Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/170

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

KHINH NGƯỜI

Tử Kích là một bực quyền quí, gặp Điền Tứ Phương, là một người hàn sĩ ở giữa đường, liền xuống xe chào. Tử Phương làm lơ không đáp lại.

Tử Kích giận, hỏi Tử Phương rằng:

- Kẻ phú quí hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?

- Tử Phương nói: Kẻ bần tiện mới hay khinh người; kẻ phú quí sao dám khinh người. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ có học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà nhời nói vua, quan không dùng, việc làm vua, quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sợ gì, mà không dám khinh người?

Tử Kích nghe ra, bèn xin lỗi Tử Phương.

CHU THƯ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Tử Kích: một nhà quyền thế đời Chiến quốc.

- Bực quyền quí: người có uy quyền thể lực thiên hạ phải kính sợ.

- Điền Tử Phương: người nước Nguy về đời Chiến quốc có tiếng là bực hiền nhân.

- Hàn sĩ: người học trò nghèo khổ chưa làm nên gì.

- Phú quí: giàu có sang trọng.

- Bần tiện: nghèo kho hèn hạ.

- Học thức: sức học rộng rãi, kiến thức cao xa.

NHỜI BÀN[sửa]

Tử Kích muốn lấy quyền thế mà khinh người; Tử Phương muốn lấy học thức mà khinh người. Đến cùng, thì học thức khinh nổi được quyền thế. Mới hay ở đời nào cũng vậy, phú quí không bao giờ bằng được học thức. Song, ta bình tĩnh mà nói: khinh người tức là “kiêu" mà chữ kiêu là cái nguồn gốc làm bại hoại cả đức tính. Phú quí chẳng nên kiêu, thì bần tiện dẫu có kiêu được, cũng không lấy gì làm phải. Kẻ sử sĩ đời Chiến quốc phải cái phong khí nó chuyển đi, cho nên thường hay mắc cái thói kiêu như Tử Kích đây cũng là đáng tiếc. Người có học thức mà kiêu, là hạng người khinh thế ngạo vật, coi đời như không quan thiết gì đến mình. Ôi! Đã gọi là người học thức mà có tính kiêu, thì vô bổ cho đời; đời có người ấy cũng như không vậy.

Liên kết đến đây