Biết mình có mắc chứng sợ khoảng trống hay không

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ước tính có đến 5% dân số Mỹ mắc chứng sợ khoảng trống (agoraphobia), một dạng rối loạn lo âu mà theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sợ không gian họp chợ”. Chứng bệnh này được mô tả một cách đúng nhất là chứng sợ hãi chính cảm giác sợ hãi, hoặc sợ bị lên cơn hoảng sợ ở nơi công cộng. Nữ giới có khả năng mắc chứng sợ khoảng trống gấp hai lần nam giới. Nét đặc trưng của chứng bệnh này là lo âu căng thẳng khi ở nơi công cộng, khi giao tiếp hoặc khi ở trong môi trường không quen thuộc. Việc xác định liệu bạn có mắc chứng sợ khoảng trống hay không là bước đầu tiên trong việc đi tìm giải pháp điều trị.

Các bước[sửa]

Xác định hành vi ở nơi công cộng liên quan đến chứng sợ khoảng trống[sửa]

  1. Để ý đến nhu cầu cần ai đó đi kèm khi bạn ra nơi công cộng. Người mắc chứng sợ khoảng trống thường cần được giúp đỡ khi di chuyển đến một nơi khác vì họ sợ phải ra ngoài một mình.[1] Người mắc chứng sợ khoảng trống thường gặp khó khăn khi hành xử một cách độc lập và thường chỉ yên tâm khi có mặt một người bạn hoặc người thân.
    • Nếu ý nghĩ đi đến cửa hàng thực phẩm mua sữa cũng khiến bạn lo âu hồi hộp thì có thể bạn mắc chứng sợ khoảng trống.
  2. Suy nghĩ xem có phải bạn thiết lập một tuyến đường cố định không.[2] Người sợ khoảng trống thường sợ đi đến những nơi có thể ẩn chứa các tác nhân gây lo âu. Một số người mắc chứng này tạo nên một phương thức “an toàn” để di chuyển mỗi ngày, chẳng hạn như đường đến nơi làm việc và từ nơi làm về nhà.
    • Có thể bạn mắc chứng sợ khoảng trống nếu bạn nhận thấy mình chỉ đi một con đường về nhà mỗi ngày và đi đúng những con đường, lối đi và đường mòn quen thuộc vì sợ bước vào những con đường mới.
  3. Lưu ý đến sự sút giảm tương tác xã hội. Người mắc chứng sợ khoảng trống thường giới hạn những điểm đến của mình để giảm rủi ro gặp phải yếu tố kích thích cơn hoảng sợ.[1] Họ có thể cảm thấy không thoải mái khi gặp gỡ những người mới và cố gắng giới hạn bản thân trong “vùng an toàn” như ở nhà hoặc nơi làm việc. Bạn sẽ nhận thấy đời sống xã hội của mình bị hạn chế nếu bạn mắc chứng sợ khoảng trống.
    • Trước khi chứng sợ khoảng trống phát triển, có thể bạn vẫn cùng bạn bè đến những buổi tiệc tùng, quán bar hay rạp chiếu phim ngoài việc đi làm hoặc đi học. Dần dần có lẽ bạn bắt đầu lo lắng cơn hoảng sợ xảy ra và ngừng tham gia các buổi tiệc. Rồi khi học kỳ kết thúc, bạn không đến trường nữa do lo sợ bị lên cơn hoảng sợ trong lớp. Bây giờ bạn ít gặp bạn bè hơn và cố gắng hạn chế thời gian ở nơi làm việc càng ít càng tốt. Những hành vi kiểu như vậy có thể cho thấy bạn mắc chứng sợ khoảng trống.
  4. Xác định xem liệu bạn có sợ hãi hoặc lo lắng khi ở giữa đám đông không.[3] Bạn có thấy hụt hơi khi ở giữa đám đông tại trung tâm mua sắm, ở buổi hòa nhạc hoặc ở ngoài chợ? Có lẽ bạn mắc chứng sợ khoảng trống nếu ngay cả ý nghĩ về một đám đông người cũng khiến bạn có các triệu chứng hồi hộp như lòng bàn tay tay đẫm mồ hôi, lo lắng quá độ, đánh trống ngực và suy nghĩ một cách rời rạc.
    • Cho dù bạn không thực sự lên cơn hoảng sợ, nhưng tình trạng lo sợ bị cơn hoảng sợ tấn công trong các tình huống xã hội cũng có thể là một biểu hiện của chứng sợ khoảng trống.
  5. Nhận ra nỗi sợ hãi hoặc lo âu khi bạn ở trong không gian giới hạn. Các triệu chứng hoảng sợ liên quan đến chứng sợ khoảng trống có thể tấn công khi bạn cảm thấy như không thể trốn thoát.[3] Xem xét các cảm giác khi bạn đang ở trong một không gian đóng. Việc ngồi trong xe hơi hoặc tàu hỏa khi qua đường hầm, vào thang máy, đi xe buýt, lên máy bay và tàu hỏa có thể kích thích các triệu chứng hoảng sợ hoặc lên cơn hoảng sợ.
  6. Nghĩ về những tình huống khi bạn kiếm cớ để thoát ra ngoài. Người mắc chứng sợ khoảng trống thường lo sợ rằng họ không thể thoát ra khỏi một không gian hoặc một tình huống nào đó.[3] Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy xấu hổ hoặc ngượng ngùng khi kiếm cớ trốn chạy. Để che giấu nỗi sợ hãi của mình, bạn có thể nói dối để giải thích lý do tại sao bạn đột ngột rời khỏi một sự kiện hoặc tình huống nào đó.[4]
    • Ví dụ về một tình huống bạn lên cơn sợ khoảng trống khi đang chơi bóng với một người bạn. Thay vì biểu lộ sự lo lắng khi ở giữa đám đông, bạn lại nói rằng mình phải về nhà để thả chó ra ngoài. Ngoài ra bạn cũng có thể giả ốm để thoát khỏi tình huống không thoải mái nào đó.

Xác định những triệu chứng sợ khoảng trống riêng biệt[sửa]

  1. Quan sát sự lo âu dai dẳng. Nét đặc thù của chứng sợ khoảng trống là lo âu về những tình huống hoặc không gian mà bạn lo sợ rằng mình không thể trốn thoát. Khi lâm vào những tình huống đó (thường xảy ra bên ngoài nhà của mình), bạn có thể trải qua cảm giác kinh hãi như thể có điều gì đó rất khủng khiếp sắp xảy ra. Bạn có thể được chẩn đoán mắc chứng sợ khoảng trống nếu các triệu chứng này xuất hiện tối thiểu trong sáu tháng.
    • Một số người có các triệu chứng hoảng sợ hoặc lên cơn hoảng sợ trong các tình huống kích thích sự lo âu. Khi lên cơn hoảng sợ, người ta có thể cùng lúc có biểu hiện đau ngực, tê liệt, chóng mặt, run rẩy, đổ mồ hôi, thở gấp, buồn nôn, có cảm giác không ở trong hiện thực hoặc mất kết nối với bản thân, mất kiểm soát hoặc sắp phát điên, cảm giác như sắp chết, lạnh run hoặc nóng bừng.[5]
  2. Xác định những tình huống khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Các kiểu sợ hãi của người mắc chứng sợ khoảng trống khá đặc trưng. Để được chẩn đoán mắc chứng bệnh này, cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần, ấn bản thứ 5 (DSM-5) chỉ ra rằng bệnh nhân phải trải qua cảm giác sợ hãi với ít nhất hai trong số những tình huống sau đây:[6]
    • đang ở trong đám đông hoặc đang xếp hàng
    • đang ở trong không gian mở như nơi họp chợ hoặc bãi đỗ xe
    • đang ở không gian đóng như quán cà phê hay rạp chiếu phim
    • đang đi trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa, máy bay hoặc phà
    • đi ra ngoài một mình
  3. Nhận biết nỗi lo sợ ở một mình. Có lẽ bạn mắc chứng sợ khoảng trống nếu bạn không thích ở một mình vì sợ rằng mình có thể lên cơn hoảng sợ, đồng thời có biểu hiện thở gấp, tim đập nhanh và suy nghĩ lộn xộn.[7] Lưu ý mọi cảm giác sợ hãi tăng cao xảy ra khi bạn ở một mình.
    • Có hai kiểu sợ hãi xuất hiện khi người ta ở một mình. Một trong hai kiểu sợ có liên quan đến chứng sợ khoảng trống. Kiểu sợ còn lại phát triển khi người ở một mình cảm thấy yếu ớt và dễ bị thú săn mồi tấn công. Đây không phải là dấu hiệu của chứng sợ khoảng trống. Việc xác định đúng cảm giác sợ hãi của mình là điều quan trọng để biết liệu bạn có mắc chứng sợ khoảng trống không.
  4. Cân nhắc những yếu tố rủi ro mắc chứng sợ khoảng trống. Nữ giới dưới 35 tuổi có mức rủi ro cao nhất phát triển chứng bệnh này. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:[8]
    • mắc một chứng rối loạn khác như rối loạn hoảng sợ hoặc một dạng ám ảnh sợ khác
    • thường cảm thấy lo lắng hoặc hồi hộp
    • trải qua một sự việc căng thẳng nào đó, như mất cha hoặc mẹ, bị tấn công hoặc bị ngược đãi
    • tiền sử gia đình có người mắc chứng sợ khoảng trống (người thân trực hệ)
    • mắc chứng trầm cảm
    • có vấn đề về lạm dụng chất[9]

Tìm sự hỗ trợ để điều trị chứng sợ khoảng trống[sửa]

  1. Hỏi bác sĩ về các loại thuốc điều trị. Bạn không nên chỉ dựa vào thuốc để điều trị chứng sợ khoảng trống, tuy nhiên sự kết hợp thuốc và liệu pháp điều trị có thể giúp ích. Các thuốc dùng để điều trị chứng sợ khoảng trống bao gồm:[10]
    • Thuốc chống trầm cảm. Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) như paroxetine và fluoxetine có thể giúp ích nếu bạn có các cơn hoảng sợ kèm theo chứng sợ khoảng trống. Các lựa chọn khác là thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants) và chất ức chế men monoamine oxidase (MAOI).
    • Thuốc chống lo âu. Các thuốc như benzodiazepines có thể tạo cảm giác bình tĩnh khi sử dụng trong thời hạn ngắn nhưng có thể gây nghiện. Do đó tốt nhất bạn chỉ nên dùng hạn chế trong trường hợp khẩn cấp như khi bị cơn hoảng sợ tấn công.
  2. Tiếp nhận liệu pháp điều trị. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là hình thức điều trị có hiệu quả nhất cho chứng sợ khoảng trống. Phương pháp này kết hợp liệu pháp nhận thức (tập trung vào các kiểu suy nghĩ dẫn tới các bệnh lý tâm thần nào đó) và liệu pháp hành vi (nhấn mạnh khả năng của người bệnh trong việc thay đổi những hành vi gây tổn hại cho bản thân).[11]
    • Một liệu trình điều trị bằng CBT sẽ diễn ra nhiều tuần với các buổi trị liệu trong khoảng 50 phút. Bạn sẽ nói chuyện với chuyên gia trị liệu về các trải nghiệm sợ khoảng trống của bạn trong tuần đó và sẽ được yêu cầu phân tích kiểu suy nghĩ và hành động của mình.
    • Cuối cùng, bạn sẽ được yêu cầu tiếp xúc với các tình huống xã hội ở mức độ tăng dần để xua tan các cảm giác và suy nghĩ mà chứng sợ khoảng trống tạo nên. Ban đầu bạn có thể đi ra chợ trong khoảng 15 phút, sau đó 30 phút, rồi một giờ, và cứ thế tiếp tục cho đến khi bạn quen dần với các tình huống xã hội.
  3. Điều chỉnh lại trí não. Chứng sợ khoảng trống xảy ra khi bộ não đang nói với bạn một điều không có thật: “Mình bị mắc kẹt”, “Ở đây không an toàn”, hoặc “Mình không nên tin ai cả”. Bằng việc điều chỉnh và chủ động bác bỏ những quan niệm sai lầm của mình, bạn có thể học được cách đối phó với chứng sợ khoảng trống. Bước đầu tiên trong việc thay đổi lối suy nghĩ là nhận biết rằng trí não của bạn đang bị rối loạn, rằng những suy nghĩ và tín hiệu bạn nhận được là không đúng.
    • Ví dụ, khi não ra hiệu cho bạn hoảng loạn vì nguy hiểm đang ở gần, bạn hãy thu thập thêm các thông tin. Nghĩ về các cơn hoảng sợ xảy ra trước kia, tự nhủ rằng bạn đã sống sót và vượt qua mà không bị tổn thương vĩnh viễn hoặc chết (nỗi sợ phổ biến của người mắc chứng sợ khoảng trống).[12]
  4. Sử dụng các chiến thuật đối phó không tránh né. Các chiến thuật đối phó không tránh né (tiếp xúc) buộc bạn phải đương đầu với các tình huống có vẻ đáng sợ. Để thoát khỏi cảm giác sợ hãi trong các tình huống khiến bạn lo lắng, đầu tiên bạn cần phải trải qua các tình huống đó.[13] Chỉ sau khi vượt qua ngọn lửa của nỗi sợ hãi, bạn mới có thể xuất hiện với một trạng thái tinh thần khỏe khoắn và mới mẻ, như chim phượng hoàng tái sinh từ tro tàn.
    • Ví dụ, khi nhận thấy cảm giác sợ hãi hoặc cơn sóng hoảng sợ đang đến vào lúc bạn đang chơi bóng, bạn hãy thử chơi một trận đấu ở phạm vi hẹp trong khoảng 15 đến 20 phút, và trận sau bạn tham gia 30 đến 40 phút, rồi 60 đến 70 phút, và cứ tiếp tục như thế. Cuối cùng, bạn chuyển sang chơi cả trận và trong phạm vi lớn hơn.
    • Trung thực với bản thân về mức độ thoải mái của mình. Mục đích của bạn không phải là tạo ra cơn hoảng sợ mà là xác định nhân tố kích thích cơn hoảng sợ trong khi không thực sự trải qua cơn hoảng sợ. Đừng vội vã lao vào thực hiện quá trình này bằng cách buộc mình tiếp xúc với nhân tố kích thích quá mạnh hoặc quá sớm. Để dành sức lực và viết nhật ký về cảm giác của bạn sau mỗi lần tiếp xúc để đánh giá tiến trình của mình.

Cảnh báo[sửa]

  • Đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu bạn nghĩ mình có thể mắc chứng rối loạn lo âu này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]