Tự thuật về bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viết về bản thân ban đầu có thể khiến bạn khá bối rối ngượng ngùng, nhưng những lá thư xin việc, bài luận cá nhân và tự thuật bản thân đều có những mẹo giúp cho quá trình viết không còn khó khăn về cả văn phong và nội dung. Hãy tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản sau để biến tác phẩm cá nhân của mình trở nên xuất sắc.

Các bước[sửa]

Nguyên tắc Cơ bản khi Viết Tự truyện[sửa]

  1. Chỉ giới thiệu bản thân. Viết về bản thân mình có thể khá trắc trở vì bạn có quá nhiều thứ muốn viết. Những trải nghiệm, khả năng và kỹ năng trong cả cuộc đời bạn chỉ được viết trong vỏn vẹn một hoặc một vài đoạn văn? Dù bạn đang có ý định viết về bản thân dưới bất kỳ hình thức nào, dù mục đích của bạn là gì, hãy chỉ tập trung vào việc với thiệu bản thân mình như khi bạn đang giới thiệu bản thân với một người lạ. Họ cần biết điều gì về bạn? Hãy trả lời những câu hỏi như sau:
    • Bạn là ai?
    • Xuất thân của bạn là gì?
    • Sở thích của bạn là gì?
    • Tài năng của bạn là gì?
    • Thành tựu của bạn là gì?
    • Bạn đã từng đối mặt với những thử thách nào?
  2. Hãy bắt đầu với một danh sách về những tài năng và sở thích của bạn, nhưng chỉ ngắn thôi. Nếu bạn không chắc muốn bắt đầu từ đâu, hoặc nếu bạn chỉ được phép chọn một chủ đề cho bài luận, hãy liệt kê ra càng nhiều càng tốt và đưa ra càng chi tiết càng tốt. Trả lời những câu hỏi đã nêu ra ở bước trên, sau đó cố gắng đưa ra thật nhiều câu trả lời khác nhau.
  3. Thu hẹp chủ đề của bạn. Chỉ chọn một chủ đề cụ thể, mô tả chi tiết và sử dụng thông tin đó để giới thiệu bản thân mình. Tốt hơn là chọn một chủ đề và mô tả bản thân mình thật chi tiết hơn là đưa ra một danh sách dài những chủ đề chung chung.
    • Thông tin nào thú vị và đặc trưng nhất? Chi tiết nào mô tả bạn hiệu quả nhất? Hãy chọn chủ đề đó.
  4. Sử dụng một vài chi tiết hiệu quả. Khi bạn đã có một chủ đề cụ thể và giới hạn quanh chủ đề đó, hãy mô tả một cách cụ thể, hãy cung cấp cho người đọc những thông tin thật đặc biệt để tập trung vào đó. Ghi nhớ rằng, bạn đang kể về chính bản thân bạn. Càng chi tiết càng tốt:
    • Không ổn: Tôi thích thể thao.
    • Ổn: Tôi là người mê bóng rổ, bóng đá, tennis và bóng bầu dục.
    • Khá hơn: Môn thể thao yêu thích của tôi là bóng đá, bao gồm cả xem bóng đá và chơi đá bóng.
    • Tốt: Khi tôi còn nhỏ, tôi thường xem bóng đá với bố và các em trai của tôi vào mỗi thứ Bảy, trước khi cả nhà ra ngoài và bắt đầu một trận bóng. Và tôi đã yêu bóng đá từ đó.
  5. Hãy khiêm tốn. Dù bạn cực kỳ hoàn mỹ, tài năng hay tuyệt vời, bạn muốn xuất hiện như một người hoàn hảo, đừng viết về bản thân chỉ để khoe khoang. Hãy liệt kê những điểm về tài năng và thành công của bạn, nhưng hãy điều chỉnh chúng bằng ngôn từ khiêm tốn:
    • Khoe khoang: Tôi là nhân viên xuất sắc và năng động nhất trong công ty hiện nay, cho nên ngài nên thuê tôi vì tôi rất tài năng.
    • Khiêm tốn: Tôi có vừa đủ may mắn khi được tuyên dương thành tích là nhân viên của tháng ba lần trong công việc hiện tại, tôi được tuyên dương nhiều hơn bất kỳ nhân viên nào khác.

Viết Bài luận Cá nhân ở Trường[sửa]

  1. Hãy kể một câu chuyện thú vị. Bài luận cá nhân thường được yêu cầu trong quá trình ứng tuyển vào đại học và các bài luận viết ở trường. Nó không giống với thư xin việc/nhập học vì trong những lá thư này, mục đích chính là để giới thiệu ứng viên cho một vị trí công việc hoặc chấp thuận nhập học, trong khi bài luận cá nhân là những bài luận phi giả tưởng để khám phá một chủ đề nào đó. Về cơ bản, kiểu bài luận này yêu cầu bạn kể một câu chuyện về chính bản thân mình, với những chi tiết cụ thể và thực tế trong cuộc sống có thể nêu bật một chủ đề hay ý kiến cụ thể trong suốt bài luận.
    • Những chủ đề hoặc gợi ý phổ biến cho những bài luận tự thuật là những trở ngại bạn đã vượt qua, thành công hay thất bại lớn, và những lần bạn đã tìm hiểu được về chính bản thân mình.
  2. Hãy tập trung vào chỉ một chủ đề hoặc mục đích. Không giống như thư xin việc/nhập học, bài luận tự thuật không nên chuyển ý quá nhanh giữa các chủ đề và sự kiện khác nhau mà bạn đang muốn nêu bật để khiến mình trở nên tuyệt vời hơn, nhưng hãy tập trung vào một sự kiện hoặc chủ đề đơn lẻ có thể tạo hiệu ứng mạnh hơn.
    • Phụ thuộc vào đề bài, bạn có thể cần liên hệ một câu chuyện của bản thân với một cuốn sách hay một ý tưởng từ lớp học. Hãy bắt đầu liệt kê những chủ đề có liên hệ với ý tưởng có thể mang đến cho bạn nhiều lựa chọn.
  3. Hãy viết về những chủ đề phức tạp nhưng không quá sáo rỗng. Một bài luận không nhất thiết phải tạo dựng một hình ảnh hoàn toàn đẹp đẽ về bản thân bạn. Khi bạn suy nghĩ về chủ đề định viết, hãy suy nghĩ về những thắng lợi và thành công của bản thân, nhưng hãy bổ sung thêm những suy nghĩ về một vài khía cạnh nào đó trong cuộc sống bạn có thể cải thiện. Một lần bạn quên đón em gái sau giờ học cũng có thể tạo ra một bài luận tuyệt vời.
    • Những bài luận tự thuật sáo rỗng thường là những bài có chủ đề về thể thao, chuyến đi sứ mệnh, và sự qua đời của người bà. Những chủ đề này vẫn có thể tạo ra những bài luận tuyệt vời nếu biết cách làm, nhưng rất khó để có thể kể xuất sắc một câu chuyện về quãng thời gian đội bóng của bạn thua một trận lớn và rồi phải tập luyện vất vả, cuối cùng giành chiến thắng.
  4. Thu ngắn dòng thời gian càng ngắn càng tốt. Bạn hầu như không thể viết một bài luận dài 5 trang có chất lượng về toàn bộ cuộc sống của mình cho đến sinh nhật 14 tuổi. Thậm chí với chủ đề như “năm học cuối cấp” thì cũng quá phức tạp nếu cho hết chi tiết vào một bài luận tốt. Chỉ nên chọn một sự kiện kéo dài không quá một ngày hoặc nhiều nhất là một vài ngày.
    • Nếu bạn muốn kể một câu chuyện về cuộc chia tay đau khổ, hãy bắt đầu bằng cuộc chia tay chứ đừng bắt đầu lằng nhằng từ nơi bạn gặp gỡ. Bạn phải ngay lập tức nắm được mâu thuẫn của câu chuyện.
  5. Hãy sử dụng những chi tiết nổi bật tươi sáng. Kiểu bài luận như thế này tốt nhất là bạn nên đề cập đến càng ít sự kiện càng tốt. Nếu bạn muốn viết một bài luận phi giả tưởng, bạn cần đưa vào những chi tiết tươi sáng, hình ảnh và cảm nhận cụ thể.
    • Khi bạn đã có những ý tưởng về chủ đề của mình, hãy bắt đầu viết “danh sách kỷ niệm” về những chi tiết cụ thể bạn còn ghi nhớ về sự kiện đó. Thời tiết hôm đó như thế nào? Không khí khi đó như thế nào? Mẹ bạn đã nói gì với bạn?
    • Đoạn mở đầu sẽ quyết định giọng văn cho toàn bộ phần còn lại của bài luận. Hơn cả việc kể về những chi tiết tự thuật ngốc nghếch (tên bạn, nơi sinh, món ăn yêu thích), hãy tìm cách thể hiện cốt lõi của câu chuyện bạn sẽ kể và chủ đề bạn sẽ đào sâu trong bài luận của mình.
  6. Bắt đầu từ giữa câu chuyện. Đừng lo lắng về việc “xây nhà không móng” trong một bài luận tự thuật. Bạn muốn kể chuyện về lần bạn vô tình làm hỏng bữa tối trong ngày Lễ Tạ Ơn, và sửa chữa sự việc đó như thế nào? Mọi người có phản ứng gì? Đó là một bài luận.
  7. Liên hệ chi tiết đến chủ đề lớn. Nếu bạn viết một bài luận về thảm họa trong ngày Lễ Tạ Ơn trong quá khứ, đừng quên rằng bạn đang viết về nhiều hơn là chỉ về con gà tây bị cháy. Đâu là mấu chốt của câu chuyện? Người đọc sẽ rút ra được gì từ câu chuyện bạn kể? Ít nhất trong mỗi một trang giấy, bạn phải có một sợi dây kết nối người đọc với chủ đề chính hoặc trọng tâm của bài luận bạn đang viết.

Viết thư Giới thiệu Ứng tuyển[sửa]

  1. Tìm một gợi ý. Nếu bạn cần viết đơn xin việc hoặc thực tập, xin vào đại học hoặc cho những cơ hội ứng tuyển khác, đôi khi lá thư đó sẽ cần nêu tóm tắt hoặc gợi ý về những gì được kỳ vọng. Tùy thuộc vào bản chất, bạn có thể cần mô tả về thiện ý hoàn thành công việc, bằng cấp và những tiêu chuẩn cụ thể khác. Một số gợi ý:
    • Liệt kê ra những bằng cấp và nêu bật tài năng của mình trong thư ứng tuyển.
    • Nói về bản thân bạn.
    • Trong thư ứng tuyển, mô tả tại sao học vấn và kinh nghiệm của bạn có thể đáp ứng được vị trí ứng tuyển.
    • Giải thích lý do tại sao cơ hội này sẽ mang lại lợi ích cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
  2. Thống nhất văn phong với mục đích của lá thư. Những nhà tuyển dụng và những tình huống khác nhau sẽ cần văn phong và giọng điệu khác nhau trong lá thư ứng tuyển. Nếu bạn ứng tuyển vào trường đại học, tốt nhất là dùng giọng điệu chuyên nghiệp và học thuật trong cả lá thư. Nếu bạn ứng tuyển phụ trách blog cho một doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ yêu cầu bạn “Giải thích ba điểm bạn thực sự ưu tú!” bạn nên dùng văn phong viết thoải mái hơn. [1]
    • Khi bạn vẫn còn nghi ngờ, hãy viết thật ngắn gọn và nghiêm túc. Nếu bạn không chắc có nên nói về câu chuyện hài hước trong bữa tiệc cử nhân của một người bạn đã kết thúc thành công trong một lá thư ứng tuyển hay không, tốt nhất là bạn đừng đưa vào.
  3. Mô tả lý do bạn viết ở ngay khổ đầu tiên. Hai câu đầu nên giải thích về mục đích của lá thư và ứng tuyển một cách rõ ràng. Nếu có ai đó đọc lá thư ứng tuyển của bạn nhưng lại không rõ bạn muốn gì, thì lá thư ứng tuyển của bạn sẽ nhanh chóng bị vứt vào sọt rác.
    • "Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí dành cho người mới tốt nghiệp của tập đoàn Company được đăng tuyển trên trang web của quý công ty. Tôi hoàn toàn tin rằng kinh nghiệm và học vấn của mình cho phép tôi có thể trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí này".
    • Ngược lại với quan niệm thông thường, bạn không cần thiết phải nêu tên mình trong phần thân của lá thư: “Tên tôi là John Smith và tôi muốn ứng tuyển vào....” Tên bạn sẽ xuất hiện trong phần chữ ký cũng như ở phần đầu lá thư ứng tuyển, cho nên bạn không cần đưa vào nội dung thêm nữa.
  4. Trình bày lá thư ứng tuyển theo hình thức nguyên nhân và tác động. Lá thư ứng tuyển nên giải thích cho ông chủ hoặc ban tuyển sinh tại sao bạn là ứng viên tốt nhất cho vị trí đó hoặc vì sao bạn nên được chấp thuận nhận vào trường đại học hay chương trình bạn đang ứng tuyển. Để làm được điều này, bạn cần đảm bảo mỗi lá thư ứng tuyển của mình đều phải mô tả được bạn có thể mang đến cho họ những gì và những điều đó có thể làm hài lòng mong muốn của đôi bên. Đảm bảo tất cả thư ứng tuyển đều phải mô tả những chi tiết sau một cách rõ ràng:
    • Bạn là ai và bạn đến từ đâu.
    • Mục tiêu của bạn là gì.
    • Vị trí này giúp ích cho bạn như thế nào để đạt được mục tiêu đó.
  5. Hãy nêu chi tiết về tài năng và kỹ năng của bạn một cách cụ thể. Phẩm chất nào giúp bạn trở thành một ứng viên lý tưởng cho công việc hoặc vị trí mà bạn ứng tuyển? Kinh nghiệm, kỹ năng, học vấn và tài năng nào bạn có thể cống hiến cho công ty?
    • Càng cụ thể càng tốt. Bạn có thể viết rằng “Một nhà lãnh đạo đam mê mọi lĩnh vực trong đời sống” nhưng sẽ tốt nếu bạn viết về một ví dụ về khoảng thời gian bạn đã lãnh đạo tài tình như thế nào.[2]
    • Hãy tập trung vào những kỹ năng và tài năng có thể kết nối một cách cụ thể đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Những hoạt động ngoại khóa, vai trò lãnh đạo, những thành tích nổi bật khác có thể rất quan trọng đối với tự thuật cá nhân của bạn và có thể thể hiện với người đọc về chính bạn, hoặc chẳng liên quan gì cả. Nếu bạn đề cập đến một đức tính nào đó, hãy chắc chắn bạn có liên hệ một cách cụ thể đến mục tiêu của lá thư ứng tuyển.
  6. Mô tả mục tiêu và hoài bão của bạn. Bạn muốn tiến xa tới đâu từ điểm xuất phát này? Cả hội đồng tuyển sinh và nhà tuyển dụng đều quan tâm đến những người có hoài bão cho bản thân, những người tự mình bắt đầu sẽ là những người có động lực để đạt được những nấc thang cao hơn. Hãy mô tả việc bạn muốn làm và vị trí này có thể giúp bạn như thế nào để đạt được mong muốn đó.
    • Càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn đang viết thư ứng tuyển vào đại học, rõ ràng bạn cần phải có bằng cấp để kiếm việc ví dụ như bác sĩ chẳng hạn. Nhưng tại sao lại là chiếc bằng này? Tại sao lại là trường này? Cụ thể hơn là bạn cần học những gì?
  7. Hãy giải thích đôi bên sẽ có những lợi ích gì từ lựa chọn của bạn. Bạn có thể cống hiến những gì mà ứng viên khác không có? Liệu trường đại học có được lợi gì nếu bạn trở thành sinh viên của trường hay không? Bạn có lợi gì khi nhận công việc mới đó? Những người đọc thư ứng tuyển của bạn sẽ có hứng thú tìm hiểu những khía cạnh có lợi cho cả đôi bên.
    • Hãy cẩn thận khi dùng thư ứng tuyển để phê bình một doanh nghiệp. Đây không phải lúc để mô tả tình trạng khốn cùng của một nhãn hàng cụ thể trong quý tài chính trước đó, và sau đó hứa hẹn rằng bạn có thể thay đổi mọi thứ với ý tưởng của mình. Việc này sẽ không thể khả thi với môi trường văn phòng và bạn cũng có thể không có khả năng làm được nếu bạn có được nhận việc đi chăng nữa.
  8. Đừng nhầm lẫn thư ứng tuyển với sơ yếu lý lịch. Dù bạn phải liệt kê những kỹ năng giỏi nhất của mình khi ứng tuyển vào công việc mình yêu thích, nhưng thư ứng tuyển không phải là nơi lý tưởng để liệt kê dài dòng chi tiết về học vấn hoặc những thông tin khác nằm trong sơ yếu lý lịch. Và vì một số nơi yêu cầu bạn cung cấp cả sơ yếu lý lịch và đơn xin việc, hãy chắc chắn sơ yếu lý lịch và đơn xin việc của bạn có những thông tin khác nhau.
    • Mặc dù khá ấn tượng, nhưng điểm số GPA cao hay có thứ hạng cao trong lớp không thuộc phạm vi thư ứng tuyển. Nêu bật chúng trong sơ yếu lý lịch của bạn, nhưng đừng tách riêng chúng trong quá trình ứng tuyển.
  9. Trình bày ngắn gọn. Những bức thư ứng tuyển lý tưởng không nên dài quá một hoặc hai trang, cách dòng đơn, hoặc chỉ trong khoảng từ 300-500 từ. Một số nơi có thể yêu cầu viết đơn ứng tuyển dài hơn, khoảng từ 700-1000 từ, nhưng hiếm khi có đơn ứng tuyển nào dài hơn mức đó.
  10. Hình thức lá thư. Lá thư ứng tuyển thường đặt cách dòng đơn, soạn thảo thông thường bằng kiểu chữ Times hoặc Garamond, thư ứng tuyển nên có cả lời chào gửi đến ban tuyển sinh hoặc một người liên lạc cụ thể được liệt kê trong thông báo, chữ ký kết thúc và thông tin liên lạc nêu ở phần đầu của lá thư:
    • Tên bạn
    • Địa chỉ gửi thư
    • E-mail
    • Điện thoại và/hoặc số fax

Viết Ghi chú Tự thuật Ngắn[sửa]

  1. Viết về bản thân ở ngôi thứ ba. Những dạng ghi chú tự thuật mang phong cách quảng bá này chủ yếu phổ biến trong danh bạ công việc, những cuốn sách nhỏ và những tài liệu khác. Bạn có thể được yêu cầu phải cung cấp một hoặc bất kỳ một số lý do nào đó.
    • Hãy giả vờ rằng mình đang viết một ai đó. Viết tên bạn và bắt đầu mô tả người đó giống với một nhân vật hoặc một người bạn của mình: “John Smith là Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Company...”
  2. Giải thích vị trí hoặc chức danh của bạn. Hãy chắc chắn bạn nêu rõ vai trò cụ thể, điểm đặc biệt và cân nhắc mục đích của ghi chú tự thuật.
    • Nếu bạn là người làm đủ nghề, hãy nói đúng như vậy. Đừng sợ phải liệt kê ra “diễn viên, nhà soạn nhạc, bà mẹ, người diễn thuyết truyền cảm hứng, nhà leo núi chuyên nghiệp” nếu những nghề nghiệp này bạn tham gia với mức độ tương đương nhau.
  3. Liệt kê ngắn gọn những trách nhiệm và thành tựu của bạn. Nếu bạn là người hay đạt được nhiều giải thưởng và khá khác biệt, ghi chú tự thuật là cơ hội tốt để bạn liệt kê và mài sắc thêm vũ khí của mình. Hãy cố gắng để ghi chú tự thuật chỉ tập trung vào những sự kiện gần đây.
    • Liệt kê bằng cấp bạn đã nhận được, hãy đặc biệt chú ý đến bất cứ bằng cấp nào có liên hệ với công việc bạn đang nhắm đến. Nếu bạn đã được đào tạo đặc biệt, hãy nêu ra ở đây.
  4. Hãy thêm một chút thông tin về cuộc sống riêng tư của mình nữa. Ghi chú tự thuật không cần phải quá nghiêm túc. Nên kết thúc ghi chú bằng một thông tin cá nhân nhỏ có thể khiến bật lên ghi chú của bạn đôi chút. Hãy cân nhắc sử dụng tên chú mèo của bạn hoặc một chi tiết kì quặc về một sở thích nào đó như:
    • "John Smith là Phó chủ tịch điều hành của tập đoàn ABC, chịu trách nhiệm tiếp thị và thu mua thị trường ngoài nước. Anh nhận bằng Thạc sĩ xuất sắc từ đại học Harvard và sống tại Moontauk với chú mèo tên Cheeto."
    • Đừng chia sẻ quá nhiều. Sẽ khá nực cười nếu bắt đầu ngay lập tức bằng “John Smith thích đám đông và ghét ăn Cheetos. Anh là một ông chủ chính hiệu” những ghi chú tự thuật kiểu này cũng có thể phù hợp với một vài ngữ cảnh nhưng hãy cẩn thận tránh chia sẻ quá nhiều và kỳ cục. Kể cho mọi người về cách chữa say xỉn chỉ phù hợp nhất khi nói chuyện sau giờ làm việc.
  5. Hãy luôn trình bày ngắn gọn. Nhìn chung những loại hình ghi chú tự thuật này không dài quá một vài câu. Chúng thường được đưa vào trang người đóng góp hoặc một danh sách nhân viên, và bạn sẽ không hề muốn ghi chú của bạn quá nổi bật dài đến nửa trang giấy trong khi mọi người chỉ viết trong vài câu.
    • Stephen King, một trong những tác giả nối tiếng và thành công gần đây, có một ghi chú tự thuật chỉ nêu tên các thành viên trong gia đình ông, quê quán và tên những thú cưng của ông. Bỏ đi toàn bộ những lời tự chúc mừng bản thân.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn đang gặp khó khăn khi viết về bản thân mình, hãy tìm kiếm trên mạng những ví dụ về viết tự thuật để lấy ý tưởng và cảm hứng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây