Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/163

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

MẤT DÊ

Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn một người đầy tớ đi tìm hộ.

Dương Chu nói: Sao mất có một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm?

- Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm ngã ba

Khi những người tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:

Có tìm thấy dê không?

- Người láng giềng nói:

- Không.

- Sao lại không tìm thấy?

- Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không cả.

Ấy đường cái, chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì dễ mê muội, mà mất cả lương tâm.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Dương Chu: người thời Chiến quốc xướng lên học thuyết "Vị ngã" trái lại với học thuyết "Kiêm ái" của Mặc Tử.

- Ngã ba: chỗ con đường đi ra ba ngả khác nhau.

- Lương tâm: lòng lành giời phú cho người ta, tự nhiên như thế.

NHỜI BÀN[sửa]

Người đi học mà cứ tìm tòi vơ vét cái gì cũng tham muốn biết cả, thì không bao giờ học cho thực đến nơi đến chốn được! Vì cái tâm con người có một, cái sức hoạt động của người cũng có hạn, nếu phân tâm ra nhiều nơi, dùng sự hoạt động vào nhiều việc, tuy rằng học nhiều, biết nhiều thật, nhưng chẳng qua chỉ choèn choèn trên mặt, gọi là biết qua loa ít chút thôi. Sao cho bằng chỉ chuyên tâm học về một mặt nào, mà học cho đến kỳ cùng, thì sự học, sự biết mới thực là chắc chắn sâu sa và có giá trị vậy. Sự học cũng như nhiều sự khác vẫn “qui hồ tinh" hơn là "qui hồ đa".

Liên kết đến đây