Biết khi nào nên buông bỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Từ bỏ một ai đó bạn yêu thương là điều vô cùng khó khăn. Thay đổi không bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là khi nó đồng nghĩa với việc phải buông tay người mà bạn vô cùng thương yêu hoặc quan tâm. Tuy nhiên, một khi bạn nhận ra rằng đã đến lúc mình cần làm như vậy, bạn có thể bắt đầu cứu vãn tình hình và cố gắng bắt đầu một khởi đầu mới và có thể là bạn hoàn toàn mới!

Các bước[sửa]

Đánh giá Bản thân[sửa]

  1. Kiểm tra thực tế của bản thân. Đáng buồn là gần như mọi người luôn biết khi nào cần buông tay, nhưng lại không thể làm vậy bởi họ lo sợ tới hậu quả. Kiểm tra thực tế có thể giúp bạn nhận ra rằng đã đến lúc bạn nên từ bỏ một mối quan hệ tan vỡ.[1]
    • Để kiểm tra thực tế, hãy thử tưởng tượng rằng bạn là một ai đó khác đang đánh giá tình hình của bạn. Người đó nghĩ gì về điều đó? Có phải câu trả lời quá rõ ràng đối với người đó không? Nếu có, vậy có lẽ bạn đã biết bạn cần phải làm gì.
    • Nếu bạn gặp vấn đề với việc loại bỏ cái nhìn chủ quan của bản thân và đánh giá tình hình dưới con mắt của người ngoài cuộc, hãy thử thay đổi tên các nhân vật trong câu chuyện của bạn. Thay tên của bạn và cả những nhân vật trọng yếu bằng những cái tên khác để khiến cho câu chuyện của "bạn" trở nên không phải là "của bạn" nữa. Điều quan trọng đó là cố gắng tạo khoảng cách giữa bạn và một phiên bản khác "của bạn". Làm điều tương tự đối với người mà bạn đang cố gắng rời xa.
    • Hoặc tưởng tượng ra rằng tình huống bạn đang trải qua xảy ra với bạn của bạn và nửa kia của anh ấy. Bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì? Bạn có nói với anh ấy rằng đã đến lúc buông tay không?
  2. Hỏi ý kiến từ người khác. Tìm đến một người bạn (hoặc cha mẹ/cố vấn nếu bạn thấy thoải mái). Hỏi người đó xem họ sẽ làm như thế nào trong hoàn cảnh của bạn và liệu họ đã bao giờ trải qua tình huống tương tự như vậy trong quá khứ hay chưa.
    • Hãy chắc chắn rằng bạn thành thật với người đó rằng bạn sẽ không đánh giá họ vì câu trả lời của họ, rằng bạn muốn tìm ra sự thật của vấn đề và không phải chỉ để cảm thấy khá hơn.
    • Hỏi họ liệu họ có thật sự nghĩ rằng điều bạn định làm là đúng đắn hay không. Hỏi họ liệu bạn có phải là một phần nguyên nhân khiến cho mối quan hệ trở nên xấu đi hay không.
    • Để tìm một nhà trị liệu trong khu vực của bạn, hãy thử tìm kiếm trên internet.
  3. Phân tích tình huống. Viết cảm xúc của bạn vào một cuốn nhật ký nơi bạn giãi bày nỗi lòng. Hiểu rằng bạn là người duy nhất đọc cuốn nhật ký này, để bạn có thể hoàn toàn thành thật với cảm xúc của bản thân. Nhìn vào những gì bạn viết. Bạn có thấy mình đổ lỗi cho bản thân rất nhiều? Nếu có, hãy tự hỏi bản thân xem liệu có lý do nào cho điều đó hay liệu nửa kia của bạn là nguyên nhân to lớn hơn?
    • Bạn có thể tự hỏi bản thân một vài câu hỏi cụ thể trong nhật ký mà có thể giúp bạn xác định đã đến lúc buông tay hay chưa. Nửa kia của bạn có thường xuyên thể hiện rõ rằng anh ấy sợ trách nhiệm hay anh ấy có đe dọa chia tay như một người nắm thế chủ động không? Nửa kia của bạn có ghen tị thay vì vui mừng trước thành công của bạn không? Anh ấy có lừa dối bạn không? Bạn và nửa kia của bạn có nhu cầu quá khác biệt về vấn đề thân mật? Nếu bạn viết ra, suy nghĩ về những câu hỏi này và trả lời đúng với bất cứ câu nào trong số đó thì đây là tín hiệu chứng tỏ đã đến lúc bạn nên buông tay. Viết nhật ký về mối quan hệ của bạn có thể giúp bạn dễ dàng đối mặt với việc chia tay hơn.[2]
    • Sau khi viết ra suy nghĩ của bản thân và kiểm tra chúng kỹ lưỡng, hãy ngừng lại và xem xét chúng một lần nữa vào ngày tiếp theo. Nếu vẫn không có gì thay đổi, vậy có lẽ điều đó là chính xác.
  4. Biết khi bạn phá hỏng mọi thứ chỉ vì một hình mẫu lý tưởng. Ví dụ như nếu bạn muốn mối quan hệ của mình phải thật hoàn hảo và không chịu thỏa hiệp bất cứ điều gì, vậy có lẽ bạn mới là người gây ra vấn đề chứ không phải nửa kia của bạn. Trong trường hợp này, bạn nên cố gắng nghĩ về việc bạn cần phải thay đổi như thế nào để khiến mối quan hệ trở nên tốt hơn.
    • Thành thật với nửa kia của bạn và để anh ấy biết rằng bạn đang đấu tranh với những suy nghĩ không công bằng và rằng bạn muốn cố gắng để mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ anh ấy sẽ tôn trọng sự thành thật và thẳng thắn của bạn và sẽ sẵn sàng cố gắng hơn nữa để phù hợp với bạn.
    • Để biết được liệu bạn có đang phá hỏng mọi thứ vì hình mẫu lý tưởng của bản thân, hãy xin lời khuyên từ bạn bè, gia đình hoặc người quen. Hãy để những người đó cân nhắc xem liệu bạn có đang không thực tế hay liệu suy nghĩ của bạn về mối quan hệ đó hay "lỗi lầm" của người kia là hoàn toàn đúng đắn.
    • Bạn cũng có thể tự hỏi bản thân những điều sau[3]:
    • Bạn có suy nghĩ (không thực tế) rằng bạn sẽ luôn được thỏa mãn nhu cầu sinh lý bất cứ khi nào bạn cần không?
    • Bạn có suy nghĩ (không thực tế) rằng nửa kia của bạn nên đáp ứng tất cả yêu cầu của bạn không?
    • Bạn có muốn nửa kia của bạn đáp ứng tất cả nhu cầu của bạn không?
  5. Nhận ra rằng thiếu quan tâm chính là một dấu hiệu nguy hiểm. Nếu bạn nhận ra rằng bạn không muốn dành thời gian ở bên nửa kia của mình, hay không thật sự quan tâm tới những gì xảy ra với anh ấy trong ngày hay không còn tôn trọng ý kiến của anh ấy, vậy có lẽ ngọn lửa tình yêu trong bạn đã lụi tàn. Những điều này báo hiệu rằng đã đến lúc nên buông bỏ.[4]
    • Mặc dù việc buông tay ai đó là rất khó khăn, nhưng cũng đừng để bản thân đắm chìm trong cảm giác tội lỗi; tốt hơn hết là để cho anh ấy tìm thấy một ai đó thật sự yêu thương và quan tâm tới anh ấy thay vì ở bên anh ấy chỉ vì mặc cảm tội lỗi.

Đánh giá Mối quan hệ của bạn[sửa]

  1. Tìm kiếm những dấu hiệu. Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau nhưng có một vài trong số đó có thể nói cho bạn biết rằng đã đến lúc buông tay và kết thúc mối quan hệ. Hãy để ý đến những việc xảy ra với tần suất thường xuyên như ghen tuông, thiếu an toàn, tranh cãi, chán nản và bất tiện hoặc buồn bã.[5]
    • Tất cả những điều này đều có thể là dấu hiệu chỉ ra rằng mối quan hệ của bạn có vấn đề. Thỉnh thoảng tranh cãi là điều tốt nhưng có một khoảng cách rất lớn giữa việc bình thường và bất bình thường.
  2. Cẩn thận với những tranh cãi thường xuyên. Nếu hai bạn luôn cãi nhau vì những lý do ngớ ngẩn, điều đó có thể đồng nghĩa với việc người kia đã không còn tình cảm và/hoặc cảm xúc với bạn nữa. Đây không phải là tín hiệu chắc chắn rằng đã có điều gì đó xảy ra nhưng nó có thể là một gợi ý về việc mối quan hệ của bạn đang xuất hiện một vấn đề sâu xa nào đó. Đừng để những cuộc tranh cãi lặt vặt/ngớ ngẩn khiến mối quan hệ của bạn đổ vỡ nhưng nếu những cuộc tranh cãi vớ vẩn đó xảy ra quá nhiều, có lẽ đã đến lúc bạn nên buông tay.[6]
    • Nếu bạn nhận thấy bạn muốn kết thúc mọi việc bởi những cuộc tranh cãi quá thường xuyên, bạn có thể tự hỏi bản thân một vài câu hỏi. Tại sao hai bạn lại cãi nhau? Hai bạn cãi nhau vì điều gì? Các bạn đã bao giờ cãi nhau về vấn đề đó trước đây chưa hay nó hoàn toàn mới? Nếu bạn thấy mình đang tranh cãi để khiến người kia tổn thương, hoặc nhận ra rằng hai bạn đang làm ầm lên chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt, hoặc tranh cãi hết lần này đến lần khác bởi hai bạn đang gặp khó khăn với việc giải quyết những khúc mắc, có lẽ đã đến lúc buông bỏ.[7]
  3. Cẩn thận với những cảm giác khó chịu thường xuyên. Khi cả hai đều cảm thấy khó chịu vì nhau, họ sẽ không còn bất cứ dấu hiệu gì của yêu thương hay thích thú. Bạn có thể biết được nửa kia cảm thấy khó chịu bởi bạn khi gần như chẳng có việc gì bạn làm là đúng hay đủ, hoặc nếu một vài hành động của bạn ở nơi công cộng khiến họ cảm thấy xấu hổ hay khiến họ phát ngại vì bạn (họ nên yêu bạn cho dù bạn hành động như thế nào đi nữa).[8]
    • Hãy nhớ rằng bạn muốn tìm kiếm những cảm giác khó chịu thường xuyên hoặc một dấu hiệu điển hình của sự bực mình được lặp đi lặp lại. Đừng đi quá sâu vào từng trường hợp một bởi đôi lúc tất cả chúng ta đều cảm thấy bực bội với nửa kia của mình.
  4. Cẩn thận với việc thiếu liên lạc. Để duy trì một mối quan hệ, cả hai cần phải thảo luận các vấn đề và trao đổi ý kiến với nhau và nếu anh ấy không còn nói chuyện với bạn nữa, có lẽ bạn nên cân nhắc tới việc kết thúc (anh ấy nên thành thật với cảm giác và suy nghĩ của bản thân). Từ đó có thể thấy rằng thiếu bộc lộ cảm xúc và giao tiếp có thể là tín hiệu cho thấy đã đến lúc nên buông tay.[9]
    • Tuy nhiên, nếu bạn đang có một vài vấn đề nghiêm trọng và bạn vẫn yêu người đó, hãy cân nhắc tới việc đi gặp chuyên gia tư vấn tình cảm và sắp xếp lại những cảm xúc khác nhau của mỗi người.
  5. Lắng nghe nửa kia của bạn. Nếu anh ấy đủ can đảm để nói với bạn rằng anh ấy không còn yêu bạn nữa, hãy lắng nghe. Đây có thể là một trong những việc khó khăn nhất; tuy nhiên, sự thật dù đau đớn đến mấy cũng vẫn tốt hơn bị lừa dối. Nếu ai đó đủ tôn trọng bạn để thành thật, hãy đáp trả lại sự tôn trọng đó và buông tay.
    • Việc nghe ai đó bạn từng ở bên trong một khoảng thời gian dài nói rằng bạn đã không còn là 'một điều gì đó' với họ không bao giờ là việc dễ dàng; tuy nhiên, về lâu về dài, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi ở bên người thật sự yêu thương bạn vì chính con người bạn.
  6. Tìm kiếm dấu hiệu của sự lừa dối. Có thể anh ấy đang nhắn tin với một cô gái bạn chưa từng gặp mặt, hoặc anh ấy về nhà muộn với hương nước hoa của phụ nữ vương trên áo. Hoặc hồ sơ hẹn hò trực tuyến của anh ấy hoạt động trở lại với ảnh đại diện mới, hoặc anh ấy thường xuyên nhắn tin tán tỉnh trên Facebook; bất cứ trường hợp nào trong số đó đều đồng nghĩa với việc có khả năng rằng anh ấy đang lừa dối bạn hoặc đang có ý định lừa dối bạn.[10]
    • Đừng bán rẻ bản thân bằng việc ở bên một kẻ lừa dối. Ngay khi khẳng định rằng anh ta lừa dối bạn, hãy rời bỏ anh ta ngay lập tức. Bạn xứng đáng nhiều hơn thế. Bước tiếp và cố gắng tha thứ cho anh ta, bằng không anh ta sẽ vẫn còn có ảnh hưởng nhất định tới bạn.[11]
    • Nếu bạn không còn hạnh phúc với anh ấy/cô ấy và bạn cảm thấy những cảm xúc vui vẻ khi ở bên nhau đang dần phai nhạt, hãy đưa ra quyết định và nói với anh ấy/cô ấy. Luôn thành thật với bản thân và với cả người kia. Quyết định điều gì là tốt cho cả hai.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy làm điều mà bạn cho là đúng, chứ không phải điều bạn bè bạn khuyên nhủ. Đây là hoàn cảnh của bạn, và vì vậy cho dù bạn nhận được lời khuyên gì đi nữa, bao gồm cả bài viết này, hãy làm điều mà bạn cảm thấy đúng sau khi đã cân nhắc tất cả các ý kiến.
  • Dành thời gian và đảm bảo chắc chắn nhất có thể về quyết định của bản thân trước khi biến nó thành sự thật. Nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng chia tay hoặc bạn nhận thấy rằng lý do của bạn không nằm trong bất cứ lý do nào nêu phía trên, đừng buông tay bằng không có thể bạn sẽ là người phá hỏng mối quan hệ.
  • Có thể việc buông bỏ là rất khó khăn nhưng bạn cần phải đối mặt với hiện thực. Đúng vậy, bạn muốn được hạnh phúc nhưng bạn không thể hạnh phúc nếu cứ mãi giữ chặt ai đó hoặc điều gì đó khiến bạn tổn thương.
  • Chắc chắn rằng bạn không dùng dằng với quyết định của mình. Một trong những cách dễ dàng nhất để đánh mất sự tôn trọng của ai đó đối với bạn đó là nói gì đó sau đó rút lại. Nếu bạn viết một dòng chữ trên cát, hãy đảm bảo để đừng bao giờ xóa bỏ nó đi.
  • Nhớ nhung người cũ là một phần trong quá trình buông bỏ. Thời gian trôi qua và bạn sẽ hồi phục trở lại.
  • Khi nó khiến bạn đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc, đã đến lúc buông tay.
  • Hãy nhớ rằng trước hết bạn cần phải chăm sóc và yêu thương bản thân. Buông bỏ ai đó có thể khiến họ cảm thấy tổn thương nhưng trên hết thì bản thân bạn mới chính là điều mà bạn cần lo lắng.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng quay lại với người đó bằng không bạn sẽ lại giẫm lên vết xe đổ của mình và con đường đó sẽ chẳng bao giờ có một kết thúc tốt đẹp.
  • Bạn nên nói chuyện với người đó về việc chia tay trước khi biến nó thành sự thật. Có thể hành động của anh ấy là do một điều gì khác, ví dụ như công việc, chứ không phải là vì bạn, và nếu là trường hợp đó thì bạn sẽ không muốn phá hỏng một mối quan hệ chỉ vì những đánh giá sai lầm của bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây