Cần xác định rõ mục tiêu giáo dục và đào tạo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Đều nhằm xây dựng con người. Một trong những mục tiêu nữa của GD là phát hiện năng lực của từng cá nhân để có thể định hướng cho việc đào tạo. Còn ĐT là để xây dựng khả năng lao động cho mỗi người. Nền GD tốt là nền giáo dục tạo ra được những con người có đạo đức và nhân cách tốt, có ý thức trách nhiệm cao. Nền ĐT tốt là nền ĐT ra những con người có kỹ năng lao động giỏi. Không nên lẫn lộn những mục tiêu này trong xây dựng các chương trình GD&ĐT.

Để thực hiện hai nhiệm vụ GD&ĐT, chúng ta có hai chương trình và hai hệ thống trường lớp là phổ thông và các trường dạy nghề, trung học, cao đẳng , đại học. Nhưng thực tế cho thấy, chương trình GD hiện đang gánh một phần chương trình ĐT, làm cho chương trình GD trở nên quá nặng không chỉ với học sinh mà còn là gánh nặng đối với cả các thầy, cô giáo, nhà trường và xã hội. Hơn thế nữa, có một khối lượng không nhỏ kiến thức trong chương trình này sẽ không hoặc rất ít được người học sử dụng sau này trong thực tế cuộc sống. Trong khi đó có những kiến thức mang tính phổ thông lại không có trong chương trình hoặc chỉ sơ lược. Chúng ta yêu cầu học sinh phổ thông phải nắm chắc một số kiến thức toán cao cấp, nhưng lại chưa có một công trình nghiên cứu nào xác định xem có bao nhiêu học sinh đã sử dụng đến những kiến thức đó và sử dụng như thế nào khi trở thành người lao động. Trong khí đó một bộ phận khá đông học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp do không có điều kiện qua các trường ĐT đã đi làm nhiều nghề như thợ xây, thợ mộc mà không có được một chút kiến thức nghề nào được tiếp thu trong suốt 12 năm ngồi ghế nhà trường phổ thông.

Khi yêu cầu học sinh phổ thông phải tiếp thu một khối lượng kiến thức vượt quá khả năng và không phù hợp thì sẽ nảy sinh ( và thực tế đã nảy sinh) nhiều vấn đề mang tính tiêu cực trong học tập và giảng dạy. Học sinh tìm cách đối phó với việc học hành bằng cách học lệch, học tủ, gian dối trong các kỳ thi bằng hình thức quay cóp. Gia đình sợ con không được lên lớp nên tìm cách chạy điểm; các thầy, cô giáo và nhà trường sợ không có thành tích nên phóng tay nâng điểm. Và điều này đa tạo ra một tầng lớp học sinh ỷ lại vào cha mẹ, vào thầy cô giáo mà trở nên lười học. Kết quả ngay lập tức là điểm thi và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh phổ thông tuy rất cao nhưng lại đạt kết quả rất thấp ở các kỳ thi tuyển. Chương trình nặng về truyền thụ kiến thức nên khó đảm bảo được sự phát triển toàn diện cho học sinh trong khi miệt mài trau dồi kiến thức. Học sinh không còn thời gian dành cho giao tiếp để rèn luyện kỹ năng ứng xử trong gia đình và xã hội, không còn thời gian để rèn luyện sức khoẻ. Số lượng học sinh bị cận thị ngày càng tăng. Nguy cơ về một thế hệ chân yếu, tay mềm, mắt kém không phải là một sự phóng đại.

Chương trình GD thì nặng nề và kéo dài trong khi đó thì chương trình ĐT lại không đủ thời gian cho người học nắm vững được chuyên môn, nghề nghiệp của mình, dẫn đến tình trạng nhiều nơi nhận người làm từ các trường ĐT phải thực hiện việc ĐT lại. Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều cuộc cải cách GD nhưng có lẽ chỉ chú trọng vào cải cách các phương pháp truyền thụ kiến thức mà chưa thực sự cải cách chương trình, chưa xác định đúng tính chất kiến thức cần GD&ĐT.

Xác định rõ mục tiêu trong xây dựng chương trình GD&ĐT, xây dựng được các chương trình hợp lý không chỉ làm cho gánh nặng của sự nghiệp GD&ĐT nhẹ bớt mà còn có thể dễ tìm được các phương pháp học tập, giảng day tốt, nâng cao khả năng tiếp nhận tri thức cho người học, mục tiêu GD&ĐT dễ thực hiện hơn.

Nguồn: Phùng văn Hoà - Báo Lao động số 285/2003 ngày 12-10-2003, mục “ Diễn đàn dân bàn chuyện học”