Có một cuộc trò chuyện tuyệt vời

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trò chuyện có thể khá khó khăn. Đôi khi bạn cảm thấy ngại ngùng, hoặc có thể là do bạn không có nhiều điểm chung với người mà bạn đang nói chuyện. Trở thành một người có khiếu nói chuyện không phải quá khó như bạn tưởng tượng, nhưng nó đòi hỏi bạn phải có sự rèn luyện. Cho dù đó có là tại một buổi tiệc, trong trường học, hoặc trên điện thoại, cuộc trò chuyện vui vẻ bắt đầu khi hai hoặc nhiều người cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với nhau. Có nhiều bước mà bạn có thể thực hiện để tìm hiểu cách để thư giãn và có được một cuộc trò chuyện tuyệt vời với bất kỳ ai.

Các bước[sửa]

Bắt đầu Cuộc trò chuyện[sửa]

  1. Lựa chọn thời điểm phù hợp. Thời điểm phù hợp chính là chìa khoá cho một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Không ai thích bị quấy rầy khi họ đang bận rộn hoặc không tập trung. Khi bạn đang cố gắng bắt đầu một câu chuyện, hãy nhớ rằng thời điểm chính là chìa khoá. Ví dụ, nếu bạn cần phải nói chuyện với sếp của bạn, hãy sắp xếp trước thời gian cho một cuộc hội thoại. Cách này sẽ giúp bạn đảm bảo rằng cả hai đều có thời gian để tập trung vào một cuộc trò chuyện hữu ích.[1]

    • Thời điểm phù hợp cũng rất quan trọng cho một cuộc đối thoại ngẫu hứng. Có thể bạn đang tìm cách để gặp gỡ người hàng xóm mới chuyển đến gần nhà bạn. Bạn chắc hẳn sẽ không muốn bắt chuyện nếu họ đang bước vào toà nhà trong tình trạng “ướt như chuột lột” vì mưa, trông kiệt sức, và mang theo một túi thức ăn take-out (thức ăn mang về nhà để dùng). Vào thời điểm này, bạn chỉ nên sử dụng một câu chào hỏi đơn giản chẳng hạn như "Xin chào, bạn khoẻ không?". Bạn có thể làm quen với người đó vào một dịp khác.
    • Nếu ai đó giao tiếp bằng mắt với bạn, đây có thể là thời điểm thích hợp để bạn bắt chuyện. Ví dụ, nếu bạn đang xem sách trong cửa hàng sách và người đứng kế bạn thường xuyên đảo mắt về phía bạn để tìm hiểu xem bạn đang lựa chọn quyển sách nào, hãy cố gắng bắt chuyện với cô ấy. Bạn có thể nói "Quyển sách này có vẻ hay. Bạn có thích sách tiểu sử không?".
    • Nếu bạn muốn nói chuyện với chồng của bạn về việc nhận nuôi một chú cún mới, hãy chắc chắn rằng bạn bàn về vấn đề này vào thời điểm phù hợp. Nếu bạn biết rằng anh ấy không phải là người thường hoạt động tích cực vào ban ngày, bạn không nên thảo luận về chủ đề này trước khi anh ấy uống cà phê hoặc trước khi anh ấy thức giấc.
  2. Nhận xét về môi trường xung quanh bạn. Cuộc trò chuyện bắt nguồn từ sự thôi thúc của tình thế là một cách tuyệt vời để cải thiện kỹ năng của bạn để có thể trở thành người có khiếu nói chuyện. Mỗi ngày hãy dành thời gian để bắt chuyện với người nào đó mà bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, bạn có thể bắt chuyện với người đang xếp hàng phía sau bạn trong quán cà phê. Hãy đưa ra lời nhận xét hoặc đưa ra câu hỏi về môi trường xung qunah. Phương pháp này khá tự nhiên và là một cách tuyệt vời để trò chuyện.[2]
    • Hãy nói rằng "Tôi thích cà phê ở cửa hàng này. Bạn thích hương vị nào nhất?". Hành động này cho thấy rằng bạn muốn trò chuyện với người đó và bạn đang bắt đầu câu chuyện một cách vô cùng tự nhiên.
    • Sử dụng những câu nói mang tính tích cực. Đưa ra lời nhận xét vui vẻ thường sẽ hữu hiệu hơn là nói về những điều tiêu cựu. Bạn có thể sử dụng những câu nói chẳng hạn như "Hôm nay trời đẹp quá phải không? Tôi rất thích trời mát lạnh đến nỗi tôi có thể mặc áo len".
  3. Ghi nhớ tên của mọi người. Chúng ta thường gặp gỡ khá nhiều người mỗi ngày. Cho dù là bạn làm việc trong một công ty lớn, hoặc chỉ đơn giản là bạn thường gặp gỡ nhiều người trong khu phố của bạn hoặc tại trường học của con bạn, thật khó để có thể nhớ tên của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hành động ghi nhớ tên của người khác và thường hay gọi tên của họ sẽ giúp gia tăng sự kết nối giữa họ với bạn.[3]
    • Khi bạn mới biết được tên của một người nào đó, hãy lặp lại nó khi trò chuyện với họ. Khi ai đó nói với bạn rằng "Xin chào, tôi tên là Xuân", bạn nên trả lời rằng "Rất vui được gặp Xuân". Hành động lặp lại ngay lập tức sẽ giúp bạn ghi nhớ tên của người khác vào bộ nhớ của bạn.
  4. Khen tặng người khác. Nói một điều tốt đẹp nào đó sẽ giúp bạn xoá tan bầu không khí “giá băng”. Hầu hết mọi người thường phản ứng tích cực khi bạn khen tặng họ. Hãy lựa chọn một điều cụ thể nào đó để đưa ra nhận xét, và hãy chắc chắn rằng bạn có thái độ chân thành. Giai điệu của giọng nói và nét mặt của bạn là yếu tố truyền tải suy nghĩ của bạn, vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn khen ngợi một cách chân thành.[4]
    • Hãy nói một điều gì đó có ý khích lệ người đồng nghiệp mà bạn muốn làm quen. Bạn có thể sử dụng câu nói chẳn hạn như "Tôi rất ngưỡng mộ cách bạn trình bày bài diễn thuyết đó. Bạn có thể cho tôi một vài gợi ý về cách để có thể hình thành một bài diễn thuyết hiệu quả không?"
    • Câu nói này không chỉ giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng thái độ tích cực mà còn giúp bạn tạo cơ hội cho các cuộc trò chuyện tiếp theo.

Tham gia Trò chuyện Một cách Tích cực[sửa]

  1. Đưa ra những câu hỏi phù hợp. Cần phải có ít nhất hai người để có thể hình thành một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Hãy chắc chắn rằng bạn làm tròn nghĩa vụ của mình và tích cực tham gia vào cuộc thảo luận. Một trong những cách tốt nhất để thực hiện điều này là đưa ra các câu hỏi khiến cuộc thảo luận có thể phát triển một cách tự nhiên.[2]
    • Đưa ra các câu hỏi mở. Thay vì hỏi rằng "Trời hôm nay đẹp quá phải không?". Hãy hỏi rằng "Bạn dự định sẽ làm gì để tận hưởng một ngày đẹp trời như thế này?". Câu ví dụ thứ nhất chỉ yêu cầu một câu trả lời có hoặc không, và điều này có thể dẫn cuộc trò chuyện của bạn đi vào “ngõ cụt”. Hãy đưa ra các câu hỏi khiến người nghe phải trả lời nhiều hơn một từ.
    • Hãy hỏi các câu hỏi có ý làm rõ những điều mà người khác đang nói. Nếu bạn đang trò chuyện về các luật lệ với đứa con đang ở tuổi vị thành niên của bạn, hãy hỏi rằng "Mẹ/Cha nghe nói rằng con không vui vì con cảm thấy như con không có đủ tự do để làm những điều mình thích. Chúng ta nên làm gì để tìm giải pháp phù hợp với cả hai?".
  2. Luyện tập để trở thành người biết tích cực lắng nghe. Trở thành người biết tích cực lắng nghe có nghĩa là bạn thường xuyên đáp lại người mà bạn đang giao tiếp để chứng minh rằng bạn đang chú tâm vào câu chuyện. Bạn có thể cho người khác biết rằng bạn đang lắng nghe một cách tích cực thông qua cả hai tín hiệu thể chất và lời nói. Người biết lắng nghe sẽ khiến người khác cảm thấy rằng họ được quý trọng và được tôn trọng, và đây là những yếu tố rất quan trọng khi bạn muốn phát triển cuộc trò chuyện một cách hiệu quả.[5]
    • Bạn có thể cho người khác biết rằng bạn đang lắng nghe bằng cách sử dụng ngôn ngữ tích cực của cơ thể. Hãy chắc chắn rằng bạn nhìn vào mắt đối phương trong suốt cuộc trò chuyện. Ngoài ra, hãy gật đầu hoặc lắc đầu vào thời điểm thích hợp.
    • Bạn có thể cung cấp tín hiệu ngôn ngữ để người khác biết rằng bạn đang chú tâm vào cuộc trò chuyện. Tín hiệu này có thể đơn giản như là câu nói "Thật thú vị!" hoặc to tát hơn chẳng hạn như "Tôi không biết nó sẽ như vậy. Bạn có thể nói thêm cho tôi biết cảm nhận của bạn khi chạy marathon không?".
    • Một cách khác để chứng tỏ cho người khác thấy rằng bạn đang tích cực lắng nghe là trình bày lại một vài điểm trong câu chuyện. Hãy diễn đạt lại câu chuyện. Ví dụ, bạn có thể nói rằng "Thật tuyệt vời khi bạn có thể khám phá các cơ hội tình nguyện mới. Nghe như là bạn rất phấn chấn khi có cơ hội thực hiện một điều mới mẻ."
    • Hãy nhớ rằng tích cực lắng nghe có nghĩa là lưu giữ lại và suy nghĩ về điều mà người khác đang nói. Thay vì cố gắng hình thành câu trả lời, hãy tập trung vào việc lắng nghe điều mà người khác nói và tiếp thu thông tin.
  3. Hãy thành thật. Khi trò chuyện, hãy chứng minh rằng sự quan tâm của bạn đến đối phương là hoàn toàn chân thành. Ví dụ, có thể bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về sếp của bạn. Cô ấy có thể sẽ khá bận rộn với các nhiệm vụ của mình và không có nhiều thời gian rỗi để bạn có thể tán gẫu với cô ấy. Thay vì tán gẫu, hãy cố gắng hình thành sự kết nối thật sự. Nếu bạn cùng thực hiện một dự án với cô ấy, hãy tham khảo lời khuyên của cô ấy về cách đối phó với khách hàng. Hãy chân thành và cho cô ấy thấy rằng bạn rất trân trọng ý kiến của cô ấy.[1]
    • Nếu người hàng xóm của bạn treo một lá cờ của một trường đại học nào đó trước nhà, và bạn tò mò muốn biết lý do. Bạn có thể nói rằng "Tôi nhận thấy bạn treo lá cờ của trường đại học Hoa Sen trước nhà. Bạn có phải là người hâm mộ đội bóng của trường không?". Đây là một cách tự nhiên, chân thành để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Bạn có thể chuyển hướng sang các chủ để khác khi bạn đã quen biết với người đó.
  4. Tìm điểm tương đồng. Một cuộc trò chuyện tuyệt vời đòi hỏi bạn phải suy nghĩ về sở thích của đối phương. Nếu bạn có thể tìm được một điểm tương đồng nào đó khi trò chuyện, đây có thể là "chủ đề làm quen" tuyệt vời. Bạn có thể sẽ phải đưa ra nhiều câu hỏi để tìm điểm chung, nhưng nỗ lực của bạn sẽ được đền bù xứng đáng.[6]
    • Có thể bạn đang muốn kết thân với chị dâu mới của bạn, nhưng cả hai lại khá khác nhau. Hãy thử nói về chương trình truyền hình mà bạn đã xem hoặc về quyển sách mà bạn đã đọc. Có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng cả hai bạn đều có những sở thích giống nhau. Nếu điều này không đem lại kết quả, hãy nói về một chủ đề nào đó mà mọi người thường thích. Ví dụ, hầu hết mọi người thích thức ăn ngon. Hãy hỏi xem món ăn yêu thích của chị ấy là gì và bắt đầu từ đó.
  5. Cập nhận tin tức. Hãy cố gắng cập nhật các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Cách này sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị nếu ai đó bàn luận với bạn về những sự kiện hiện tại. Hãy dành một vài phút mỗi sáng để xem qua các tin nóng trong ngày. Sự hiểu biết sẽ cho phép bạn tham gia một cách tích cực hơn vào các cuộc trò chuyện. [7]
    • Một kỹ thuật khác là đề cập đến những sự kiện đang diễn ra trong nền văn hoá đương đại. Bàn luận về quyển sách mới, bộ phim, và bản nhạc mới phát hành là một cách tuyệt vòi để có được một cuộc trò chuyện vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí với những người mà bạn gặp khi đang trên đường đi làm vào buổi sáng.
  6. Điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể. Hành vi thể chất là một thành phần quan trọng trong các cuộc trò chuyện trực tiếp. Giao tiếp bằng mắt vô cùng quan trọng. Nhìn vào mắt ai đó cho thấy rằng bạn đang tham gia vào câu chuyện và đang tập trung chú ý.[8]
    • Hãy nhớ rằng giao tiếp bằng mắt không có nghĩa là bạn phải nhìn chằm chằm vào mắt ai đó. Thay vì vậy, hãy duy trì sự giao tiếp bằng mắt trong 50% khoảng thời gian khi bạn là người nói và 70% khoảng thời gian khi bạn là người nghe.
    • Bạn có thể sử dụng các dấu hiệu phi ngôn ngữ khác khi tham gia vào cuộc đối thoại. Hãy gật đầu để chứng tỏ sự hiểu ý, hoặc mỉm cười khi cần phải thể hiện phản ứng tích cực.
  7. Tránh chia sẻ quá mức. Chia sẻ quá mức có nghĩa là bạn nói về điều gì đó có thể đem lại sự xấu hổ cho bản thân bạn hoặc tệ hơn, đem lại sự xấu hổ cho người nghe. Điều này có thể khiến tình huống trở nên ngượng nghịu. Đôi khi mọi người thường thốt ra một điều gì đó khiến họ hối tiếc gần như ngay lập tức. Chia sẻ quá nhiều thông tin có thể làm cho bạn và người mà bạn đang nói chuyện cảm thấy lúng túng. Để tránh chia sẻ quá mức, hãy cố gắng nhận biết những tình huống thường hình thành nên tình trạng này.[9]
    • Chia sẻ quá mức thường xảy ra khi bạn lo lắng hoặc mong muốn tạo ấn tượng tốt. Ví dụ, nếu bạn sắp đối mặt với một cuộc phỏng vấn quan trọng, hãy hít thở sâu, bình tĩnh trước khi bước vào phòng. Ngoài ra, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những điều bạn dự định sẽ trình bày trước khi diễn đạt những suy nghĩ này thông qua lời nói.
    • Đánh giá mối quan hệ giữa bạn với đối phương. Trước khi chia sẻ thông tin, hãy tự hỏi bản thân rằng "Người này có phải là người thích hợp để mình thảo luận về vấn đề này hay không?" Ví dụ, bạn chắc hẳn sẽ không muốn thảo luận về căn bệnh trĩ với người đang xếp hàng phía sau bạn trong tiệm cà phê. Họ không cần biết những thông tin này, và họ sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải nghe về nó.

Lợi ích của Cuộc trò chuyện Tuyệt vời[sửa]

  1. Củng cố các mối quan hệ cá nhân. Giao tiếp là một trong những cách tuyệt vời để củng cố sự liên kết giữa bạn với người nào đó. Nói chuyện là một trong những hình thức hiệu quả để giao tiếp, vì vậy, kết nối thông qua lời nói có thể giúp củng cố mối liên kết cá nhân của bạn. Hãy thử tiến hành các cuộc trò chuyện có chiều sâu với những người mà bạn thật sự quan tâm.[10]
    • Một cách để bạn có thể thực hiện điều này là tiến hành một cuộc trò chuyện thật sự trong khi ăn tối. Ví dụ, nếu bạn sống cùng người yêu, tránh vừa xem TV vừa ăn. Thay vì vậy, hãy cố gắng xây dựng cuộc trò chuyện thú vị vài lần mỗi tuần.
    • Đưa ra các câu hỏi vui chẳng hạn như "Nếu bạn trúng số, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì?". Loại câu hỏi này sẽ giúp bạn kết nối và tìm hiểu đối phương một cách tốt hơn.
  2. Cải thiện mối quan hệ công việc của bạn. Tạo dựng cuộc trò chuyện thú vị là một cách tuyệt vời để cải thiện đời sống công việc của bạn. Nó không chỉ giúp bạn thăng tiến trong công việc mà còn làm cho thói quen hằng ngày của bạn trở nên thú vị hơn. Hãy cố gắng nói chuyện với đồng nghiệp về những chủ đề khác ngoài công việc. Cách này sẽ giúp bạn kết nối với nhau trên một mức độ cá nhân. Sau đó, khi bạn phải cùng nhau thực hiện một dự án nào đó, bạn sẽ có thể giao tiếp một cách hiệu quả hơn.[11]
    • Có lẽ bạn từng nhận thấy rằng người đồng nghiệp ngồi đối diện bạn có khá nhiều bức ảnh chụp chú mèo của cô ấy trên bàn làm việc. Hãy đưa ra những câu hỏi về chú mèo của cô ấy như là cách để tìm hiểu nhiều hơn về cô ấy. Điều này sẽ hướng bạn đến với các cuộc trò chuyện sâu sắc hơn trong tương lai.
  3. Cảm thấy hạnh phúc hơn. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người yêu thích các cuộc trò chuyện của họ thường là những người cảm thấy hạnh phúc hơn. Mặc dù kết quả này tập trung chủ yếu vào cuộc trò chuyện chuyên sâu, tán gẫu thông thường cũng giúp làm tăng lượng endorphin của bạn. Về cơ bản, cố gắng nỗ lực trong các cuộc hội thoại trong ngày nhìn chung sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về cuộc sống.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy khen tặng người khác. Ví dụ, một câu nói như "Tôi thích chiếc túi xách của bạn" có thể dẫn dắt bạn đến với sự bàn luận về cửa hàng, túi xách hoặc bất kỳ một điều nào khác mà bạn có thể tưởng tượng.
  • Chỉ nên bắt đầu cuộc trò chuyện trong thời điểm phù hợp với cả hai. Đối phương sẽ không muốn nói chuyện nếu họ đang vội và họ có thể sẽ cảm thấy khó chịu với bạn.
  • Cung cấp các câu trả lời phù hợp cho các câu hỏi.
  • Nếu bạn quen biết người đó, hãy suy nghĩ về danh sách chủ đề mà bạn từng thảo luận trước đó và tiếp tục bàn luận về một trong những chủ đề đó. Ví dụ, một sự kiện quan trọng của cô em họ, một trong những dự án của họ, hoặc một vấn đề mà họ chia sẻ với bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây