứng lại thế nào. Chúng ta ai cũng sống trong nhà kính trong môi trường mạng và vì thế nên cẩn thận trước khi ném đá vào nhà người khác.
Nếu bị xúc phạm, miệt thị, mạt sát - hãy phản ứng chậm lại để hiểu tại sao người ta lại làm thế với mình. Nếu cần, hãy xin lỗi. Nếu xin lỗi rồi mà họ vẫn tiếp tục làm vậy, hãy tránh xa họ ra.
2. Đừng leo thang, thổi phồng, chạy đua vũ trang[sửa]
Nếu phải đáp trả bằng lời lẽ nặng nề, xin lưu ý tránh dùng lời lẽ nặng nề hơn lời lẽ người ta dùng với mình. Nếu bênh vực người khác, xin lưu ý đừng đánh trả bằng lời lẽ nặng nề hơn lời lẽ người mình bênh vực bị tấn công.
Nhà báo T tấn công em Honey[2] bằng những lời lẽ tục tằn, xúc phạm - nhiều người khác phẫn nộ thay cho em và vào chửi bới T bằng những lời lẽ rác rưởi, bẩn thỉu còn hơn nhiều những lời T dùng. Họ bênh vực hoa hậu do T đã vi phạm một nguyên tắc nào đó có vẻ rất quan trọng đối với họ - nhưng khi bảo vệ nguyên tắc đó họ lại vi phạm chính nguyên tắc đó. Những người này không đáng tin và mình đừng hành xử như họ. Xin tránh hành động BỨC XÚC BẬY kiểu này.
3. Đừng vận hết mọi sự vào mình[sửa]
Những người mới chơi mạng chưa có nhiều kinh nghiệm tranh luận trong môi trường ẩn danh thường bị sốc nặng khi người khác viết rõ ràng những lời lẽ xúc phạm đích danh tới mình. Dần dần khi đã có nhiều kinh nghiệm, người ta sẽ nhận ra là những lời xúc phạm trực tiếp tới cá nhân thường đến từ những nguồn phát biểu chất lượng tồi và vì thế không cần phải để tâm. Cũng như trong đời thật không nên mất công cãi lộn vì mấy câu đ. mẹ, đ. cha, trong đời mạng cũng không cần phải vận những thứ chửi bới bậy bạ, tục tĩu vào mình cho nặng đầu.
Nguồn cơn của nhiều bức xúc trên mạng lại đến từ việc nhiều điều người ta tin bị tấn công. Nếu chúng ta tin anh Thăng[3], cụ 3X[4], cụ Trọng[5], anh Lái Gió[6] vv là người tốt, chúng ta sẵn sàng tung hoành chiến đấu bảo vệ họ khi họ bị kẻ khác tấn công. Hoặc giả có đứa chửi người Nam người Bắc, người Thanh Hóa, người Nghệ An, người miền Tây vv chúng ta đều có thể vận vào mình để chửi lại cho chúng nó chết. Hai bên chửi nhau theo kiểu tấn công này thường không dẫn đến một kết cục tốt.
Cách tốt nhất theo tôi là trước khi phẫn nộ cần xác định rõ ràng một nguyên tắc chung, phổ biến nào đó đã bị vi phạm. Đừng phẫn nộ chỉ đơn giản vì mình bị xúc phạm. Hãy tìm cách xác định nguyên tắc căn bản, nền tảng nào đã bị người ta vi phạm ngay cả khi đối tượng bị tấn công là mình. Tôi phẫn nộ vì tôi tin vào nguyên tắc không ai đáng bị kỳ thị bởi mầu da, giới tính, chủng tộc, xuất thân, niềm tin vv chứ không phải chỉ vì anh mắng tôi là con khỉ không đuôi da đen như bìu dái. Nếu không xác định được nguyên tắc bị vi phạm chúng ta dễ phản ứng lại bằng cách xúc phạm người ta theo cách tương tự người ta xúc phạm mình (hay người khác). Nếu xác định được, chúng ta có sẵn vũ khí là lẽ phải sẽ có cách hóa giải bạo lực lời lẽ một cách cao thượng và thông minh hơn.
Trong mọi trường hợp, hãy vận dụng lẽ phải và biến chính nghĩa thành đồng minh của mình, đừng cô độc chiến đấu với cái ngu, cái ác.
4. Có thể làm bồi thẩm viên nhân dân để luận tội nhưng đừng làm quan tòa áp đặt sự trừng phạt[sửa]
Ở diễn đàn Thanh niên xa mẹ tathy[7] nhiều năm trước có người tên Nguyễn Đức Quý Ziên thì phải tới post những lời kỳ quái và thách thức các bạn chơi diễn đàn, bỏ cả số điện thoại lên thách người ta gọi đến để đàm luận về Phật pháp. Một cậu nào đó trên diễn đàn gọi đến số này và gặp người nhà cậu kia xong bảo người ta con nhà người ta bị điên, vv và vv xong lên diễn đàn khoe chiến tích. Tôi có nói là làm thế là sai. Dù người ta có để số điện thoại lại, mình cũng không có quyền dùng số đó để gọi đến làm hại người ta, là cách dùng vượt quá thẩm quyền mà người ta cho phép mình làm. Trong trường hợp đó, người gọi điện đã tự cho mình đóng vai trò quan tòa và đao phủ, quyết định và thực hiện sự trừng phạt.
Hoa hậu Honey phát biểu gì đó về đời mạng, vi phạm nguyên tắc nào đó của T; T bức xúc tự cho mình quyền phán xử, áp đặt lệnh trừng phạt lên em Honey, và tự xử luôn. Tội/lỗi nếu có là nhỏ nhưng biện pháp trừng phạt lại rất nghiêm khắc. Môi trường mạng tốt đẹp vì mang lại hiểu biết, kiến thức cho T nên T thấy cần chiến đấu bảo vệ, nhưng khi bảo vệ cái tốt T lại hành xử như người chưa lên mạng bao giờ, chưa từng được hưởng những điều tốt đẹp mà môi trường mạng mang lại.
Nếu thấy điều gì bức xúc, hãy đưa ra thảo luận với mọi người và cùng tìm cách giải quyết tốt. Nếu bức xúc với một thứ tuyên truyền bịa đặt, hãy thông minh nghĩ ra cách hóa giải tuyên truyền đó bằng phản tuyên truyền. Ở trên mạng có thể làm chỉ điểm nhưng xin tránh làm quan tòa hay/và đao phủ.
5. Đừng phẫn nộ ngược[sửa]
Trong mọi trường hợp dư luận xã hội bất bình với một ai đó, luôn có những tiếng nói phẫn nộ với sự bất bình của xã hội. Vụ Khải Silk[8], vụ T[1], vụ anh Trịnh Xuân Thanh[9], vv luôn luôn có những người đi chửi những người đi chửi.
Cho phép người ta có tiếng nói phản biện mà không sợ bị trừng phạt là một ưu điểm của môi trường mạng. Lội ngược dòng nếu đi đúng đường thì là việc rất tốt, đáng làm. Tuy thế, rất nhiều người phẫn nộ ngược dường như bỏ qua hẳn việc người bị phê bình đã có lỗi để đáng bị phê bình và chỉ tập trung phản bác việc người khác phê bình người đó là quá nặng nề. Chính việc họ cư xử có phần thiên lệch này mà đa số các tiếng nói phản biện này trở nên các nhà đạo đức hành xử cao đạo từ tháp ngà tư tưởng hơn là những người quan sát thông thái, gần gũi với công luận, nắm bắt được bản chất giản dị của vấn đề đang gây bức xúc. Họ hay tỏ ra ghê sợ hội chứng đám đông, sợ bọn ném đá, nhậu nhân phẩm, vv. Những tiếng nói phẫn nộ ngược này mang đến một khía cạnh giải trí cho thảo luận xã hội nhất là khi họ bảo vệ những người đáng bị phê bình bằng cách vận dụng hay vi phạm chính những nguyên tắc đã bị vi phạm hay đang được vận dụng.
Theo tôi, nếu cần phản biện nên nói ngắn, ít, đủ và cũng không leo thang. Giống như cô bồ đi đánh ghen ngược với bà vợ, đa phần kết quả của việc này chẳng ra cái gì.
6. Luôn tìm kiếm khía cạnh hài hước, con người trong mọi tình huống[sửa]
Bao nhiêu năm chơi mạng, bao nhiêu năm đọc sách, bao nhiêu năm suy nghĩ và quan sát con người và các hoàn cảnh con người ở mọi nơi, tôi nhận ra một điều là gần như luôn tồn tại một giác độ hài hước, giải trí thân thiện, không ác ý trong mọi tình huống dù đau khổ, tuyệt vọng đến đâu. Hiểu được điều đó tôi luôn cố tìm ra và khai thác khía cạnh gây cười đó. Cái cười này không phải thứ cười vô duyên trong đám ma mà là cái cười lạc quan trước những thứ trớ trêu, mỉa mai, ngớ ngẩn của bản tính và giao tiếp con người. Tìm ra được khía cạnh đó khiến chúng ta không tuyệt vọng, không cay đắng, và cũng miễn thù hằn. Lợi ích của tâm thế này là gì có lẽ không cần phải nói rõ ra.
Đời đã nhiều điều buồn, điều khổ, hãy cố cười lên khi có thể và cả khi không thể.
7. Thước đo xấu tốt đáng tin cậy[sửa]
Khi còn trẻ lúc mới ra đời sống còn thiếu kiến thức, thiếu kim chỉ nam, thiếu phương châm, lý tưởng, kinh nghiệm, thiếu tất cả mọi thứ - câu hỏi lớn nhất tôi nghĩ đến là làm sao phân định được tốt với xấu. Bao năm trôi qua, tôi dường như đã có câu trả lời. Câu trả lời có thể đúng, có thể sai tôi có lẽ không bao giờ biết nhưng cho đến giờ câu trả lời này đã cung cấp cho tôi hướng đi đúng đắn.
Khi nghĩ về những con người tôi quý mến, kính trọng; những con người được cuộc đời quý mến, kính trọng, và dùng làm ví dụ răn dạy cho người sau tôi thấy một điểm chung là họ có một thái độ tích cực với con người. Nói một cách đơn giản, một người chỉ là người tốt nếu người đó sống tốt với người khác. Hiểu ra được điều này, tôi tránh được những lỗi lầm của nhiều người đi trước. Tôi không tìm đến những người bạn thành đạt về vị trí hay tiền bạc hay sự nổi tiếng vv mà dùng thước đo kín đáo xem họ cư xử với người khác ra sao. Người khác đây cũng không phải chỉ là cách họ cư xử với tôi hay với gia đình họ mà là cách họ cư xử với người đời, người dưng nước lã, hay cách họ đúc rút những bài học đối nhân xử thế trong cuộc sống, cách họ rung động trước hoàn cảnh của đồng bào và đồng loại, cách họ hào phóng chia sẻ những gì họ có, cách họ khuyến khích và tạo điều kiện cho người khác cùng phát triển, cách họ bày tỏ lòng biết ơn, vv - tóm lại tức là liệu họ có phải là con người hào hiệp, cao thượng hay không. Địa vị, tiền tài, danh vọng ở một người đàn ông cũng giống như sắc đẹp ở một người phụ nữ là thứ dễ lôi cuốn người khác đến nhưng cái giữ người khác ở lại lại là lòng tốt với con người, một nhân sinh quan tiến bộ, nuôi dưỡng, hỗ trợ tha nhân. Gặp những người tốt quanh mình thì dù vị trí họ có khiêm tốn ra sao, hình thức họ có xấu xí thế nào mình cũng ghi nhận và ở lại quanh họ. Ngược lại những người giầu có, địa vị cao vời đến đâu mà có cách hành xử không ra gì mình cũng không rung động mảy may.
Cách nghĩ này áp dụng trong đời mạng lại càng hiệu quả do những thứ hình thức bề ngoài lên mạng đã bị giảm tác dụng đi nhiều phần, chỉ có tâm tư sâu xa người ta phản ánh qua những điều người ta viết ra. Có thể có người viết ngày một ngày hai vài điều giả tạo nhưng người ta không thể làm thế trong suốt 10 năm tôi quen người ta chỉ ở trên mạng. Tình bạn trên mạng xuất phát từ những điểm tâm giao đấy mà thành ra lâu dài và bền vững không cần gặp mặt nhau.
Khi bức xúc lúc phẫn nộ, hãy tìm cách quy đồng những thứ làm mình bực bội về một thước đo nguyên tắc con người phổ quát nào đó. Nếu làm được vậy, mình không mất thời gian chê bai một người không biết cách cài khuy áo complet hay đi tất trắng với giầy đen vì những việc tương tự thế không vi phạm nguyên tắc con người nào cả. Mình nhờ thế sẽ bao dung hơn, bỏ qua được những tiểu khuyết trong người khác và cả trong mình. Và khi mình đã thật tâm bức xúc và phẫn nộ, mình đã nhận thức được là có những nguyên tắc con người nền tảng căn bản bị vi phạm. Lúc đó chùm nho trong mình tím đen đi vì phẫn nộ, trông thâm nho chẳng khác gì cái ấy của anh T. Ít khi cần phải bực nhưng đã bực thì phải thế mới oai.
Chúc mừng Năm mới và cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài dài tôi viết.
Chú thích[sửa]
- Các tiểu mục và chú thích trong bài là do thành viên Nguyễn Thế Phúc thêm vào.
- ↑ 1,0 1,1 Tên thật của nhân vật đã được thay đổi. http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/the-gioi-sao/phong-vien-dao-tuan-nhan-sai-va-xin-loi-vi-xuc-pham-hoa-hau-h-hen-nie-422609.html
- ↑ Tác giả gọi tên của hoa hậu H'Hen Niê theo một cách khác
- ↑ Tác giả muốn nói đến Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII Đinh La Thăng
- ↑ Một mật danh của đời mạng dành cho một thủ tướng của Việt Nam
- ↑ Tác giả muốn nói đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
- ↑ Một cách gọi của tác giả dành cho facebooker có tên Người Buôn Gió
- ↑ Tác giả muốn nói đến một diễn đàn trên mạng, có địa chỉ là tathy.com
- ↑ http://soha.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-noi-ve-lua-tau-khaisilk-niem-tin-va-su-tu-hao-ve-mot-thuong-hieu-lua-do-nguoi-viet-lam-ra-da-sup-do-sau-mot-dem-20171030110539081rf20171030110539081.htm
- ↑ http://vietnamnet.vn/vn/su-kien/toan-canh-vu-trinh-xuan-thanh-326141.html