Có một Nhãn hiệu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn đang sử dụng một từ, ký hiệu, câu nói hay thiết kế để xác định sản phẩm hoặc dịch vụ của mình và phân biệt chúng với sản phẩm và dịch vụ của công ty khác, có thể bạn đang sở hữu một nhãn hiệu.[1] Tuy nhiên, việc sở hữu một nhãn hiệu gần như không bảo vệ bạn khỏi các hành vi xâm phạm. Nếu muốn thực thi quyền đối với nhãn hiệu để chống lại những người xâm phạm (ví dụ, những doanh nghiệp khác đang sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không được phép, hoặc đang sử dụng một dấu hiệu tương tự và dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng), bạn cần đăng ký nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[2]

Các bước[sửa]

Đánh giá liệu bạn có cần một nhãn hiệu hay không[sửa]

  1. Hiểu thế nào là nhãn hiệu. Nhãn hiệu là một tài sản trí tuệ, ví dụ như một từ, cụm từ, ký hiệu hoặc thiết kế, được sử dụng để nhận dạng và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của bạn với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.[1]
    • Tại Hoa Kỳ, nhãn hiệu dịch vụ nhận dạng và phân biệt nguồn của dịch vụ được cung cấp.
    • Tại Hoa Kỳ, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bảo hộ cả thương hiệu và logo. Tại Việt Nam, Luật Sở hữu Trí tuệ không quy định về thương hiệu hay logo, nhưng nếu thương hiệu và logo là nhãn hiệu hoặc một phần của nhãn hiệu, chúng cũng sẽ được bảo hộ.
  2. Xác định phạm vi bảo hộ mà bạn cần, xét về giới hạn địa lý. Bạn chỉ cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ của mình tại Việt Nam và không có kế hoạch mở rộng mạng lưới buôn bán tới các khu vực khác? Vậy nhiều khả năng bạn chỉ cần đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Mặt khác, nếu bạn muốn cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ ra nước ngoài, hãy cân nhắc đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia khác.
  3. Đăng ký dấu hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Việt Nam, bạn có thể đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại Hoa Kỳ, chính phủ liên bang có cơ quan đăng ký nhãn hiệu trung ương thông qua Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (PTO).[2] Bạn không bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu với PTO, nhưng việc đăng ký sẽ đem lại lợi thế nhất định cho bạn.[3]
    • Tạo căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu của bạn đối với nhãn hiệu trong các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (bạn phải chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu nếu muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại từ người sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không được phép).
    • Thông báo công khai về các quyền của bạn.
    • Tại Hoa Kỳ, bạn có thể lưu hồ sơ nhãn hiệu của mình với Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ để tránh nhập khẩu hàng hóa nước ngoài xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bạn.
    • Cho phép bạn sử dụng ký hiệu ® trên hàng hóa hoặc dịch vụ của mình.
    • Tại Hoa Kỳ, bạn có thể đưa vụ việc xâm phạm ra tòa liên bang.
    • Cho phép bạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia khác.
  4. Tại Hoa Kỳ, hãy đăng ký nhãn hiệu tại tiểu bang nơi bạn sinh sống. Nhãn hiệu của bạn sẽ được bảo hộ trong phạm vi tiểu bang và bạn có thể đưa vụ việc xâm phạm ra tòa tiểu bang. Bạn cũng có thể sử dụng ký hiệu ™ cho hàng hóa và SM cho dịch vụ (mặc dù không phải là ký hiệu ® của liên bang).[4]
  5. Cân nhắc sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không đăng ký. Tại Hoa Kỳ, nếu nhãn hiệu của bạn đủ mạnh và chưa từng bị người khác sử dụng, nhãn hiệu này được coi là nhãn hiệu do đã được sử dụng cho mục đích thương mại trong nhiều năm. Bạn có thể viết TM sau từ, cụm từ hoặc thiết kế mà không cần đăng ký. Tuy nhiên, nếu không đăng ký nhãn hiệu với PTO, bạn sẽ không có những quyền sau:[3]
    • Quyền sử dụng logo ® dành cho nhãn hiệu đã được đăng ký .
    • Khả năng khởi kiện tại tòa liên bang.
    • Quyền liệt kê nhãn hiệu của bạn trong cơ sở dữ liệu của PTO để người khác có thể tìm thấy. Tương tự như Hoa Kỳ, tại Việt Nam, dấu hiệu của bạn cũng sẽ không được ghi nhận trên Thư viện số về Sở hữu Công nghiệp của Cục Sở hữu Trí tuệ nếu bạn không đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của mình.

Lựa chọn nhãn hiệu – Tránh khả năng nhầm lẫn[sửa]

  1. Tìm kiếm những nhãn hiệu đã có sẵn để đánh giá khả năng nhầm lẫn với dấu hiệu của bạn.[5] Tại Hoa Kỳ, hãy tìm kiếm trên trang trực tuyến của PTO để so sánh nhãn hiệu của bạn với những nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đang được xem xét, bằng cách sử dụng Hệ thống Điện tử Tìm kiếm Nhãn hiệu (TESS). Đồng thời, hãy tìm kiếm từ khóa trên mạng và trên cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu tại tiểu bang nơi bạn sinh sống để nhận kết quả về những nhãn hiệu tương tự, hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan để đảm bảo rằng nhãn hiệu của bạn sẽ không bị nhầm lẫn với những nhãn hiệu khác không được đăng ký với cơ quan liên bang.[6] PTO sẽ không chấp nhận đơn đăng ký của bạn nếu cơ quan này tìm thấy hai hoặc nhiều nhãn hiệu có những điểm tương đồng, cũng như hàng hóa và dịch vụ mang các nhãn hiệu trên có liên quan đến nhau, dẫn tới việc người tiêu dùng tin rằng những hàng hóa hoặc dịch vụ đó có chung nguồn gốc. Tại Việt Nam, bạn cũng có thể tìm kiếm các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ trên Thư viện số về Sở hữu Công nghiệp của Cục Sở hữu Trí tuệ.
  2. Xác định liệu có nhãn hiệu hiện hành nào tương đồng với nhãn hiệu của bạn. Tại Hoa Kỳ, nếu nhãn hiệu có phát âm giống nhau (Apple và Appel), có hình ảnh tương đồng (một quả táo xanh nước biển và một quả đào xanh nước biển), cùng chung ý nghĩa, thậm chí là dịch từ tiếng nước ngoài (Apple và Táo (nghĩa tiếng Việt của apple)), hoặc tạo ấn tượng tương tự với công chúng (Táo và Hoa quả có màu đỏ), những nhãn hiệu đó được coi là tương tự nhau và PTO sẽ cân nhắc liệu hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu có liên quan tới nhau hay không.
  3. Đánh giá liệu nhãn hiệu tương tự có biểu trưng cho hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan hay không. Tại Hoa Kỳ, nếu hai nhãn hiệu tương tự nhau và được sử dụng cho những hàng hóa và dịch vụ liên quan tới mức khách hàng có thể cho rằng những hàng hóa và dịch vụ trên có cùng nguồn gốc, PTO sẽ từ chối đăng ký nhãn hiệu của bạn do khả năng gây nhầm lẫn. Ví dụ, nếu bạn đăng ký nhãn hiệu cho ‘Táo’ để sử dụng cho máy tính và các thiết bị kỹ thuật khác, PTO nhiều khả năng sẽ từ chối đơn do nhãn hiệu hiện hành của Apple. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đăng ký ‘Táo’ cho sản phẩm khăn rửa bát, PTO sẽ không cho rằng công chúng có thể nhầm lẫn nhãn hiệu của bạn với nhãn hiệu của Apple.

Lựa chọn nhãn hiệu – Chọn nhãn hiệu mạnh nhất có thể[sửa]

  1. Chọn một nhãn hiệu mạnh. Nhãn hiệu càng mạnh thì càng dễ dàng cho bạn để bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi sử dụng trái phép của bên thứ ba. Mỗi nhãn hiệu sẽ thuộc một trong số các nhóm dưới đây, từ dấu hiệu mạnh nhất cho đến yếu nhất. Hãy chọn nhãn hiệu mạnh nhất có thể.[5]
    • Kỳ lạ. Một từ do bạn nghĩ ra và không có ý nghĩa, ví dụ như từ ‘Vingra’ cho một nhãn hàng quần áo.
    • Có ý nghĩa thay đổi. Một từ có thật với ý nghĩa nhất định, nhưng không liên quan tới hàng hóa hay dịch vụ mang nhãn hiệu. Nhãn ‘Apple’ cho sản phẩm máy tính thuộc nhóm dấu hiệu này.
    • Có tính gợi ý. Một nhãn hiệu gợi mở, nhưng không mô tả công khai, về tính chất hoặc mối liên quan tới hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu, ví dụ như ‘Day-by-Day’ (tạm dịch là Ngày qua Ngày) cho một quyển lịch.
    • Có tính mô tả. Một từ hoặc thiết kế mô tả rõ ràng hàng hóa hoặc dịch vụ, ví dụ như ảnh của một chiếc bánh quy yến mạch cho công ty sản xuất bánh quy. Những nhãn hiệu mô tả thường không thể đăng ký được, trừ khi chúng có mức độ đặc trưng qua sử dụng rộng rãi vì mục đích thương mại trong ít nhất năm năm.
    • Chung chung. Một nhãn hiệu chung chung, ví dụ như ‘Ô tô’ cho nhãn hàng ô tô, sẽ không thể đăng ký được và không có hiệu lực bảo hộ đối với bên thứ ba.
  2. Đảm bảo rằng nhãn hiệu của bạn đáp ứng đủ các điều kiện để đăng ký. Tại Việt Nam, hãy tham khảo các quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ (hiện tại là Điều 72, 73, 74 và 75 của Luật Sở hữu Trí tuệ 2005) để xác định điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, PTO có thể từ chối hồ sơ nếu nhãn hiệu của bạn thuộc những nhóm sau:[3]
    • Họ hoặc tên đầy đủ của một người hoặc những cụm từ tương tự.
    • Phản cảm.
    • Mô tả rõ vị trí địa lý về nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ.
    • Bản dịch của một từ nước ngoài chung chung hoặc có tính mô tả.
    • Tên sách hoặc tên phim.
  3. Phân tích lý do kinh doanh đăng sau nhãn hiệu của bạn. Dù có thể được đăng ký và cơ chế bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực, nhãn hiệu của bạn cũng sẽ không có giá trị nếu công chúng không thể nhớ, phát âm, đánh vần tên nhãn hiệu, hoặc nhãn hiệu này có ý nghĩa phản cảm hay miệt thi theo tiếng nước ngoài (ví dụ trong tiếng Tây Ban Nha, thương hiệu ‘Chevy Nova’ (Chevy là tên viết tắt của Chevrolet, một hãng ô tô) có nghĩa là ‘Chevy không thể đi được’).
  4. Thuê luật sư chuyên về nhãn hiệu. Luật sư chuyên về nhãn hiệu có thể giúp bạn lựa chọn một nhãn hiệu tạo nên thành công qua tìm kiếm chính xác, vượt qua thủ tục hồ sơ phức tạp, cung cấp tư vấn về thực thi quyền đối với nhãn hiệu và đảm bảo bạn không trễ thời hạn duy trì bảo hộ nhãn hiệu. Nếu quyết định thuê luật sư, hãy đảm bảo bạn lựa chọn người có nhiều kinh nghiệm làm việc với cơ quan đăng ký nhãn hiệu.

Điền đơn đăng ký nhãn hiệu với PTO tại Hoa Kỳ[sửa]

  1. Điền đơn của PTO trên mạng. Cách dễ dàng nhất để điền đơn đăng ký là sử dụng Hệ thống Điện tử Đăng ký Nhãn hiệu (TEAS) trên trang trực tuyến của PTO. Bạn cần nộp những tài liệu dưới đây: [7]
    • Thông tin cá nhân của chủ sở hữu nhãn hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân, và không nhất thiết là công dân Hoa Kỳ.
    • Tên và địa chỉ của người nộp đơn. Tất cả những công văn gửi tới và gửi từ PTO đều thông qua người này, vì vậy hãy đảm bảo anh ấy hoặc cô ấy là người đáng tin cậy.
    • Mô tả nhãn hiệu. Đây là bản vẽ nhãn hiệu của bạn, được chia thành hai loại: bản vẽ "đặc điểm tiêu chuẩn" (bản vẽ chỉ bao gồm hình ảnh, không có chữ cái hay từ) và bản vẽ "mẫu đặc biệt" (một từ được cách tân, có thể bao gồm thiết kế, logo, chữ cái đặc biệt hoặc màu sắc).
    • Loại hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan tới nhãn hiệu. Mục này sẽ xác định những hàng hóa hoặc dịch vụ do bạn cung cấp cho khách hàng gắn liền với dấu hiệu đã được lựa chọn.
    • Cơ sở điền đơn. Bạn phải khẳng định rằng bạn (1) đang sử dụng dấu hiệu trong doanh nghiệp do mình sở hữu, và dấu hiệu này xuất hiện trên hàng hóa (“sử dụng cho mục đích thương mại”); hoặc (2) có ý định sử dụng dấu hiệu cho doanh nghiệp trong tương lai (“dự kiến sử dụng”).
    • Mẫu vật. Nếu cơ sở điền đơn của bạn là “sử dụng cho mục đích thương mại”, bạn cần nộp ảnh hàng hóa hoặc dịch vụ cho thấy dấu hiệu đang được sử dụng (ví dụ như áo phông với thẻ thông tin in dấu hiệu).
    • Chữ ký.
  2. Trả phí nộp hồ sơ. Hiện tại, phí hồ sơ của TEAS là 325 đô-la Mỹ cho mỗi nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ.
    • Bạn có thể lựa chọn hồ sơ TEAS Plus với giá 275 đô-la Mỹ, với điều kiện bạn chấp thuận gửi và nhận toàn bộ công văn điện tử với PTO, và phải chọn hàng hóa và dịch vụ thuộc danh sách có sẵn.[8]
    • Toàn bộ phí hồ sơ của PTO đều không thể hoàn lại, kể cả khi hồ sơ của bạn bị từ chối.
  3. Giám sát trạng trái hồ sơ của bạn. Kiểm tra trạng thái hồ sơ của bạn mỗi quý hoặc bốn tháng một lần. Nhập số sê-ri (được cung cấp khi bạn nộp hồ sơ) trên hệ thống Tình trạng Nhãn hiệu và Thu hồi Tài liệu (TSDR) để kiểm tra trạng thái hồ sơ.[9]
    • Người giám định của PTO sẽ kiểm tra hồ sơ của bạn sau khoảng ba tháng kể từ khi nộp hồ sơ.
    • Nếu người giám định của PTO gửi cho bạn tài liệu có tên Hành động của Cục (Office Action), hồ sơ của bạn đã có vấn đề (khả năng nhầm lẫn với nhãn hiệu có sẵn, sức mạnh của nhãn hiệu, v.v). Bạn có sáu tháng để trả lời tài liệu trên, nếu không hồ sơ của bạn sẽ bị coi là bỏ đi.[5]
    • Nếu người giám định chấp thuận hồ sơ, nhãn hiệu của bạn sẽ được đăng tải công khai tại Công báo trực tuyến hàng tuần của PTO.
  4. Đợi 30 ngày. Sau khi nhãn hiệu được đăng tải công khai trên Công báo, công chúng có 30 ngày để phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của bạn bằng cách gửi yêu cầu phản đối lên Ủy ban Xét xử và Khiếu nại Nhãn hiệu Hoa Kỳ (TTAB).[10] Trong trường hợp đó, hãy tham khảo ý kiến luật sư trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
  5. Nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thời điểm nhận bằng phụ thuộc vào cơ sở điền đơn của bạn và liệu có ai phản đối nhãn hiệu của bạn trong giai đoạn được đăng tải hay không.
    • Nếu không ai phản đối, hay nếu bạn là bên thắng trong trường hợp việc đăng ký nhãn hiệu bị phản đối, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau 11 tuần kể từ khi công khai dấu hiệu “sử dụng cho mục đích thương mại” hoặc nhãn hiệu đã qua thủ tục đăng ký tại nước ngoài.
    • Nếu không ai phản đối, hoặc nếu bạn là bên thắng trong trường hợp việc đăng ký nhãn hiệu “dự kiến sử dụng” bị phản đối, bạn sẽ được nhận Thông báo Chấp thuận sau tám tuần kể từ khi công khai nhãn hiệu. Sau đó, bạn có sáu tháng để nộp Khẳng định Sử dụng nhãn hiệu cho PTO, hoặc xin gia hạn thêm sáu tháng cho việc này. Sau khi PTO chấp nhận Khẳng định Sử dụng nhãn hiệu, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.[5]
  6. Duy trì hiệu lực nhãn hiệu với PTO. Để đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực, hãy lưu ý những thời hạn dưới đây.[5]
    • Bạn cần nộp tài liệu duy trì hiệu lực có tên Tuyên bố Sử dụng (hoặc Không sử dụng có lý do) cho PTO vào khoảng thời gian giữa năm thứ năm và năm thứ sáu kể từ thời điểm đăng ký, bằng không nhãn hiệu của bạn sẽ bị hủy bỏ.[11]
    • Bạn phải điền đơn phục hồi hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu trước khi kết thúc năm thứ mười tính từ thời điểm đăng ký, bằng không đăng ký của bạn sẽ bị hủy bỏ.[11]

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với tiểu bang tại Hoa Kỳ hoặc quốc tế[sửa]

  1. Tại Hoa Kỳ, hãy đăng ký nhãn hiệu tại tiểu bang nơi bạn sinh sống. Nếu quyết định không cần đăng ký nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, bạn có thể đăng ký nhãn hiệu tại tiểu bang của mình. Đăng ký tại tiểu bang cho phép thực thi quyền của bạn đối với nhãn hiệu trong phạm vi tiểu bang đó. Kích chuột vào tên tiểu bang tại trang trực tuyến sau để tìm hiểu những yêu cầu và thủ tục đăng ký đối với từng tiểu bang.[12]
    • Quá trình đăng ký nhãn hiệu tại tiểu bang có thể nhanh chóng hơn và không đắt đỏ bằng việc đăng ký với PTO.
    • Đăng ký tại tiểu bang không cho phép bạn sử dụng nhãn hiệu đăng ký liên bang, ®, trên hàng hóa hoặc dịch vụ của bạn. [4]
  2. Đăng ký nhãn hiệu của bạn trên toàn thế giới. Ít nhất 95 quốc gia đã áp dụng Hệ thống Madrid để đăng ký nhãn hiệu quốc tế, bao gồm cả Việt Nam.[13] Hệ thống Madrid là thủ tục cho phép bạn nộp một đơn quốc tế duy nhất, bằng một ngôn ngữ với một khoản phí để bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia do mình lựa chọn.
    • Tại Hoa Kỳ, bạn sẽ nộp đơn quốc tế qua PTO, sau đó PTO sẽ chuyển đơn tới Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). WIPO sẽ xem xét hồ sơ của bạn, lưu lại trong Đăng ký Quốc tế và gửi tới những quốc gia mà bạn yêu cầu để được chấp thuận (thường trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng). Tại Việt Nam, bạn cần nộp đơn quốc tế tới Cục Sở hữu Trí tuệ, với điều kiện nhãn hiệu của bạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.
    • Đăng ký của bạn tại từng quốc gia sẽ có hiệu lực trong mười năm, và bạn có thể phục hồi hiệu lực thêm mười năm nữa.
    • Rất nhiều quốc gia đã áp dụng Hệ thống Madrid, tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ đáng lưu ý. Ví dụ, tính đến năm 2015, Canada chưa phải là thành viên của Thỏa ước Madrid cũng như Nghị định thư Madrid. Nếu muốn đăng ký nhãn hiệu tại Canada, bạn cần thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý nhãn hiệu tại Canada.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Tại Hoa Kỳ, bạn cũng có thể điền và gửi hồ sơ PTO qua đường bưu điện. Bạn có thể yêu cầu PTO gửi đơn đăng ký nhãn hiệu bản cứng qua đường bưu điện, và gửi lại đơn này sau khi đã hoàn thành. Phí hồ sơ gửi qua đường bưu điện là 375 đô-la Mỹ. Lưu ý rằng PTO không chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu qua fax.[5]
  • Lưu ý rằng ngay cả những dấu hiệu kỳ lạ và có ý nghĩa thay đổi cũng có thể trở thành dấu hiệu chung theo thời gian, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không khống chế việc sử dụng nhãn hiệu đó (ví dụ như ‘Aspirin’, từ được sử dụng rộng rãi hiện nay để mô tả tất cả các loại thuốc giảm đau, bất kể thương hiệu).
  • Kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu của bạn. Nếu vào bất kỳ thời điểm nào, nhãn hiệu của bạn không còn mạnh như trước hoặc bị sử dụng bởi những người khác nhưng không được bạn cho phép, bên thứ ba có thể gửi yêu cầu phản đối tới TTAB và bạn có thể đánh mất nhãn hiệu của mình.
  • Nếu không thể thực thi quyền đối với nhãn hiệu của mình, có thể bạn sẽ đánh mất nhãn hiệu đó. Khi một số lượng người nhất định đã sử dụng nhãn hiệu của bạn mà không được phép, tới mức bạn không còn khả năng thực thi quyền đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu đó có thể bị hủy bỏ.
  • Lưu ý rằng tên miền internet không phải là nhãn hiệu, và đăng ký tên miền không đem lại quyền đối với nhãn hiệu. Thi thoảng, việc sử dụng địa chỉ trang trực tuyến phố biến trong cộng đồng (ví dụ như ‘match.com’) có thể đáp ứng điều kiện "được sử dụng trên thực tế" để đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên hãy nhớ rằng bản thân tên miền không tự động cấu thành nhãn hiệu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]