Biết khi nào cần điều trị kiểm soát cơn giận

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cáu giận là một cảm xúc tự nhiên thường dấy lên khi một ai đó thấy bị xúc phạm hay được đối xử không công bằng. [1][2][3] Tuy nhiên, nếu bạn thấy bản thân cáu giận và/hoặc có các hành động bạo lực để phản ứng lại nhiều tình huống thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm tới các biện pháp khống chế cơn giận. Thường xuyên tức giận có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể bạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt với nam giới. [4] Những người gặp khó khăn trong việc khống chế cơn giận có thể đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn. Các chương trình kiểm soát cảm xúc nói chung và khống chế cơn giận nói riêng có thể có ích trong việc giúp bạn tìm được cách thể hiện sự tức giận theo cách phù hợp.[5]

Các bước[sửa]

Xác định nguyên nhân và biểu hiện của sự giận dữ[sửa]

  1. Xem xét lại hành vi của bạn từ trước tới giờ. Hãy tự hỏi xem bạn có thường xuyên có những hành động bạo lực khi giận dữ không. Một số biểu hiện chính cho thấy vấn đề trong kiểm soát cơn giận có thể kể đến là đập phá đồ đạc, tấn công người khác, trở nên hiếu chiến. Có lẽ bạn sẽ cần đến sự trợ giúp từ chuyên gia tư vấn tâm lý trước khi có những hành động làm tổn hại bản thân hoặc người khác.[6]
    • Tự đánh giá xem bản thân có thường xuyên tranh luận với bạn bè, người thân hay những người quen biết hay không. Dù rằng đây là một điều bình thường trong các mối quan hệ, nhưng nếu tranh luận đạt đến mức cao trào một cách nhanh chóng và thường xuyên xảy ra với bạn, thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy bạn có vấn đề với việc kiểm soát sự giận dữ.
    • Xem xét lại những lần bạn vi phạm pháp luật. Hãy nhớ lại những lần bạn gặp rắc rối với cơ quan chức năng, hay bị phạt vì vi phạm tốc độ khi lưu hành trên đường.
  2. Xác định xem bạn có thường xuyên kìm nén cơn giận hay không. Không phải cơn giận nào cũng được bộc phát ra. Nếu bạn bị kích động bởi một cơn giận bạn đang kìm nén, bạn nên tìm đến một phương pháp giúp cải thiện việc kiểm soát sự giận dữ của bản thân bạn.
    • Ghi chép lại cách bạn phản ứng với những tình huống gây kích động cơn giận như khi một ai đó tỏ ra bất lịch sự với bạn, và cả với những tình huống thường ngày như khi xem tivi, trò chuyện, lái xe hay làm việc.
  3. Chú ý đến thể trạng. Sự giận dữ là một cảm xúc mạnh mẽ và hoàn toàn bản năng, đồng thời thường để lại « tàn tích ». Vì thế, hãy ghi chép lại thể trạng của bản thân, nhất là khi bạn nóng giận.
    • Cơ thể có thể đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy bạn đang giận dữ. Một vài dấu hiệu có thể kể đến như nghiến răng, xiết tay thành nắm đấm, đau đầu hay đau bụng, tim đập nhanh hơn, cảm thấy nóng hoặc chóng mặt, đỏ mặt, toát mồ hôi ở bàn tay, người căng lên. [7]
  4. Cố gắng khống chế cảm giác giận dữ. Những người gặp vấn đề trong khống chế cơn giận có thể kém tập trung hơn khi cơn giận đến. Lúc này, họ dường như không thể thỏa hiệp, không thể cảm thông hay chấp nhận những quan điểm không giống với quan điểm của họ.[8]
    • Một số người nhận ra rằng khi giận dữ, họ có xu hướng mỉa mai, đi lại liên tục và nói cao giọng hơn bình thường. Và có thể bạn sẽ thấy bản thân mất đi khiếu hài hước vốn có khi cơn giận kéo đến.

Đánh giá tổn hại gây ra bởi sự giận dữ[sửa]

  1. Xem xét lại các mối quan hệ của bạn. Nếu cơn giận của bạn dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ với người khác thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần được điều trị để cải thiện khả năng khống chế cơn giận.[9]
    • Sau cơn giận của bạn có ai bị thương không? Những mối liên hệ xã hội của bạn có bị thu hẹp sau những lần bạn tỏ ra giận dữ không? Bản thân bạn có cảm thấy hối hận vì đã đối xử với người nào đó không tốt trong lúc nóng giận chưa? Nếu câu trả lời là có, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần đến sự trợ giúp để có thể khống chế được cảm xúc đó.[10]
    • Chính bởi sự thù địch ẩn chứa trong cơn giận, những người có vấn đề trong khống chế giận dữ thường có ít bạn hơn. Hỗ trợ từ cộng đồng là một yếu tố quan trọng có thể giúp bảo vệ những người này khỏi áp lực và bệnh tật.[11][12]
  2. Lập danh sách những tác hại đối với cơ thể mà sự giận dữ gây ra. Thường xuyên nóng giận có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ và cũng ảnh hưởng xấu đến cơ thể bạn.[4] Trong trường hợp bạn thường xuyên đau đầu hay có thể trạng không tốt và bạn cho rằng điều đó bắt nguồn từ cơn giận của bản thân, bạn nên nghĩ đến việc điều trị để có thể khống chế được bản thân trong lúc giận dữ.
    • Bạn cần nhớ rằng không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận được những hệ lụy mà sự bực dọc, tức giận gây ra cho cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là những hệ lụy đó không xảy ra. Một ví dụ tiêu biểu là việc thường xuyên giận dữ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhất là ở nam giới. [4]
  3. Ghi chú về việc đập phá đồ đạc. Giận dữ khiến người ta có thái độ thù địch, đả kích và đôi khi dẫn tới việc đập vỡ đồ đạc. Nếu bạn có hành động tương tự, có lẽ bạn nên được điều trị để kiểm soát cơn giận. [13]
  4. Chú ý đến thái độ của bản thân. Những người nóng tính thường hay chỉ trích, nhạo báng người khác.[11] Điều này có thể được thể hiện qua thái độ tự mãn khi cho rằng những gì người khác làm mà khiến họ cảm thấy bực bội là điều họ sẽ chẳng bao giờ mắc phải.
    • Ví dụ, nếu một ai đó gây nghẽn mạch lưu thông chỉ vì không chú ý đến việc đèn giao thông đã chuyển sang xanh, người có thái độ tự mãn sẽ nghĩ rằng "chỉ có đồ đần mới thế", trong khi sự thật là chuyện xao lãng sự tập trung khi dừng đèn đỏ xảy ra rất thường xuyên và phổ biến. [14] Nếu cảm giác cáu giận, bực bội khiến bạn có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống thì bạn nên xem xét việc điều trị để tăng khả năng kiểm soát cảm xúc nói chung và sự giận dữ nói riêng.
  5. Theo dõi việc sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích. Người có vấn đề trong kiểm soát sự tức giận có xu hướng sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích nhiều hơn. Việc sử dụng bất cứ một loại chất nào quá nhiều đều có thể có hại cho sức khỏe và có khả năng dẫn đến các vấn đề về mặt cảm xúc và giao tiếp xã hội.[11]
  6. Để ý đến tâm trạng, thể trạng của bản thân. Hãy tự hỏi xem sự nóng giận và/hoặc hệ quả của nó có khiến bạn thấy tồi tệ không, có khiến bạn thay đổi cách nhìn về cuộc sống hay không.
    • Nếu cảm giác bực dọc, khó chịu và tình huống gây nên cảm xúc ấy khiến bạn đánh mất đi phần nào sự hạnh phúc, vui vẻ của bản thân bạn, có lẽ đã đến lúc bạn cần học cách kiểm soát sự nóng giận.[8]

Xác định phương pháp điều trị phù hợp[sửa]

  1. Xác định các phương pháp điều trị hiện có. Hiện có nhiều phương pháp tiếp cận nhằm giúp cải thiện khả năng kiểm soát cơn giận cũng như có nhiều cách để điều trị các vấn đề liên quan đến sự giận dữ.
    • Bạn không nhất thiết phải theo một phương pháp đến cùng; nếu sau khi xác nhận bạn đã thử áp dụng phương pháp nào đó một cách trung thực, đúng đắn, bạn cảm thấy hiệu quả đạt được không như mong muốn thì bạn có thể chọn phương pháp khác, hoặc cũng có thể kết hợp các phương pháp với nhau.
  2. Tìm hiểu các phương pháp chú trọng đến suy nghĩ. Một vài phương pháp điều trị chú trọng đến việc thay đổi cách suy nghĩ hoặc đưa ra các kỹ năng giúp bạn trở nên bình tĩnh và duy trì sự bình tĩnh đó.
    • Thư giãn là một trong những phương pháp tập trung vào suy nghĩ. Các kỹ năng thư giãn như hít thở sâu, nghĩ về những cảnh tưởng mang lại cảm giác thư thái, hoặc các bài tập nhịp độ chậm rãi như yoga có thể giúp bạn làm dịu cơn giận. Đây là một cách tiếp cận hoàn hảo cho bạn nếu bạn yêu thích việc làm giảm áp lực thông qua hoạt động thể chất. [4]
    • Tái cơ cấu nhận thức hay thay đổi cách suy nghĩ. Phương pháp tiếp cận này tập trung chủ yếu vào tư duy logic và việc tránh một số từ ngữ như “không bao giờ” hay “luôn luôn” để từ đó loại bỏ những suy nghĩ có thể khiến bạn trở nên nóng giận. Đây là một phương pháp hay đối với những người dễ trở nên tức giận chỉ vì một vài suy nghĩ nhất định nào đó.[15]
  3. Các phương pháp điều trị đề cao sự thay đổi hành vi hoặc thay đổi môi trường sống. Có một số phương pháp điều trị đi sâu vào thay đổi những tác nhân trực tiếp khơi mào cho cơn giận của bạn. Phương pháp loại này có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp thay đổi tư duy như đã nói ở trên.
    • Có một phương pháp tập trung chủ yếu vào khả năng giải quyết vấn đề. Đôi khi việc thường xuyên cáu giận không hẳn là một phản ứng thái quá đối với việc này hay việc khác mà là một phản ứng thích nghi của một cá nhân trong nỗ lực vượt qua các vấn đề quan trọng có thực khó có thể giải quyết được. Nếu bạn gặp phải tình cảnh như vậy, việc tập luyện, chữa trị theo phương pháp tiếp cận tập trung vào vấn đề có thể giúp ích được cho bạn. [4]
    • Đôi khi cách tốt nhất chính là thay đổi môi trường sống. Trong một số trường hợp, có những yếu tố môi trường góp phần đẩy bạn đến cảm giác cáu giận thái quá, chính vì vậy, thay đổi môi trường xung quanh bạn có thể là một phương pháp hiệu quả. Ví dụ, nếu công việc khiến bạn bực bội nhiều, hãy thử tìm những cơ hội việc làm mới mà bạn có niềm tin rằng những công việc ấy có thể khiến bạn hạnh phúc hơn, hay chí ít cũng bớt cáu giận, bực dọc hơn. Nếu bạn tìm ra được “đích danh” nhân tố nào trong môi trường khiến bạn không duy trì được sự bình tĩnh, điều đó thật tuyệt vời và bạn cũng có thể dễ dàng đưa ra giải pháp cho vấn đề hơn.
  4. Tìm các nguồn hỗ trợ trên mạng. Hiện có nhiều trang cá nhân, website được lập ra để giúp đỡ những người có vấn đề trong việc tiết chế, kiểm soát cơn giận. Những nguồn như vậy có thế giúp ích rất nhiều nếu bạn ngại chia sẻ vấn đề của mình với một người khác.
  5. Đến gặp bác sĩ tâm lý hay chuyên gia tư vấn. Bạn có thể tìm được thông tin của một bác sĩ chuyên khoa tâm lý hay tư vấn viên chuyên nghiệp từ bác sĩ gia đình hay bạn bè, người thân. Nếu có thể, hãy kể rõ tình trạng và mong muốn của mình, nhất là với bác sĩ gia đình, để có thể tìm được một bác sĩ tâm lý phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát được cơn giận của bản thân.
    • Bạn cũng có thể tự tìm bác sĩ tìm trên mạng với từ khóa “điều trị kiểm soát cơn giận” kèm theo tên/mã khu vực hoặc một số nơi có những trang web chuyên cung cấp thông tin về các bác sĩ trong một khu vực nhất định nào đó, chẳng hạn như trang http://locator.apa.org. [4]
  6. Tìm đọc sách hoặc tài liệu trên mạng về kiểm soát cơn giận. Những cuốn sách như vậy có thể có những chương mục giúp bạn dễ dàng tìm ra được nguyên nhân của cơn giận và cũng có thể đưa ra phương pháp tiếp cận và điều trị phù hợp với bạn.
    • Ví dụ, một trang với những câu hỏi, gợi ý giúp bạn xác định điều thường ngự trị trong tâm trí bạn, những suy nghĩ cụ thể khiến bạn trở nên nóng giận, v.v.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này