Biết một người có dùng cocaine hay không

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cocaine là một chất kích thích gây nghiện mạnh, có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cho người dùng, kể cả việc dùng quá liều và tử vong. Những dấu hiệu lạm dụng cocaine khá giống với những triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác, vì vậy có thể khó nhận biết một người dùng cocaine. Nếu bạn lo lắng rằng người nhà, bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình có thể đang dùng cocaine, vậy bạn hãy tìm hiểu về các dấu hiệu thể chất và hành vi để phát hiện.

Các bước[sửa]

Phát hiện các Dấu hiệu Thể chất[sửa]

  1. Tìm chất bột màu trắng bám trên mũi hoặc đồ đạc của người đó. Cocaine là một chất bột màu trắng thường được hít qua mũi. Bạn hãy quan sát dấu vết chất bột còn bám lại trên mũi và mặt người đó. Thậm chí khi người ta đã phủi đi rồi, bạn cũng có thể phát hiện dấu vết trên quần áo hoặc các bề mặt đồ đạc trong nhà.
    • Kiểm tra các vật thể dưới giường hay gầm ghế có thể dùng làm mặt phẳng để hít.
    • Người đó có thể bao biện rằng những vết đó là đường xay nhuyễn, bột hoặc các chất vô hại khác. Nếu bạn nhìn thấy nó hơn một lần, nhất là ở nơi không thích hợp (ví dụ như ở trên tờ tạp chí đặt dưới giường), thì đó có lẽ không phải là đường xay nhuyễn.
  2. Để ý xem người đó có thường xuyên khịt mũi hoặc chảy nước mũi không. Cocaine tác động mạnh đến các xoang và có thể gây chảy nước mũi liên tục. Người nghiện nặng thường khịt mũi như bị cảm cúm dù không có biểu hiện triệu chứng nào của bệnh cảm.
    • Sờ hoặc quẹt mũi thường xuyên là một dấu hiệu khác cho thấy đó là người dùng cocaine.
    • Sau một thời gain dài nghiện nặng, người dùng cocaine có thể bị chảy máu cam và tổn thương bên trong mũi.[1]
  3. Quan sát xem mắt có đỏ ngầu không. Là một chất kích thích mạnh, cocaine sẽ khiến mắt đỏ ngầu, cũng giống như khi dùng cần sa. Hãy để ý xem mắt của người đó bị đỏ và chảy nước mắt vào những giờ bất thường trong ngày không. Cocaine gây mất ngủ, nên mắt của người nghiện thường đỏ nhất vào buổi sáng. [2]
  4. Xem đồng tử trong mắt có giãn ra không. Cocaine làm cho con ngươi trong mắt có vẻ to và giãn ra. Để ý xem đồng tử của người đó có giãn ra một cách lạ thường không, ngay cả khi ở trong phòng đủ ánh sáng. Đồng tử giãn nở có thể khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng, do đó bạn có thể thấy người đó đeo kính mát để bảo vệ cặp mắt mẫn cảm của họ.
    • Đồng tử chỉ giãn khi người nghiện đang thực sự “phê thuốc”, do đó dấu hiệu thể chất này dễ dàng bị bỏ qua.
    • Nhiều loại thuốc khác cũng có thể gây giãn đồng tử. Việc đồng tử giãn nở một cách bất thường không nhất định biểu thị một người có dùng cocaine.[3]
  5. Nhìn xem có những dấu kim tiêm trên cơ thể người đó không. Những người nghiện nặng đôi khi hòa tan cocaine để tiêm vào người. Chú ý đến bàn tay, cẳng tay, bàn chân, cẳng chân và tìm xem có những lỗ nhỏ chứng tỏ kim tiêm đã đâm vào. Nếu bạn phát hiện thấy những “dấu tích” như vậy, thì có thể người này đang dùng cocaine.
  6. Tìm những phụ kiện lặt vặt. Cocaine có thể được hít dưới dạng bột, hoặc hút dưới dạng crack cocaine, hoặc được tiêm trực tiếp. Có nhiều vật liên quan đến việc sử dụng ma túy mà bạn có thể tìm thấy:
    • Chất bột màu trắng trên gương, trên những hộp CD hoặc các bề mặt khác.
    • Tờ tiền cuộn tròn, các loại ống, móng tay để dài, những túi plastic nhỏ.
    • Nước cốt chanh hoặc giấm cũng có thể được hòa với cocaine để tăng độ “phê”.
    • Đôi khi heroin được dùng cùng lúc với cocaine, gọi là 'speedballing.'[4]

Xác định những Dấu hiệu Hành vi[sửa]

  1. Quan sát xem người đó có vẻ mất tự nhiên không. Cocaine cho người nghiện cảm giác hưng phấn, vì vậy người dùng có vẻ phấn khích mà không có lý do rõ ràng. Hãy so sánh hành vi của người đó với những lúc bình thường để xác định xem liệu có phải cocaine hoặc một loại ma túy khác đã khiến họ có hành động lạ thường hay không.
    • Bạn cũng có thể để ý thấy người đó cười nhiều hơn.
    • Đôi khi người ta trở nên hung hăng bất thường hoặc bốc đồng khi đang “phê” cocaine. Ảo giác cũng có thể xảy ra.
    • Sự tăng động chỉ xảy ra khi người dùng đang “phê” thuốc, có thể trong thời gian khoảng từ 20 phút đến 2 tiếng.
  2. Để ý nếu người đó thường xuyên rời khỏi phòng. Mỗi lần dùng cocaine chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn nên người dùng cần thường xuyên sử dụng để duy trì cảm giác hưng phấn. Người nghiện cocaine thường xuyên vào toa- lét. Nếu người đó cứ khoàng 20 -30 phút lại vào toa- lét một lần, thì đây có thể là dấu hiệu họ dùng cocaine.
    • Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân khiến người ta cần đi vào nhà vệ sinh thường xuyên. Bạn hãy tìm những dấu hiệu khác ngụ ý người đó có dùng cocaine, ví dụ cảm giác như họ đang che giấu điều gì đó.
    • Bạn có thể thấy người đó rất thường xuyên rời nhà vệ sinh với một người khác. Hãy quan sát những cái liếc mắt vụng trộm giữa những người có thể cùng đang dùng cocaine.
  3. Xem người đó có đánh mất sự ngon miệng không.[5]
  4. Quan sát những hậu quả sau đó. Khi một người hết thời gian “phê thuốc”, nhất là một ngày sau khi dùng nhiều cocaine, họ có thể có cảm giác lờ vờ hoặc trầm cảm. Hãy quan sát xem người đó có khó khăn khi ra khỏi giường hoặc có biểu hiện thái quá vào hôm sau ngày mà bạn nghi ngờ họ dùng cocaine không. Nếu bạn để ý thấy họ trong trạng thái vật vờ, như vậy là có khả năng người đó đang dùng cocaine.[6]
    • Trong nhiều trường hợp, người nghiện sẽ tách biệt khỏi mọi người sau khi dùng cocaine. Nếu người đó đóng cửa phòng riêng và không bước ra khỏi phòng, đây có thể là một dấu hiệu xấu.
    • Một số người dùng thuốc giảm đau hoặc rượu để chống lại tác động của cocaine và giúp dễ ngủ.
  5. Quan sát những thay đổi trong thời gian dài. Những người sử dụng cocaine lâu ngày thì nguy cơ lệ thuộc cocaine càng tăng. Tìm cách để “phê thuốc” lần sau là ưu tiên số một của họ, và các bổn phận khác trong cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Hãy tìm các dấu hiệu sau đây để xem liệu người đó có phải là con nghiện nặng và lâu ngày rồi không:
    • Những người sử dụng ma túy nhiều lần có thể quen thuốc và cần phải tăng liều lượng để có tác dụng mong muốn. Họ có thể dùng thường xuyên đến mức cách 10 phút lại dùng một lần và cả tuần sau đó đắm chìm trong đê mê.
    • Họ có thể trở nên bí hiểm, không đáng tin và thiếu trung thực. Họ có biểu hiện tâm trạng thay đổi thất thường, trầm cảm, hoặc có hành vi rối loạn tinh thần do tác động của ma túy lên hệ thần kinh.
    • Họ có thể lơ là gia đình hoặc các trách nhiệm trong công việc, thậm chí cả vệ sinh cá nhân. Có thể nhóm bạn mới hoặc những mối giao tiếp xã hội của họ cũng là những người dùng cocaine.
  6. Để ý người đó có đang gặp vấn đề về tiền bạc không. Cocaine là một loại ma túy rất đắt. Những người nghiện nặng cần nguồn thu nhập lớn để phục vụ cho nhu cầu của họ. Vì công ăn việc làm thường bị ảnh hưởng, họ sẽ nhanh chóng gặp rắc rối về tài chính.[6]
    • Người đó có thể hỏi vay tiền mà không nói rõ vay để làm gì.
    • Trong trường hợp cùng cực, một người có thể đi đến hành vi trộm cắp hoặc bán đồ dùng cá nhân để phục vụ thói quen chơi thuốc.

Biết những Bước Tiếp theo Cần Làm[sửa]

  1. Nói lên lo lắng của bạn. Việc lên tiếng tốt hơn nhiều so với việc giữ im lặng. Bạn nên nói với người đó rằng bạn đã để ý thấy họ sử dụng cocaine, và bạn lo lắng cho sức khỏe và hạnh phúc của họ. Hãy nói rằng bạn muốn giúp họ vượt qua thói quen hoặc chứng nghiện này.
    • Đừng đợi cho đến khi người đó rơi xuống đáy vực. Cocaine rất dễ dẫn đến tình trạng đó. Bạn đừng cho phép nó “diễn tiến tự nhiên” hoặc đi đến tình trạng không thể kiểm soát.[7]
    • Lập một danh sách để “chứng minh” rằng bạn biết người đó đã dùng cocaine, đề phòng trường hợp người đó chối cãi.
  2. Tìm sự giúp đỡ nếu người đó là thành viên trong gia đình bạn. Nếu người mà bạn đang lo lắng đó là con hoặc là người nhà của bạn, bạn nên hẹn gặp chuyên gia tư vấn ngay lập tức. Chứng nghiện cocaine không phải là thứ mà bạn có thể tự xử lý một mình.[8]
    • Tìm một chuyên gia tư vấn có kỹ năng xử lý hành vi nghiện.
    • Bác sĩ gia đình hoặc tư vấn viên trường học cũng có thể giúp ích.
  3. Không dùng cách đe nẹt hoặc dọa dẫm. Cuối cùng thì người có vấn đề cũng sẽ phải có bước khởi đầu để dừng lại. Cố gắng kiểm soát tình huống bằng cách dọa nạt, mua chuộc hay những hình phạt cực đoan có lẽ không đem lại hiệu quả. Xâm phạm vào sự riêng tư, tước đi những trách nhiệm hoặc tranh cãi với người nghiện khi họ đang “phê thuốc” có lẽ chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.[7]
    • Đặt ra những hình phạt có thể thực hiện được (như cắt tiền tiêu vặt hay tước quyền lái xe), nhưng đừng đưa ra những lời dọa dẫm mà bạn không thể thực hiện.
    • Cố gắng tìm ra vấn đề ẩn sau đó là gì. Nói chuyện với một chuyên gia tư vấn để xác định điều gì dẫn đến hành vi này.
  4. Đừng tự trách bản thân. Cho dù người mà bạn lo lắng là con của bạn hay là người nào khác, việc bạn tự trách mình là vô ích. Nghiện cocaine là việc của người đó, không phải là của bạn. Bạn không thể kiểm soát quyết định của người đó; mọi việc bạn có thể làm là hỗ trợ và khích lệ họ tìm sự giúp đỡ. Việc để cho người đó tự chịu trách nhiệm cho hành vi của họ là cần thiết khi bắt đầu quá trình hồi phục.[8].

Lời khuyên[sửa]

  • Nhận biết những triệu chứng nghiện cocaine có thể là bước đầu tiên trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Tất nhiên điều đó có thể gây đau khổ, nếu đó là người thân yêu của bạn. Bạn đừng bao giờ ngừng ủng hộ họ và đừng đánh mất hy vọng, vì có nhiều cách trị liệu có thể giúp họ cai thuốc và tỉnh táo.

Cảnh báo[sửa]

  • Cocaine khi dùng quá liều có thể gây cơn đau tim, tràn máu, xuất huyết não do tăng huyết áp, tăng thân nhiệt đến mức nguy hiểm, suy thận, mê sảng, co giật và tử vong. Nhiều hậu quả trên đây có thể xảy ra thậm chí chỉ sau một lần sử dụng ma túy. Một cơn đau tim hay suy hô hấp do phản ứng cocaine có thể xảy ra đối với người lần đầu tiên sử dụng cocaine hoặc người nghiện đã quen với tác dụng kích thích của cocaine đến mức nào đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây