Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/151

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

LƯỠI VẪN CÒN

Trương Nghi lúc hàn vi, thường theo hầu rượu tướng nước Sở.

Một hôm, tướng Sở mất ngọc bích, môn hạ ai nấy đều ngờ cho Trương Nghi, đánh đập tàn tệ. Trương Nghi không phục tình. Lúc được tha, giở về nhà, vợ thấy thê bảo rằng:

- Than ôi! Giá chàng học hành biết du thuyết, thì không đến nỗi nhục nhằn như thế.

Trương Nghi há mồm to, hỏi vợ rằng:

- Nàng thử xem cái lưỡi của ta có còn không?

- Vợ cười, nói: Lưỡi vẫn còn.

- Trương Nghi bảo: Thế thì được.

Rồi sau Trương Nghi quả nhiên thành ra một nhà du thuyết giỏi có tiếng thời bấy giờ.

TRƯƠNG NGHI TRUYỆN

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Trương Nghi: người nước Ngụy là một nhà du thuyết giỏi đời Chiến quốc.

- Hàn vi: nói lúc còn nghèo hèn, không có thế lực gì.

- Ngọc bích: thứ ngọc đẹp, nhẵn hình tròn và có lỗ.

- Phục tình: chịu cho thế là phải, là đúng sự thực.

- Du thuyết: bàn luận một cách khôn khéo, khiến người phải siêu lòng nghe theo. Tiếng xưa dùng để chỉ những người có tài biện luận về việc chính trị, giao thiệp các nước chư hầu về đời Chiến quốc.

NHỜI BÀN[sửa]

Phàm người ta thường có bị sỉ nhục, thi mới phẫn phát. Khi đang phát phẫn mà có ai khích cho một câu, thì tất phải cố công, gắng sức làm cho đã như rửa được cái nhục và nên công, nên việc.

Trương Nghi đây sở dĩ mà thành được một nhà du thuyết giỏi, tuy là sự tài mình làm nên, nhưng cũng là vì có kẻ làm nhục, là nhờ có vợ khuyến khích thêm cho nữa. Vậy nên ở đời những kẻ thủ nghịch, sỉ nhục mình thường có khi lại chính là kẻ giúp cho mình làm nên vậy.

Liên kết đến đây