Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/182

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

VỢ THẦY KIỆN

Có một người thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội, gạt lỗi cho nhiều người, mà ý nghĩ chưa được sâu sắc, nhời nói chưa được chặt chịa, thì cứ muốn ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy, thường dặn người nhà, có khách hỏi, không được cho vào, cả đến vợ cũng phải lánh xa ở một buồng khác.

Vợ người thầy kiện trước kia vẫn đã cùng người láng giềng đầu mày cuối mắt, chỉ vì không dịp, không chỗ, cho nên dòm dỏ đã hơn một năm, mà chưa được thân cận với nhau. Bấy giờ biết thế, mỗi khi gặp người thầy kiện cấu tứ, thì người vợ bèn lại chuyện trò quấy rối để đến phải mắng, phải đuổi tránh đi chỗ khác.

Thành vì thế mà người vợ với người láng giềng, được bao nhiêu cơ hội đi lại với nhau luôn, kể hàng bao nhiêu năm mà không ai biết.

Sau người thầy kiện vì cấu tứ mãi mà chết. Người vợ chửa hoang phải nhà chồng kiện.

Quan tra xét căn do việc đi lại với ai. Vợ người thầy kiện phải thú thực.

Quan vỗ bàn thở dài nói:

"Ngòi bút của người thầy kiện đã khéo, ai ngờ cơ giới còn khéo hơn!"

"DUYỆT VI"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Cấu tứ: cố nghĩ để đặt phác những ý tứ nhời nhẽ nên giãi bày thế nào.

- Cơ hội: cái dịp, cái thời có thểnhờ đấy mà làm được việc gì.

- Căn do: gốc tích một truyện, một việc bởi tự đâu mà ra.

- Cơ giới: thuật khéo của giời.

NHỜI BÀN[sửa]

Làm thầy kiện mà gỡ tội cho kẻ oan, chánh đáng bao nhiêu, thì buộc tội cho người ngay, khốc hại bấy nhiêu. Người thầy kiện nói trong bài đây là một tay giảo hoạt chắc đã nhiều lần, lấy lý mà thắt người ngay vào tội ghê gớm lắm. Bởi vậy tác giả mới bày ra truyện này, nói người thầy kiện vừa tự hại mình, lại để cho vợ phản mình, là có ý dạy người tuy khôn đến đâu, cũng không lọt được vành Tạo vật, Tạo vật thường vẫn ghét người sảo, bao giờ cũng bắc sẵn cái cân để cân lại cho công bằng. Nhiều khi mình muốn hại người chẳng thấy đâu, lại chỉ thấy cái hại nó quay ngay vào mình.

Liên kết đến đây