Có giọng hát cao, khỏe, nội lực

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để phát triển giọng hát cao khỏe cần rất nhiều thời gian và công sức. Luyện tập từng bước theo phương pháp dưới đây giúp bạn dần dần cảm nhận được sự tiến bộ của mình trong lĩnh vực ca hát. Bạn chỉ cần tập luyện thật sự nghiêm túc! Thở là một khâu vô cùng quan trọng cần nhớ vì giúp bạn lấy đủ hơi cho 2 lá phổi, từ đó không cảm thấy mệt mỏi khi ca hát.

Các bước[sửa]

  1. Dù ngồi hay đứng, bạn nên cố gắng giữ lưng thẳng và thả lỏng các cơ. Việc giữ thẳng lưng kết hợp thả lỏng cơ thể sẽ giúp cơ hoành và phổi giãn nở đúng cách, từ đó khiến luồng hơi được lưu thông. Do lực hát của bạn bắt nguồn từ cơ hoành nên việc thả lỏng cơ thể là rất quan trọng.
    • Cố gắng thả lỏng cơ bụng. Đừng làm căng cơ bụng hay thóp bụng vì sẽ khiến bạn thở không được tự nhiên.
    • Dùng ngón tay cái đặt lên thanh quản sau đó nhẹ nhàng lay lay 2 bên trái phải. Động tác này giúp thư giãn dây thanh đới từ đó làm giảm sức căng tác động lên các dây thanh đới trước khi bạn hát.
  2. Thở bằng cơ hoành. Cơ hoành là một bó cơ nằm bên dưới phổi có tác dụng co lại khi bạn hít vào, nhờ vậy phổi có thể nở vào không gian đó. Vì vậy khi thở ra bạn phải thả lỏng cơ hoành một cách có kiểm soát và từ tốn. Để trải nghiệm việc thở bằng cơ hoành, bạn có thể thử hát trong tư thế khom người. Chú ý tới cảm giác ở vùng bụng và âm thanh mà bạn hát.
    • Đừng bao giờ hít vào bằng mũi vì hát nốt cao sẽ khó hơn.
  3. Khởi động trước khi hát. Ngâm nga các âm thanh vô nghĩa. Ví dụ: Lấy hơi thổi khí từ vòm miệng qua môi sau đó rung môi hoặc tạo nên những âm thanh kiểu như a b-b-b-b-b, p-p-p-p-p hoặc bật hơi bằng cách kéo dài âm thanh “shhhhh” và còn nhiều cách khác nữa. Đừng ngại ngần thử nhiều nguyên âm và phụ âm khác nhau để các cơ mặt linh hoạt hơn. Cách này giúp câu hát của bạn nghe tốt hơn, đỡ bị căng hơn. Các dây thanh đới của bạn cũng giống như khi thổi bóng bay, tức là nếu bạn kéo giãn bóng ra trước thì sẽ dễ thổi hơn nhiều.
  4. Hát ca khúc phù hợp với quãng giọng. Hát trong quãng giọng khiến bạn cảm thấy thoải mái sẽ giúp làm ấm giọng trước khi hát các bài khó hơn. Nên chọn bài hát khởi động là bài chỉ có vài nốt cao ngoài quãng giọng của bạn và coi đó là một thử thách nhỏ cần vượt qua.
  5. Tập xướng âm, bắt đầu từ các nốt thấp sau đó lên cao dần dần. Nhớ rằng dây thanh đới của bạn là tấm màng mỏng manh nên dù luyện tập kỹ thuật gì cũng cần hết sức từ từ và cẩn thận.
  6. Luyện cho cơ thể quen với việc hát cao. Khi bạn hát các nốt cao, hãy thu bụng dưới lại nhưng giữ cho bụng trên phình ra. Đây là kỹ thuật “nâng bụng dưới”. Buông lỏng hàm dưới một cách mềm mại và giữ cho khẩu hình miệng hẹp. Cong đầu gối một chút để tạo cảm giác bạn đang hướng về phía trước khi hát nốt cao. Cố gắng giữ cho thanh quản không bị đưa lên phía trên khi hát cao mặc dù bình thường thanh quản vẫn hay như vậy. Điều này khiến cổ họng bị căng và có thể gây gãy giọng trong lúc hát. Theo dõi sự vận động của thanh quản bằng cách đặt ngón tay của bạn lên thanh quản lúc đang hát để tiện điều chỉnh cho nó không bị đẩy lên phía trên.
    • Đừng ngửa đầu lên trên khi hát nốt cao, nên giữ cho hướng nhìn thẳng về phía trước, giữ cho cổ thẳng để tránh làm cho câu hát nghe bị căng.
    • Đẩy lưỡi ra phía trước có thể giúp những nốt hát cao nghe đẹp hơn.
  7. Không ép giọng của mình quá mức. Đừng vội vàng hát các nốt quá cao so với quãng giọng của bạn vì hậu quả để lại cho sức khỏe sẽ rất nghiêm trọng. Uống ngụm nước nhỏ trước khi tập luyện hay trình diễn để giọng không bị khô. Luôn mang sẵn nước để uống khi cần.

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Cải thiện tư thế. Để giọng hát trở nên khỏe hơn, bạn nên tạo thói quen giữ đúng tư thế cơ thể, tránh mỗi khi hát mới chuyển sang tư thế đúng.
  2. Luyện tập thể lực. Tập chạy bộ hoặc tập luyện cách quãng để tăng cường sức khỏe và dung tích phổi.
  3. Luyện cho cơ mặt linh hoạt hơn. Thử tự mình tạo ra các nét mặt ngộ nghĩnh. Co giãn miệng, thụt đẩy lưỡi về tất cả các hướng, luyện “ngáp” để mở rộng khoang miệng và thả lỏng hàm dưới tới mức mà bạn có thể dùng tay điều chỉnh lên xuống. Những bài luyện tập này góp phần hình thành và hoàn thiện âm sắc của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Uống mật ong pha với nước ấm. Nên uống trước khi hát, bạn sẽ thấy cổ họng mình dễ chịu hơn.
  • Đừng hát cố vì giọng cũng có giới hạn. Nếu thấy có dấu hiệu khản cổ thì dừng hát ngay lập tức và uống nước ấm (có thể kèm một, hai lát chanh hoặc pha thêm ít nước chanh để uống cùng).
  • Hát thật thoải mái, không ngại ngùng hay lo lắng. Cứ tưởng tượng bạn đang ở nơi nào đấy yêu thích chỉ có một mình bạn.
  • Thử tập bơi vì việc nín thở khi lặn khiến phổi của bạn khỏe hơn.
  • Không nên ăn hoặc uống đồ bơ sữa trước lúc hát.
  • Tránh hò hét vì dễ làm tổn thương cổ họng.
  • Luyện hát ở phòng có độ vang (ví dụ như nhà vệ sinh hoặc phòng trống không có đồ đạc).
  • Hát ở nơi yên tĩnh sẽ dễ đạt được nốt cao hơn những nơi ồn ào. Ngoài ra, tập hát trước khán giả sẽ dần dần giúp bạn bớt sợ sân khấu hơn.
  • Tham gia một khóa học thanh nhạc.
  • Uống nước ấm làm cho cổ họng dễ chịu hơn.
  • Tránh ho hắng hay khạc đờm vì các dây thanh đới của bạn dễ bị trầy xước.
  • Thử nhắm mắt khi hát. Nếu là người mới tập hát, đây là một cách rất hay giúp bạn đỡ căng thẳng trên sân khấu có nhiều ánh mắt dõi theo.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu còn trẻ, giọng hát của bạn có thể thay đổi theo độ tuổi.
  • Nếu bạn không phải là người sở hữu giọng hát cao thì cũng đừng nóng vội. Rất có thể sau này bạn sẽ đạt được những nốt cao như mong muốn nhưng tốt nhất nên bồi dưỡng và phát triển giọng hát dựa trên âm vực tự nhiên của mình.
  • Đừng lạm dụng hay gây tổn thương giọng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Thiết bị nhắc nốt nhạc (đàn piano, đĩa CD hoặc những thiết bị tương tự).
  • Nước ấm.
  • Gương.
  • Thiết bị thu âm (không bắt buộc).
  • Máy vi tính (không bắt buộc).
  • Nhiều khi sử dụng micro khi hát sẽ khiến bạn tự tin hơn.
  • Đàn Ghi-ta (không bắt buộc).