Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/128

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

NHƯỜNG THIÊN HẠ

Vua Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do, có nói rằng:

"Khi mặt giời, mặt giăng đã mọc mà còn cứ cầm đóm đuốc, soi sáng như thế, chẳng cũng khó lắm ru! Khi đang mong mưa, giời đã mưa mà còn cứ dội nước, tẩm tưới như thế, chẳng cũng nhọc lắm ru! Nay có ngài ra đời, đức thịnh tài cao, thiên hạ tự khắc cảm hoá bình trị, thế mà tôi còn cứ giữ lấy thiên hạ, thì tôi tự nghĩ lấy làm kém lắm. Xin nhường thiên hạ cho ngài."

Hứa Do nói:

"Nhà ngươi trị thiên hạ đã được bình trị mà ta còn thay nhà ngươi, như thế chẳng là ta không có cái "thực" làm cho thiên hạ bình trị, mà ta lại nhận lấy cái "danh" bình trị thiên hạ ư? Vả cái "danh" là người khách của cái "thực", nếu không có thực mà lại dương lấy danh, thì chẳng hoá ra ta làm người khách không có chủ ư? Con chim làm tổ ở rừng chẳng qua chỉ một cành cây, con chuột uống nước ở sông chẳng qua chỉ đến no bụng. Thôi, xin nhà ngươi cứ về mà trị lấy thiên hạ, ta dùng thiên hạ làm gì! Người nhà bếp mà chẳng trông nom việc bếp, thì người giữ việc tế tự cũng chẳng có thể bỏ đèn hương mà làm thay cho được."

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Nghiêu: tên một bậc thánh đế đời nhà Đào Đường.

- Hứa Do: một bậc cao sĩ đời thượng cổ, ẩn ở núi Cô Sơn.

- Cảm hoá: cảm động mà hoá ra hay.

- Bình trị: yên ổn và có trật tự.

NHỜI BÀN[sửa]

Ý vua Nghiêu nghĩ thiên hạ là chung của cả thiên hạ, cho nên vua mới tìm người hiền tài để truyền ngôi, miễn là thiên hạ được bình trị là mình được sung sướng.

Ý Hứa Do thì nghĩ mình không có tài mà nhận lấy cái tài của người làm của mình thì không gì xấu bằng, và ông lại có cái thú vô danh hơn là hữu danh, nên ông lấy việc có thiên hạ làm phiền, chớ không phải là sướng.

Một bên quên lợi, một bên quên danh đáng quý thay.

Thời buổi ngày nay giá được những bậc người tài giỏi không có lòng tư, không cậy công, cậy của, không hiếu lợi, hiếu danh, thì lo gì thiên hạ chẳng bình trị.

Liên kết đến đây