Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/200
NHỜI NÓI KẺ BẮT RẮN
Ở Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng, chạm vào cây cỏ, thì cây cỏ chết, cắn phải người, thì không thuốc gì chữa nổi. Song mà bắt được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa những bệnh như bệnh trúng phong, bệnh co quắp chân tay, đều sát, được cả trùng.
Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để để dành. Ai bắt được rắn, thì được trừ thuế ruộng.
Người châu Vĩnh tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời. Hỏi ra, thì nhà họ Tương nói:
- Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết.
Người ấy nói, vẻ mặt rất buồn rầu.
Ta thương và hỏi rằng:
- Nhà ngươi có thật cho nghề bắt rắn là khổ không? Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tình thế nào?
- Người họ Tương vừa khóc, vừa nói:
Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn. Nếu tôi không làm nghề này, thì tôi khốn khổ đã lâu rồi. Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi ngày một quẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa mầu, vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người.
Những người vào chạc tuổi ông tôi mười nhà không còn một. Những người vào chạc tuổi cha tôi, mười nhà còn độ hai, ba. Những người vào chạc tổi tôi mười nhà còn độ bốn, năm. Không chết chóc thì lưu lạc cả... Tôi nhờ nghề bắt rắn mà còn đến bây giờ. Những quan lại tàn ác về làm thuế làng tôi, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hải hùng kinh sợ. Những lúc ấy, về phần tôi, tôi được yên lặng, trông trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ, không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là rắn độc mà xin thôi.
Ta nghe câu chuyện lại càng thương lắm. Xưa Đức Khổng nói: "Chính sách hà khác độc hơn hổ dữ" ta vẫn ngờ, bây giờ xem truyện họ Tương mới cho là thật. Than ôi, cái độc quan lại tàn ác làm thuế ở dân gian dữ hơn con rắn độc, cho nên nói ta đây để người tiện xem phong tục dân mà thâu được tình cảnh cho dân.
LIỄU TÔN NGUYÊN
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Vĩnh Châu; tên phủ, thuộc về tỉnh Hồ Nam ngày nay.
- Trúng phong: phải gió độc, ngất người đi.
- Hiến: dưng vật gì lên người trên.
- Sinh nhai:công việc làm ăn để nuôi thàân.
- Quẫn bách: túng bấn, cùng khổ khó chịu.
- Lưu lạc: trôi dạt, tàn rụng.
- Tàn ác: tàn nhẫn độc ác.
- Chính sách: cách thức cai trị.
- Hà khác: dữ ác cay nghiệt.
NHỜI BÀN[sửa]
Ta đọc bài này thật lấy làm ghê sợ. Cái chính sách hà khắc, người trên cầm quyền đã ác một phần, thì những kẻ dưới thừa hành ác tăng lên mười phần. Cái cảnh khổ của dân thường thường vẫn như thế. Liễu Tôn Nguyên có bụng ưa thời, đem chuyện thật viết ra bài này, là có ý mong cho người trên hiểu thấu cái tình của dân gian, cái tệ của quan lại mà phần thì đánh thuế dân cho vừa phải, phần thì tìm cách trừng trị những phường tham nhũng, ngõ hầu dân mới đỡ được khổ chăng.